Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/05/2022

Dân chủ trực tiếp, cách mạng và chống cách mạng

Aleksandr Solzhenitsyn, Timothy Garton Ash, Le Quotidien de Paris, Bede Griffiths

Phác thảo Dân Chủ

Aleksandr Solzhenitsyn, Trần Quốc Việt dịch 

Lời giới thiệu : Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008) được trao Giải Nobel Văn chương năm 1970. Những trang viết này, viết vào năm 1978, và được đăng lần đầu tiên bằng tiếng Anh ở tạp chí Mỹ New Criterion, tả lại cuộc viếng thăm của ông đến bán bang Appenzell của Thụy Sĩ vào cuối tháng Tư 1975. Trong bài ông cũng đề cập việc cộng sản Bắc Việt xâm chiếm Miền Nam Việt Nam. (TQV)

tudo1

***

Hai tháng trước, Bang Appenzell mời tôi tham dự lễ bầu cử của họ, và chủ bút báo Neue Zurcher Zeitung, Fred Luchsinger, đã cực lực khuyên tôi rằng đây là một dịp mà tôi nhất quyết không được bỏ qua, và bây giờ ông lái xe đưa (vợ tôi) Alya và tôi đến đấy. Thứ Hai tôi sẽ đi Canada, và vì bầu cử vào ngày Chủ Nhật, cho nên tôi vẫn còn có thể đến dự được. Appenzell là bang miền núi nhỏ ở phía đông Thụy Sĩ ; thực ra, có hai Appenzell -hai bán bang- một Công giáo và một Tin lành, tách biệt nhau. Chúng tôi được mời đến bán bang Công giáo. Trên đường đến đấy, khi chúng tôi đi ngang qua những người đi bộ đến tòa đô chính (ở Appenzell người ta thường đi bộ đến nơi bầu cử, không làm như thế là không nên), thật không thể nào mà không nhận thấy rằng tất cả đàn ông đều mang gươm, biểu tượng của quyền bỏ phiếu, mà phụ nữ và thiếu niên không có. Người ta từ khắp nơi đi bộ đến, họ cũng đi trên các cánh đồng cỏ (luật ở Appenzell quy định rằng trước Ngày Bầu Cử người ta có thể đi trên cánh đồng cỏ, nhưng sau đó không được phép đi để cho cỏ mọc cao bình thường). Nhiều thanh niên và phụ nữ đeo bông tai ở một bên tai.

Thánh lễ Công giáo kết thúc, nhà thờ đông nghẹt người, và quanh bàn thờ treo những lá cờ cầu kỳ của các xã của Appenzell. Những lá cờ phướn dài có những hoa văn, biểu tượng, và hình ảnh kỳ lạ của thú vật treo từ cửa sổ của những ngôi nhà gỗ sơn màu tươi sáng. Những ai được mời vào tòa đô chính trước tiên phải để vũ khí lại ở đấy, và rồi khoác áo choàng đen lên người. Rồi sáu người trong bộ đồng phục truyền thống cầm cờ đi đầu đoàn diễu hành, đi kèm bên cạnh họ là các em bé phụ lễ cũng mặc đồng phục. Các viên chức và khách danh dự cùng đi diễu hành, họ bước đi thật chậm rãi trên phố đầy những người dân thị thành đứng xem hai bên đường, trong khi ấy nhiều người tụm lại thành nhóm ở trên tất cả các cửa sổ đều chồm người ra ngoài xem. Mọi người đón mừng tôi rất nồng nhiệt, tưởng như tôi là đồng bào họ hôm nay thành danh về lại cố hương, thế mà tôi cứ tưởng ở nơi xa xăm này họ chẳng nghe gì đến tên mình. (Họ chào đón tôi không chỉ với tư cách nhà văn, mà còn với tư cách chiến sĩ chống lại cái ác. Thống đốc bang -Landammann- cũng nói đến điều này trong bài diễn văn).

Một cái bục gỗ được dựng lên ở quảng trường dành cho các viên chức mà khoảng độ chục người. Họ đứng thành hàng trên bục và đứng ở đấy với đầu trần và áo choàng đen trong suốt toàn bộ buổi lễ. Quảng trường đông kín stimmberechtigte Manner- những người có quyền bỏ phiếu- họ cũng đeo gươm bên mình, đầu họ để trần, người tóc bạc, kẻ muối tiêu, lại có người tóc đỏ hoe ; nhưng tất cả họ đều mặc áo quần bình thường. Phụ nữ tập trung ở đâu đó bên ngoài đám đông hay đứng trên ban công và ở cửa sổ. Trẻ em ngồi vắt vẻo trên những mái nhà nghiêng, và đập vào mắt là cảnh một người chụp ảnh đứng giạng chân trên đầu hồi mái nhà. Thống đốc bang-Landammann Raymond Broger, tóc hoa râm, vẻ mặt thông minh và cương nghị, đọc một bài diễn văn mà khiến cho tôi kinh ngạc. Ước gì Châu Âu có thể lắng nghe chăm chú và cảm thông bán bang Appenzell của nó ! Ước gì nhưng người lãnh đạo các nước lớn có thể làm theo những tư tưởng rất hay ấy !

Landammann nói trong suốt hơn năm trăm năm qua cộng đồng chúng ta đã không thay đổi gì nhiều về hình thức chính quyền tự trị của cộng đồng. Chúng ta được hướng dẫn bởi lòng xác tín rằng không có những thứ như "tự do chung chung", mà chỉ có những quyền tự do riêng biệt, mỗi quyền đều gắn liền với trách nhiệm và sự tự chế của chúng ta. Hầu như mỗi ngày, bạo lực trong thời đại chúng ta chứng minh cho chúng ta thấy rằng tự do được bảo đảm của cá nhân hay nhà nước là không thể nào có được nếu không có kỷ luật và trung thực, và chính xác vì những lý do này mà cộng đồng chúng ta đã duy trì trường tồn sức sống kỳ diệu của mình qua suốt hàng bao thế kỷ. Cộng đồng chúng ta không bao giờ hàng phục trước sự rồ dại của tự do hoàn toàn, và không bao giờ thỏa hiệp với cái ác để hy vọng làm cho nhà nước có quyền lực tối thượng. Không thể nào có một nhà nước hoạt động hợp lý nếu không có một chút yếu tố quý tộc và thậm chí quân chủ. Hoàn toàn hiển nhiên là trong một nước dân chủ phán xét cuối cùng trong tất cả các vấn đề quan trọng thuộc về nhân dân, nhưng nhân dân không thể hiện diện mỗi ngày để điều hành nhà nước. Và chính quyền không được chiều theo những cử tri hay thay đổi chỉ để cho những người lãnh đạo của chính quyền sẽ được tái đắc cử, chính quyền cũng không được đọc những bài diễn văn lừa dối nhằm gây ảnh hưởng đến cử tri, mà phải lội ngược dòng. Bằng việc làm và bằng sự thật nhiệm vụ của chính quyền là phải hành động theo cách mà đa số nhân dân biết suy nghĩ sẽ hành động nếu như họ biết được tất cả các chi tiết của mọi thứ, điều này càng trở nên không thể có được dưới khối lượng công việc cộng đồng ngày càng quá tải. Vì vậy chúng ta chỉ còn cách chọn ra người tài giỏi nhất để hướng dẫn và quản trị chúng ta. Dân chủ mà không có dũng khí, dân chủ mà cố gắng ban quyền cho tất cả mọi cá nhân, tất sẽ thoái hoá thành dân chủ của nô lệ. Một chế độ chính quyền tốt không phụ thuộc vào các điều khoản hoàn hảo của hiến pháp, mà phụ thuộc vào tài năng gánh vác trách nhiệm của các nhà lãnh đạo. Chúng ta xem thường dân chủ nếu chúng ta chọn những người yếu đuối vào chính quyền dân chủ. Hơn bất kỳ chế độ nào khác, chính chế độ dân chủ mới thực sự cần bàn tay mạnh mẽ có khả năng đưa nước nhà đi theo con đường rõ ràng. Bao cuộc khủng hoảng mà xã hội hiện nay đang đối mặt không phải do nhân dân gây ra, mà đều do chính quyền gây ra.

Đây không phải là tháng Tư bình thường, mà là tháng Tư năm 1975, một thời khắc nguy hiểm cho Phương Tây (mặc dù Phương Tây hầu như chẳng ý thức về điều ấy), Hoa Kỳ đã bỏ chạy khỏi Đông Dương. Chỉ mười ngày trước cuộc bầu cử ở Appenzell, báo chí Phương Tây ngây thơ tường thuật : "Nhân dân Phnom Penh hân hoan chào đón Khmer Đỏ".

Vì vậy, vào ngày tháng Tư này ta thật sự rất kinh ngạc khi nghe trên quảng trường thành phố đầy nắng này- tại nơi xa xăm của thế giới, nhưng lại nằm ngay chính trung tâm của Châu Âu - lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm chung đã tăng lên trong năm qua, khi nghe người ta kinh hoàng biết bao nhiêu trước thái độ của Mỹ trong việc bỏ rơi các đồng minh ở Đông Dương, và cũng kinh hoàng biết bao nhiêu trước số phận của những người dân Miền Nam Việt Nam đang lũ lượt chạy trốn "giải phóng quân" cộng sản. Đối diện với bi kịch này, Landammann nói tiếp, chúng ta hết sức lo âu mà tự hỏi liệu Mỹ sẽ vẫn còn trung thành với đồng minh Châu Âu, một Châu Âu không thể nào tự bảo vệ trước cuộc xâm lược của Liên Xô nhưng mong đợi sự ủng hộ của Mỹ như thể đã được cam kết. Đặc biệt trong suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam, tâm lý chống Mỹ đã phát triển ở Châu Âu ; do vậy, chúng ta phải cho rằng trong tương lai Mỹ sẽ không đến bảo vệ bất kỳ nước nào mà không nỗ lực tự bảo vệ mình. Châu Âu phải chứng tỏ ngay lập tức rằng Châu Âu sẵn sàng chấp nhận hy sinh lớn lao và đoàn kết một cách có hiệu quả.

Rồi Landammann chỉ trích Thụy Sĩ, vì Thụy Sĩ đã coi mức chi tiêu quân sự mà chiếm 1,7 phần trăm ngân sách quốc gia là quá cao, sau đấy ông nói về kinh tế và về Thụy Sĩ không còn là quốc gia lý tưởng nữa.

Sau bài diễn văn này và thêm mấy lời chào mừng quan khách, Landammann tháo sợi dây chuyền lớn bằng kim loại, một biểu tượng quyền lực của ông, và trao lại cho người đứng bên cạnh trên bục cùng với cái gì đấy hơi giống như cây gậy, rồi nhanh chóng rời khỏi khán đài. Chỉ thế thôi. Ông đã phục vụ xong nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, một viên chức khác bước đến chỗ ông vừa mới đứng, và đề nghị rằng Broger nên được bầu thêm một nhiệm kỳ nữa cũng với chức vụ Landammann. Viên chức ấy kêu gọi bỏ phiếu, và toàn bộ đám đông đàn ông tập hợp trên quảng trường thành phố nhất loạt giơ tay lên. Không cần phải đếm phiếu, vì kết quả rất rõ ràng : Broger đã tái đắc cử. (Đến đây tôi phải cố nén cười thầm : tưởng gì, dân chủ giống như ở trong nước).

tudo2

Ở Appenzell, Thụy Sĩ, người ta thường đi bộ đến nơi bầu cử. Ảnh minh họa Công dân Landsgemeinde tập hợp lại để bỏ phiếu ở Appenzell, Thụy Sĩ, năm 2013. Ảnh : Rosmarie Widmer Gysel.

Broger quay trở lại chỗ ông mới vừa mới đứng lúc trước đó, và, giơ tay lên, bằng giọng to lặp lại lời thề mà diễn giả đã đọc lớn cho ông nghe. Rồi ông mang sợi dây chuyền lại vào người và đọc to lời thề để cho đám đông tập hợp bên dưới lặp theo, đám đông quả thực lặp theo, đúng là nhân dân thề với nhân dân !

Rồi Landammann bắt đầu công bố tên của các thành viên nội các của ông, đọc đến tên người nào ông cũng đều hỏi đám đông có ai phản đối gì chăng ; không ai phản đối gì, mặc dù ông dường như chỉ cho người ta một hoặc hai giây để phản đối. Tôi vẫn tiếp tục cười thầm : lại giống như ở trong nước. Nhưng tôi nhận ra ngay mình đã sai lầm. Đạo luật quan trọng đầu tiên mà Landammann cố gắng trình trước cử tri là đạo luật về tăng thuế : ông nói bang đang gặp khó khăn về tài chính. Tiếng rì rầm lan ra trong đám đông, mọi người hỏi ý kiến lẫn nhau. Một người bước lên bục và phát biểu trong năm phút chống lại đạo luật được đề xuất. Rồi Bộ trưởng Tài chính cố gắng biện hộ cho đạo luật, nhưng đám đông lại rì rầm, nói họ không muốn nghe ông ta nói hết mà chỉ muốn bỏ phiếu ngay. Landammann kêu gọi mọi người giơ tay lên : Tất cả những ai ủng hộ ? - chỉ một vài cánh tay giơ lên. Tất cả những ai phản đối ? - có cả rừng tay. Những cánh tay giơ vọt lên mạnh mẽ như thể đám đông đang vỗ cánh, cuộc bỏ phiếu có sức mạnh phán quyết mà không tồn tại trong các cuộc bỏ phiếu kín. (Chưa kể đến gươm và dao đeo ở thắt lưng của mỗi người, mặc dù người ta không thể nhận thấy rõ chúng trong đám đông).

Landammann có vẻ rất thất vọng, và, theo như tôi hiểu, ông đã sử dụng quyền của chức vụ của mình, phản đối kết quả bỏ phiếu để yêu cầu bỏ phiếu lại lần thứ hai. Đám đông kính cẩn lắng nghe ông, nhưng rồi vẫn bỏ phiếu một cách rất quyết liệt như trước : không được tăng thuế !

Đúng là tiếng nói của nhân dân. Vấn đề đã được quyết định một cách thuyết phục - không cần có các bài báo, nhà bình luận trên truyền hình hay các ủy ban Thượng Viện ; điều này diễn ra chỉ mười phút nhưng cho cả năm tới.

Chính quyền bấy giờ trình đề nghị thứ hai : tăng trợ cấp thất nghiệp. Đám đông la to : "Họ phải đi làm !". Từ trên bục "Họ không tìm ra việc !". Đám đông : "Họ phải tiếp tục tìm việc ! "Không có tranh luận. Một lần nữa cuộc bỏ phiếu là một tiếng "không" quyết liệt. Đa số áp đảo là quá rõ ràng đến mức không cần đếm tay, nhiều cử tri thậm chí còn không giơ tay đủ cao để được đếm, mà có lẽ người ta cũng chẳng bao giờ đếm, vì kết quả luôn luôn rõ ràng trước mắt.

Rồi chính quyền đưa ra đề nghị thứ ba : chấp nhận những cá nhân, chủ yếu là những người Ý, đã sống vài năm ở Appenzell trở thành công dân của bang. Có độ mười người như thế. Có cuộc bỏ phiếu riêng rẽ dành cho từng người này, và theo như tôi hiểu, tất cả họ, đều đã bị bác vì không đủ xứng đáng, không chấp nhận.

Vậy là không, điều này rõ ràng hoàn toàn không giống như ở trong nước. Sau khi đồng lòng bầu lại Landammann yêu quý của họ, giao phó cho ông việc thành lập loại chính phủ ông muốn, họ ngay lập tức bác bỏ tất cả các đề nghị chính của ông. Và bây giờ ông phải lãnh đạo ! Tôi chưa từng bao giờ thấy hay nghe đến một nền dân chủ như thế, cho nên rất khâm phục (đặc biệt sau bài diễn văn của Landammann Broger). Đây là loại dân chủ chúng ta có thể cần đến. (Phải chăng các cuộc họp thành phố trung cổ của chúng ta -veche- có lẽ cũng rất giống như thế này chăng ?).

Liên bang Thụy Sĩ, được thành lập vào năm 1921, quả thực bây giờ là nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới. Nền dân chủ này không xuất phát từ các tư tưởng Khai Sáng, mà trực tiếp từ những hình thức cuộc sống công xã cổ đại. Tuy nhiên, những bang kỹ nghệ, đông dân, giàu có đã mất tất cả điều này, đã bắt chước Châu Âu từ bao nhiêu năm nay (và đã bắt đầu có mọi thứ của Châu Âu từ váy rất ngắn đến poses plastiques gợi dục). Nhưng ở Appenzell, ngược lại, nhiều thứ vẫn được gìn giữ như ngày xưa.

Thế giới quả là rất đa dạng, và thế giới ban cho chúng tôi rất nhiều thứ mà chúng tôi chưa từng bao giờ biết đến, chưa từng bao giờ thấy ! Chúng tôi có biết bao nhiêu điều để nghĩ về nước Nga của tương lai - nếu chúng tôi ước gì được ban cho cơ hội để suy nghĩ.

Sáng hôm sau tôi bay qua Canada, trong tâm trạng vừa bất an lẫn phấn khởi. Một mặt, tôi ra đi với ý nghĩ không bao giờ trở lại (tôi mang theo nhiều thứ cá nhân và một số bản thảo), với ý nghĩ tìm một mái nhà ở vùng hoang vu khắc nghiệt nào đó ở Canada, để hoàn toàn ẩn dật, xa lánh thế giới đang cắn xé tôi, và với ý nghĩ chỉ viết và viết thôi. Tôi không còn muốn đi nghỉ mát dù chỉ một tuần ở một nhà miền quê đâu đó, mà chỉ muốn luôn luôn ở trong nhà mình. Tôi đã năm mươi sáu tuổi rồi, nhưng mục tiêu chính của công trình của tôi về Bánh xe Đỏ vẫn còn ở phía trước. Tôi phải cẩn trọng rằng cuộc đời tôi, với bao thăng trầm dữ dội và bao thành công bên ngoài, đã không bất ngờ chợt thấy mình đã thất bại trong nhiệm vụ chính của cuộc đời mình.

Mặt khác, đây là những ngày đỏ lửa của cuộc đầu hàng của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng cả Mỹ lẫn Châu Âu vào những ngày nay đều không nhận thức nền tảng tương lai của họ đã rung chuyển rất nhiều. Landammann của Appenzell đã gắng hết sức nói một cách can đảm và công khai với lục địa Châu Âu, nhưng ai sẽ nghe ông ? Tôi đã trải qua một năm xáo động, không thể bén rễ ở đâu, không thể sống lâu ở đâu, mà cứ rày đây mai đó - và điều gì tôi đã thực sự nói ngoài việc xuất bản Quần đảo Ngục tù ? Đối với người hiểu được, tất nhiên, tác phẩm ấy quá đầy đủ, nhưng thực sự có mấy ai ở Châu Âu dám hiểu ? Và khi tôi ở Pháp, tôi nói được rất nhiều ư ? Trách nhiệm thật sự của tôi là đối với tác phẩm của tôi. Tôi hoàn toàn không cố gắng bảo vệ mình khi tôi tuyên bố rằng tôi không phải là nhà chính trị : tôi không muốn bị kéo vào các cuộc tranh luận chính trị triền miên, vào một loạt các vấn đề mà đối với tôi là không cần thiết-điều tôi muốn là chọn những vấn đề của tôi và khi nào tôi sẽ thảo luận chúng. Không phải tính khí tôi khiến tôi luôn thờ ơ, khiến tôi trốn vào nơi hoang vu, mà ngược lại khiến tôi đi thẳng vào đám đông đông đúc nhất và la to nhất.

Trong vài giờ tới mâu thuẫn này đã được giải quyết như sau : khi bay qua đại dương, trong chuyến bay bảy giờ tôi đã viết, như tôi thường xuyên nghĩ, bản thảo đầu tiên và rồi bài báo hoàn chỉnh "Thế Chiến Thứ Ba ?".

Làm sao người ta đã không thể nào thấy được chứ ? Trước tiên họ dâng Đông Âu cho Chủ nghĩa Cộng sản, còn bây giờ đến Đông Á, và chẳng ai chặn đứng sự thâm nhập của Chủ nghĩa Cộng sản vào Trung Đông, Châu Phi, và Châu Mỹ La tinh. Vì sợ một cuộc đại chiến mới, người ta có thể dễ dàng giao nộp cả hành tinh này. Khi sống trong cảnh thịnh vượng thì thật khó mà cương quyết và chấp nhận hy sinh !

Vì tôi biết dịch vụ bưu chính Canada không đáng tin cậy do thường hay đình công, cho nên tôi trao lá thư có bài viết ấy cho một chiêu đãi viên hàng không để nhờ anh mang về lại Thụy Sĩ cùng ngày.

Và kìa nước Mỹ đã hiện ra dưới cánh máy bay tự lúc nào.

Aleksandr Solzhenitsyn

Nguyên tác : A sketch of democracy, The New Criterion, September 2018. Bài viết này được đăng lại trên báo Mỹ New York Times vào ngày 22/6/1975.

Trần Quốc Việt dịch

**********************

Tưởng niệm những nông dân nổi dậy chống lại "cách mạng vĩ đại"

Aleksandr Solzhenitsyn - Trần Quốc Việt dịch 

Lời người dịch : Vào ngày 25 tháng Chín năm 1993, nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn đã đọc bài diễn văn sau trước 30 ngàn người ở Lucs-sur-Boulogne, Vendée, Pháp nhân dịp khánh thành đài tưởng niệm hàng chục ngàn nạn nhân bị thảm sát từ năm 1793 đến năm 1795 trong cuộc nổi dậy Vendée dưới thời cách mạng Pháp.

Chúng tôi trân trọng dịch và giới thiệu đến độc giả bài diễn văn này nhân dịp chế độ cộng sản Việt Nam kết án những nông dân vô tội ở Đồng Tâm. Qua bài dịch này chúng tôi khẳng định chúng tôi đứng về phía họ - những nông dân chân chất đang bị tà quyền kết án rất bất công và nặng nề. Và trong tâm tưởng của mình chúng tôi cũng tưởng đến những nông dân Quỳnh Lưu, những nông dân Thái Bình và biết bao những nạn nhân của Cải cách Ruộng đất. Họ là nạn nhân của cộng sản và là anh hùng trong cuộc đấu tranh chống cộng sản từ trước đến nay. (TQV)

tudo3

Cuộc thảm sát cứ dân Lúc sur Boulogne ngày 28/02/1794. Ảnh minh họa Cửa sổ kính màu trong nhà thờ Lucs-sur-Boulogne, do Lux Fournier làm năm 1941.

Kính thưa Chủ tịch Đại Hội đồng tỉnh Vendée,

Những người Vendée kính mến,

Cách đây hai phần ba thế kỷ, lúc tôi còn nhỏ, tôi đọc với niềm cảm phục về cuộc nổi dậy can đảm và tuyệt vọng của những người Vendée. Nhưng chưa bao giờ tôi dám mơ tưởng rằng tôi sau này trong đời sẽ có vinh hạnh khánh thành đài tưởng niệm những anh hùng và nạn nhân của cuộc nổi dậy ấy.

Bây giờ hai mươi thập niên đã trôi qua, và suốt trong thời gian ấy cuộc nổi dậy Vendée và cuộc đàn áp đẫm máu sau đấy đã được xem xét kỹ lưỡng theo những cách nhìn luôn luôn mới, tại Pháp và các nơi khác. Thật vậy, người ta không bao giờ thấu hiểu những sự kiện lịch sử ngay đương lúc chúng diễn ra sôi động, nhưng chỉ hiểu chúng sau khoảng thời gian rất dài, sau khi nhiệt tình đã nguội lạnh. Từ lâu lắm rồi, chúng ta không muốn nghe hay thừa nhận tiếng kêu của những người chết, hay bị thiêu sống mà nói rằng : Những người nông dân của nhân dân lao động đã bị đẩy đến tận cùng của áp bức và tủi nhục bởi cuộc cách mạng cho là thực hiện vì họ-đến nỗi những nông dân này đã nổi lên chống lại cách mạng !

Cuộc cách mạng ấy phơi bày những bản năng dã man thời hồng hoang, những vũ lực tàn độc của ganh tỵ, tham lam, và căm thù mà ngay cả người đương thời cũng thấy rất rõ ràng. Họ đã trả một cái giá quá khủng khiếp cho cuộc lên đồng tập thể vào thời ấy, khi mà một hành vi ôn hoà đơn thuần, hay ngay cả sự nhận thức về hành vi như thế, đều hầu như đã là có tội rồi. Nhưng thế kỷ hai mươi đã làm rất nhiều để làm lu mờ vầng hào quang của cuộc cách mạng mà vẫn còn ngự trị trong thế kỷ mười tám. Khi những bán thế kỷ và thế kỷ trôi qua, từ bao bất hạnh đời mình, người ta nhận thức ra rằng các cuộc cách mạng đều phá bỏ các cấu trúc nền tảng của xã hội, phá vỡ dòng đời tự nhiên, tiêu diệt những thành phần tinh hoa trong dân chúng và để cho những kẻ xấu xa nhất mặc sức tung hoành, và cách mạng không bao giờ mang lại thịnh vượng cho quốc gia mà chỉ mang lại lợi ích cho một số kẻ cơ hội vô liêm sỉ, trong khi ấy với quốc gia nói chung thì cách mạng chỉ báo trước vô vàn cảnh chết chóc, nghèo đói khắp nơi, và, trong trường hợp xấu nhất, sự suy đồi triền miên của cả một dân tộc.

Chính từ"cách mạng" (từ tiếng La tinh revolvo) có nghĩa là "loại bỏ","trở lại","trải nghiệm mới“,"tái diễn bất ngờ", hay tích cực nhất"quay tròn"- đây là bản liệt kê chẳng mấy gì tươi sáng. Ngày nay, nếu khi nào ta dùng hình dung từ "vĩ đại "để gắn cho một cuộc cách mạng, ta phải nên dùng từ này một cách rất cẩn trọng, và luôn luôn với nhiều cay đắng trong lòng.

Bây giờ người ta càng ngày càng hiểu rằng những cải thiện xã hội mà tất cả chúng ta đều rất tha thiết mong muốn đều có thể đạt được qua sự phát triển tiến hóa bình thường-với tổn thất cực kỳ thấp và không có sự băng hoại toàn diện. Chúng ta ắt hẳn có thể cải thiện một cách kiên nhẫn những gì chúng ta có trong bất kỳ "ngày hôm nay "nào.

Hoàn toàn vô ích khi hy vọng rằng cách mạng có thể cải tạo bản chất con người, tuy nhiên đó là điều mà cuộc cách mạng của quý vị, và đặc biệt cuộc cách mạng Nga của chúng tôi đã hy vọng rất nhiều. Cách mạng Pháp khai màn dưới lá cờ của khẩu hiệu mà tự mâu thuẫn và bất khả thi,"tự do, bình đẳng, bác ái". Nhưng trong cuộc sống xã hội, tự do và bình đẳng là những khái niệm không dung hòa nhau, thậm chí còn chống đối nhau. Tự do tiêu diệt bình đẳng xã hội vì đó là bản chất của tự do. Còn bình đẳng cản trở tự do-vì nếu không như thế không thể nào có bình đẳng. Riêng bác ái lại không liên hệ gì ở đây. Nó chỉ là một từ có cánh được thêm vào khẩu hiệu để cho hay và dễ nhớ. Bác ái đích thực được đạt đến không phải bằng phương tiện xã hội mà bằng phương tiện tinh thần. Hơn nữa, những từ đáng sợ"hay là chết !"được thêm vào khẩu hiệu có ba vế này, qua đó hầu như làm mất đi ý nghĩa của nó.

Tôi không muốn bất kỳ một quốc gia nào phải trải qua"cuộc cách mạng vĩ đại". Chỉ Thermidor (1) đến mới ngăn cản cuộc cách mạng thế kỷ mười tám hủy diệt nước Pháp. Nhưng chẳng có Thermidor nào ngăn cản cuộc cách mạng ở Nga khi cách mạng đã đẩy dân tộc chúng tôi đi thẳng đến chung cuộc bi đát, đến vực thẳm, đến bên bờ vực tiêu vong.

Tiếc thay hôm nay không có ai ở đây để có thể nói về bao đau khổ kéo dài trong lòng Trung Quốc, Campuchia, hay Việt Nam, và có thể miêu tả cái giá họ đã phải trả cho cách mạng.

Ta tưởng đâu kinh nghiệm của cách mạng Pháp sẽ là bài học quá đầy đủ cho những người xây dựng duy lý về "hạnh phúc của nhân dân "ở Nga. Nhưng không, những sự kiện ở Nga còn tàn khốc hơn rất nhiều và với một tỷ lệ to lớn hơn rất nhiều lần. Những người cộng sản của Lê nin và những người Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đã cố tình lặp lại nhiều cách thức tàn ác nhất của cách mạng Pháp trên thân thể nước Nga-chỉ khác là họ có mức độ kiểm soát có tổ chức lớn hơn và hệ thống hơn những người Jacobin rất nhiều.

Chúng tôi không có Thermidor, nhưng đáng khen ngợi về tinh thần là chúng tôi cũng có Vendée của chúng tôi, thực ra không chỉ một. Những cuộc nổi dậy này là những cuộc nổi dậy lớn của nông dân : Tambov (1920-21), miền tây Siberia (1921). Chúng tôi biết những tình tiết sau : những đám đông nông dân mang giày tự may, trang bị dùi cui và chĩa ba, tập trung ở Tambov theo tiếng gọi của chuông nhà thờ từ những làng chung quanh-và rồi họ đã bị những tràng súng máy bắn gục. Suốt trong mười một tháng cuộc nổi dậy ở Tambov vẫn không bị dẹp tan, bất chấp cộng sản ra sức đè bẹp bằng xe tăng, xe lửa bọc thép, và máy bay, cũng như bắt toàn bộ các gia đình của quân phiến loạn làm con tin. Chúng thậm chí sẵn sàng dùng đến hơi độc. Những người Cô-dắc từ sông Ural, sông Đông, sông Kuban, sông Terek - cũng đương đầu với cộng sản qua cuộc kháng chiến sống còn mà cuối cùng chìm đắm trong biển máu diệt chủng. Cho nên, trong dịp khánh thành đài tưởng niệm Vendée anh hùng này, tôi thấy trong tâm tưởng tôi hai hình ảnh- vì tôi cũng có thể hình dung ra những đài tưởng niệm mà ngày nào đó sẽ dựng lên ở Nga, những tượng đài vinh danh cuộc kháng chiến Nga của chúng tôi chống lại cuộc tấn công dữ dội của chủ nghĩa cộng sản và bao tội ác của chúng.

Tất cả chúng ta đã sống qua thế kỷ hai mươi, thế kỷ của khủng bố, đỉnh cao kinh hoàng của tiến bộ mà rất nhiều người trong thế kỷ mười tám mơ ước. Còn giờ đây, tôi nghĩ, càng ngày càng nhiều công dân Pháp, với lòng tự hào và hiểu biết ngày càng cao, sẽ nhớ và trân quý cuộc kháng chiến và hy sinh của những người Vendée.

Aleksandr Solzhenitsyn

Nguyên tác : "A Reflection On The Vendée Uprising", bản dịch tiếng Anh của Stephan Solzhenitsyn và Ignat Solzhenitsyn. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

Chú thích :

(1) Thermidor, trong cuộc cách mạng Pháp, ám chỉ cuộc đảo chánh của Quốc hội Pháp vào ngày 27 tháng Bảy, 1794 đưa đến sự sụp đổ của Robespierre cùng Thời kỳ Khủng bố ở Pháp.

**********************

Cách mạng không cách mạng 

Timothy Garton Ash - Trần Quốc Việt dịch 

Vào cuối năm 1989, bạn bè tôi ở Trung Âu bất ngờ khám phá ra rằng kỳ diệu thay họ đã thực hiện được hai điều : trước tiên, họ đã phá hủy không chỉ một đế quốc, mà là một đế quốc được trang bị vũ khí hạt nhân. Thứ hai, họ đã sáng tạo ra cuộc cách mạng kiểu mẫu mới - kiểu mẫu mới 1989 thay thế kiểu mẫu cũ 1789.

635938421

Cuộc cách mạng nhung tại Tiệp Khắc ngày 17/11/1989

Trong suốt 200 năm qua, cách mạng có nghĩa là bạo lực. Tôi nhớ một cuộc tranh luận tưởng chừng như diễn ra trong mơ giữa những nhà lãnh đạo Cách mạng Nhung ở Prague. Vấn đề được họ nêu ra là : "Chúng ta nên thực sự gọi sự kiện này là một cuộc cách mạng ? Vì cách mạng có nghĩa là bạo lực nhưng chúng ta không muốn bạo lực, vì vậy có lẽ chúng ta không nên thực sự gọi sự kiện này là một cuộc cách mạng ?"

Nhưng ta vẫn có đám đông cách mạng, ta có hàng trăm ngàn người trên đường phố Budapest, Prague, và Warsaw, và hiện diện trong những đám đông này là sự trải nghiệm kỳ lạ nhất trong đời. Tôi xin kể lại với các bạn một thời điểm : 300.000 người trên Quảng trường Wenceslas ở Prague, Vaclav Havel đang nói chuyện với Alexander Dubcek từ ban công của tờ báo Tiếng Tự do - tờ báo chính thức đã ngả sang phía cách mạng, và bất ngờ người nào đấy - người mà mãi mãi chẳng một sử gia nào sẽ biết tên tuổi - lấy chùm chìa khóa từ trong túi ra, giơ chúng lên cao, và bắt đầu lắc. Trong vòng một hay hai phút, 300.000 người lấy chìa khóa của họ ra lắc. Tôi có thể nói với các bạn rằng âm thanh của những chiếc chìa khóa của 300.000 người là âm thanh kỳ lạ nhất như tiếng của 300.000 cái chuông Tàu. Hành động ấy đã trở thành thói quen cách mạng. Đám đông cũng cực kỳ sáng tạo và tự phát. Họ luôn luôn nghĩ ra những cử chỉ thể hiện mới như những chìa khóa.

Khác với đa phần các cuộc cách mạng trước đây, từ 1789 và 1917 đến 1956 ở Hungary, quần chúng không có ý định sát hại ai, họ không có ý định đi đốt Cung điện Mùa Đông và treo cổ hay xử bắn Nga Hoàng. Họ chỉ có mặt ở đấy, và họ biết họ có mặt ở đấy để tạo ra những áp lực ôn hòa lên những chế độ cai trị, buộc chế độ phải thương lượng với nhóm lãnh đạo đối lập ở bàn tròn. Biểu tượng cao quý của năm 1989 không phải là máy chém mà là bàn tròn. Bàn tròn Ba Lan đặc biệt được đóng cho dịp này : ta vẫn có thể đi xem và chạm vào bàn tròn ấy trong dinh tổng thống ở Warsaw.

Đây là sự chuyển tiếp đến dân chủ thông qua thương lượng mà đòi hỏi sự thỏa hiệp sáng suốt. Điều mới mẻ ở hình thức cách mạng này không phải đâu là nơi cuối cùng ta đến mà cách ta đến đấy. Điều độc đáo của cuộc cách mạng mới không nằm ở cứu cánh mà ở phương tiện. Tôi tin một trong những nhận thức quan trọng về 1989 sẽ đảo ngược sự hợp lý của cách mạng thiên tả - cực đoan (Jacobin-Bolshevik). Không chỉ vì cứu cánh không biện minh phương tiện - mà là lập trường của cách mạng thiên tả - cực đoan cũ. Chính phương tiện ta dùng thực sự quyết định nơi cuối cùng ta đến.

Một trong những nhà lãnh đạo của năm 1989 ở Ba Lan, Adam Michnik, đã diễn đạt tuyệt vời điều này. Ông nói : điều chúng ta đã học được từ lịch sử Châu Âu là những ai bắt đầu bằng cách tấn công chiếm ngục Bastille cuối cùng sẽ xây nhiều ngục Bastille mới của riêng mình. Vì vậy ta phải bắt đầu như cách ta định hành xử. Tôi tin điều ấy hoàn toàn đúng : có sự tương quan sâu sắc giữa phương tiện ta dùng, cách mạng ôn hòa, và loại chế độ và xã hội ta xây dựng sau đó.

Lúc này, ta chắc có lẽ nói về 1989 : đồng ý, đây đúng là sự kiện trọng đại nhưng sự kiện ấy chỉ là một loạt sự kiện rất đặc biệt liên quan đến sự sụp đổ của Liên Xô, chỉ là một thắng lợi bất ngờ, thoáng qua, và hy hữu. Một điều chúng ta biết chắc trong 20 năm qua thực sự không phải là như thế mà thực sự là một kiểu mẫu cách mạng mới. Trong cuốn sách mới ra của mình, tôi thuật lại hai trường hợp tôi đã chứng kiến trong thập niên vừa qua : Cách mạng Cam ở Ukraine và lật đổ Slobodan Milosevic ở Serbia. Tội phạm chiến tranh Châu Âu lớn nhất trong thời đại chúng ta cuối cùng đã bị chính nhân dân mình đánh văng ra khỏi quyền lực, mà hầu như chẳng phải bắn phát súng nào ; họ đã tống khứ Milosevich trong một cuộc cách mạng nhung.

Chúng ta cũng có thể nói về Slovakia, Croatia, Georgia hay Nam Phi - mà cách riêng của mỗi nước rất giống cuộc cách mạng nhung, với nhiều yếu tố của cách mạng kiểu mẫu 1989. Không phải tất cả các nước này đều thành công - ngược lại, cách mạng nhung ở Miến Điện vào năm 2007 cho đến nay vẫn không thành công.

Có một vài vấn đề với kiểu mẫu cách mạng mới này. Theo quan điểm của tôi, vấn đề lớn nhất là, khác với năm 1789 hay 1917, ta không có khoảnh khắc vỡ bờ cách mạng - khoảnh khắc khi đầu vua bị chém bay, rồi những tiếng ồ vang lên sung sướng từ dân chúng, và mọi người đều biết đã có sự thay đổi lớn lao. Một đường vạch rõ ràng giữa quá khứ và tương lai. Ta không có khoảnh khắc ấy trong một cuộc cách mạng nhung, trong sự chuyển tiếp qua hiệp ước. Cho nên, nhiều năm về sau, người ta vẫn còn thấy thiếu cái gì đấy : đâu là thời khắc đoạn tuyệt tuyệt vời với quá khứ ?

Timothy Garton Ash

Nguyên tác : "Time for Another Velvet Revolution ?" (Đã đến lúc cho một cuộc cách mạng nhung khác ?), Hay Festival 2009,  . Bài nói chuyện này được đăng lại trên tạp chí Anh Index on Censorship số ra ngày 18/9/2009. Tựa đề của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

Timothy Garton Ash là giáo sư ở đại học Oxford và là sử gia và nhà bình luận Anh nổi tiếng.

*******************

Ở nhà máy thép 

Le Quotiden de Paris - Trần Quốc Việt dịch 

Lời giới thiệu : Chúng tôi dịch toàn văn bài tường thuật sau đăng trên nhật báo Le Quotiden de Paris vào ngày 24 tháng Mười Hai, 1981 về cuộc đình công đúng nghĩa bị đè bẹp. (TQV)

tudo5

Vào ngày mười bốn tháng Mười Hai tại nhà máy thép Zawiercie, ở Silesia, lực lượng quân đội tuyên bố thiết quân luật ở Ba Lan vào ngày trước đấy đã tàn sát hàng chục công nhân. Đài phát thanh Warsaw và thông tấn xã Tass của Liên Xô đều hoàn toàn không đề cập đến tội ác gây ra vào ngày ấy.

Một nhân chứng thấy cảnh tượng này từ cửa sổ nhà mình cuối cùng đã phá tan bức màn im lặng. Tuy anh đã đào thoát sang Thụy Điển, nhưng anh vẫn còn sợ hãi và căng thẳng. Trong mắt anh lộ vẻ khiếp đảm, mà có thể không bao giờ phai nhạt, khi anh kể lại cảnh tượng kinh hoàng không thể nào ngờ đến, không thể nào chấp nhận được.

"Hôm ấy là ngày sau khi Tướng Jaruzelski thực hiện cuộc đảo chính quân sự. Kể từ ngày hôm trước cả trăm công nhân đã chiếm đóng nhà máy thép ở Zawiercie. Chính quyền đã dùng đủ mọi cách thuyết phục họ trở lại làm việc. Họ từ chối lắng nghe : họ yêu cầu phải thả những người bạn họ đang bị giam cầm ra và bãi bỏ tình trạng chiến tranh. Để hoàn toàn chắc chắn rằng quân đội không thể nào tiến vào nhà máy, họ thậm chí tự xiềng vào cổng đã khóa của nhà máy. Họ đứng đấy giữa trời tuyết, trong buốt giá, từng cánh tay đan vào nhau, khinh bỉ nhìn lực lượng trật tự bao vây họ.

"Rồi cuộc cuộc mặc cả ghê tởm bắt đầu. Nhà cầm quyền, trong nỗ lực gây sức ép lần cuối với công nhân, đã đưa cả gia đình họ đến cổng nhà máy. Phụ nữ đến, còn trẻ con thì rùng mình, run sợ, khóc lóc.

"Một lần cuối cùng nhà cầm quyền kêu gọi công nhân rút lui, đe dọa bắn nếu họ từ chối. Rồi tiếng rì rầm nhỏ lan truyền qua đám đông, và những sợi dây xích của những người biểu tình khẽ rung lên. Nhưng không ai nhúc nhích. Không khóc, không một lời van xin, họ vẫn đứng im, đối mặt với quân đội. Rồi viên sĩ quan ra lệnh lính bắn.

"Im lặng đến rợn người. Quân đội không nhúc nhích. Họ đứng nghiêm, và lần lượt từng người một lắc đầu. Họ đứng im lìm, giống như những bức tượng đứng thành hàng, họ đứng nhìn đăm đăm viên sĩ quan ra lệnh. Nhiều người lính khóc. Nhưng không ai nhúc nhích, vì người lính Ba Lan không bắn công nhân Ba Lan.

"Trước sự bất tuân lệnh của những người lính, chính quyền một lần nữa cố gắng bắt đầu đối thoại với những người đình công. Nhưng những công nhân này tường như bằng đá hóa cương."

"Rồi điều kinh hoàng xảy ra. Đoàn xe tăng nãy giờ ở đằng xa giờ bắt đầu ầm ầm tiến đến. Nhiều phụ nữ bắt đầu thét lên, chưởi rủa. Những người khác vẫn im lặng, tay chân rụng rời vì quá tuyệt vọng. Trẻ con khóc vì uất ức bất lực. Xe tăng vẫn tiến lên. Công nhân đối diện với xe tăng nhưng không nao núng. Câu trả lời duy nhất đáp lại mối đe dọa đang tiến gần đến họ là tiếng dây xich kêu rổn rảng. Nhưng họ dường như không cảm thấy sợ hãi.

"Xe tăng không dừng lại. Chúng cán những công nhân. Chúng đè bẹp họ như con sâu yếu đuối. Lúc đó tôi cảm thấy mãnh liệt hơn bao giờ hết ý nghĩa của căm thù, điên cuồng, và tuyệt vọng. Tôi khóc, và mặt đất đẫm máu của những người không nhất thiết phải chết."

Nguyên tác : "Pologne : Le Jour où Moscou ordonne la réoression" in Le Quotidien, số ra ngày 24/12/1981. Bản tiếng Anh : "Poland. A Selection of Teaching Materials", Freedom House xuất bản vào năm 1990 trang 43.

Trần Quốc Việt dịch

**********************

Cuối cùng Sự thật và Thương yêu chiến thắng 

Bede Griffiths - Trần Quốc Việt dịch 

Hầu như mọi người đều thừa nhận chủ nghĩa cộng sản cuối cùng không thể bị đánh bại bằng vũ lực. Chủ nghĩa cộng sản chung cuộc chỉ có thể bị đánh bại bằng sức mạnh tinh thần lớn hơn sức mạnh tinh thần của nó. Người ta thường nói rằng Mahatma Gandhi may mắn đối phó với người Anh, vì mọi người đều tin tưởng người Anh tuân theo luật danh dự nào đấy, mặc dù đôi khi họ cũng có thể tàn bạo. Nhưng liệu phương pháp của ông có chống lại được chủ nghĩa cộng sản ? Tương tự như vậy, những tín đồ Công giáo đầu tiên có thể đánh bại được Đế quốc La Mã, nhưng người La Mã, mặc dù tàn bạo hơn người Anh rất nhiều, cũng không có sự tàn bạo tuyệt đối và quyết tâm tiêu diệt tất cả tôn giáo của người cộng sản. Liệu ta có thể tìm thấy phương thức đấu tranh bất bạo động nào mà không chỉ có thể chịu đựng được tất cả những gì người cộng sản có thể gây ra mà còn có thể cải hóa họ ?

tudo6

Bede Griffiths (1906-1993) là tu sĩ và linh mục Dòng Biển Đức

Người ta có thể nói chủ nghĩa cộng sản tượng trưng cho tinh thần bạo lực tuyệt đối. Bạo lực thuộc về chính bản chất cộng sản ; bạo lực xuất phát từ bản chất của tín điều cộng sản. Chủ nghĩa duy vật về bản chất là một loại bạo lực đối với tinh thần con người. Nó là mưu toan bắt mọi thứ, mà trước tiên con người, phải theo luật vật chất, mà luật vật chất là luật bạo lực. Nó tìm cách áp đặt nó lên mọi hình thức của cuộc sống tinh thần ; nó tìm cách cuối cùng bắt mọi thứ phải theo quyền lực của thế gian này. 

Bất bạo động ngược lại chủ yếu là sự khẳng định luật tinh thần. Gandhi miêu tả luật tinh thần là "sức mạnh của sự thật" và "sức mạnh của thương yêu". Luật tinh thần là sức mạnh của sự thật vì nó là sự thừa nhận nền tảng tinh thần của toàn bộ hiện thực và nỗ lực cương quyết để làm cho mọi thứ, tức là, tất cả vật chất, phải theo luật tinh thần này. Luật tinh thần là sức mạnh của thương yêu vì nó là sự thừa nhận tính cách tinh thần ở mỗi người và sự tôn trọng bất khả xâm phạm mà điều này yêu cầu. 

Gandhi đã thấy rõ ràng rằng ta phải tuyệt đối không thỏa hiệp khi gắn bó với bất bạo động. Ta chỉ có thể phản kháng lại tinh thần bạo lực tuyệt đối ở chủ nghĩa cộng sản bằng tinh thần tuyệt đối không kém của bất bạo động Một khi ta cho phép bất kỳ thỏa hiệp nào can dự vào, tuy nó có thể chính đáng từ một cách nhìn khác, thì toàn bộ sức mạnh đấu tranh biến mất. Ta phải thề trung thành tuyệt đối và hoàn toàn với bất bạo động cho đến chết. Bí quyết của sức mạnh bất bạo động được hé lộ qua cái chết của Chúa Giê-su. Rồi từ đấy có một tình yêu được hé lộ ra mà có khả năng chịu đựng mọi sỉ nhục và tra tấn, và, cuối cùng, cái chết, mà hoàn toàn không một chút phản kháng, nhưng tình yêu ấy qua đấy đã nâng cao sức mạnh mới của cuộc sống có khả năng thay đổi cả thế gian. 

Bede Griffiths

Nguyên tác : "Lý tưởng Bất bạo động", The Commonweal số ra ngày 27 tháng 12, 1957. Tựa đề tiếng Việt của người dịch. 

Trần Quốc Việt dịch

Bede Griffiths (1906-1993) là tu sĩ và linh mục Dòng Biển Đức. Ông sinh ở Anh nhưng sống phần lớn cuộc đời ở Ấn Độ. 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Aleksandr Solzhenitsyn, Timothy Garton Ash, Le Quotidien de Paris, Bede Griffiths, Trần Quốc Việt
Read 471 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)