Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/05/2022

Lâm Đồng tạm dừng cho thuê rừng làm du lịch sinh thái, vì sao ?

Thanh Trúc

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định tạm dừng tiếp nhận hồ sơ xin thuê rừng để làm khu du lịch sinh thái, theo văn bản số 2878.

lamdong1

Người dân làm rẫy trồng sắn tại khu rừng đã bị phá ở tỉnh Đắk Lắk năm 2013 - AFP

Quyết định tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thuê đất rừng có hiệu lực từ ngày 26/5 cho tới khi các cơ quan chức năng tỉnh hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý và có hướng dẫn cụ thể việc thuê môi trường rừng theo đúng quy định của pháp luật.

Từ tháng 3/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết Định số 603, tạm thời cho thuê rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Quyết Định 603 ngày 22/3/2021 qui định phía được phép cho thuê rừng là các Ban quản lý rừng, Vườn Quốc gia, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp. Đối tượng được thuê đất rừng để làm du lịch sinh thái là mọi tổ chức, cá nhân trong nước có nguồn lực và nhu cầu thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Bên cạnh đó, đối tượng cho thuê và được thuê phải tuân thủ sáu nguyên tắc cho thuê môi trường rừng. Theo đó vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, vừa phát huy hiệu quả môi trường rừng, tăng thu nhập cho tổ chức, cá nhân, Nhà nước. Ngoài ra, việc cho thuê rừng phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của đơn vị chủ rừng đã được phê duyệt…

Kể từ lúc quyết định 603 có hiệu lực thì toàn tỉnh đã có khoảng 290 hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đăng ký xin thuê rừng. 

"Mới hơn một năm mà Quyết định cho thuê rừng đã bị ngưng lại, đúng là vội vàng cho thuê vội vàng lấy lại, cái này do quản không nổi rồi. Mà cũng đúng, rừng là tài nguyên thiên nhiên của đất nước, bảo tồn thì khó chứ phá hoại đâu có khó. Phải những cái đầu biết nghĩ chứ không phải mấy cái túi tham lấp ló bên này bên kia…Mà từ lúc nào rừng của ta bị mang ra làm quà vậy nhỉ …".

Đó là vài dòng chia sẻ qua điện thư từ một người giấu tên, tự xung là nhà nông học ở Đà Lạt.

Thực tế thì du lịch sinh thái là nhu cầu chính đáng không chỉ của Việt Nam mà cả khắp nơi trên thế giới, có điều trong bối cảnh hiện nay phải hiểu việc cho dừng khai thác môi trường rừng làm du lịch sinh thái là một quyết định có tính toán. 

Đây là nhận định của thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, nhà bảo vệ rừng với Câu Lạc Bộ Rừng Gọi ở khu Nam Cát Tiên, cũng là người từng phản biện mạnh mẽ để Đồng Nai thoát khỏi hai dự án thủy điện 6 và 6A :

"Về nguyên tắc, khi mà tỉnh ra quyết định như vậy thì chắc chắn đã tham mưu những ban ngành rồi. Tuy nhiên có những lúc bộ ngành hay những nhóm lợi ích tham mưu không chuẩn. Vừa rồi Trung ương Đảng cũng đã kỷ luật nhiều Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh đã có nhiều sai phạm liên quan đến rừng và đất đai. Đó là trong bối cảnh chung".

Thứ hai, vẫn lời thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, thật sự Nhà nước không quản lý được hết :

"Cấm thì rất khó khăn cho các doanh nghiệp có tâm, có tầm. Như vậy vấn đề không phải là cấm tất cả mà là cấm ai. Nguyên tắc quản lý tốt là cấm những ai không thực hiện được đúng nội dung cam kết. Ví dụ du lịch sinh thái nhưng phải giữ được rừng, còn nếu phá rừng thì chắc chắn bị cấm nhưng chỉ cấm đơn vị đó chứ không phải là tất cả. Có những doanh nghiệp mượn từ sinh thái để tàn phá môi trường hoặc làm những việc không đúng thực chất sinh thái".

Về nguyên nhân gọi là chậm tiến độ triển khai khiến dự án bị tạm dừng, nhà bảo vệ rừng Nguyễn Huỳnh Thuật giãi bày :

"Quan điểm của mình là một doanh nghiệp để mà đầu tư vào đó thì rất tốn thời gian lập dự án, tốn nhiều tỷ đồng, mà nếu dừng lại hoặc tạm dừng thì tạm gọi là quản lý yếu kém mới vậy. Nên khích lệ những doanh nghiệp không phá rừng mà để thiên nhiên được chữa lành".

"Vai trò của tỉnh hay của Chính phủ là phải làm công tác điều tra. Nhưng trong bối cảnh mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ‘đụng tới đâu thì có củi đốt tới đó’, có nghĩa đụng tới đâu cũng dính tham ô tham nhũng tới đó… thì rất là khó".

Theo báo cáo ngày 31/12/2020 của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, toàn tỉnh Lâm Đồng có 329 dự án do 314 doanh nghiệp, hộ gia đình đảm trách, được phép thuê đất lâm nghiệp để đầu tư triển khai dự án trên đất rừng với tổng diện tích 52.956 héc-ta.

lamdong0

Hình chụp hôm 12/3/2013 : một cánh rừng bị phá tại tỉnh Đắk Lắk. AFP

Việc không triển khai, triển khai chậm tiến độ, không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý nhằm bảo vệ diện tích rừng được thuê, rồi việc để rừng bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn….là tình trạng xảy ra tại nhiều dự án. Nhiều đơn vị đầu tư còn tự nguyện trả lại dự án.

Trước tình trạng đó, tỉnh Lâm Đồng phải thu hồi 194 dự án với diện tích đất lâm nghiệp 29.676 héc-ta, trong đó 35 dự án bị thu hồi một phần, 159 dự án bị thu hồi toàn phần.

Đối với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, với xu hướng bảo vệ thiên nhiên và môi trường trong xây dựng cảnh quan, Quyết định mới rồi của UBND tỉnh Lâm Đồng là một hành động cẩn trọng, đúng lúc :

"Bảo vệ rừng cho Lâm Đồng là công việc vô cùng quan trọng. Chuyện UBND tỉnh tạm ngưng những dự án sinh thái tôi nghĩ có những lý do ở sau. Thực tế việc phát triển những dự án liên quan đến rừng thời gian sau này có những bất cập, có tình trạng xâm hại rừng rất là nhiều".

"Luật có cho phép làm du lịch sinh thái trong rừng nhưng phải dựa theo mật độ thấp thôi, khoảng 5%, trung bình là như vậy. Giá trị của Lâm Đồng là không gian xanh, đặc biệt là rừng, Bảo tồn rừng là phục vụ lợi ích chung, trong khi mang tiếng sinh thái mà thật ra là chặt cây, phá rừng, làm cây chết… không hề là sinh thái. Tôi nghĩ cũng nên chấn chỉnh lại tình trạng này".

Thường một dự án sinh thái phải đi kèm một đồ án qui hoạch được duyệt, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn giải thích tiếp :

"Đồ án qui hoạch phải xác định rất rõ khu vực nào cần chỉnh trang để làm dự án, và khu vực nào cần được bảo vệ. Đã gọi là du lịch sinh thái thì không thể theo hướng xây dựng như trong đô thị, phải hạn chế bê tông hóa, hạn chế sử dụng những vật liệu không bền vững. Chủ yếu thường là những vật dụng thiên nhiên hay những cấu trúc mà có kết cấu nhẹ thôi thì mới hài hòa với không gian thiên nhiên".

Vì vậy cho thuê đất rừng và môi trường rừng để làm du lịch sinh thái ở Việt Nam phải là sự hợp tác công-tư. Nếu đúng theo qui hoạch và đúng theo cam kết thì không có vấn đề, kiến trúc sư nhấn mạnh :

"Nhà nước có chính sách cho phát triển nhưng người làm dự án là phía tư nhân thì phải có qui hoạch để trình duyệt, và qui hoạch phải nói rõ vừa là phát triển du lịch sinh thái vừa là nhiệm vụ bảo vệ rừng".

"Ở đây, theo tôi được biết, tình trạng xây dựng không theo qui hoạch, không theo những cam kết được cấp phép ban đầu là có thật. Nhiều khi còn có vấn đề quản lý theo nhiệm kỳ, một dự án đã đăng ký làm mà lại kéo dài rất lâu".

Tạm dừng để rà soát và chấn chỉnh lại dù sao cũng tốt hơn là để các dự án phát triển du lịch sinh thái dẫu được cấp phép mà lại khai triển gần như tự phát và không đúng qui hoạch, là kết luận của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 04/0/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 354 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)