Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/03/2022

Vấn nạn tham nhũng chính sách tại Việt Nam

RFA tiếng Việt

Dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật dự kiến sẽ được hoàn thiện vào tháng 9 năm nay và trình Quốc hội vào tháng 10. Quốc hội báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về dự thảo quy định trong tháng 12 năm 2022. Tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật là một dạng tham nhũng chính sách, được nói đến nhiều những năm qua.

thamnhung1

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng họp báo - AFP

Nhà báo Thái Văn Đường nhận định về tham nhũng chính sách ở Việt Nam hiện nay :

"Tham nhũng chính sách thì hiện nay nó có hai dạng. Thứ nhất là do sự tham vấn của doanh nghiệp, của nhóm lợi ích, nghĩa là doanh nghiệp sân sau của quan chức sẽ tham vấn cho chính trị gia, nghĩa là tham vấn cho quan chức có tính chất quyết sách tạo ra các kẽ hở của luật ; tạo ra một chính sách cố tình sai luật có lợi cho họ. Thứ hai là người ta lợi dụng chính sách đó để tham nhũng.

Nó khác nhau hoàn toàn đấy. Một anh lợi dụng quyền lực để tạo ra một chính sách sai ; một anh lợi dụng chính sách, lợi dụng luật để tham nhũng".

Tham nhũng chính sách xảy ra trong rất nhiều lĩnh vực. Từ đất đai, xây dựng cho đến từ thiện thông qua cơ chế luật pháp "lỏng lẻo một cách có chủ ý" nên rất khó có thể buộc tội, khó có thể nói đó là hành vi xấu hay đấy là hành vi tham nhũng.

Anh Quang, một kỹ sư xây dựng khu vực miền Trung nêu quan điểm của anh về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng :

"Tham nhũng không những không bớt mà còn diễn ra một cách tinh vi hơn trước, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Tinh vi hơn là bởi người ta đã thấy được những lỗ hổng trong cơ chế, trong luật pháp đối với lĩnh vực xây dựng. Trong luật xây dựng người ta cũng đã điều chỉnh, bổ sung một số điều luật nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng tham nhũng trong xây dựng. Tuy nhiên, khi người ta càng đưa ra những cơ chế, chính sách, điều luật trong luật xây dựng và một số nghị định liên quan, ví dụ như Quy chế quản lý đầu tư xây dựng hay Quy hoạch xây dựng…thì thành phần tham nhũng đã có cách đối phó trong đó".

Theo nhận định một số chuyên gia về kinh tế, tham nhũng chính sách xảy ra ở hầu hết các nước có nền kinh tế chuyển đổi, tức là chuyển từ cơ chế Nhà nước chỉ huy tập trung - tức cơ chế bao cấp - sang cơ chế thị trường. Bởi vì trong cơ chế bao cấp thì hầu hết tất cả tài sản từ đất đai, núi rừng đến biển… đều là tài sản của Nhà nước và mọi người chỉ có quyền sử dụng.

Bây giờ chuyển sang cơ chế thị trường thì buộc phải chấp nhận một nền kinh tế có nhiều thành phần kinh tế, tức có thành phần kinh tế tư nhân. Chính quá trình chuyển đổi đó làm nảy sinh tham nhũng chính sách làm cơ sở để chuyển của công thành của tư.

Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với RFA :

"Tôi có thể nói, tham nhũng chính sách là đặc trưng của tất cả các nước có nền kinh tế chuyển đổi, khi Nhà nước không nhìn trước được việc công chuyển thành tư để có những giải pháp ngăn chặn. Nó đã trở thành quy luật có nghĩa anh đã nhìn trước được nhưng anh không làm, bởi khi anh chuyển cho tư thì anh cũng được một phần nào đó thông qua cơ chế luật. Luật do anh soạn thảo, đưa ra và tìm cách "vận động" các thứ để thông qua tại Quốc hội.

Không phải lợi nhuận từ công chuyển sang tư mà các doanh nghiệp đầu tư tư nhân được hưởng hết đâu mà nó chia sẻ trong một nhóm lợi ích, trong đó có các nhà quản lý".

Từ nhiều năm qua, cụm từ "nhóm lợi ích" được dư luận xã hội đề cập một cách chính thức. Nhóm lợi ích thường được hiểu là mối quan hệ cấu kết giữa hai thành phần tư sản tư nhân và quan chức cấp cao của Nhà nước. Các nhóm lợi ích tuy phải tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất và kinh doanh, nhưng lại được hưởng lợi khá lớn từ hệ thống chính sách ưu đãi của Nhà nước. 

thamnhung2

Khu đất thuộc Triển lãm Giảng Võ của Nhà nước ở Hà Nội chuẩn bị được xây lại thành một trung tâm thương mại và nhà ở. AFP

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ từng phát biểu rằng không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cài cắm vào quá trình xây dựng luật.

Câu chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam là chuyện "khổ lắm biết rồi nói mãi" nhưng cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết được. Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào đầu năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại chỉ đạo, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế để ‘không thể tham nhũng’. Ông Trọng cho rằng phải hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng ; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập ; khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý đất đai, tài sản công, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai...

Với Giáo sư Đặng Hùng Võ, đây là điều cực kỳ khó bởi yếu tố chính vẫn là con người. Ông nói với RFA sáng 16 tháng 3 :

"Nó không phải là chuyện người ta không biết. Biết nhưng vẫn làm thì nó lại là câu chuyện khác. Câu chuyện nó nằm ở chỗ sự cám dỗ của đồng tiền, sự cám dỗ của lợi ích. Nó làm cho con người không còn nghĩ tới lợi ích chung của đất nước.

Khi chúng ta chuyển đổi nền kinh tế thì chúng ta rất cần một lực lượng quản lý có chất lượng cao về mặt đạo đức và có chất lượng cao về mặt chuyên môn. Đó là điều cực kỳ khó. Thà rằng một anh có năng lực làm ra 10 mà tham nhũng một để bù lại mức lương không xứng đáng còn hơn một anh không làm ra được đồng nào và không tham nhũng đồng nào".

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong năm 2021, Việt Nam đã khởi tố, điều tra 390 vụ án với hơn một ngàn bị can về tham nhũng. Theo nhận định của những người quan tâm đến thời cuộc thì vấn đề tham nhũng ở Việt Nam là do thể chế toàn trị cộng sản, tức độc quyền đảng trị. Nếu không cải cách thể chế bằng việc bỏ hình thức độc quyền đảng trị, thì không thể nào tìm được người tài giỏi thật sự để làm lãnh đạo và quản trị đất nước, và không thể xóa tham nhũng.

Nguồn : RFA, 16/03/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 276 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)