Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/04/2022

Putin bị ám ảnh về vị trí lịch sử của mình

Simon Sebag Montefiore, Dominik Kalus

"Putin, một cựu nhân viên KGB, vừa là người thừa kế, vừa là người tạo ra các cấu trúc thời Stalin", theo lời Simon Sebag Montefiore, nhà sử học kiêm chuyên gia về Stalin.

Putin ngồi trong Điện Kremlin, ở văn phòng nơi Stalin từng cai trị. Chỉ trong vài tuần, ông ta đã biến nước Nga chuyên chế thành một quốc gia toàn trị. Nhà sử học Montefiore giải thích về những phương pháp của chủ nghĩa Stalin mà Putin đang sử dụng. Kết cục của ông ta có thể sẽ như thế nào ?

sugia01

Nhà sử học kiêm chuyên gia về Stalin, Simon Sebag Montefiore

Hỏi : Thưa ông Montefiore, chúng tôi muốn nói về sự tương đồng giữa Vladimir Putin và Stalin. Khi còn trẻ, Vladimir Putin từng là một anh chàng sống lang thang trên đường phố, thích gây gổ đánh nhau ; Stalin là một kẻ sống ngoài vòng pháp luật, trước cách mạng Nga từng tham gia các vụ cướp bóc vì những người Bolshevik. Liệu có những điểm tương đồng trong cuộc sống của hai con người này ngay từ lúc thiếu thời không ?

Đáp : Tôi chỉ nghĩ theo nghĩa là cả hai đều không có một cuộc sống dễ dàng khi còn trẻ. Còn ngoài ra thì khó có thể so sánh những năm đầu đời của hai con người này : Stalin lớn lên ở Gruzia dưới thời Nga hoàng, một môi trường rất khác với Liên bang Xô-viết đang bắt đầu suy vong, khi Putin bắt đầu sự nghiệp của mình. Cả hai đã đi những con đường rất khác nhau trong cuộc đời họ. Putin gia nhập KGB, một bộ máy quan liêu khổng lồ. Stalin là một nhà cách mạng hơn mười năm, lăn lộn khắp nơi, thay tên đổi họ liên tục. Tôi nghĩ đây là những năm định hình cuộc đời rất khác nhau. Hai người cũng khác nhau về tư tưởng : lúc đầu Stalin được đào tạo làm linh mục, sau đó ông tin tưởng vững chắc vào chủ nghĩa Mác ; đã thấy mình phải dấn thân vào nhiệm vụ quốc tế. Putin học luật và sau đó trở thành một người Nga theo chủ nghĩa dân tộc sau khi nắm quyền.

Hỏi : Giữa hai con người này có những điểm chung nào, nhất là trong giai đoạn cầm quyền của họ ?

Đáp : Trước hết, Putin ngồi ở Điện Kremlin trong cùng văn phòng với Stalin, được bao quanh bởi phần lớn bộ sưu tập sách của ông ta, và về cơ bản là cai trị cùng một quốc gia. Nhưng điều quan trọng hơn là Putin là một chekist, tức một mật vụ. Ở phương Tây, chúng ta lãng mạn hóa điều đó một chút và gọi Putin là "điệp viên", nhưng có một sự khác biệt. Người Nga biết chính xác thế nào là chekist. Những năm hoạt động bí mật của Stalin đã biến ông ta thành một kẻ chuyên thực hiện các hoạt động ngầm, thủ đoạn và ám sát. Ông đã tiếp nhận các phương pháp của cảnh sát Nga hoàng và mở rộng chúng, tạo ra một hệ thống đàn áp lớn. Còn người đàn ông KGB Putin vừa là người thừa kế, vừa là người tạo ra các cấu trúc thời Stalin. Điều mà nhiều người ở nước ngoài không hiểu là nhà nước Stalin chưa bao giờ bị giải thể ở Nga. Ở phương Tây, chúng ta luôn tưởng rằng Liên Xô đột ngột biến mất trong chớp mắt năm 1991, giống như Đức Quốc xã năm 1945. Nhưng ở Nga, các cơ cấu đàn áp vẫn tiếp tục tồn tại. Và cũng giống như Stalin khi ông ấy gặp áp lực, Putin hiện cũng đang tiếp cận cơ cấu đàn áp đó. Trong vòng ba tuần lễ, Nga đã từ một nhà nước chuyên chế trở thành một nhà nước toàn trị. Và có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng nó sẽ sớm trở thành một nhà nước theo chủ nghĩa Stalin. Có thông tin từ các thành phố bị chiếm đóng của Ukraine rằng người dân tại đây đang bị chuyển đi nơi khác. Rất có thể người Nga sẽ định cư ở đó. Đây là một biện pháp kinh điển của Stalin. Người Nga cũng được cho là đã triển khai "các tiểu đoàn phong tỏa" ở tuyến sau hàng ngũ của chính họ để ngăn chặn các binh sĩ Nga rút lui ; đây cũng chính là một phương pháp được Stalin sử dụng trong Thế chiến thứ hai.

Hỏi : Stalin là một trong những tên giết người hàng loạt lớn nhất trong lịch sử, hàng triệu người đã bị ông ta hãm hại. Phải chăng lúc này cần xem xét lại lịch sử để làm thử một phép so sánh ? Cho đến nay ở Nga không có các vụ xử tử hàng loạt nào và không có hệ thống gulag như thời Stalin, trong đó ít nhất 18 triệu người đã bị tù đày.

Đáp : Phải, đúng vậy, vẫn còn một chặng đường dài để đi đến mức đó. Nhưng Putin đã thực hiện những bước đầu tiên theo hướng này. Ông ta đe dọa ngay cả người của mình khi sử dụng những từ như "khốn nạn", "cặn bã" hoặc "thanh lọc" xã hội, tất cả những từ đó xuất phát từ thời kỳ đại khủng bố của Stalin vào những năm 1930. Người Nga hiểu rất rõ ý nghĩa các từ đó.

Hỏi : Có nhiều lời đồn đoán về sức khỏe tinh thần của Putin. Ông ta bị mất trí chăng ?

Đáp : Tôi không thấy lập luận về sự điên rồ này của Putin có ích. Bất cứ ai khi đã cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho quyền lực đều có thể bị coi là khác thường. Chính Stalin đã từng nói tất cả các chính trị gia đều không bình thường, và họ phải là người như thế nào sau 20 năm độc tài ? Nếu không có sự cảnh giác cao độ và kỹ năng chính trị, không ai có thể nắm quyền lâu dài trong Điện Kremlin. Hơn nữa Putin rất bị cô lập, với cả những người xung quanh lẫn những lời khuyên tốt đẹp. Người nào nắm quyền càng lâu, người đó càng ít sẵn lòng lắng nghe bạn bè và đồng nghiệp cũ, và người đó càng bị tách biệt khỏi các thông tin chính xác và các lời khuyên đúng đắn. Stalin cũng từng rơi vào tình trạng đó, đến một lúc nào đó bao quanh ông ta chỉ là một lũ nịnh thần, luồn cúi, luôn chỉ biết một mực vâng lời. Vả lại Putin đã bị mê muội vì những thắng lợi quá dễ dàng ở miền đông Ukraine và Crimea, cũng như trước đó ở Syria và Grozny, nơi về cơ bản ông ta chỉ cần ném bom vào dân thường. Cho đến nay, Putin chưa phải đối mặt với đối thủ thực sự, và điều đó khiến ông ta ảo tưởng mình sẽ thành công trong mọi việc. Một số người gọi đó là sự điên rồ, còn tôi lại coi đây là một tư duy hạn hẹp cực độ. Putin là người có lý trí nhưng chỉ trong thế giới của ông ta.

Hỏi : Nhưng người ta có thể nói rằng đối với Putin cũng như Stalin, mạng người hoàn toàn không có giá trị.

Đáp : Stalin không đơn giản chỉ là một tên giết người hàng loạt, ông ta còn tin vào việc giết người hàng loạt. Đối với ông ta, đó là cách nhanh nhất để đạt được mục tiêu của mình, ông ta không giấu giếm điều đó. Đáng buồn thay, nước Nga có xu hướng, gần như một thói quen, bị cai trị bởi những kẻ độc tài, những người không quan tâm đến mạng sống của người dân. Điều này có thể có chút liên quan gì đó đến lịch sử nước Nga, đến di sản Mông Cổ và Byzantine, với trải nghiệm về các nạn đói và chiến tranh liên miên trong nhiều thế kỷ, và với quy mô của một đế chế. Quân đội Nga hoàng chủ yếu là nông dân mà mạng sống của họ chẳng đáng là bao. Và Liên Xô, dưới ánh sáng ban ngày, thực sự là một ổ nô lệ khổng lồ. Hàng chục triệu người đã phải lao động cực khổ trong những điều kiện vô nhân đạo trong 30 đến 40 năm trời dưới thời Lenin và Stalin. Người ta cũng thờ ơ, coi thường ngay cả với những người lính của mình : trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, các bãi mìn đã được dọn sạch bằng cách lùa quân lính băng qua.

sugia1

Stalin và Putin - Tranh biếm họa

Hỏi : Tuy nhiên, cái tên Stalin ở Nga không khơi dậy nỗi sợ hãi, mà ngược lại. Vì các tội ác hầu như không được điều tra, theo các cuộc thăm dò ý kiến thì hơn một nửa dân số Nga vẫn ngưỡng mộ ông ta.

Đáp : Stalin đã làm được rất nhiều điều, nhiều hơn những gì Putin sẽ đạt được. Ông ấy đã công nghiệp hóa nước Nga. Ông ấy đã giành được chiến thắng trong Thế chiến thứ hai. Ông ấy đã chiếm Berlin và tạo ra một đế chế Đông Âu, điều mà các Sa hoàng cũng chỉ có thể mơ ước. Và ông đã biến nước Nga thành một siêu cường mới nguy hiểm chết người. Cái giá phải trả là sự vô nhân đạo nhưng Stalin đã mang lại vinh quang cho nước Nga và Liên Xô. Đây là một đặc điểm hấp dẫn đối với một số người Nga, đặc biệt là những người lớn tuổi. Còn những người có giáo dục thì nhận thức được rằng điều này đã đạt được với một cái giá hoàn toàn không thể chấp nhận nổi.

Hỏi : Trong các bài phát biểu của mình, Putin nhiều lần đề cập đến lịch sử nước Nga. Điều gì thôi thúc đẩy ông ấy làm việc đó ?

Đáp : Năm nay Putin sẽ bước sang tuổi 70. Tôi nghĩ ông ta sống cho hiện tại ít hơn cho lịch sử. Ông ấy bị ám ảnh bởi vị trí mà ông ta sẽ đảm nhận trong lịch sử. Và Putin bị mê hoặc bởi một đế quốc Nga của thế kỷ 18 và 19. Tôi biết ông ta đã đọc cuốn sách của tôi về Catherine Đại đế và Grigory Potemkin. Hồi năm 2000, những người thân cận với vị tổng thống mới Putin lúc bấy giờ đã tiếp cận tôi và đặt nhiều câu hỏi về cách Nga chinh phục Crimea và các phần của Ukraine vào cuối thế kỷ 18. Tôi lấy làm lạ là họ không có sử gia riêng về chủ đề này, nhưng không ai ở Liên Xô quan tâm đến điều đó. Kỷ nguyên này liên quan rất nhiều đến những gì đang xảy ra ngày nay. Mới đây, Putin đã dẫn lời Bá tước Suvorov và Đô đốc Ushakov, cả hai đều là những viên chỉ huy cao cấp dưới thời Catherine Đại đế và Potemkin. Tôi tin rằng Putin muốn thành lập một nước cộng hòa Nga mới trên Biển Đen, trên vùng đất nằm giữa Mariupol và Odessa.

Hỏi : Stalin mãi đến khi qua đời mới trao lại quyền hành của mình. Kết cục của Putin sẽ diễn ra như thế nào ?

Đáp : Cái đó không ai biết. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Stalin có uy tín rất lớn đối với những người xung quanh, hầu như không hề có âm mưu lật đổ ông ta. Với Putin, tôi e rằng nguy cơ này lớn hơn nhiều. Nếu xảy ra thất bại về quân sự, hoặc sự suy sụp về kinh tế, các cơ quan an ninh có thể quay lưng lại với ông ta. Sa hoàng Nicholas II bị lật đổ bởi các tướng lĩnh của chính mình ; Khrushchev bị loại bỏ vì gây nên cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, vốn đe dọa sự tồn tại của Liên Xô và có lẽ là cả thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên tự huyễn hoặc mình. Trong lịch sử nước Nga, chuyện như vậy cực kỳ hiếm khi xảy ra. Những nhân vật xung quanh Putin đều đã trở nên trọng yếu bởi được chính Putin cất nhắc ; quay lưng lại với ân nhân của mình, người đã nắm quyền 22 năm, sẽ là một cuộc đấu tranh gay gắt với bản thân mình, và khá khó để thực hiện được. Nhưng tôi không nói điều đó là không thể. Nó có thể xảy ra, đó sẽ là một kịch bản tốt nhất có thể.

Dominik Kalus thực hiện

Nguyên tác : "Putin ist besessen von dem Platz, den er in der Geschichte einnehmen wird", Welt, 31/03/2022.

Nguyễn Xuân Hoài biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 04/04/2022

Nhà sử học Simon Sebag Montefiore (sinh năm 1965 tại London) là một trong những tác giả hàng đầu về lịch sử Nga. Các cuốn sách của ông, trong đó có hai cuốn tiểu sử về cuộc đời của nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin, đã được dịch ra 35 thứ tiếng và nhận được nhiều giải thưởng.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Simon Sebag Montefiore, Dominik Kalus, Nguyễn Xuân Hoài
Read 337 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)