Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/04/2022

Đất đai : Nhà nước giành lại quyền sở hữu khi thấy có lợi

Hà Nguyên, Cát Tường, Hoài Nguyễn, Nguyễn Nam

Luật Đất đai hiện tại đã tạo kẻ hở cho tham nhũng

Hà Nguyên, VNTB, 05/04/2022

Luật Đất đai chỉ quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai, trong khi đó, toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai lại không được Luật Đất đai quy định mà chỉ đề cập quyền đại diện của chủ sở hữu đất đai là nhà nước.

datdai3

Lạm quyền là tên gọi khác cho hành vi tham nhũng quyền lực đất đai từ kẻ hở của Luật Đất đai hiện hành.

Nhiều cựu quan chức của tỉnh Khánh Hòa hiện đang hầu tòa trong phiên xét xử hình sự về tội "vi phạm trong quản lý đất đai" trong quá trình cho thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai 2 dự án trên núi Chín Khúc. Ngoài ra một số quan chức đó cùng một số bị can còn bị khởi tố trong các vụ án liên quan đến quản lý đất đai, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong các dự án tại số 01 Trần Hưng Đạo (Nha Trang Gold Coast, đây vốn là nơi đặt trụ sở cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa), 28E Trần Phú (Nha Trang Golden Gate).

Lạm quyền là tên gọi khác cho hành vi tham nhũng quyền lực đất đai từ kẻ hở của Luật Đất đai hiện hành.

Theo hồ sơ, năm 2014, ông Nguyễn Chiến Thắng lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ký văn bản cho Công ty cổ phần Thanh Yến (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thực hiện dự án BT (Build-Transfer / Xây dựng-Chuyển giao) Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa ở xã Phước Đồng, ngoại ô thành phố Nha Trang với tổng mức đầu tư 149 tỉ đồng. Đổi lại, Công ty Thanh Yến được hoàn vốn bằng quỹ đất của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa, tại số 1 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang rộng gần 7.400 m2. Khu đất này được ví như đất "vàng" bởi nằm 2 mặt tiền Trần Hưng Đạo – Lý Tự Trọng, song song đường Trần Phú – đường có giá đất đắt đỏ nhất thành phố Nha Trang.

Khu đất số 1 Trần Hưng Đạo khi đó có hiện trạng là đất cơ sở giáo dục, được quy hoạch là đất dịch vụ thương mại, nhưng ông Nguyễn Chiến Thắng kết luận chỉ đạo các sở, ngành tham mưu để tỉnh quyết định trong diện tích này chiếm phần lớn là đất ở, và sau đó giao cho Công ty Thanh Yến thực hiện dự án khu phức hợp thương mại – dịch vụ – y tế – văn phòng – khách sạn – nhà ở chung cư (để bán) Nha Trang Center 2, sau đó đổi tên là Nha Trang Gold Coast.

Đây là chỉ đạo có dấu hiệu trái pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cùng liên quan đến dự án Nha Trang Gold Coast, tháng 2/2016, ông Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký quyết định thu hồi toàn bộ khu đất Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty Thanh Yến mà không qua đấu giá đất (thời hạn giao và cho thuê đất đến ngày 30/6/2065), hoàn vốn cho dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa, với tổng số tiền thu được chỉ 114,8 tỉ đồng.

Cụ thể, đất ở lâu dài tại đây tỉnh phê duyệt giá chưa đến 22,5 triệu đồng/m2 ; diện tích đất thương mại, dịch vụ có giá 7,8 triệu đồng/m2. Trong khi đó, vào thời điểm năm 2016, giá đất ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo được rao trên các sàn giao dịch bất động sản khoảng 200 triệu đồng/m2.

Hàng loạt văn bản qua lại cho dự án nói trên cho thấy điểm trống của Luật Đất đai hiện tại là chưa xác định rõ, chi tiết việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các cơ quan thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai. Luật cũng chưa thể hiện được sự phân cấp, phân quyền và trách nhiệm trong quản lý đất đai ; giá trị tăng thêm của đất tức địa tô chênh lệch, chưa được tập trung vào ngân sách nhà nước, chưa hài hòa lợi ích của các bên.

Trước mắt nếu chưa sửa Luật Đất đai thì để tránh lạm quyền, cần tách thẩm quyền quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và thẩm quyền định giá đất cho hai cơ quan độc lập với nhau. Điều này nhằm kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền, tránh lạm dụng quyền lực nhằm mục đích tư lợi để rồi về sau Đảng lại phải đau xót chứng kiến những cán bộ trung kiên một thời của Đảng phải hầu tòa vì tham nhũng đất đai.

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 05/04/2022

*********************

Trách nhiệm của ông chủ nhà nước ?

Cát tường, VNTB, 03/04/2022

Luật Đất đai chỉ quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, còn toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai lại không được Luật Đất đai quy định

datdai1

Thực dân cướp đất của dân - Ảnh minh họa

Luật Đất đai chỉ quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, trong khi đó, toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai lại không được Luật Đất đai quy định mà chỉ đề cập quyền đại diện của chủ sở hữu đất đai là Nhà nước.

Như vậy cần phải làm rõ quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Cụ thể, một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa tương thích với Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan. Điều này thể hiện ở việc luật chưa thể chế hóa một số quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Hiến pháp năm 2013, Điều 53 quy định : "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".

Tuy nhiên, Luật Đất đai chỉ quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, trong khi đó, toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai lại không được Luật Đất đai quy định mà chỉ đề cập quyền đại diện của chủ sở hữu đất đai là Nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai chưa xác định rõ, chi tiết việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các cơ quan thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai. Luật cũng chưa thể hiện được sự phân cấp, phân quyền và trách nhiệm trong quản lý đất đai ; giá trị tăng thêm của đất (địa tô chênh lệch) chưa được tập trung vào ngân sách nhà nước, chưa hài hòa lợi ích của các bên ; vi phạm về đất đai, khiếu kiện về đất đai còn phức tạp.

Đã vậy, Luật Đất đai còn nhiều điểm chưa thống nhất, đồng bộ giữa các luật, còn mâu thuẫn, chồng chéo với Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định : "Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định : Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh ; Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng ; Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai ; Nhà nước thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Tuy nhiên, Luật Đất đai không chỉ quy định Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh mà còn mở rộng phạm vi cho phép Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng ; thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai và thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Từ những vấn đề trên dẫn đến chuyện giá đất còn mang nặng tính "áp đặt" theo chủ đích nào đó từ phía nhân danh Nhà nước.

Một trong những nguyên tắc định giá đất tiếng là "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường" nhưng trên thực tế hầu như thoát ly khỏi giá cả thị trường. Điều này dễ dẫn đến bất cập khi thu hồi đất, giá bồi thường quá xa giá thị trường. Mặc dù luật có nói đến tư vấn giá đất nhưng cũng chưa có quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập… do vậy giá đất còn mang nặng tính "áp đặt".

Trước đây, theo Luật Đất đai 2003, chỉ đầu mối là Sở Tài chính chủ trì toàn bộ công tác xác định và thẩm định giá đất cụ thể. Còn theo Luật Đất đai 2013 và Nghị định 44/2014 của Chính phủ, công tác này được phân chia cho 2 đầu mối : Sở Tài nguyên và môi trường lập kế hoạch định giá đất cụ thể và tổ chức thực hiện việc xác định giá đất cụ thể ; Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh để thẩm định phương án giá đất.

Cơ chế này đã dẫn đến quy trình hành chính xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất thiếu tính minh bạch, thiếu tính liên thông, có sơ hở tạo ra cơ chế xin-cho, nhũng nhiễu, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.

Ngoài ra theo quy định về nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất thì giá làm cơ sở bồi thường khi nhà nước thu hồi đất do UBND cấp tỉnh quy định thường có mức chênh lệch với giá trị thị trường. Điều này khiến cho người sử dụng đất gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại tình hình canh tác, sản xuất và sinh hoạt sau khi bị thu hồi đất.

Bên cạnh đó, nếu trong trường hợp không được giải đáp thắc mắc kịp thời có thể dẫn đến người sử dụng đất không đồng ý về giá đất bị thu hồi…

Cát Tường

Nguồn : VNTB, 03/04/2022

*********************

Ai mới thật sự thao túng đất đai ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 03/04/2022

Cần thiết xem xét giác độ chính trị, vì đất đai ở Việt Nam "thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý"…

datdai2

Trong một phiên chất vấn Quốc hội mới đây, nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đặt câu hỏi về việc đấu giá đất ở nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm, có nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá trên trời rồi âm thầm bỏ cọc, kết quả phiên đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm, điển hình như phiên đấu giá đất ở khu đô thị Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh).

Từ đó, làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất các khu vực khác lên cao, tạo sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá mới khiến giải phóng mặt bằng khó khăn, gây mất trật tự an ninh xã hội.

Việc thổi giá tạo mặt bằng giá mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế, gây ra rất nhiều hệ lụy, đặc biệt với các ngân hàng giá đấy là giá ảo nhưng có thể thế chấp, rút tiền ngân hàng là thực và ảnh hưởng an ninh, tiền tệ.

Vậy thì từ vụ án thao túng chứng khoán của nghi phạm Trịnh Văn Quyết, liệu có nên xem xét giác độ hình sự với ông Đỗ Anh Dũng trong vụ thắng thầu rồi "xin bỏ cọc", đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 2,45 tỷ đồng một m2 ở Thủ Thiêm ?

Cá nhân người viết bài này cho rằng căn cơ ở đây trong đất đai cần theo hiến định về "đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý", chứ không phải là từ các ông, bà chủ doanh nghiệp kinh doanh lãnh vực bất động sản theo Luật doanh nghiệp.

Dễ thấy, về chế tài áp dụng nếu vi phạm về đấu giá có các hình thức như xử lý dân sự, hành chính, hình sự. Những vụ việc vừa rồi xảy ra, có thể áp dụng quy định về tình trạng nâng giá có dụng ý và tội đầu cơ. Trong trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm, nếu phân tích một cách bình thường thì theo cơ chế thị trường. Nếu phát hiện dấu hiệu bất bình thường mà chứng minh được thì cần xử lý.

Tuy nhiên cần nhìn căn cơ hơn, rằng đồng ý về vấn đề thổi giá, đầu cơ đất đai, đây là hiện tượng rõ ràng có thật. Nhưng tại sao không truy đến cùng việc lỗi ở đây rõ ràng là thuộc về những ai nhân danh "đại diện chủ sở hữu".

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất, và khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công. Nhưng ở góc độ vĩ mô, khi người dân đầu tư vào đất đai thì xu hướng đó không mang lại hiệu quả và đấy là điều rất không tốt với nền kinh tế.

Tin chắc phía "đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" hiểu rất rõ điều đó để biết cần phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề thổi giá như thế nào.

Đất chưa sử dụng mà đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất và đất không sử dụng để càng lâu, không đầu tư nhưng vẫn lên giá như vậy là về chính sách từ "đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" phải làm sao để kiểm soát được các dự án đầu tư phải khả thi, và "đại diện chủ sở hữu" đó phải xác định được lộ trình dự án này để đưa vào phục vụ cho phát triển kinh tế.

Thậm chí nếu chấp nhận "truy tới trùm cuối" thì có lẽ cần viện dẫn tới các quy định ghi ở Điều 4, Hiến pháp 2013, khi xác lập quyền lực tối cao của Đảng là lãnh đạo Nhà nước và xã hội một cách tuyệt đối. Theo cách hiểu đó về quyền lực, thời gian qua, những sai phạm trong lĩnh vực đất đai không đơn lẻ mà xảy ra trên diện rộng, đáng chú ý, trong sự "nhúng chàm" của loạt quan chức các cấp đã cho thấy bóng dáng của sự "cộng sinh"…

Ông chủ lớn của Nhà nước ở đây theo Hiến định tại Điều 4, đó là Bộ Chính trị.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 03/04/2022

**********************

Bảng phong thần đang gọi tên ai ?

Nguyễn Nam, VNTB, 01/04/2022

Qua thông cáo báo chí vừa được Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố, người ta sẽ hiểu sắp tới đây chính trường Việt Nam biến động ra sao, và những ai sẽ sớm xướng tên trong bảng ‘phong thần’…

datdai3

Hai ông : Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ ; và Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế - Tranh biếm họa

Trang Việt Nam Thời Báo xin đăng toàn văn thông cáo  này.

Từ ngày 28 đến ngày 31/3/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 13. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau :

I. Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021 liên quan đến vụ việc tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy :

Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Khoa học và công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y ; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cá nhân.

Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát ; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành ; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Các đồng chí : Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ ; Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế ; Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ ; Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế và một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Y tế cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên ; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Liên quan đến những vi phạm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục được kiểm tra, làm rõ.

II. Thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 12 về vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 ; xem xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định :

– Cảnh cáo các đồng chí : Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy ; Đại tá Nguyễn Tùng Linh, Đảng ủy viên Học viện, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Khoa học Quân sự ; Thiếu tá Ngô Anh Tuấn, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Tài chính ; Thiếu tá Lê Trường Minh, Chi ủy viên, Trưởng ban Hóa dược, Phòng Trang bị, Vật tư, Học viện Quân y.

– Khiển trách các đồng chí : Đại tá Phạm Nhật Quang, Bí thư Chi bộ Tổng hợp Kế hoạch – Thanh tra, Chánh Thanh tra Học viện ; Đại tá Chu Đức Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Học viện ; Trung úy Nguyễn Văn Tâm và Trung úy Nguyễn Thành Trung, Chi bộ Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân y.

– Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đồng chí : Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự ; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Trang bị, Vật tư, Học viện Quân y.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020-2025 và các đồng chí : Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện ; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân y.

III. Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy :

Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Các đồng chí : Vũ Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ; Trần Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ; Nguyễn Thành Long, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ; Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị ; Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam ; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

IV. Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và một số cán bộ, đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy :

Đảng ủy Cục Điều tra chống buôn lậu đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý, giáo dục đảng viên, để một số cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống ; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong công tác cán bộ ; đấu tranh phòng, chống buôn lậu ; xử lý vi phạm hành chính, xử lý tang vật ; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Hải quan, gây bức xúc trong xã hội. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật :

– Cảnh cáo Đảng ủy Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các đồng chí : Nguyễn Hùng Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Tổng cục, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu ; Nguyễn Phi Hùng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Tổng cục, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu ; Nguyễn Văn Ổn, Đảng ủy viên, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

– Khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Ngô Văn Thụy, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

V. Xem xét kết quả giải quyết tố cáo đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy đồng chí Trần Hồng Quảng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương ; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong quản lý đầu tư, xây dựng và công tác cán bộ.

Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm nêu trên có trách nhiệm của Thường trực Tỉnh ủy, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và một số tổ chức, cá nhân có liên quan.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Trần Hồng Quảng và đồng chí Trịnh Xuân Hồng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Đảng đoàn, nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiếp tục xem xét, xử lý trách nhiệm của một số cá nhân có liên quan ; yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

VI. Xem xét kết quả giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy : Bên cạnh những ưu điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2015-2020 còn có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc ; công tác cán bộ và trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục, sửa chữa những vi phạm, khuyết điểm ; kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan ; báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

VII. Xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, kiểm tra công tác tài chính đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy : Bên cạnh những ưu điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang còn có một số vi phạm, khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng ; Ban Thường vụ Tỉnh ủy có một số vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Đảng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ ra.

Nguyễn Nam thu thập

Nguồn : VNTB, 01/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cát Tường, Hoài Nguyễn, Nguyễn Nam
Read 333 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)