Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/05/2022

Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam chỉ còn trên bích chương ?

Cát Tường

Trung tuần tháng 4/2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ công bố Bộ sách "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam", bổ sung, tái bản.

mattran0

Lá cờ hai màu đỏ – xanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tung bay trong một số biểu ngữ, bích chương cổ động cho sự kiện 47 năm "Ngày Chiến thắng".

Tham dự buổi lễ này có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải ; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm ; nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua ; Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải ; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê ; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Tô Thị Bích Châu kêu gọi các cán bộ làm công tác tuyên giáo, mặt trận, đoàn thể nên dành thời gian đọc, nghiên cứu để học hỏi và rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân.

"Khi các đồng chí nhận biết được giá trị của bộ sách, các đồng chí mới trở thành người lan tỏa nó hiệu quả được" – bà Tô Thị Bích Châu nói và đề nghị hệ thống tuyên giáo cơ sở, Mặt trận và các đoàn thể có giải pháp tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, thông qua các hội thi tìm hiểu kiến thức, các ấn phẩm trực quan, các hội nghị chuyên đề… để cán bộ, đảng viên, hội viên biết, tìm đọc và thẩm thấu về giá trị lịch sử, giá trị nhân văn của bộ sách.

Nhằm phát huy giá trị nhiều mặt của bộ sách về chính trị, tư tưởng, tư liệu lịch sử, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng ; Ban Thường vụ Thành ủy cũng tổ chức in 2.000 bộ sách gửi đến các cơ quan trung ương, các cơ quan nghiên cứu khoa học, trường học, bảo tàng ; tủ sách cộng đồng ở cơ sở và 33 tỉnh thành phía Nam.

mattran2

Bàn luận quanh vấn đề trên trong dịp trà dư tửu hậu của sự kiện 47 năm, có ý kiến với lập luận đáng chú ý như sau quanh chuyện cách hiểu thế nào cho đề xuất cần thiết tái lập việc thực thi hiệp định Paris, bởi vào năm 1973, hiệp định Paris được ký kết nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Trong nội dung hiệp định này có 2 điểm vô cùng quan trọng. Thứ nhất, Mỹ và phe đồng minh đồng ý rút hết quân ra khỏi miền Nam đồng thời cắt hết toàn bộ viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa. Thứ hai, đổi lại, Hà Nội cam kết rút hết quân đã xâm nhập trái phép vào miền Nam về miền Bắc.

Mỹ và phe đồng minh đã tuân thủ triệt để nội dung hiệp định Paris.

Ngược lại, Liên Xô và Trung Quốc biết đây là thời cơ đã chín muồi để dùng Hà Nội làm bàn đạp nhuộm đỏ Đông Nam Á nên chẳng những tiếp tục cung cấp lương thực thực phẩm và vũ khí cho Hà Nội để đưa thêm quân vào miền Nam, mà còn hào phóng cung cấp tối đa các vũ khí tối tân nhất, mở những đợt tấn công quân sự ào ạt trên toàn cõi Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 30/4/1975, Sài Gòn thất thủ, quân Bắc Việt tràn vào.

Nhưng Hà Nội không thể danh chính ngôn thuận tuyên bố thống nhất đất nước, vì làm như vậy là tự tố cáo mình đã trắng trợn vi phạm hiệp định Paris. Hà Nội lấy danh nghĩa Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam để mặt trận này tiếp quản Việt Nam Cộng Hòa, lấy tên nước là Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngày 2/7/1976, tại một kỳ họp Quốc hội tổ chức ở Hà Nội, Hà Nội tuyên bố Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã hết nhiệm vụ – vì mặt trận này do Hà Nội thành lập vào năm 1960 ở miền Nam với nhiệm vụ "chống Mỹ cứu nước" và chống lại chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trên tất cả mọi mặt, tuyên bố sáp nhập Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào Việt Nam dân chủ cộng hòa, đơn phương tuyên bố thống nhất đất nước, lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chọn Hà Nội làm thủ đô, đổi tên Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh, đổi quốc ca và quốc kỳ.

Sau đó, năm 1977, Hà Nội giải tán Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Vậy ngày 30/4 hàng năm phải là tưởng niệm những người lính đã ngã xuống dưới màu cờ đỏ – xanh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chứ không thể là lá cờ đỏ sao vàng bắt buộc nhà người dân phải treo trên cửa trong dịp này.

Hy vọng rằng mai đây nếu ý kiến kể trên của bà Tô Thị Bích Châu, "Khi các đồng chí nhận biết được giá trị của bộ sách, các đồng chí mới trở thành người lan tỏa nó hiệu quả được", sẽ giúp thế hệ hiện tại hiểu đúng hơn về câu chuyện của ngày 30 tháng tư.

Cát Tường

Nguồn : VNTB, 02/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cát Tường
Read 450 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)