Việt Nam "tự bắn vào chân mình" với lá phiếu chống tại Liên Hiệp Quốc
Carlyle Thayer, RFA, 08/04/2022
Chuyên gia cho rằng với lá phiếu chống lại nghị quyết trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tự bắn vào chân mình.
Kết quả bỏ phiếu đình chỉ tư cách của Liên bang Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 07/04/2022
Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 7 tháng 4 thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền đối với Nga, nhằm phản ứng lại các báo cáo gần đây về việc lính Nga thực hiện các cuộc thảm sát dân thường ở Ukraine.
Điều đáng chú ý là Việt Nam cùng với Trung Quốc, Bắc Hàn... nằm trong số 24 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, dù trước đó quốc gia cộng sản đã hai lần bỏ phiếu trắng nhằm thể hiện sự trung lập trong vấn đề Nga-Ukraine.
Theo chuyên gia thì với lá phiếu này, Việt Nam đã tự làm khó mình trong việc kêu gọi sự ủng hộ từ các nước Phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang tranh cử để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, giáo sư Carlyle Thayer từ trường đại học New South Wales, nước Úc, cho biết quan điểm của ông về sự kiện này :
"Tôi có thể nói rằng Việt Nam đã tự bắn vào chân mình. Việt Nam vẫn luôn tự hào với vị thế của mình trên trường quốc tế, vì là một nhân tố quan trọng, nhưng nay bất cứ quốc gia nào phản đối hành vi của Nga thì cũng sẽ không ủng hộ Việt Nam.
Việt Nam đã từng rất thành công trong việc được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hai lần, và được khối các nước châu Á đồng thuận ủng hộ, nhưng bây giờ thì e rằng sự thuận lợi đó sẽ không còn nữa.
Và nếu Việt Nam tiếp tục có những lá phiếu như lần này thì họ sẽ mất thêm sự ủng hộ, bởi vì Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới Phương Tây chắc chắn sẽ không hài lòng, và họ sẽ ủng hộ nước khác thay vì Việt Nam, hay nói cách khác, tại sao họ phải ủng hộ Việt Nam khi Việt Nam về phe Nga".
Theo vị giáo sư này thì đáng nhẽ ra Việt Nam nên tiếp tục bỏ phiếu trắng, nhưng ông cũng cho rằng có thể lá phiếu chống lần này nhằm thể hiện nguyên tắc của Việt Nam trong việc ủng hộ các nỗ lực đối thoại, thay vì cô lập.
Ngoài ra thì có lẽ chính quyền Việt Nam cũng sợ tạo ra tiền lệ và chính mình sẽ rơi vào hoàn cảnh của Nga sau này.
Trước cuộc bỏ phiếu cho nghị quyết loại Nga, nước này đã cảnh báo những nước bỏ phiếu thuận và bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là một "cử chỉ không thân thiện" và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương.
Hệ lụy của lá phiếu chống lần này vượt ra khỏi khuôn khổ của việc chạy đua vào Hội đồng Nhân quyền, theo vị giáo sư người Úc :
"Tôi cho rằng trong hoàn cảnh này thì không lãnh đạo cấp cao nào của Việt Nam có thể thực hiện một chuyến đi đến Châu Âu, dù là vì vấn đề thương mại hay gì đi nữa, bởi vì chuyện này sẽ được lôi ra, nếu không bởi một thành viên của nghị viện Châu Âu thì cũng bởi một nước nào đó. Với hành động lần này Việt Nam đã khiến mình bị sơ hở rất nghiêm trọng".
Đường lối đối ngọai của Việt Nam trước giờ được cho là duy trì mối quan hệ chiến lược với tất cả các nước lớn, để tạo ra một môi trường đa cực, nhằm tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi một bên nào.
Nhưng giáo sư Carlyle Thayer cho rằng môi trường quốc tế hiện nay đang khiến Việt Nam không thể tiếp tục đường lối ngoại giao đu dây nữa, vì sự chia rẽ giữa các nước lớn đang ngày càng trở nên sâu sắc.
Và ông cũng cho rằng Việt Nam không nên trông chờ gì vào nước Nga, bởi nước này giờ đây giống như chất độc phóng xạ - thứ không nên dính vào.
"Quan điểm của tôi là trong những năm sắp tới thì nước Nga sẽ không bao giờ có thể đóng vai trò gì đáng kể đối với Việt Nam.
Ngày nào mà Putin còn nắm quyền thì Nga sẽ còn suy yếu về mặt kinh tế và bị cô lập.
Nước này giờ đây giống như như chất độc phóng xạ, nếu ta chạm vào thì sẽ bị bệnh. Và đây sẽ là vấn đề rất lớn vì Việt Nam với Nga có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau".
Tuy bỏ phiếu chống cho nghị quyết được Mỹ đề cử, nhưng trước đó ông Đặng Hoàng Giang - Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc lên án về các báo cáo cho rằng, đã có thảm sát thường dân tại Ukraine, và yêu cầu cần có cuộc điều tra minh bạch với sự tham gia của các bên liên quan.
Nguồn : RFA, 08/04/2022
**********************
Cuộc hành trình tìm "điểm rơi" của Việt Nam bắt đầu ?
Hoàng Trường, VOA, 07/04/2022
Lời tòa soạn : Thông Luận xin giới thiệu một tiếng nói từ trong nước. Tác giả Hoàng Trương là một trí thức có hiểu biết sâu sắc và chính xác về sinh hoạt chính trị Việt Nam hiện nay. (TL)
--------------------------
Một báo cáo nếu được chuẩn bị trình Hội nghị Trương ương 5 sắp tới sẽ phải khẳng định rõ vấn đề : "Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga càng kéo dài, Việt Nam càng gặp khó khăn trong triển khai chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa về ngoại giao từ trước đến nay.
Đại sứ Việt Nam Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 23 tháng 3 năm 2022. Ảnh do Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp
Như một tập quán thông thường, tại Hội nghị Trung ương 5 của Đảng cộng sản Việt Nam sắp tới đây kiểu gì cũng sẽ có một báo cáo chung giữa Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương về đối ngoại. Báo cáo này sẽ phải khẳng định rõ một vấn đề : "Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga càng kéo dài, Việt Nam càng gặp khó khăn trong triển khai chính sách đa dạng hóa về ngoại giao từ trước đến nay. Đã đến lúc hai cơ quan có trách nhiệm hàng đầu về chính sách đối ngoại cần chỉ rõ, bất kỳ cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc theo kịch bản nào thì địa-chính trị thế giới và khu vực sẽ tiến về phía các kịch bản bất lợi cho chính sách "đu dây" truyền thống. Vấn đề cấp bách là Việt Nam sẽ phải làm gì để khắc phục hậu quả của hai lá phiếu trắng trong vòng một tháng qua ở Liên Hiệp Quốc (1) ?
Phiếu trắng là "ngụy tạo" ủng hộ Nga ?
Lá phiếu trắng thứ nhất, thế giới có thể thông cảm được phần nào. Lợi ích trước mắt của Việt Nam, các lô dầu khí và những kho vũ khí từ Nga gần như "dán keo" vào miệng người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Nhưng đến lá phiếu trắng thứ hai, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine, Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng, thì quả là Hà Nội đã đi quá đà. Giờ là lúc ngoại giao Việt Nam cần tạo ra những cú hích mới để đất nước có thể hòa cùng 140/141 nước trên thế giới có lập trường rõ ràng và dứt khoát lên án cuộc xâm lăng của Nga đối với Uktaine. Bởi vì hiện nay, đang có dư luận cho rằng, hai lá phiếu trắng của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc chẳng qua là một "sự ngụy tạo" cho lập trường ủng hộ của Việt Nam đối với cuộc chiến Nga tiến hành ở Ukraine (2).
Để giải tỏa dư luận tiêu cực ấy cũng như để vượt thoát não trạng của một "tiểu quốc" từng bị buộc chặt vào cỗ xe của "ảnh cả" và "anh hai", Việt Nam hiện đang bắt đầu cuộc hành trình đi tìm "điểm rơi" về lợi ích. Nếu vì các lợi ích trước mắt phải o bế Nga, lại bị hút vào quan tính cũ (tình đoàn kết Việt – Trung – Xô ngày nào), buộc Việt Nam phải tiếp tục làm người ngoài cuộc, quan sát cuộc diệt chủng của Nga từ khán đài, thì Việt Nam sẽ đi dần vào thế cô lập. "Điểm rơi" giờ đây cần xác định : Xem đâu là thời điểm để nền ngoại giao "hội nhập" phải vượt thoát khỏi thân phận một "tù binh của quá khứ" để tiến vào không gian mới "Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP). Nếu không bứt phá được để tận dụng không gian này, Việt Nam sẽ khó khăn bội phần không chỉ trong quan hệ với Mỹ mà cả với Nhật Bản, Úc lẫn Châu Âu.
Chiến tranh ở Ukraine dường như không làm Mỹ lơ là tập trung ở liên vùng FOIP, đặc biệt là ở Biển Đông vì căng thẳng vẫn tồn tại, xung đột còn lâu mới được giải quyết. Trung Quốc ngày càng củng cố hiện diện trong vùng, quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng ở Trường Sa và Hoàng Sa. Vài ngày sau khi Nga tấn công Ukraine hôm 24/2, Trung Quốc lại tăng ngân sách quốc phòng, đã ở mức rất cao, bỏ xa mọi ngân sách của các nước trong vùng và hiện đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh tăng cường hiện đại hóa đội tầu chiến. Cứ hai năm, đội tầu Trung Quốc được cho là tăng gấp đôi về trọng tải. Theo tài liệu của Lầu Năm Góc, năm 2021 nỗ lực và sự đầu tư ồ ạt đáng kể đó đã giúp Hải quân Trung Quốc đứng đầu thế giới về trọng tải, dù có thể không phải về chất lượng hay công nghệ.
Các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sau khi Nga xâm lược Ukraine sẽ khiến Việt Nam ngày càng khó tiếp tục nhập khẩu vũ khí từ Nga hơn. Thứ nhất, sẽ có những trở ngại về mặt kỹ thuật và tài chính vì Nga sẽ không tiếp cận được với một số bộ phận và linh kiện nhập khẩu cần thiết cho việc sản xuất vũ khí của mình, trong khi các ngân hàng lớn của Nga đã bị loại khỏi mạng lưới thanh toán toàn cầu SWIFT, khiến hai bên khó giải quyết các khoản thanh toán. Thứ hai, tiếp tục mua vũ khí từ Nga sẽ dẫn đến rủi ro về uy tín, khiến Việt Nam có thể phải chịu các lệnh trừng phạt tiềm tàng, chẳng hạn như Đạo luật Ứng phó với các đối thủ thông qua trừng phạt (CAATSA) năm 2017 của Washington. Do đó, trong tương lai, Việt Nam nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh nỗ lực giảm phụ thuộc vào vũ khí Nga (3).
Cam kết "đối tác an ninh" với Mỹ
Mặc dù vậy, sẽ không dễ để Việt Nam có thể mua được vũ khí và thiết bị quân sự mới từ các nước khác. Quá trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam đã bị chậm lại kể từ năm 2016, và ngân sách dành cho mua sắm các mặt hàng quân sự mới có vẻ eo hẹp, khiến vũ khí từ các nước phương Tây trở nên ít hấp dẫn hơn đối với Việt Nam về mặt giá cả. Khả năng tương thích giữa các nền tảng vũ khí của Liên Xô/Nga và các nền tảng mới hơn không phải của Nga cũng sẽ là một thách thức. Quan trọng hơn, vì nhiều quan chức cấp cao trong quân đội Việt Nam đã được đào tạo ở Liên Xô hay Nga, và đã quen làm ăn với các đối tác Nga, nên họ có thể gặp khó khăn khi giao dịch với các nhà cung cấp mới có văn hóa kinh doanh khác biệt, bao gồm cả các thông lệ kinh doanh minh bạch hơn, điều mà các quan chức Việt Nam có thể cảm thấy không thoải mái.
Chính vì thế, chuyến thăm vừa qua của Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ Derek Chollet tại Việt Nam bàn về "quan hệ đối tác an ninh" có ý nghĩa đặc biệt. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ thăm Philippines, Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 28/3 – 2/4 để khẳng định cam kết của Mỹ đối với các đối tác và đồng minh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tối 1/4, ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của chuyến thăm Việt Nam, Cố vấn Ngoại trưởng Derek Chollet đã dành thời gian chia sẻ với giới báo chí tại Hà Nội. Cố vấn Ngoại trưởng Derek Chollet khẳng định, sự ra đời của "Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới" thời gian qua cho thấy sự quan trọng của khu vực này nói chung và Đông Nam Á nói riêng đối với Hoa Kỳ. Trong đó, Việt Nam nổi lên như là một đối tác then chốt với Hoa Kỳ trên mọi lĩnh vực, dù là trên khía cạnh chính trị, ngoại giao, kinh tế, công nghệ, biến đổi khí hậu hay an ninh. Ông đánh giá cao vai trò chiến lược, tiếng nói quan trọng của Việt Nam tại khu vực và quốc tế.
Tiếp Cố vấn Derek Chollet, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong 27 năm qua, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là kinh tế – thương mại, khắc phục hậu quả chiến tranh, và mới đây là hợp tác phòng, chống Covid-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ. Bộ trưởng đề nghị Cố vấn phối hợp thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước trong năm 2022, trong đó có chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ và tham gia các hoạt động song phương (4).
Tiếp xúc đại diện Ukraine tại Hà Nội
Ngày 5/4/2022, ông Oleksandr Gaman – tân Đại sứ Ukraine tại Việt Nam – đã có các cuộc gặp mặt riêng rẽ với Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper và Đại sứ Ba Lan Wojciech Gerwel, chỉ ba ngày sau khi đến Hà Nội. Ông Oleksandr Gaman và phu nhân đến sân bay Nội Bài hôm 2/4 sau thời gian trì hoãn vì cuộc chiến tranh xâm lược do Nga gây ra ở Ukraine. "Chào mừng đến Việt Nam, thưa Ngài, và cảm ơn Ngài vì cuộc trò chuyện tuyệt vời. Chúng tôi sát cánh cùng Ukraine trước sự gây hấn man rợ của Nga. Ngài sẽ luôn có một người bạn thân và đối tác ở Ba Lan". Trang Facebook của Đại sứ quán Ba Lan đăng tải tấm hình cuộc gặp gỡ và lời chào của Đại sứ Ba Lan. Trước đó, đại diện ngoại giao Ukraine cũng có cuộc gặp mặt với Đại sứ Marc Knapper, đồng thời bày tỏ cảm ơn vì "sự ủng hộ kiên định dành cho Ukraine khi đối mặt với cuộc chiến tranh man rợ của Nga" (5).
Một trong những nhà ga trên cuộc hành trình tìm "điểm rơi" của Việt Nam cần được hướng tới là bày tỏ tình đoàn kết với chính quyền và nhân dân Ukraine đang chiến đấu vì độc lập tự do của mình, nhưng cũng là của cả Châu Âu và thế giới, trong đó có Việt Nam. Nếu trước mắt, chính phủ Việt Nam quan ngại thái độ của Nga và Trung Quốc, thì ít nhất, nhà nước Việt Nam cũng nên mở rộng không gian tiếp xúc của người dân và xã hội dân sự Việt Nam với các đại diện của Ukraine tại Việt Nam. Trên tinh thần ấy, hy vọng các lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine tại Nhà thờ St. Antony và Hội chợ quyên góp giúp nhân dân Ukraine tại Đại sứ quan Czech tại Hà Nội trong những ngày tới đây sẽ không bị cấm cản như một số hoạt động thiện nguyện hay tọa đàm khoa học vừa qua tại Hà Nội (6).
Hoàng Trường
(07/04/2022)
Chú thích :
(1) Hoàng Trường, "Việt Nam ‘mắc kẹt’ trong cuộc chiến phản tác dụng của Nga ở Ukraine", VOA tiếng Việt, 02/03/2022
(2) "Thư ngỏ lên án Việt Nam ủng hộ cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine", RFA tiếng Việt, 04/04/2022
(3) Lê Hồng Hiệp, "Liệu Việt Nam có thể giảm phụ thuộc vào vũ khí Nga ?", Nghiên cứu quốc tế, 05/04/2022
(4) "Cố vấn Derek Chollet : Hoa Kỳ nhất quán ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng", Báo quốc tế, 01/04/2022
(5) "Tân Đại sứ Ukraine gặp Đại sứ Mỹ và Ba Lan sau khi đến Hà Nội", RFA tiếng Việt, 06/04/2022
(6) "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải là người nêu vấn đề", VOA tiếng Việt, 04/04/2022
**********************
Ukraine chống Nga là chống cho cả Việt Nam
Hoàng Trường, VOA, 09/03/2022
Hãy nói lại một lần cho rõ, phải dứt khoát vứt bỏ ngay thói khôn vặt "bỏ phiếu trắng" và thái độ "người ngoài cuộc" như các quan chức ngoại giao đã lựa chọn ở Liên Hiệp Quốc...
Trong một trại lánh nạn cho người Ukraine tại Beregsurany, Hungary, 7 tháng Ba.
Đây không phải là "viết nhại" theo tuyên bố của cựu Tổng bí thư Lê Duẩn hồi nào : "Ta đánh Mỹ là đánh cho cả Liên Xô và Trung Quốc". Thực chất ở đây muốn nhấn mạnh là, cuộc kháng chiến hiện nay của Ukraine chống Putin xâm lược có ý nghĩa quan trọng nhìn từ góc độ trật tự thế giới hậu Ukraine. Trong đó, tất nhiên, Việt Nam sẽ có phần can dự nếu biết thay đổi lập trường trước khi quá muộn.
"Nếu để Ukraine thất bại thì công lý thất bại, hòa bình thế giới thất bại.".. Tuyên bố này của tướng Nguyễn Chí Vịnh nghe có vẻ lọt tai hơn, nếu đem phát ngôn ấy so với lối nói lộng ngôn, vô văn hóa của tướng Lê Văn Cương khi nhận xét vềcuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine do Tổng thống Zelensky lãnh đạo. Tuy nhiên, vì Nguyễn Chí Vịnh cũng là một viên tướng chưa biết có bao nhiêu "tài" nhưng lại bị khá nhiều "tật", nên tuyên bố nói trên của ông vẫn làm dậy sóng cả hai phe : bênh và chống Ukraine trong xã hội bát nháo ở Việt Nam hiện nay.
Cả vú lấp miệng em
Việc xuất hiện bài phỏng vấn tướng Vịnh trên tờ "Tuổi trẻ" không phải ngẫu nhiên. Đã đến lúc Ban Tuyên giáo thấy sự đăng đàn của loạt tướng "quảng lạc" như loại Lê Văn Cương, Nguyễn Thanh Tuấn… bắt đầu đi quá đà, có hại cho Đảng và Nhà nước. Một khi Chính quyền Ukraine kiện các ông tướng này về tội xúc phạm lãnh đạo nước bạn, gọi nguyên thủ quốc gia của họ là "thằng hề 43 tuổi". Kể cũng tội nghiệp, mang hàm giáo sư, tiến sĩ mà không biết cách dùng các uyển ngữ khi thuyết trình trước đám đông. Không hiểu "thằng hề" với "diễn viên hài" khác nhau thế nào. Mà cứ cho là "hề" thì mấy ai dám coi khinh "Vua Hề Charlie Chaplin" như một huyền thoại điện ảnh Hollywood thế kỷ 20. Đó mới là những vai hề "kinh điển" đáng nể trọng, chứ không phải như mấy chú hề ở ta. Suốt ngày xun xoe khen "Bộ quần áo mới của Hoàng đế – Tổng bí thư" tuyệt mỹ như thế nào.
Tuy nhiên, màn "đóng thế" của tướng Vịnh thất bại ngay từ đầu, như chính cuộc chiến tranh xâm lược của Putin vậy. Ông Vịnh trích dẫn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính như là những nhà tư tưởng lỗi lạc để bàn về một cuộc chiến có tầm ảnh hưởng lên toàn cầu, thậm chí nói như sử gia Harari, quyết định xu hướng của lịch sử thế kỷ 21. "Tôi nhắc lại, muốn hạ nhiệt ở Ukraine cần chọn công thức không có nước thất bại. Bởi trong xung đột này, Nga là nước lớn, các bên can dự như Mỹ, EU cũng vậy, sẽ không bên nào chấp nhận thất bại. Còn nếu để Ukraine thất bại thì công lí thất bại, hòa bình thế giới thất bại và đây là điều không ai chấp nhận". Những lời mùi mẫn của vị tướng "bốn không" Nguyễn Chí Vịnh nói trên báo Tuổi Trẻ ngày 5/3/2022 thật ra chỉ là những lời thoại trong một kịch bản của ban Tuyên giáo Ba Đình mà thôi.
Đúng như Thinh Nguyen Duc bình luận trên FB : "Sự lươn lẹo, xảo ngôn và cực kì nguy hại cho xã hội trong trả lời phỏng vấn của tướng Nguyễn Chí Vịnh về chiến tranh Nga – Ukraine đã đánh đồng kẻ xâm lược là Nga với nước bị xâm lược là Ukraine. "Không có ai đúng tuyệt đối và sai tuyệt đối" là cái bẫy ai đọc qua cũng dễ bị mắc lừa kiểu chơi trò "lập lờ đánh lận con đen", đổi đen ra trắng, đổi trắng thành đen. Hay như phân tích của FB Trương Nhân Tuấn : Mọi người đều biết, kể cả tướng Vịnh, thực chất của "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga là một cuộc xâm lược vũ trang và mục tiêu chiến dịch là chinh phục lãnh thổ và "vẽ lại đường biên giới" Ukraine. Đây là điều tối kỵ trong quan hệ quốc tế vì nó phá hủy toàn bộ các nguyên tắc nền tảng lập nên luật lệ quốc tế (tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia như không xâm phạm biên giới, lãnh thổ, không can dự vào chuyện nội bộ của quốc gia kh ác...).Tướng Vịnh trong bài phát biểu cũng buộc phải nhấn mạnh ở các điều này.
Xem thế để thấy tướng Vịnh được Tuyên giáo mời ra "đóng thế" nhưng ông đã không nghiên cứu kỹ kịch bản để tìm ra được hồn cốt cho vai diễn. Vẫn kiểu "cả vú lấp miệng em", nói lấy được. Tướng Vịnh cho rằng : "Mỹ và một số quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine trong tình hình hiện nay là sai lầm, và có thể đằng sau nó là một âm mưu sâu xa bởi nó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa". Ô hô, một ông tướng "đầy sao" nhìn vấn đề quân sự sao như trẻ chăn trâu vậy. Nga huy động 190.000 quân với đủ các loại vũ khí giết người hiện đại định "làm cỏ" và "xóa sổ" đất nước và dân tộc Ukraine. Không lẽ, Mỹ và NATO cũng nên học tập Việt Nam, khoanh tay đứng nhìn, rồi bỏ phiếu trắng ở Liên Hiệp Quốc và lên lớp mấy bài giảng về đạo đức cho quân xâm lược ? Chẳng qua, tướng Vịnh muốn "tước vũ khí" một bên nên đã ví von sai, chiến tranh không phải là "lửa cháy" mà chiến tranh do bên Nga khởi sự. Bên tự vệ là Ukraine. Lửa s ẽ tắt khi Putin ra lịnh rút quân.Bên tự vệ có muốn "đổ dầu thêm" thì lửa cũng không cháy nữa.
Thái độ "người ngoài cuộc" là đồng lõa
Vẫn là thái độ huyênh hoang, tự cao tự đại, khi Nguyễn Chí Vịnh đưa ra lời khuyên nhủ cho các bên trong cuộc chiến tàn độc đang diễn ra. Trong khi đó, các ông tướng này đểu tảng lờ việc Chủ tịch Tập Cận Bình đang tập trận chuẩn bị cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Đông Á và Đông Nam Á nay mai. Có hai mục tiêu Trung Quốc đưa vào tầm ngắm : thôn tính Đài Loan và đánh chiếm Trường Sa. Chỉ cần một tàu ngầm mang tên Ohio của Mỹ nhổ neo tiến về eo biển Đài Loan, Trung Quốc sẽ loại bỏ ngay mục tiêu thứ nhất.Nhưng với mục tiêu thứ hai là quần đảo Trường Sa, chắc chắn chỉ một mình Việt Nam chịu trận. Trong năm 2021, Trung Quốc đã tiến hành không dưới 51 cuộc tập trận lớn nhỏ trên Biển Đông, bình quân mỗi tuần một lần. Còn tính từ đầu năm 2022 đến nay Trung Quốc đã có ít nhất là 6 lần tập trận. Mỗi lần tập trận đều ngăn cấm các loại tàu, thuyền bè đi qua vùng tập trận.
Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine sẽ làm Nga suy yếu toàn diện và sẽ thêm phụ thuộc vào Trung Quốc, bị Trung Quốc lấn át. Nga mà bị Trung Quốc chi phối thì tương quan ở Biển Đông bất lợi cho Việt Nam. Bởi thế, ủng hộ ai trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine không chỉ là quan điểm cá nhân, yêu ai, ghét ai, mà phải xuất phát từ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Người Việt Nam, ủng hộ ai phải xuất phát từ lợi ích sát sườn của Việt Nam. Mà một trong những lợi ích sát sườn nhất của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông. Ở đây, vấn đề là phải vứt bỏ ngay thái độ "người ngoài cuộc", bởi vì điều đó không khác gì là sự đồng lõa với tội ác. Phải vứt bỏ ngay thái độ cao ngạo, tự hào Việt Nam đã đánh thắng các đế quốc to để lên giọng dạy đời.
Ngay ngày 7/3 vừa qua, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng vừa lớn tiếng : "Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình…". Nhưng chúng ta đâu có được sự hưởng ứng từ bất cứ quốc gia nào !Một FB bình luận : Nên yêu cầu Ukraine ủng hộ Việt Nam, sau khi Việt Nam đã bỏ phiếu trắng ở Liên Hiệp Quốc, xem họ nói thế nào !
Hãy nói lại một lần cho rõ, phải dứt khoát vứt bỏ ngay thói khôn vặt "bỏ phiếu trắng" và thái độ "người ngoài cuộc" như các quan chức ngoại giao đã lựa chọn ở Liên Hiệp Quốc và các tướng tá quân đội đã thể hiện theo tình thần "chém gió" và "loa phường" của các loại tướng "quảng lạc" trình diễn và rao giảng.
Hãy biết ơn nhân dân và chính phủ Ukraine, bởi vì, như sử gia Harari đã khẳng định, Ukraine đang chiến đấu cho quyền sống của mình và cho những giá trị dân chủ, tự do của nhân dân thế giới.Điều này cũng có nghĩa là, Ukraine đánh Nga là đánh cho cả Việt Nam…
Chiến tranh thế giới thứ hai đã chỉ ra : Khi chủ nghĩa phát xít đã trở thành hiểm họa của cả thế giới, chỉ còn cách cả thế giới phải hình thành một mặt trân chung chống lại.Dành cho chủ nghĩa phát xít mọi hành vi đạo đức giả, ve vãn, thỏa hiệp, dâng hiến.., chỉ khuyến khích chủ nghĩa phát xít tưới máu khắp nơi.
Hoàng Trường
Nguồn : VOA, 09/03/2022
*********************
Ngoại giao Việt Nam liệu sẽ ‘rơi tự do’ đến khi nào ?
Hoàng Trường, VOA, 05/03/2022
Không theo thuyết âm mưu, nhưng giới quan sát ở Hà Nội nhận định rằng, mới giữ ghế Chủ tịch ASEAN một thời gian ngắn, Campuchia đã cho Việt Nam "trượt vỏ chuối" liên tục.
Kết quả biểu quyết nghị quyết chống Nga xâm lược Ukraine, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, 02/03/2022
Việt Nam biện bạch vụng về đối với việc bỏ phiếu trắng choNghị quyết Liên Hiệp Quốc đòi ngừng cuộc chiếnở Ukraine. Ngay cả Đài Truyền hình Trung ương tối 3/3 cũng không dám công bố chi tiết về cuộc bỏ phiếu, nhất là việc Việt Nam thuộc về phe thiểu số bỏ phiếu trắng.
Trong khi đó, Phnom Penh khiến cho cả thế giới ngạc nhiên. Sát cánh cùng 141/193 nước, Camphuchia bỏ phiếu thuận để phản kháng và phê phán Nga vì cuộc xâm lăng của họ ở Ukraine. Việt Nam, một lần nữa, lại "rơi tõm" vào sự lệ thuộc, theo sau vết xe đổ của Trung Quốc.
Các cú "đá xoáy" ngoạn mục
Sau biểu quyết của các thành viên Liên hiệp quốc về nghị quyết liên quan đến Ukraine trong cuộc họp khẩn cấp của Đại hội đồng hôm 2/3 năm 2022,
Đại hội đồng đã phê phán Nga xâm lăng Ukraine. Kỳ họp khẩn cấp bất thường ấy đã ra Nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự và "rút toàn bộ lực lượng vô điều kiện" khỏi lãnh thổ Ukraine.
Đã có 141/193 nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này. 5 nước bỏ phiếu chống gồm Nga, Belarus, Triều Tiên, Syria và Eritrea. Trong số các nước bỏ phiếu trắng, có Trung Quốc, Lào, Việt Nam.
Ngay sau khi Việt Nam bỏ phiếu trắng ở Liên Hiệp Quốc, Đại biện Lâm thời của Ukraine tại Hà Nội Nataliya Zhinkyna, đã bày tỏ sự thất vọng. Bà viết trên Facebook :"Trong số tất cả các thành viên ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào là bỏ phiếu trắng. Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi, tôi rất thất vọng".
Không theo thuyết âm mưu, nhưng giới quan sát ở Hà Nội nhận định rằng, mới giữ ghế Chủ tịch ASEAN một thời gian ngắn, Campuchia đã cho Việt Nam "trượt vỏ chuối" liên tục. Campuchia đã cản trở thành công, không cho phép Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn trực tiếp tham gia cuộc Hội nghị hẹp ASEAN từ ngày 16 – 17/2. Đó là cú "trượt vỏ chuối" đầu tiên trong năm nay.
Và giờ đây, tại phiên bỏ phiếu hôm 2/3, Hun Sen chắc chắn đã được Bắc Kinh "bật đèn xanh", cho phép "trình làng" một "demo" về đường lối đối ngoại độc lập với "thiên triều". Mũi tên này nhắm đến hai mục tiêu. Đầu tiên, tôn vinh được vị thế của Campuchia trên trường quốc tế trong con mắt của thế giới. Kế tiếp, chát chúa thay cho Việt Nam, Phnom Penh đã "cao tay ấn" hơn hẳn Hà Nội một bậc, tức là xếp hàng vào phe đa số để lên án Nga xâm lược. Đây là cú "trượt vỏ chuối" thứ hai đối với Việt Nam trong vòng một tháng.
Tuy nhiên, dường như để "cân bằng và đối trọng" lại quyết định bỏ phiếu phê phán Nga tại Liên Hiệp Quốc, cũng đúng vào ngày 2/3, Thủ tướng Campuchia lần đầu tiên đã nhận định rằng, cuộc chiến ở Ukraine giờ đã trở thành "cuộc chiến giữa Nga và Châu Âu" sau khi một số quốc gia thành viên NATO hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Phát biểu này, rõ ràng là để biện minh cho cuộc chiến của Putin.
Và cũng lần đầu tiên, vị lãnh đạo được cho là gian hùng trong nội bộ, mánh lới trong đối ngoại, đã đề cập đến khái niệm "trật tự thế giới mới" trong một tuyên bố: "Campuchia, trong trật tự thế giới mới, phản đối việc sử dụng lực lượng quân sự, khuyến khích đối thoại hòa bình và hy vọng rằng cả hai nước bằng hữu (Nga và Ukraine) sẽ hiểu lập trường của Campuchia.Campuchia không nên phải chịu sức ép buộc phải đứng về phía nào".
Thật tiếc, Việt Nam là đất nước đang muốn trở thành cường quốc tầm trung, từng tuyên bố ngoại giao sẽ có vai trò "tiên phong", sẽ ở vị thế "dẫn dắt" trong các hoạt động quốc tế, nhưng trên thực tế đã "dưới cơ" Campuchia trong một số động thái đối ngoại quan trọng.
Cảm thấu lợi ích song vẫn bí bách
Cảm nhận và thấu hiểu, bỏ lá phiếu trắng sẽ là tai hại cho đất nước sau này trong các cuộc "động binh" của Trung Quốc. Qua phát biểu của đại sứ Giang cũng như của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, có thể thấy rất rõ, Việt Nam cảm thấu được đâu là lợi ích trước mắt, đâu là lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc qua vụ bỏ phiếu mới đây. Các quan chức ngoại giao hiểu rất rõ, nhưng họ đã không thuyết phục được lãnh đạo cao hơn.
Vấn đề đâu phải là Ukraine "kéo bè kéo cánh" để đe dọa an ninh của nước Nga. Vấn đề là một Ukraine tự do, phát triển theo hướng dân chủ hóa, nếu không bị ngăn chặn bằng cuộc chiến hiện nay của Putin, sẽ mở ra các mối đe dọa hiện hữu về sự lựa chọn thay thế cho đế chế. Nhưng bỏ phiếu trắng đối với sự phê phán Putin cũng lại là một "ác mộng" sẽ đeo đuổi ngoại giao Việt Nam về lâu về dài. Trục "ma quỷ" Moscow – Bắc Kinh sẽ là "quả bom hẹn giờ" đối với Hà Nội trong những xung đột mà Tập Cận Bình luôn là kẻ chủ động.
Nhận thức là vậy, nhưng vị thế của Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện nay đang tiến gần xuống ở tầng thấp nhất trong hình chóp quyền lực, mà trên đó, các thế lực an ninh và quân đội lúc nào cũng được ưu tiên cao hơn ngoại giao mấy bậc. Thật ra, các tướng tá trong quân đội, đợt này đang "thừa thắng xông lên" không chỉ nhờ sức mạnh của "phe cánh" Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.
Mấy ông tướng tá hãnh tiến, "chém gió", "dạy đời" để bênh vực Putin trên mạng, thậm chí trên cả trên truyền thông "lề phải" thật ra cũng chỉ là những kẻ "ăn mày dĩ vãng". Họ không có thực quyền, không có lợi ích và ảnh hưởng như những tướng tá đương quyền nắm các vị trí then chốt trong các phi vụ làm ăn với Nga. Tuy khó kiểm chứng nhưng hoàn toàn có thể tin Hồi ký của Đại sứ Ted Osius, cánh quân đội "bênh" Nga là vì gắn với tiền và quyền từ "lại quả" thông qua các phi vụ làm ăn, chứ không vì những "hoài niệm" về một Liên Xô đã chết.
Từ những cái khó về đối ngoại nói trên sẽ kéo theo những hệ lụy không nhỏ về đối nội. Các đại diện cho 6 Tổ chức Dân sự trong Nam ngoài Bắc ngày 3/3 đã chuyển Thư ngỏ ủng hộ Ukraine, lên án Nga xâm lược. Lời kêu gọi gây Quỹ để ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraineđã được thông báo cho Đại biện Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam.
Bà Nataliya Zhynkina đã cám ơn và hứa sẽ cho công bố Lời kêu gọi này tại "Hội chợ Ukraine" được tổ chức nay mai tại khuôn viên Đại sứ quán. Nếu phong trào gây quỹ này trở thành một cuộc vận động hoàn toàn tự phát mang tính thiện nguyện trong xã hội, chính quyền lại sẽ rơi vào tình trạng khó xử. Ngăn cản cũng khó, mà khuyến khích thì cũng kẹt.
Trên Facebook của Nataliya Zhynkina, đã có không ít bạn đọc Việt Nam vào chia sẻ các ý kiến về cuộc chiến. Chẳng hạn Trần Tuấn Lộc viết : "141 quốc gia đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ các bạn ! Tôi xin lỗi về quyết định của Việt Nam. Cá nhân tôi không đồng ý với chính phủ tôi trong cuộc bỏ phiếu này. Nếu có lương tâm và coi trọng luật pháp quốc tế thì phải ủng hộ cho các bạn !".
Trong nỗ lực nhằm giải mã quan điểm chính thống của Việt Nam về xung đột Nga – Ukraine, truyền thông quốc tế đã cố gắng phác họa ra một bức tranh phức tạp của xã hội Việt Nam, vì có nhiều góc nhìn về cuộc chiến. Dư luận Việt Nam tiếp tục bị chia rẽ, nhưng số người lên án chiến tranh dường như ngày càng tăng.
Tuy nhiên, dư luận có vẻ bất ngờ về bài viết của Thiếu tá, thạc sĩ Võ Ngọc Toản trong cùng ngày 2/3 khi tác giả này cỗ võ cho một chính sách đối ngoại "năm không". "Không" thứ năm là "không liên kết nước này để chống nước kia". "Ba không… Bốn không…" và bây giờ tiến lên "Năm không", cộng thêm những "phiếu trắng" tại Liên Hiệp Quốc, rõ ràng,chưa biết đối ngoại Việt Nam sẽ còn "rơi tự do" đến bao giờ ?