Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/03/2022

Tại sao nhà độc tài sợ nhà văn ?

Viết từ Sài Gòn

Với kẻ độc tài, trong mắt họ, nhà văn, hoặc là phải cúi đầu cung phụng họ, hoặc là kẻ thù, không hơn không kém. Và nhà độc tài luôn sợ nhà văn, vì sợ nên họ bằng cách này hay cách khác biến nhà văn thành thứ tôi đòi, hoặc giả một thứ tù nhân, và nếu không làm được như vậy, đương nhiên chỉ còn một cách khác, làm cho nhà văn đó thất sắc.

doctai1

Sắc ở đây chính là khí tiết, sức mạnh chữ nghĩa, khí phách cũng như lòng quyết tâm phát biểu cho đồng loại

Vì sao nhà độc tài luôn sợ nhà văn ? Vì căn bản, giữa hai nhà này chẳng bao giờ có tiếng nói chung. Nhà độc tài bằng cách này hay cách khác biến nhân dân thành bầy cừu trong chiếc sào quyền lực của họ, còn nhà văn thực thụ sẽ là người đầu tiên và cũng là cuối cùng cất lên tiếng kêu đau, người ghi chép nỗi thống khổ của con người. Vì vậy, hai nhà này chẳng thể đội trời chung. Hoặc là nhà văn thất sắc, hoặc là nhà độc tài phải biến đi. Chính vì vậy, nhà độc tài luôn biết tận dụng quyền lực để loại nhà văn.

Trường hợp dễ dãi, nhà độc tài sẽ dùng tiền bạc, miếng ăn và cả những đe nẹt cần thiết để đưa nhà văn vào guồng máy phục vụ cho họ. Trong một số trường hợp khác, nhà độc tài biến đàn em của họ thành những nhà văn, nhà lãnh đạo văn hóa và cả lãnh đạo tinh thần, điều khiển khối nhà văn chịu cung phụng, và thành thần sát của nhà văn chưa chịu cung phụng.

Trong trường hợp các nhà văn không chịu làm tôi đòi cho nhà độc tài thông qua hình thức hội, đoàn nhà nước và cũng chưa đến nỗi gây nguy hiểm cho họ trên phương diện tác phẩm, thì nhà độc tài sẽ dùng đòn đe nẹt, thậm chí bạo lực để tạo ra áp lực ngòi bút, khiến cho nhà văn trở nên lo lắng, sợ hãi. Trường hợp hãn hữu, nhà văn bị đối xử thô bạo mà vẫn cương quyết không chấp nhận làm tôi đòi cho nhà độc tài, thì lúc đó, nhà văn phải thất sắc trong xã hội.

Thế nào là thất sắc ? Trường hợp gần đây nhất, nổi cộm nhất là nhà thơ Thái Hạo đã bị an ninh Thanh Hóa kết hợp với cảnh sát giao thông chặn đường ra sân bay để nhận giải Khôi nguyên Văn Việt cũng như một số kẻ mặc thường phục gây hấn rồi chặn đánh đến sưng mặt nhằm mục đích làm cho thất sắc.

Sắc ở đây chính là khí tiết, sức mạnh chữ nghĩa, khí phách cũng như lòng quyết tâm phát biểu cho đồng loại, bảo vệ cái yếu, nói lên tiếng nói đau khổ của con người dưới bầu trời độc tài nhớp nháp và ngộp thở. Rất may, cho đến thời điểm này, kế hoạch làm thất sắc nhà văn của nhà độc tài chưa thành công, thậm chí phá sản, Thái Hạo và nhiều nhà văn, nhà thơ từng bị an ninh quấy rầy vẫn điềm tĩnh và tiếp tục theo đuổi giọng viết của mình. Nói khác đi, cách làm thất sắc nhà văn là một kiểu làm cho nhà văn bị lạc giọng, đánh mất giọng nói, giọng văn của mình.

Nhưng tại sao những nhà văn không hề cất lên tiếng nói chống chính quyền, phản đối nhà cầm quyền giống như các nhà đấu tranh dân chủ mà vẫn bị kèm cặp và đối xử tệ mạt hơn nhà dân chủ ? Bởi vì khác với nhà dân chủ luôn nêu thẳng vấn đề, luôn đánh vào các khối ung nhọt của xã hội, của chế độ cũng như việc họ nêu bật mọi tiêu cực của chế độ chính trị… thì nhà văn không bao giờ đặt thẳng vấn đề, không bao giờ đánh thẳng vào lý trí của độc giả mà họ đi sâu vào các ngóc ngách tâm hồn độc giả, dân tộc, con người, điều này tạo ra dòng chảy ngầm trong hiệu ứng phản tĩnh xã hội. Và nó mãi mãi không lộ rõ chân tướng một cách trần trụi nhưng lại có sức công phá vô cùng lớn đối với nhận thức con người. Con người biết nhận thức và biết đau khổ trước thực tại, đó là tiền đề cách mạng lớn nhất.

Chính vì sợ cái tiền đề cách mạng vô cùng lớn nhưng lại không hiện rõ mọi thứ từ chốn văn chương, từ những dòng chữ tạo ra mạch ngầm của nhà văn mà hầu hết những nhà văn không tham gia hội đoàn nhà nước đều bị sách nhiễu, gây khó dễ, gây tổn thương và thậm chí bị ám toán một cách không đâu vào đâu (kỳ thực thì mọi thứ đều có mục đích và lập trình cụ thể chứ không phải bâng quơ).

Văn Đoàn Độc Lập do nhà văn Nguyên Ngọc và các vị trí thức, văn nghệ sĩ khác có người từng là hội viên hội nhà văn Việt Nam đã từ bỏ hội để thành lập nên đã nhanh chóng thành cái gai trong mắt của nhà độc tài. Một mặt nhà độc tài tỏ ra không quan tâm gì đến Văn Đoàn Độc Lập nhưng mặt khác lại sách nhiễu, gây khó khăn và cản trở các buổi trao giải của văn đoàn này. Càng về sau, mức độ sách nhiễu dần đẩy đến chỗ từ ngăn cản sang ngăn cản thô bạo, từ im lặng quan sát đến ra tay thẳng thừng, từ theo dõi sang chỗ thẳng mặt ăn thua với nhà văn… Điều này như một thông điệp về sự cấm đoán và làm thất sắc tập thể.

Giả sử đặt câu hỏi về một tác phẩm nhạy cảm, có tính báng bổ chính quyền ở trang Văn Việt, trang chính thức của Văn Đoàn Độc Lập, thì e rằng rất khó và không thể tìm thấy tác phẩm nào như thế. Hầu hết những câu chuyện, những bài thơ, những truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình nghệ thuật… Đều không có dấu hiệu này. Nhưng nó lại chạm vào sâu thẳm đời sống và từ mảnh đất hoang vu của đời sống, những cái cây nhân ái, những hạt mầm phản tư, những khu vườn nhân văn dần định hình. Một khi các khu vườn nhân văn hiện rõ ở bất kì nơi đâu thì nơi ấy, tính khô cằn và khốc liệt của độc tài – vâng phục, của bạo lực – yêu thương, của giảo ngôn – chân lý… sẽ bị/được con người quan tâm, và còn gì đáng sợ hơn cho kẻ bưng bít, giảo hoạt so với điều này ?!

Chính vì điều này mà hầu hết các câu hỏi của người trong cuộc cũng như người quan sát rằng tại sao Văn Đoàn Độc Lập chẳng có động thái chính trị nào ghê gớm, chẳng có hành vi phản đối nhà độc tài nào rõ nét và hầu hết các tác phẩm của Văn Việt đều thuần nghệ thuật (có thể) vị nhân sinh, thậm chí vị nghệ thuật mà càng ngày lại càng bị soi mói, gây khó dễ, mức độ năm sau mạnh tay hơn năm trước. Điều này tưởng khó hiểu như lại rất dễ hểu, bởi khác với trước đây mười năm, hai mươi năm, khi mà nhận thức chính trị nói riêng và xã hội nói chung của con người còn thô sơ, nhà cầm quyền luôn sợ các nhà hoạt động dân chủ, thậm chí họ sợ cả những người tuy là nhà hoạt động nhưng kỳ thực họ thiên về chửi bới, nguyền rủa chế độ. Còn bây giờ, những nhà ấy không còn là mối bận tâm lớn của nhà độc tài.

Bởi khi nhận thức xã hội cao hơn, các tương tác của thế giới phẵng ngày càng dày đặc, thì điều đáng sợ của kẻ cầm quyền chính là sự thức tỉnh của lương tri dân tộc. Và văn chương, dù muốn hay không muốn thì chức năng/sứ mệnh thức tỉnh lương tri dân tộc vẫn chiếm vị trí mạnh nhất và quan trọng nhất. Và hơn bao giờ hết, nhà độc tài phải bằng mọi giá làm cho các nhà văn tự do, những con người dám nói lên sự thật xã hội, cuộc đời… phải thất sắc. Việc làm cho nhà văn thất sắc là nhu cầu cấp bách của nhà độc tài trong lúc này. Bởi vậy đừng hỏi vì sao càng về sau, sự đàn áp, bạo lực đối với tác giả, thành viên Văn Đoàn Độc Lập lớn hơn năm trước và ngày càng trở nên thô bạo, trơ trẽn ngày dần lộ mặt.

Bởi giữa nhà văn thực thụ với nhà độc tài không có bầu trời chung, chắc chắn là vậy !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 14/03/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn
Read 276 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)