Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/03/2022

Tại sao Việt Nam rất khó có thể chọn thế đứng trung lập

Song Chi

Thái độ của mỗi người trước một nhân vật, một biến cố lịch sử nói lên rất nhiều về bản thân người đó.

ngavaukraine1

Trong trường hợp Nga tấn công xâm lược Ukraine này cũng vậy. Có không ít người Việt Nam đã lên tiếng bênh vực Nga. Có vô số lý do khác nhau về điều này. Hoặc do tin theo lý lẽ của Putin trong việc "viết lại" lịch sử Ukraine, thổi phổng mối lo ngại NATO mở rộng sẽ đe dọa đến an ninh, hòa bình của nước Nga (trong khi tổ chức NATO được lập ra là để phòng thủ chứ không phải để tấn công, càng không ai dại dột gì đi tấn công một quốc gia có vũ khí hạt nhân như Nga) ; hoặc do từng đi học, từng làm việc ở Liên Xô trước kia hay nước Nga sau này nên có những tình cảm quyến luyến gắn bó v.v. Dù sai nhưng cũng có thể hiểu tại sao. Tuy nhiên, ủng hộ bất chấp đúng sai, thậm chí bôi nhọ đất nước Ukraine, ca ngợi Putin… như lập luận của đám dư luận viên ăn lương của Ban Tuyên giáo, của nhà cầm quyền Việt Nam thì chỉ nói lên cái sự hoàn toàn thiếu lương tri mà thôi.

Nhưng bài viết này chủ yếu không muốn đề cập nhiều đến quan điểm của người dân bình thường, mà thái độ của quan chức, của nhà cầm quyền Việt Nam.

Tương tự, thái độ của từng chính phủ các nước về cuộc chiến Ukraine cũng nói lên rất nhiều về bản chất của chính phủ, nhà cầm quyền đó.

Trước hết là quan điểm của một số quan chức cao cấp Việt Nam. Chẳng hạn, quan điểm của một số ông tướng, như Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị ; Thiếu tướng Lê Văn Cương (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Triết học, Thiếu tướng Công an, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an Việt Nam, một trong những nhà phân tích, nghiên cứu chiến lược quan hệ quốc tế !) ; Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Tiến sĩ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3… tất cả đều bênh vực Nga ra mặt.

Từ lập luận của Nga trong việc đưa quân sang tấn công Ukraine, việc đổ thừa cho Ukraine vì ngả sang phương Tây, đe dọa đến an ninh hòa bình của Nga nên Nga phải hành động, sỉ nhục Ukraine "Một chính quyền phụ thuộc ngoại bang thì tất yếu quân đội của nó dù có trang bị vũ khí hiện đại đến đâu cũng không có sức mạnh chiến đấu đủ sức đương đầu với Quân đội Nga hiện nay, sớm muộn Ukraine trước nguy cơ thất bại hoàn toàn sẽ phải đề nghị Nga ngừng bắn và chấp nhận những điều kiện của Nga như đã từng xảy ra ở Gruzia" (quan điểm của ông Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn trên facebook Việt Nam ! Tự hào sáng mãi tinh thần Việt).

Bằng cấp, học hàm học vị rổn rảng, nhưng nghe cách họ phân tích tình hình Ukraine, mối quan hệ giữa Nga-Ukraine… mà phát hãi. Trong bài viết "Tướng Cương : Nga sẽ không ‘sa lầy’ ở Ukraine" (báo Nghệ An) thì còn bộc lộ cách phán đoán tình hình rất sai của ông tướng này về tinh thần chiến đấu của người Ukraine, về nội lực kinh tế của Nga, phản ứng của Hoa Kỳ và phương Tây.

Chưa hết, trong một video lan truyền trên facebook trong đó ông tướng Lê Văn Cương cũng nói về cuộc chiển Ukraine. Ông Cương đã có một thứ ngôn ngữ không thể chấp nhận được khi nói về Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, nói về đất nước Ukraine. Ông Cương khẳng định hùng hồn : Tổng thống Zelenskyy có "3 trọng tội".

Ba trọng tội này, theo ông Cương, là :

‘Nó’ không hiểu lịch sử - lịch sử mách bảo Ukraine phải đứng trung gian giữa Đông và Tây, nghiêng về phương Tây, chống Nga là thất bại. Ngờ nghệch, ấu trĩ về chính trị quốc tế - "một ‘thằng hề 43 tuổi’ làm sao đấu với ông Putin KGB 70 tuổi được... ‘Hắn’ chờ đợi Hoa Kỳ, đâu đó ở Châu Âu xắn quần, xắn áo đổ vũ khí vào. ‘Hắn’ không hiểu một điều tối thiểu là lợi ích của Hoa Kỳ với Nga là 100 lần, còn lợi ích của Hoa Kỳ với Ukraine là 1. Những cường quốc hàng đầu như Anh, Đức, Pháp không bao giờ đấu với Nga để cứu một ‘con bệnh’, bản thân Ukraine là ‘con bệnh của Châu Âu’. Không có ‘thằng điên’ nào lại đấu với Nga để cứu ‘con bệnh’ cả... !

Một ông tướng khác, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thì có bài phát biểu mới đọc qua tưởng như tiến bộ hơn, trung dung hơn những ông kia nhưng thật ra vừa ba phải, vừa mập mờ kiểu không ai đúng không ai sai, không ai thắng không ai thua mà phải làm sao để tất cả cùng thắng. ("Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh : Xung đột Nga-Ukriane không bên nào thắng", Tuổi Trẻ). Chiến tranh chứ có phải làm ăn kinh doanh đâu mà có thể hai bên cùng thắng, nhất là hai bên lại có những cái nhìn về lịch sử, lập trường, thế giới quan, cách thức giải quyết sự việc khác hẳn nhau và một người như Putin thì không bao giờ từ bỏ mục tiêu của mình ?

Thái độ ỡm ờ đó hay lá phiếu trắng tại Phiên họp phiên khẩn đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm lên án Nga xâm lược Ukraine ngày 2/3 vừa qua, của nhà cầm quyền Việt Nam lại được rất nhiều người cho là khôn khéo, là hay. Ngay mấy ông tướng trên cũng đều tự cho chính sách "3 không", "4 không" của Việt Nam là đúng đắn, như quan điểm của ông Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguồn đã dẫn ở trên hay quan điểm của ông Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh :

"Thêm vào đó, khi sống cạnh nước lớn mà anh lại định đem sức mạnh quân sự để đối đầu với họ là hạ sách. Cũng cần góp ý với bạn về việc không nên nghiêng về bên nào.

Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bài học "3 không" trong chính sách quốc phòng, đó là không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước mình để chống lại nước thứ ba" (nguồn đã dẫn).

Những ai đang cố khen ngợi cái chính sách ngoại giao khôn lỏi với nước này mà hèn yếu với nước khác để được yên thân của nhà cầm quyền Việt Nam, có lẽ nên nhìn ra một thực tế như thế này :

Ngay cả những nước hoàn toàn trung lập như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Phần Lan, Nhật, Singapore... cũng đã thay đổi khi tiếp bước các nước, hoặc tham gia cấm vận Nga hoặc viện trợ, hỗ trợ cho Ukraine. Thụy Điển và Phần Lan đang cân nhắc việc gia nhập NATO, một điều mà người dân các nước này không muốn nghĩ đến trước đây, Ireland cũng có khả năng sẽ xem xét lại truyền thống trung lập quân sự của mình và có thể tham gia nhiều hơn vào chính sách quốc phòng chung của Liên Hiệp Châu Âu...

Trung lập không có nghĩa là bỏ qua mọi giá trị đạo đức, hay tiếng nói của lương tri.

Trung lập không có nghĩa là để cho an ninh chủ quyền của quốc gia có thể bị đe dọa, dù hôm nay hay ngày mai.

Mặt khác, nếu muốn trung lập, thì quốc gia đó phải có một mô hình thể chế tự do dân chủ hoặc ít nhất cũng không phải là độc tài, có những mối quan hệ tốt với các nước và được đánh giá là một quốc gia tử tế, luôn sẵn sàng đóng góp, chia sẻ trách nhiệm với thế giới trước những tai ương chung để khi có chuyện gì thì dù trung lập cũng có bạn bè sẵn lòng giúp đỡ ; đồng thời có một nền kinh tế vững mạnh để không phụ thuộc vào nước khác.

Còn nếu như Việt Nam, là một nước nghèo, kinh tế bị phụ thuộc nặng nề vào nước ngoài, mà nặng nề nhất là Trung Quốc, lại có mô hình thể chế chính trị độc tài toàn trị thì rất khó mà trung lập đúng nghĩa. Việt Nam sẽ không bao giờ dám làm mất lòng những nước mà nhà cầm quyền có mối quan hệ gắn bó. Nếu Nga làm bậy như chúng ta đang thấy với Ukraine, sự im lặng của Việt Nam chỉ có thể giải thích là không dám đứng về phía lẽ phải, phía lương tri. Còn trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam làm gì có thái độ trung lập, tự chủ, từ cấp lãnh đạo thì luôn luôn cúi đầu trước Trung Quốc, cho tới chính sách, chủ trương đối ngoại của Việt Nam cũng luôn luôn nhân nhượng, hèn yếu trước Trung Quốc, kể cả chịu thiệt về lãnh thổ lãnh hải để được yên thân. Nhà cầm quyền Việt Nam trong cái nhìn của thế giới là một nhà nước hoàn toàn không tử tế với chính người dân của mình và thế giới, như vậy có chuyện gì cũng khó mà có được sự hỗ trợ tích cực của nước khác.

Cho nên không có gì khôi hài hơn khi nhiều người ca tụng cái gọi là "trung lập, mềm dẻo, khôn ngoan" của Việt Nam trong vụ Ukraine cũng như trong chính sách ngoại giao nói chung. Chính sách 3 không rồi 4 không của Việt Nam thực tế đã dẫn đến hậu quả gì ?

Việt Nam đã mất bao nhiêu lãnh thổ, lãnh hải cho phía Trung Quốc thông qua các Hiệp ước, Hiệp định trên bộ, trên biển, Việt Nam đã để cho kinh tế bị lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, rất nhiều dự án kinh tế quan trọng của Việt Nam là giao cho nhà thầu Trung Quốc nhưng cuối cùng chất lượng thì tệ, thời gian thi công kéo dài, vốn đội lên gấp nhiều lần, bị lỗ nặng nề để lại những món nợ khủng cho đất nước, chưa kể những dự án gây hại cho môi trường như bauxite Tây Nguyên, nhiệt điện Ninh Thuận, Formosa Hà Tĩnh v.v… Nhà cầm quyền Việt Nam thì luôn luôn ngoan ngoãn không phản ứng trước mọi hành vi hung hăng bắt nạt của Trung Quốc trên biển Đông, mặc dù vậy nguy cơ mất thêm đảo, lãnh hải vẫn luôn lửng lơ trước mắt. 

Trong khi đó, người dân Ukraine hiện nay và Tổng thống cùa họ thì không hèn như vậy, họ muốn có một quốc gia độc lập, tự chủ, dân chủ, họ không muốn bị mất dần lãnh thổ hay bị Nga cầm đầu, họ khác với đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, nên đừng khuyên họ cư xử theo kiểu Việt Nam.

Điều cuối cùng, tại sao thế giới ủng hộ Ukraine : là vì họ đang đấu tranh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ quyền tự quyết, quyền của người dân được lựa chọn người lãnh đạo họ. Bằng lời nói và hành động bạo lực, Putin đã coi thường chủ quyền Ukraine. Đối với Putin, Ukraine chỉ là một quốc gia trên giấy tờ, thậm chí không có lý do để tồn tại. Tất cả những điều này là một sự nhạo báng đẫm máu đối với nền độc lập quốc gia của Ukraine và tất cả các quyền và tự do có được từ nền độc lập quốc gia.

Song Chi

Nguồn : RFA, 07/03/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 340 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)