Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/05/2017

Mục đích của dự thảo sửa đổi Bộ Luật hình sự sự 2015

Cát Linh

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ Luật hình sự sự Việt Nam 2015, đặc biệt là khoản 3 điều 19 về không tố giác tội phạm đang là chủ đề gây tranh cãi trong dư luận.

blhs1

Phiên xử blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thúy tại Tòa án Hà Nội vào ngày 22 tháng 9 năm 2016. AFP photo

Trái nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp

Theo quy định tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự sự 2015, "người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điều 389 của bộ luật".

Từ Sài Gòn, Luật sư Đăng Mạnh, công tác tại Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ quan điểm của ông về quy định tại khoản 3 điều 19 dự thảo Bộ Luật hình sự sự.

"Cái điều luật như vậy nó hoàn toàn đi ngược với tập quán, thông lệ của luật sư tại hầu hết tất cả các quốc gia. Vì luật sư là người bảo vệ cho thân chủ của mình. Luật sư không có nghĩa vụ tố giác thân chủ mình. Cái điều đó không chỉ trái thông lệ, trái tập quán mà còn trái với luôn cả thiên chức của người luật sư".

Theo ông, chính vì vậy mà hiện nay giới luật sư Việt Nam đang đưa ra những phản đối mạnh mẽ về dự thảo luật sửa đổi này.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Đại biểu Quốc hội, đưa ra quan điểm của mình dựa trên định nghĩa về vai trò và trách nhiệm của luật sư.

"Người luật sư là người căn cứ vào pháp luật, thực tế để bảo vệ thân chủ của mình trong bất cứ trường hợp nào, tìm ra những tình tiết có lợi nhất cho thân chủ của mình để bảo vệ họ".

Từ định nghĩa này, Luật sư Trần Quốc Thuận đưa ra phản biện về ý kiến của hai vị đại biểu quốc hội có nguồn gốc là công an, đó là bà Nguyễn Thị Xuân, Đại tá công an, Phó Giám đốc công an tỉnh Dak Lắc, và bà Nguyễn Thị Thủy, công tác tại Viện Kiểm sát Tối cao, là đại biểu của Tỉnh Bắc Kạn. Cả hai người này đều ủng hộ dự thảo tại Điều 19 Bộ Luật hình sự sự là "Luật sư phải tố giác thân chủ khi họ biết thân chủ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia…"

Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng.

"Nếu luật sư có trách nhiệm tố giác tội phạm thì nó lại trái với quy định của công ước quốc tế, là luật sư phải bảo vệ quyền riêng tư và bí mật của thân chủ mình".

Ông nói thêm rằng những quốc gia tiên tiến đều bảo vệ vai trò của luật sư, phải là người có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống riêng tư và bí mật trong cả vụ thưa kiện và chính thân chủ. Từ đó mới tạo được niềm tin để thân chủ bộc bạch hết sự thật và người luật sư có cơ sở để bảo vệ ; còn ngược lại thì theo lời của LS Trần Quốc Thuận :

"Nếu làm như vậy thì vai trò của người luật sư sẽ không còn là chỗ dựa tín cẩn của các thân chủ, người bị hại, bị can, bị cáo".

Ý kiến này trùng khớp với nhận định của luật sư Trương Xuân Tám - Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, được đăng tải trên báo Pháp Lý, cho rằng đặc thù nghề nghiệp của luật sư là phải giữ bí mật cho khách hàng. Nguyên tắc pháp lý và quy phạm đạo đức nghề nghiệp của luật sư rất khắt khe, xuất phát từ nguyên tắc phổ quát : Ở đâu có buộc tội thì ở đó cần có gỡ tội. Một nền pháp lý dân chủ thì phải tạo niềm tin cho khách hàng đối với người bào chữa.

Ngay sau khi dự thảo Luật sửa đổi này được đưa ra, rất nhiều luật sư đăng đàn phản biện, đưa ra ý kiến cá nhân của mình nhằm phản đối quy định của dự thảo. Họ dẫn chứng rằng nếu luật sư có trách nhiệm tố giác tội phạm thì lại trái với quy định của công ước quốc tế, vì luật sư phải bảo vệ quyền riêng tư và những bí mật của các thân chủ của mình.

Báo Pháp luật cũng có đăng tải bài bình luận về sự việc này qua nhận định của Thạc sĩ luật học - luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội. Theo ông, "quy định tại khoản 3, Điều 19 Bộ Luật hình sự sự năm 2015 là một quy định có mâu thuẫn về mặt lý luận luật hình sự ; mâu thuẫn, xung đột với quy định của Hiến pháp, luật luật sư, Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư và các văn bản pháp luật khác".

Cản trở đấu tranh dân chủ ?

Theo tin tức của các báo trong nước đưa ra, tuy hội nghị bàn về dự luật sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự sự 2015 nhưng điểm nóng nhất của hội nghị vẫn là Điều 19 của dự luật trong đó quy định luật sư cũng phải tố giác tội phạm nếu đó là những tội đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Nhận xét đặc biệt về việc vì sao dự thảo Luật sửa đổi lại nhấn mạnh vào "những tội đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia’, Luật sư Mạnh Đăng cho biết :

"Đối với cá nhân tôi, tôi nhìn nhận việc này là một quan điểm không nhất quán, nhất là rất nguy hiểm trong tình hình hiện nay. Vì hiện nay, những điều luật thuộc về xâm phạm an ninh quốc gia, thì ngoài một số điều luật tương đối rõ ràng, bên cạnh đó vẫn còn một số như Điều 88, Điều 258… nó khá mơ hồ và dễ trở thành ‘hồ lô’, nó có thể thu hút hết tất cả những đối tượng nào mà chính phủ cho là không thích hợp với chính quyền"

Luật sư Đăng Mạnh nói rõ thêm, chính vì những điều luật mơ hồ đó mà những người có tiếng nói hoặc nhận xét về chính sách của nhà cầm quyền thì dễ dàng bị kết vào tội do chính quyền đặt sẵn trong Bộ Luật hình sự sự.

Thực tế trong những năm qua, rất nhiều nhà đấu tranh dân chủ, hoạt động xã hội trở thành bị can, bị cáo với cáo buộc phạm tội theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", hoặc Điều 88 "Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"…

Theo luật sư Đăng Mạnh, điều này sẽ là một cản trở lớn cho phong trào đấu tranh dân chủ trong nước

"Những luật sư bào chữa cho thân chủ đó nếu "phải luôn canh cánh trong lòng nỗi lo bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng với thân chủ mình nếu như họ không tố giác thân chủ. Tôi nghĩ điều này sẽ vô hình trung giới hạn đi tiến trình dân chủ đang rất cần có ở Việt Nam".

Nhấn mạnh thêm, ông cho biết có vẻ như mục đích của dự thảo luật sửa đổi lần này chỉ với một lý do như thế.

"Nếu như không truy cứu trách nhiệm luât sư trong những tội danh khác, mà chỉ riêng trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì hình như mục đích của điều luật này chỉ làm điều đó mà thôi, hạn chế luật sư tham gia bảo vệ cho những người đấu tranh dân chủ, những người mà chủ trương của họ trái với chính quyền sở tại".

Theo ông, đối với tiến trình dân chủ hiện nay, việc đưa ra những quy định hạn chế hành nghề luật sư, thì vô hình trung nó góp phần làm "thui chột" đi nghề luật sư. Đây cũng chính là điểm mà Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Thịnh, đại biểu tỉnh Khánh Hòa đặt ra trong buổi tranh luận với Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Cuối buổi tranh luận ngày 27 tháng 5, Chủ tịch quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra ngồi lại thảo luận với các luật sư, thậm chí có thể mời các nhà làm luật tranh luận riêng về nội dung sửa đổi như thế.

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 31/05/2017

********************

Bước lùi lớn trong lịch sử luật pháp Việt Nam ? (BBC, 29/05/2017)

Nếu Quốc hội Việt Nam thông qua điều khoản luật cho phép buộc tội luật sư nếu không tố giác thân chủ thì đây sẽ là 'một bước lùi rất lớn', phủ nhận hoàn toàn vai trò một 'định chế hỗ trợ tư pháp' của luật sư và có thể gây ra những 'đảo lộn, hoang mang, xáo trộn' trong đạo đức, hành nghề của luật sư, kể cả 'trật tự xã hội', ý kiến các luật sư từ Việt Nam nói với BBC hôm Chủ nhật.

buoclui1

Việc sửa đổi điều 19 bộ luật Hình sự của Việt Nam sẽ là một bước lùi rất lớn, phủ nhận hoàn toàn vai trò một định chế hỗ trợ tư pháp của luật sư, theo Luật sư Lê Công Định.

Bình luận về đề nghị sửa đổi, bổ sung điều luật Hình sự theo đó có thể gây áp lực, bắt buộc luật sư phải 'tố giác thân chủ' đang gây tranh cãi tại Quốc hội Việt Nam và trong công luận, Luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, cựu tù nhân chính trị, nói với Trao đổi cuối tuần hôm 28/5/2017 :

"Về dự thảo sửa đổi điều 19 của Bộ luật Hình sự yêu cầu buộc tội những luật sư nào mà không tố giác thân chủ của mình trong trường hợp phạm tội an ninh quốc gia và tội nghiêm trọng, nếu dự thảo được Quốc hội thông qua lần này, tôi cho đó là một bước lùi rất lớn trong lịch sử luật pháp của Việt Nam.

"Bởi vì nó sẽ làm ngược lại toàn bộ vai trò truyền thống của luật sư từ trước đến nay đó là bảo vệ thân chủ, chứ không phải giữ vai trò công tố, tức là đi buộc tội thân chủ của mình.

"Tất nhiên là có nhiều lập luận của các Đại biểu Quốc hội và kể cả của bà Chủ tịch Quốc hội nói rằng trong trường hợp có một tội nghiêm trọng đáng xảy ra mà nếu luật sư không tố giác thì nó có thể nguy hiểm cho xã hội, thì cần phải tố giác tội phạm đó cho cơ quan điều tra.

"Tôi cho rằng kể cả trong trường hợp như vậy, thì luật sư cũng không phải tố giác tội phạm, bởi vì chúng ta biết rằng một bị can, bị cáo trong một vụ án bao giờ cũng được suy đoán vô tội và tội của họ chỉ có thể được một phiên tòa được tổ chức một cách hợp pháp với đầy đủ chứng cứ, để từ đó đưa ra bản án.

"Và cho tới khi có một bản án được tuyên thì họ mới được xem là phạm tội và kể cả những chứng cứ buộc tội họ cũng phải được... dựa trên sự tranh luận đúng sai, giữ đúng thủ tục giữa một bên là công tố viên, một bên là luật sư.

"Cho nên để cho luật sư tự khẳng định chứng cứ xem là hành vi đó nguy hiểm cho xã hội để tố giác thân chủ của mình, thì tôi cho đó... vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, đó là chưa nói đến việc xâm phạm đến cả quyền im lặng của bị can, bị cáo, bởi vì bị can, bị cáo hoàn toàn có quyền giữ im lặng trong suốt quá trình điều tra, kể cả quá trình xét xử, nếu họ cảm thấy rằng những điều họ nói ra có thể chống lại chính họ... có thể làm tệ đi tình trạng của họ.

buoclui2

Việc thông qua điều luật sửa đổi sẽ gây đảo lộn hết sức nghiêm trọng về đạo đức, hành nghề của luật sư, kể cả về trật tự xã hội, theo Luật sư Lê Quốc Quân.

"Cho nên nếu lần này Quốc hội thông qua điều khoản luật cho phép là phải buộc tội luật sư nếu luật sư không tố giác, thì tôi cho đó là một bước lùi rất lớn và nó phủ nhận hoàn toàn vai trò là một định chế hỗ trợ tư pháp của luật sư vì vai trò truyền thống của họ trong hệ thống tư pháp của một quốc gia," Luật sư Lê Công Định nói với Trao đổi Cuối tuần của BBC.

'Giao trứng cho ác ?'

Bình luận ngay tại cuộc Trao đổi này, Luật sư Lê Quốc Quân, một nhà hoạt động về dân chủ và nhân quyền và cựu tù nhân chính trị của Việt Nam từ Hà Nội, nêu quan điểm :

"Tôi thấy có một nguyên tắc rất cơ bản mà Luật sư Định đã đề cập, tức là vấn đề suy đoán vô tội. Và chuyện quyết định vô tội là phải đợi quyết định đến khi có bản án, cho nên trước đó..., với tư cách là luật sư, mình phải chiến đấu, phải thách thức thực sự, phải đứng về phía thân chủ, trung thành với những quyền lợi của thân chủ.

"Và phải hình dung rằng khi đứng ở trước tòa, thì Công an là của nhà nước, Viện Kiểm sát cũng là của nhà nước, Tòa án cũng của nhà nước. Chỉ còn duy nhất... luật sư đứng về phía thân chủ ; thân chủ tức là người bị can, bị cáo, họ sẽ thấy chỉ có luật sư đứng về phía mình và luật sư bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

"Bởi vì họ (thân chủ) trả tiền cho luật sư, nên luật sư phải, với tư cách bảo vệ, trung thành với những quyền lợi của các bị can, bị cáo. Và phải làm hết sức mình, dù mình biết rằng cũng có những tình tiết khác có thể là những sự thật... nhưng nếu nó làm tệ hơn về tình trạng của bị can, bị cáo hay là của thân chủ của mình, thì mình không thể (tố giác) được...

"Theo tôi đấy là một nguyên tắc hết sức cơ bản của luật sư, cho nên tôi đồng ý với ý kiến của Luật sư Định và tôi bổ sung ý như vậy. Tức là chuyện thông qua điều 19 của Bộ Luật hình sự lần này, nếu để áp dụng thì nó là một bước lùi thật sự và sẽ gây hết sức hoang mang và xáo trộn...

"Có những người nói rằng mình đến thú tội với ông luật sư này, biết đâu là như thế nào, cuối cùng lại 'giao trứng cho ác', ông (luật sư) đi tố cáo thì sao ? Bởi vì nếu không tố cáo, thì ông (luật sư) cũng là phạm tội, cho nên những chuyện này sẽ đảo lộn hết sức vấn đề đạo đức, rồi hành nghề, kể cả trật tự xã hội trong tương lai," Luật sư nhân quyền từ Hà Nội nói với BBC.

Trong một bài viết trên Diễn đàn của BBC cuối tuần này, cũng về chủ đề có liên quan, Luật sư Lê Quốc Quân nêu giả thuyết về nguyên nhân đằng sau phát biểu gây tranh cãi của vị Đại biểu Quốc hội Việt Nam :

"Có thể (những) người này biết những ý kiến như vậy có thể bị nhân dân "ném đá" nhưng có thể coi đây như là cách họ phải thực hiện ý chí của đảng. Với tư cách là những đảng viên cộng sản, chắc chắn họ ủng hộ vì nó thòa mãn sự vị kỷ của chính mình và những đảng viên khác. Nó bảo vệ cho sự an toàn của chế độ lẫn uy tín riêng của từng lãnh đạo, nghĩa là bảo vệ chính họ," Luật sư Quân nêu quan điểm.

buoclui3

Một luật sư đang tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho thân chủ người nước ngoài bị buộc tội lạm dụng tình dục với trẻ vị thành niên, trong một phiên xử tại Việt Nam.

'Một nhận thức sai'

Truyền thông Việt Nam tuần này đưa tin về tranh cãi tại Quốc hội Việt Nam giữa các đại biểu quốc hội và tường trình phản ứng của các bên, trong đó, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh thuật lại lời của Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Tiến sỹ Luật, bảo vệ quan điểm của mình về việc ủng hộ sửa đổi bổ sung điều khoản buộc 'luật sư tố giác thân chủ' trong trường hợp liên quan tới an ninh quốc gia và tội phạm nghiêm trọng.

Bà được trích thuật lời nói : "Nếu so sánh Bộ luật Hình sự 1999 và BLHS 2015 thì phạm vi mà người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự đã được thu hẹp, chỉ còn 83 tội.

"Tại sao lại miễn trách nhiệm hình sự đối với luật sư, trừ khi đó là tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng ? Tội xâm phạm an ninh quốc gia thì rõ rồi vì không có lý do gì để không bảo vệ an ninh quốc gia. Còn đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng thì người bào chữa chỉ còn phải tố giác đối với những tội khủng bố, giết người hàng loạt, hiếp dâm trẻ em, đánh tráo trẻ em dưới một tuổi. Những tội này không còn phải là tội phạm thông thường nữa..."

Tờ báo cũng dẫn lời của Luật sư, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, phản bác và nêu quan điểm :

"Những băn khoăn, lo lắng này đã được trao đổi rộng rãi trong hơn 10.000 luật sư đang hành nghề tại Việt Nam. Tôi rất thất vọng, không đồng tình khi lấy điều gì đó của thời phong kiến để so sánh với tội bất trung.

"Nước Việt Nam hiện nay và 30 năm về trước cũng không như thế. Sau này chúng ta đã tham gia các công ước, đưa quyền con người trở thành phổ quát. Hiến pháp cũ làm gì có nhà nước pháp quyền. Sau này chúng ta đưa nhà nước pháp quyền, nguyên tắc suy đoán vô tội vào, đưa các quyền con người trong đó có quyền có luật sư, quyền không khai những điều bất lợi, chống lại mình vào, quyền không buộc phải nhận tội.

"Đó là những bước tiến rất lớn để Việt Nam hội nhập, bình đẳng và để "người ta thấy ta giống người ta. Khi chúng tôi nói quan hệ giữa luật sư và khách hàng là được quyền bảo mật đặc biệt thì nhiều quốc gia đã làm. Chúng ta làm khác đi và làm khác đi thì ảnh hưởng đến quan hệ, hội nhập và đầu tư.

"Chúng tôi không đồng ý rằng "cho luật sư được hưởng quyền như quyền của người thân thích". Người thân thích phải được đối xử như người thân thích. Còn luật sư phải được đối xử như luật sư. Đây là nhận thức sai về vai trò của luật sư trong cải cách tư pháp," Đại biểu Trương Trọng Nghĩa được tờ báo Việt Nam dẫn lời nói.

Nguồn : BBC, 29/05/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cát Linh
Read 1174 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)