Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/04/2022

Giảm bớt xe máy trong thành phố : một vấn đề nhạy cảm

Lê Tự Do - Hoàng Mai

Khi đường phố bớt xe máy

Lê Tự Do, VNTB, 17/04/2022

Với nghị định 48 về việc tăng cường thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025 đến từ Chính phủ, trong đó yêu cầu 5 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030, thì có thể nói, đây là hoàn toàn là một vấn đề không mới.

xeganmay1

Phương tiện công cộng dù có tốt cỡ nào đi chăng nữa không phải ai cũng có thể sử dụng chúng, nhất là đối với những người có vấn đề về sức khỏe.

Quan sát trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều ý kiến lên tiếng phê bình trước vấn đề này, bởi lẽ, ở Việt Nam, xe máy luôn là phương tiện được người dân ưu tiên sử dụng.

Phần vì thuận tiện, tự do trong đi lại (nhất là đối với ngóc ngách, ngõ hẻm chỉ phù hợp với xe máy) ; phần vì chi phí cho một chiếc xe, dù sao đi nữa cũng dễ hơn so với bốn bánh… Cái chính hơn nữa, đó còn là "cần câu cơm" của nhiều người.

Lên tiếng là thế, ý kiến là thế, song, câu chuyện xưa cũ ấy đáng lẽ được khép lại thì nó lại cứ được cầm lên rồi nhấc xuống, với đủ mọi dẫn chứng từ các chuyên gia.

Thôi thì vấn đề nào cũng có hai mặt của nó. Tạm gác hết mọi sự bất cập sang một bên (chén cơm manh áo, cấp cứu, đi chợ, đi học…), nhắm mắt làm ngơ, thì ý kiến hạn chế hoặc có thể tiến tới dừng xe máy ở một số khu vực, có lẽ, cũng đem đến ít nhiều những hệ quả :

1. Dân văn phòng sẽ có sức khỏe tốt hơn. Một thực tế cho thấy, ghi nhận ở một vài ngân hàng trong Thành phố Hồ Chí Minh, tầm giờ trưa, nhiều shipper thường đến trước cổng ngân hàng, giao đồ ăn, thức uống. Nếu như hạn chế xe máy ở quận 1, quận 3, quận 5, đồng nghĩa với việc, sẽ tạo cho dân văn phòng có thói quen đặt hàng qua shipper sẽ phải tự đi mua tất cả mọi thứ, rèn luyện sức khỏe.

2. Các con đường sẽ "nhộn nhịp" hơn vào buổi chiều. Giờ chiều là khoảng thời gian học sinh tan học, không khó để bắt gặp phụ huynh đứng tràn ra đường để đón con mình vào khoảng thời gian này.

Nếu dừng, hạn chế xe máy, liệu chăng, hình ảnh những chiếc xe đó sẽ được thay thế bằng hàng dài những chiếc xe hơi ? Một thành phố xa hoa, giàu sang sẽ được thể hiện thông qua hàng loạt những chiếc xe đó hay sẽ mệt mỏi hơn trong điều tiết giao thông ?

3. Sẽ không còn cảnh những chú xe ôm (truyền thống lẫn công nghệ), những giao hàng nữa. Thay vào đó là một thành phố với những "chiếc hộp". Vì nhu cầu đi lại, sẽ có người cố gắng cách nào đó, sắm cho mình một chiếc xe hơi, kích thích thuế phát triển, nền kinh tế phát triển.

4. Một bộ phận khó khăn trong đi lại, sẽ có nhiều "cơ hội" hơn khi ở nhà, vì không còn được đi xe máy, chen chúc trên phương tiện công cộng thì lại không tiện, không đủ sức khỏe.

Và còn đủ loại "hệ quả" khác mà "hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030" đem lại nếu thực hiện…

Thực tế, có thể sẽ áp dụng ở một phạm vi hẹp gọi là thí điểm, rồi cái kết quả sau đó sẽ như thế nào ? Lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân hay chỉ ghi nhận những ý kiến theo hướng ủng hộ ?

Không biết rằng, những "ông" đưa ra ý kiến dừng, hạn chế xe máy có hình dung ra những viễn cảnh sẽ diễn ra như vậy chưa ? Phương tiện công cộng dù có tốt cỡ nào đi chăng nữa, nhưng điều đó, không đồng nghĩa với việc, ai cũng có thể sử dụng chúng, nhất là đối với những người có vấn đề về sức khỏe.

Những thành phố lớn mà "bày trò" để hạn chế tự do đi lại của người dân là… dở rồi…

Lê Tự Do

Nguồn : VNTB, 17/04/2022

************************

Kẹt xe cũng là tín hiệu tốt

Hoàng Mai, VNTB, 17/04/2022

Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025 được Chính phủ ban hành, theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh cùng Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ phải "Nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030".

xeganmay2

Nhiều người nói vui, đặc sản ở Sài Gòn là kẹt xe.

Cũng theo Nghị quyết 48, nêu rõ để tiếp tục giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020 ; áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Có thể nói, hình ảnh từng dòng xe đứng san sát nhau, đứng chờ ở nhiều con đường, nhiều bùng binh… là điều hoàn toàn không khó kiếm, nhất là mỗi khi tan tầm. Nhiều người nói vui, đặc sản ở Sài Gòn là gì, là kẹt xe.

Nhắc đến kẹt xe, có lẽ, nhiều người sẽ lắc đầu ngao ngán. Cũng đúng thôi, sau một ngày làm việc mệt mỏi, sau buổi học căng thẳng, lúc về, lại gặp cảnh kẹt xe, hỏi ai mà chẳng… ngán !

Mừng nhất, khỏe nhất, có thể nói là dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Những dòng người ùn ùn trở về quê, Sài Gòn tạm yên ắng trong khoảng thời gian dài ngày ấy, không còn nhiều khói xe, cũng không còn nhiều tiếng kèn, không còn nhiều cảnh kẹt xe.

Và cái Tết cổ truyền ấy, ở năm 2021, đã kéo dài đến tận mấy tháng trời (từ ngày 9/7/2021 cho đến 1-10-2021). Một Sài Gòn không còn cảnh kẹt xe, không còn cảnh dòng người tấp nập, hối hả với cuộc sống mưu sinh, không còn cảnh chen nhau mà chạy nhanh về nhà… thay vào đó là hình ảnh từng đoàn người ở chợ Bình Điền bị bắt đi cách ly tập trung, từng hàng shipper đứng đợi giao hàng giùm cho khách hàng… Một Sài Gòn buồn.

"Mình theo dõi từng thời kỳ. Lúc mới mở giãn cách, bắt đầu có xe cộ đi lại. Rồi mấy tháng sau đó, xe cộ bắt đầu đông hơn, đó là một tín hiệu vui, bởi thành phố đang dần bình thường, dù đó chỉ là giai đoạn của bình thường mới. Sau đó, là cảnh kẹt xe quen thuộc ở nhiều ngã đường, cảnh xe hơi lấn xe máy, cảnh tấp nập… không biết người khác thế nào, chứ mình vui lắm, vì thành phố đã thật sự hồi sinh sau cơn đại dịch, sau hàng loạt những quy định nghiêm ngặt về giãn cách – cách ly".

Nếu cho lựa chọn giữa kẹt xe mà cho thấy tín hiệu thành phố đã trở lại, đã bình phục trước đại dịch Covid-19 với sự trống trải do giãn cách, do cách ly, có lẽ, tôi cũng sẽ chọn kẹt xe. Vì dù có kẹt xe, nhích chân vẫn có thể về tới nhà, vẫn có thể bình yên, sum họp với gia đình.

Nhớ lại lời của một giảng viên, mỗi vấn đề đều có nhiều khía cạnh, đứng mỗi góc độ khác nhau sẽ nhìn ra vấn đề khác nhau.

Nếu như nhìn kẹt xe là một tín hiệu của thành phố hồi sinh sau đại dịch ; nhìn dòng người đông đúc, tấp nập là một tín hiệu tốt của khôi phục nền kinh tế, có lẽ, sẽ không nghĩ đến việc hạn chế xe gắn máy. Nếu nghĩ cho đời sống cũng như sức khỏe người dân, sẽ không tiến tới dừng hoạt động của xe gắn máy ở một số địa phương.

Nếu xem việc thực hiện Nghị quyết NQ-CP-2022 là khó khăn một, thì những ảnh hưởng, hậu quả mà người dân phải gánh chịu, là gấp nhiều lần con số đó…

Hoàng Mai

Nguồn : VNTB, 17/04/2022

*********************

Chắc người dân ngu lắm…

Hoàng Mai, VNTB, 16/04/2022

Có thể nói, xe gắn máy là phương tiện dễ dàng bắt gặp nhất ở Việt Nam. Chỉ cần bước chân ra khỏi cửa nhà, là thấy ngay.

xeganmay3

Câu chuyện dừng hoặc hạn chế xe máy, có lẽ là hoàn toàn không xa lạ gì. Nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có cả chuyên gia, cũng xoay quanh vấn đề này.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 3/2020, thành phố đang quản lý 8,55 triệu phương tiện, trong đó có gần 838.400 ôtô và hơn 7,7 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm trước, tổng số xe đang quản lý tăng 1,88% (ôtô tăng 5,28%, xe máy tăng 1,52%). Trong 3 tháng đầu năm nay, cứ mỗi ngày có khoảng 217 ôtô, 602 xe máy được đăng ký mới.

Cũng xin được nói thêm, đối với những xe mua mới hoàn toàn, về giá cả, tạm thời vẫn chưa thấy dòng xe nào có giá dưới 10 triệu. Đối với dòng Suzuki, rẻ nhất là Impulse 125 FI với giá cũng hơn 30 triệu. Dòng Honda cũng tròm trèm với giá hơn 18 triệu. Giá cả không thấp, thêm vào đó là chuyện dừng hoặc hạn chế xe máy là chuyện không mới, câu hỏi đặt ra, vậy sao người dân vẫn chấp nhận bỏ tiền ra mua xe máy ? Không vì nhu cầu thì là vì gì ?

Không hữu dụng sao được khi xe gắn máy, đó không chỉ là một chiếc xe vô tri vô giác, mà đối với nhiều người, đó còn là phương tiện mưu sinh, là "cần câu cơm" nuôi sống cả gia đình. Đó có thể là hình ảnh của một xe ôm ngồi ở góc ngã tư đường mời khách.

Đó có thể là hình ảnh của những anh nhân viên giao hàng (không chỉ shipper mà ngay cả nhân viên của Nhà nước như bưu điện cũng đi xe máy). Đó có thể là hình ảnh phóng viên chạy ngoài đường để săn phóng sự ảnh, săn nội dung. Đó cũng có thể là hình ảnh một chiếc xe máy, kéo theo đó là cả gia đình, sáng đi lượm ve chai, chiều tối tấp tạm ở một cái bến nào đó, nghỉ ngơi qua đêm…

Có lẽ, nói không quá, xe gắn máy là phương tiện được đa số người dân Việt Nam lựa chọn khi đi học, đi làm. Bởi, với sự đa dạng về giá cả của xe máy, dù là người có tiền hay người nghèo, cũng có thể tiết kiệm một khoản để sắm cho mình một cái "chân" đi lại, tiện lợi hơn.

"Đi đâu hay làm gì, cũng cần phải có phương tiện đi lại. Với tôi cũng như gia đình tôi, xe máy là lựa chọn tối ưu nhất. Về tính tiện dụng thì khỏi nói, khi có nhu cầu, xách xe lên, chạy là xong. Về tính linh hoạt, cứ thử nhìn mà xem, khi kẹt xe, xe nào có khả năng đi tốt nhất ? Có bao giờ kẹt xe mà toàn xe máy không ? Như chuyến đi mới vừa rồi từ miền tây về, ở đoạn cầu Cổ Cò, xe đứng quá trời, toàn là xe bốn bánh trở lên, lấn cả sang làn đường của xe máy. Các xe máy len lỏi trong làn xe nhỏ còn lại để chạy.

Thử hỏi, nếu ai cũng đi xe hơi hay xe buýt thì bao giờ mới tới nhà ? Nhất là đối với những trường hợp bất khả kháng nữa".

Dân gian có câu : "Đồng tiền liền khúc ruột". Cái khúc ruột đó dường chừng như được gắn chặt hơn đối với những người nghèo, mưu sinh kiếm ăn độ nhật, cân đo đong đếm kỹ từng đồng tiền để "tích cốc phòng cơ", thì liệu chăng, có hay không bỏ một mớ tiền ra mua chiếc xe để rồi trưng bày, chỉ để cho phần trăm tiêu thụ xe tăng lên ?

Nếu không vì nhu cầu sinh hoạt, vì tính tiện lợi, tính cơ động cũng như yếu tố thời gian, có lẽ, xe gắn máy cũng không được "chuộng" như thế.

Người dân không ngu bao giờ…

Hoàng Mai

Nguồn : VNTB, 16/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Tự Do, Hoàng Mai
Read 336 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)