Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/05/2022

Các cuộc khảo sát ý kiến bỏ túi ở Việt Nam có thể không chính xác

Ngọc Vân

Ai cũng phải khảo sát và đánh giá tình hình để ra quyết định. Nhiều nhà hoạt động xã hội cũng phải làm những việc tương tự, đặc biệt là việc đánh giá ý kiến của dân chúng về các vấn đề kinh tế, xã hội, và chính trị. Chưa kể việc nhiều người được hỏi ý kiến không nói ra ý kiến thực của họ về chính trị trong một chế độ độc tài, các đánh giá này thường thiếu chính xác vì không được thực hiện theo một số tiêu chuẩn cơ bản của việc lấy mẫu.

khaosat1

Những cuộc khảo sát bỏ túi của các cá nhân về ý kiến của người Việt Nam nói chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam có thể không chính xác. Ảnh minh họa

Tại mọi quốc gia, trừ nhà nước, và cũng chỉ trong những dịp nhất định, như bầu cử, không ai có thể hỏi ý kiến mọi người dân trưởng thành. Ở Hoa Kỳ, chỉ riêng chí phí vận động tranh cử, để ảnh hưởng đến ý kiến của cử tri đã lên đến 14,4 tỷ Mỹ kim trong cuộc bầu cử năm 2020 (1). Do đó, các tổ chức khảo sát ý kiến công chúng thường phải lấy mẫu và cỡ mẫu cũng chỉ vài ngàn người (2). Do đó, để kết quả khảo sát mẫu đại diện cho (khớp với) ý kiến của toàn bộ công chúng, việc chọn mẫu phải đáp ứng được một số điều kiện cần thiết.

Một anh bạn ở Sài Gòn nói với tôi rằng hầu hết người dân Việt Nam đều chán ghét chính phủ. Người thì cho rằng nhà nước toa rập với giới chủ để dìm lương của người lao động. Người thì cho rằng chính phủ tham nhũng và yếu kém trong quản lý kinh tế và làm cho người dân nghèo hơn dân chúng ở các nước lân bang như Thái Lan, Mã Lai, chưa nói đến các nước như Singapore, Nhật Bản, hay Hàn Quốc. Khi được hỏi về cách anh đánh giá, anh nói rằng hầu hết những người anh nói chuyện với đều có ý kiến như vậy.

Cách đánh giá của anh, đặc biệt là việc lấy mẫu, có nhiều vấn đề. Thứ nhất, do anh ở Sài Gòn, những người anh hỏi ý kiến là những người sống và làm việc ở Sài Gòn và ý kiến của những người này có thể khác với những người ở Hà Nội. Điều này làm tôi nhớ lại một lần ra Hà Nội. Không rõ vì lý do gì, nhóm chúng tôi có dừng ở trước lăng ông Hồ Chí Minh. Một người trong nhóm, quê ở Nghệ An, tự hào nói "Bác" mất đã … năm nhưng xác vẫn còn như người còn sống, rằng hàng ngày, mỗi sáng có một đội quân thượng cờ và mỗi tối họ lại hạ cờ trước lăng "Bác". Anh bạn người Đồng Nai trong nhóm nói lại ngay, tôi xin trích nguyên văn, "mẹ cái thằng cha này là gì mà chết rồi mà còn gây tốn kém dữ vậy". Anh bạn người Nghệ đứng chết trân. Tôi rất ngạc nhiên vì thường ngày anh này rất hiền lành và tôi ít khi nghe anh có ý kiến về chính trị.

Thứ hai, vì anh làm việc trong một công ty thương mại tư nhân. Do đó, có lẽ những người anh quen chắc cũng làm trong khu vực kinh tế tư nhân. Nhóm này có thể có ý kiến về nhà nước khác với những người làm việc trong lĩnh vực công, trong ngành công an, hay quân đội. Ví dụ, có lần bà nghị Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu : "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc". Trong khi đó, văn học dân gian cho thấy người dân không phải lúc nào dân chúng cũng nghĩ như vậy :

"Con vua thì lại làm vua,

Con sãi ở chùa thì quét lá đa,

Bao giờ dân nổi can qua,

Con vua thất thế lại ra ở chùa".

Hơn nữa, chắc anh cũng không có thời gian để hỏi những người này trong cùng một thời điểm. Có thể việc hỏi ý kiến của anh diễn ra trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Trong khi đó, tình trạng xã hội, và do đó, ý kiến của người dân có thể thay đổi theo thời gian.

Cách lấy mẫu của anh, khoa học gọi là kiểu lấy mẫu thuận tiện. Theo cách này, người khảo sát lấy những mẫu mà họ có thể tiếp cận. Các mẫu này nhiều khả năng không đại diện cho toàn bộ công chúng.

Một dạng lấy mẫu khác cũng có khả năng cho kết quả sai là dạng lấy mẫu tự nguyện trả lời. Ví dụ, một trang Facebook có 200 ngàn người theo dõi đăng một câu hỏi với một số lựa chọn trả lời về quan điểm của mỗi cá nhân về cuộc xâm lược của Putin chống lại Ukraine. Ngoài các lệch lạc như tập hợp những người theo dõi trang này có thể không đại diện cho toàn bộ công chúng Việt Nam, hay các thuật toán của Facebook có thể giới thiệu cuộc khảo sát này đến một số người mà không giới thiệu cho những người khác, phương pháp lấy mẫu này còn có thể bị lệch ở chỗ trong số những người nhìn thấy câu hỏi có những người không trả lời. Trong trường hợp này, những người trả lời câu hỏi có thể là những người có quan điểm mạnh hơn nhóm còn lại.

Nhìn chung, việc lấy mẫu trong các cuộc khảo sát ý kiến ảnh hưởng đến tính đại diện cho toàn bộ dân số, và do đó, ảnh hưởng lớn đến độ chính xác của kết quả khảo sát. Như vậy, những cuộc khảo sát bỏ túi của các cá nhân về ý kiến của người Việt Nam nói chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam có thể không chính xác.

Xin kết thúc bài này bằng một câu hỏi trắc nghiệm :

Một nhà hàng để các tờ khảo sát ý kiến trên bàn và khuyến khích khách tham gia một cuộc khảo sát ý kiến ngắn về trải nghiệm của họ.

Đây là kiểu lấy mẫu gì ?

1. Lấy mẫu thuận tiện

2. Lấy mẫu tự nguyện

Ngọc Vân

Nguồn : VNTB, 20/05/2022

Tài liệu tham khảo :

1. Cost of Election • OpenSecrets

2. Sample size and uncertainty when predicting with polls : the shortcomings of confidence intervals | Published in Survey Practice

3. Types of sampling methods | Statistics (article) | Khan Academy

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngọc Vân
Read 525 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)