Lư hương tượng đài Trần Hưng Đạo tái an vị chốn xưa
Phúc Tiến, Người Đô Thị online, 17/03/2022
Lời giới thiệu : Như Người Đô Thị đã thông tin, lư hương trước tượng đài Đức Thánh Trần trong công viên Mê Linh vốn dĩ là cấu kiện quen thuộc của công trình tượng đài anh hùng Trần Hưng Đạo suốt hơn 50 năm. Ngày 17/2/2019, lư hương đã bất ngờ bị di dời về Đền thờ Trần Hưng Đạo ở số 36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định (quận 1).
Từ ngày đó cho đến nay, Người Đô Thị đã liên tục có nhiều bài viết đề nghị đặt lại lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở công viên Mê Linh.
Thông qua Người Đô Thị, nhiều chuyên gia văn hóa, di sản, đại biểu Quốc hội, nguyên lãnh đạo cơ quan nhà nước cũng đã bày tỏ ý kiến cần tái an vị lư hương về vị trí ban đầu :
"Cái gì dân ta đã chọn, đã làm, đã có trải nghiệm thử thách thì nên tôn trọng và phát huy. Nhà nước không nên can thiệp thay đổi hay tước bỏ những tập quán tốt đẹp mà chỉ nên làm cho tốt hơn, đẹp hơn. Câu chuyện liên quan đến chiếc lư hương gắn với Tượng Đức Trần Hưng Đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng nên như vậy và càng nên như vậy", sử gia Dương Trung Quốc đã viết trong bài báo ngày 28/10 trên Người Đô Thị.
------------------------
Dâng hương Đức Thánh Trần tại Lễ khánh thành công viên Mê Linh và công viên bến Bạch Đằng sáng ngày 17/3. Ảnh : CTV
Gần sáu tháng sau bao kiến nghị, tranh luận và rồi quyết định sửa chữa thi công, đúng 23g30 đêm rằm tháng hai Nhâm Dần (16/3/2022), lư hương của tượng đài Trần Hưng Đạo đã được tái an vị tại chốn xưa. Tượng đài và công viên Mê Linh cũng đã sửa chữa và tôn tạo xong, kịp khánh thành vào sáng nay 17/3.
Tối 16/3, có mặt tại Đền thờ Trần Hưng Đạo trên đường Võ Thị Sáu (quận 1) trước lúc lư hương được di chuyển, chúng tôi chứng kiến hình ảnh những người công nhân đầm đìa mồ hôi thành kính làm công việc thiêng liêng này.
Từ 21g, chiếc lư hương bề thế, đúng ra phải gọi là "chiếc đỉnh", được các anh lau dọn tỉ mỉ, thay cát trắng mới từ miền Trung đưa vào.
Càng nhìn gần, chúng tôi nhận ra chiếc lư hương 55 tuổi được đúc rất tinh xảo, hình rồng chạm trổ hai bên quai và chân lư hương có đường nét uy nghi, dũng mãnh. Chiếc lư hương xứng đáng được coi là Cổ vật và Tín vật lưu truyền nhiều thế hệ, ký thác không chỉ sự ngưỡng mộ với Đức Thánh Trần mà còn thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, suy tôn anh hùng chống ngoại xâm!
Đúng 22g15, trước lư hương trên sân đền đã có một lễ cúng trang trọng với đầy đủ mâm đèn, trái cây, hoa cúc và các lễ vật để kính báo Đức Thánh Trần và tổ tiên việc di dời thiêng liêng này. Sau đấy, cả chiếc lư hương cùng với lượng cát trắng được đổ vào, nặng hơn 2000 kg, được cần cẩu cẩn thận bốc dần lên xe tải.
Lúc 22g30 xe lăn bánh rời đền ra công viên Mê Linh trong niềm hân hoan, như có tiếng thở phào, trút được nỗi lo nặng trĩu ba năm qua.
Sau lễ cúng trang trọng, lư hương được di chuyển từ Đền thờ Trần Hưng Đạo ra công viên Mê Linh. Ảnh : Phúc Tiến
Lúc 23g, xe đưa lư hương đến chân tượng đài Trần Hưng Đạo. Khoảng 30 phút, rất cực nhọc và cẩn trọng, các công nhân đã đặt lư hương vào đúng vị trí chiếc bệ đá hoa cương mới xây vững chắc. Từ lư hương, ngước nhìn lên, chúng tôi thấy tượng Đức Thánh Trần oai vệ dưới ánh trăng rằm đầy vẻ trầm mặc. Hẳn Ngài với lòng bao dung, thương nước thương dân, đã tiếp nhận hành động kính lễ, sửa lỗi với tiền nhân.
Trước bàn cúng lễ tái an vị, các nhà sư đến từ Bến Tre tiến hành các nghi thức tụng niệm, kính cáo với Đức Thánh Trần. Những người tham dự từ lãnh đạo thành phố đến nhà thầu và các công nhân xây dựng lần lượt thắp nhang cắm vào lư hương và nguyện cầu cho Quốc thái Dân an.
Lư hương được tái an vị trước tượng đài Trần Hưng Đạo tại công viên Mê Linh sáng ngày 173/.2022. Ảnh : Trung Dũng
Cuối buổi lễ, tôi nhớ mãi hình ảnh nhà sư già và lời giảng giải ôn tồn nói về ý nghĩa thờ cúng anh hùng. Kể cả hình thức và tác động tâm linh của một nén hương. Ông nói Thành phố Hồ Chí Minh mới xây dựng hơn 300 năm nhưng đất nước Việt Nam đã có hơn mấy ngàn năm. Chính tổ tiên ta đã hy sinh bao xương máu chống xâm lược bao phen, gìn giữ đất nước này cho con cháu.
Nhà sư nói nhờ có Đức Thánh Trần mà quân Nguyên Mông bị đánh đuổi, những cuộc xâm lược hung hãn nào sau đó cũng bị dân ta đánh bại. Do vậy, càng nhớ ơn Ngài, càng phải thành kính không chỉ trong thờ cúng mà còn trong từng hành xử hàng ngày. Nhà sư dặn dò ngay cả người làm công việc xã hội cũng phải thể hiện ngay thẳng qua chính bộ y phục của mình.
Buổi tái an vị lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo vừa được tu sửa khang trang, diễn ra đơn giản nhưng vẫn đầy kính lễ. Có mặt ngay tại đền thờ và tượng đài tối 16/3, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói với người viết, thành phố sẽ chú ý nhiều hơn các công tác văn hóa lịch sử, bên cạnh các hoạt động kinh tế.
Quả thật, việc cần làm đã làm, các bậc tiền nhân và Đức Thánh Trần đã và sẽ tiếp sức phù trợ cho người dân trong cuộc sống bươn chải vì những mục tiêu nhân văn và nhân ái.
Phúc Tiến
Nguồn : Người Đô Thị online, 17/03/2022
*******************
Hai bài thơ về Lư hương Trần Hưng Đạo
Trần Quốc Việt, 16/03/2022
Không có tương lai
Trong oan quốc này
Dân mất ruộng đất
Thánh mất lư hương
Người mất liêm sỉ
Kẻ mất lương tâm
Tất cả đều mất
Ngoại trừ tương lai
Có đâu mà mất
Vì người nay hèn
Giá áo túi cơm
Sống đời thực vật
Người sau phải chịu
Tủi nhục vô cùng
Trong cảnh vong quốc
Khóc than vô tận
Dưới bóng roi vọt
Của bọn Tàu khựa
Nghĩ gần thấy nhục
Nghĩ xa giật mình
Một đời an thân
Muôn đời phải trả !
Khô trong tim người ?
Cây hương yêu nước
Biết cắm vào đâu
Lư hương không còn
Lòng người tro lạnh
Dòng người qua lại
Dưới tượng Thánh Trần
Nghe chăng hai tiếng
" Sát thát" "Sát thát"
Vang động sơn hà
Thấy chăng lửa cháy
Từ bao chiến thuyền
Trên dòng sông xưa
Không nghe không thấy
Thử hỏi lòng mình
Ta là người Việt ?
Dòng máu lịch sử
Khô trong tim người ?
Trần Quốc Việt
16/03/2022