Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/04/2022

Quân đội nhân dân Việt Nam "tự diễn biến" như thế nào ?

Phạm Trần

Quân đội cộng sản Việt Nam khoe "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng", nhưng sau 78 năm ra đời (22/12/1944) lực lượng này không vượt qua nổi "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" ngay trong hàng ngũ mình và đe dọa sự tồn vong của chế độ.

bodoi1

Bên cạnh lớp sĩ quan trẻ, Bộ Quốc phòng Việt Nam còn cảnh giác tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong hàng ngũ hạ sĩ quan và binh lính.

Quân ủy Trung ương từng cảnh giác hai chứng tật này là : "Một trong những biến thể của "diễn biến hòa bình", với những biểu hiện, như : xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên,... trong đó có đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội" (Tạp chí "Quốc phòng toàn dân", ngày 18/11/2019).

Trong bài viết, Quốc phòng toàn dân đã quan tâm đặc biệt đến tình hình lớp sĩ quan trẻ : "Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của sĩ quan trẻ là quá trình diễn ra trong nhận thức, tư tưởng, thái độ, tình cảm, hành vi của mỗi người theo chiều hướng tiêu cực, suy giảm và biến đổi về bản chất, đi ngược lại bản chất, truyền thống cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam".

Quốc phòng toàn dân không tiết lộ số sĩ quan trẻ trong Quân đội đã hết còn "tuyệt đối trung thành" với đảng, nhưng báo này cho biết việc phòng, chống không là trách nhiệm riêng của Quân đội mà : "Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của sĩ quan trẻ là tổng thể hoạt động của tổ chức đảng, chỉ huy, đoàn thể trong Quân đội và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện các chủ trương, biện pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức, chính sách và luật pháp để ngăn chặn nguồn gốc, nguyên nhân và khắc phục biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ở mỗi sĩ quan trẻ, góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ vững mạnh về mọi mặt, có lý tưởng, hoài bão phấn đấu vươn lên, khẳng định tài năng, trí tuệ trong thực tiễn".

Nhưng dường như các biện pháp "rèn quân luyện cán" của Quân đội không thành công nên Quốc phòng toàn dân mới cho hay : "Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, việc đấu tranh phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Một số chủ thể, lực lượng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này, còn có tư tưởng chủ quan, coi nhẹ, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đối với sĩ quan trẻ ; nội dung, hình thức, biện pháp còn đơn điệu, thiếu đồng bộ, tính hiệu quả chưa cao".

"Do vậy", báo này viết : "Một số biểu hiện lệch chuẩn giá trị trong nhận thức và hành động của sĩ quan trẻ chưa được khắc phục kịp thời. Một bộ phận sĩ quan trẻ còn bị chi phối bởi những tiêu cực ngoài xã hội và sự kích động, chống phá của các thế lực thù địch, nên chưa tích cực, tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, nhất là học tập chính trị ; thiếu yên tâm xây dựng Quân đội, bản lĩnh chính trị chưa thật vững vàng, vi phạm vào quy định về những điều đảng viên không được làm, có biểu hiện xa rời thực tiễn, cơ sở, v.v".

Để chữa bệnh, Quốc phòng toàn dân đề xướng đảng : "Cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đối với sĩ quan trẻ ; tăng cường tổ chức các buổi tọa đàm, thông tin chuyên đề trên các phương tiện thông tin đại chúng ; duy trì và phát huy tốt các hình thức thông báo chính trị, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, truyền thanh nội bộ, góp phần nâng cao nhận thức về "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để sĩ quan trẻ tự điều chỉnh nhận thức, hành vi của mình".

bodoi2

Một bộ phận sĩ quan trẻ còn bị chi phối bởi những tiêu cực ngoài xã hội như lối sống "vô cảm", "thực dụng", "hưởng thụ" và "ích kỷ" đang len lỏi, gặm nhấm tâm hồn của lớp trẻ" – Ảnh minh họa

Lính trẻ cũng diễn biến

Bên cạnh lớp sĩ quan trẻ, Bộ Quốc phòng Việt Nam còn cảnh giác tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong hàng ngũ hạ sĩ quan và binh lính.

Một bài viết của Học viện Lục quân ra ngày 06/04/2020 cho biết : "Hiện nay có một bộ phận thanh niên do chưa được rèn luyện, thử thách qua thực tế cuộc sống ; bản lĩnh chính trị chưa được tôi luyện thông qua học tập, công tác ; tâm, sinh lý đang ở độ tuổi phát triển và trưởng thành nên dễ chịu sự tác động của các yếu tố tiêu cực bên ngoài, như lối sống "vô cảm", "thực dụng", "hưởng thụ" và "ích kỷ" đang len lỏi, gặm nhấm tâm hồn của lớp trẻ".

Từ tình trạng chung này của "một bộ phận thanh niên", bài báo nói về những người lính trẻ trong Quân đội : "Thực tế cho thấy, ở một số đơn vị xuất hiện các biểu hiện quân nhân vi phạm kỷ luật như : Cá độ, đánh bài ăn tiền, vay nặng lãi... thậm chí có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến danh dự "Bộ đội Cụ Hồ", mà nguyên nhân chủ yếu là do những thanh niên đó có nhiều thời gian rảnh rỗi hoặc tự do đi ra ngoài doanh trại tiếp xúc với nhiều thói hư tật xấu, do công tác giáo dục, quản lý của chỉ huy đơn vị còn lỏng lẻo. Do đó, vai trò của cấp ủy, chỉ huy đơn vị rất quan trọng trong giáo dục, rèn luyện ; đồng thời mỗi cá nhân đoàn viên thanh niên trong đơn vị phải có ý thức tự giác, tự rèn, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện".

Thù địch mọi nơi

Nhưng, cũng giống như bên Tuyên giáo đảng, Bộ Quốc phòng Việt Nam không dám thừa nhận tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong Quân đội là hành động "tự phát" của binh sĩ, nhưng lại đỗ lỗi cho "các thế lực thù địch" và "hậu quả của mặt trái Kinh tế thị trường" đã lôi kéo Thanh niên trong quân ngũ chạy theo những dục vọng không lành mạnh, hoặc quay ra chống đảng.

Học viện Lục quân viết : "Một trong các phương thức chống phá của các thế lực thù địch là chúng đã khai thác triệt để mạng thông tin xã hội để trở thành mũi nhọn tập trung vào đối tượng thanh niên ; thời gian qua, chúng tăng cường tuyên truyền, lôi kéo thành niên ra nước ngoài để học tập, công tác, làm ăn ; chúng tập trung vào cả bộ phận thanh niên chuẩn bị hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang, bởi đây là lực lượng kế cận, kế tiếp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, sự bình yên của xã hội. Mọi diễn biến tiêu cực đó đều nhằm mục đích duy nhất là làm cho tầng lớp thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên trong lực lượng vũ trang từng bước "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" xa rời lý tưởng cách mạng, sa sút về đạo đức, suy thoái về chính trị, từng bước tự chuyển hóa, có thể bị ép buộc hoặc tự nguyện quay lại chống Đảng, Nhà nước và dân tộc mình".

Để chống lại, Học viện Lục quân đã yêu cầu cấp chỉ huy tăng cường giáo dục cho người lính trẻ, trong đó có việc tổ chức các cuộc thảo luận để theo dõi "diễn biến tư tưởng" trong Quân đội.

Bài viết đề nghị : "Tổ chức các buổi tọa đàm, xác định các chủ đề phù hợp với diễn biến của tình hình chính trị, xã hội ; tình hình và nhiệm vụ của đơn vị để thông qua đó, thanh niên được trao đổi tâm tư, nhận thức của bản thân về các vấn đề trong xã hội, Quân đội, đơn vị ; đồng thời, tạo điều kiện để người chỉ huy đơn vị nắm chắc diễn biến tư tưởng của thanh niên, định hướng đúng cho thanh niên ; ngăn chặn kịp thời những biểu hiện hoặc nhận thức lệch lạc có thể dẫn đến việc cá nhân "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Nói cách khác, Bộ Quốc phòng muốn "dọ thám" những người lính để xem họ có còn "trung vơi Đảng" nữa không.

Mặt chìm lặn đâu ?

Nhưng câu chuyện "chệch hướng" và "suy đồi đạo đức lối sống" trong một bộ phận Quân đội không phải là trường hợp cá biệt mà là "lối sống thường ngày" hiện nay trong Đảng cộng sản Việt Nam.

Báo Quân đội nhân dân viết : "Nhìn vào những vụ việc vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước của cán bộ, đảng viên bị phát hiện, xử lý chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay khiến nhiều người chưa thể yên tâm. Nhất là suốt hơn hai năm qua, trong khi cả nước đang gồng mình vượt qua đại dịch, lại có không ít trường hợp cán bộ, đảng viên đã bất chấp liêm sỉ, bất chấp luật pháp và đạo đức xã hội để trục lợi, khiến dư luận xã hội dè bỉu, phẫn nộ" (Quân đội nhân dân, ngày 07/04/2022).

Báo Quân đội nhân dân không nêu đích danh những người "dính bẩn" mà chi nói chung chung : "Chúng ta biết rằng, có không ít trường hợp cán bộ, đảng viên lúc đương chức, khi phát biểu trong hội nghị, trả lời báo chí thì tỏ ra mình liêm khiết, chí công vô tư để đánh bóng uy tín, tên tuổi. Thế nhưng khi tay đã "vấy bẩn" thì những lời phát biểu ấy càng trở nên lố bịch, làm trò cười cho dư luận. Sự nghiệp chính trị, danh dự, uy tín mà biết bao nỗ lực, phấn đấu bền bỉ không dễ gì có được cũng theo đó mà lụi tàn. Thậm chí, những cán bộ, đảng viên "hai mặt" ấy còn làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin nơi quần chúng vào Đảng, bởi họ đều là những người đã từng một thời được quần chúng hết mực tin yêu".

Chi tiết hơn, báo này tiết lộ : "Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên, có hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 390 vụ án và hơn 1.000 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý kỷ luật (tăng 15 trường hợp so với năm 2020). Nhìn vào số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực khiến nhiều người không khỏi lo lắng".

bodoi3

Ngay đầu năm 2019, chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đồ họa : Phượng Nguyễn.

Kết luận, Quân đội nhân dân cho biết : "Các chuyên gia cho rằng, kết quả chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua mới chỉ là "phần nổi của tảng băng trôi". Trong nhiều vụ việc, kết quả xử lý những "mảng chìm tiêu cực" mới chỉ được một phần rất nhỏ. 

Những con số nêu ra trên đây là những trường hợp đã bị phát hiện, xử lý, nhưng trên thực tế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang tự đánh mất phẩm giá, làm hoen ố danh dự của người cộng sản".

Vậy "một bộ phận không nhỏ" là bao nhiêu trong số 5.200.000 đảng viên (tính đến năm 2019) và trong số 482.000 quân nhân tại ngũ ?

Như vậy, nếu lấy khởi điểm phòng, chống tham nhũng của Việt Nam từ khóa Đảng IX (2001-2005) thì nay đã gần hết nhiệm kỳ thứ XIII mà tham nhũng vẫn sống vinh quang "giữa lòng dân tộc" trong 25 năm, trong khi đảng vẫn chưa chân đứng được tình trạng "tự diễn biến – tự chuyển hóa" thì mới thấy công tác "xây dựng, chỉnh đốn đảng" không có vùng cấm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bẽ bàng thế nào.

Phạm Trần

(11/04/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 695 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)