Tổng thống Mỹ thăm Nhật Bản : Washington và Tokyo gởi thêm tín hiệu cứng rắn đến Bắc Kinh
Trọng Nghĩa, RFI, 23/05/2022
Một hôm sau khi đến Tokyo trong chuyến công du Châu Á đầu tiên từ ngày nhậm chức, cùng với thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tổng thống Mỹ Joe Biden vào hôm 23/05/2022, đã đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn liên tiếp nhắm vào Trung Quốc. Lãnh đạo Mỹ đồng thời loan báo việc hình thành một khối thương mại mới bao gồm 13 nước - trong đó có Việt Nam - nhằm củng cố sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương, làm đối trọng với Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tham dự sự kiện ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/05/2022. Reuters - Jonathan Ernst
Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc họp báo chung, lãnh đạo Hoa Kỳ và Nhật Bản đã khẳng định trở lại "tầm nhìn chung về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đồng thời cho biết là hai nước đã đồng ý giám sát hoạt động hải quân của Trung Quốc trong khu vực, nơi mà Bắc Kinh ngày càng lộ rõ tham vọng bành trướng. Theo thủ tướng Nhật Bản, "cần phải kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế", kể cả về kinh tế.
Trong thông cáo chung Mỹ - Nhật công bố vào hôm nay sau cuộc hội đàm tại Tokyo, tổng thống Biden và thủ tướng Kishida cho biết là đã thảo luận về các hành động không phù hợp với luật lệ quốc tế của Trung Quốc, bao gồm cả việc cưỡng bức bằng kinh tế và các biện pháp khác.
Hai lãnh đạo đã "phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông, đồng thời nhắc lại quan điểm phản đối mạnh mẽ các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc, các hành vi quân sự hóa các đảo đã được bồi đắp và các hoạt động cưỡng chế ở Biển Đông". Hai bên đều nhấn mạnh quyết tâm trong việc duy trì pháp quyền, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không, nhất quán với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Riêng tổng thống Biden nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ về việc bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh Hỗ tương, và tái khẳng định là Điều V của hiệp ước này áp dụng cho quần đảo Senkaku. Quần đảo này trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền và thường xuyên cho tàu vào sách nhiễu.
Khối thương mại mới có Việt Nam tham gia
Trong cuộc họp báo với thủ tướng Nhật Kishida, tổng thống Mỹ Biden cũng loan báo việc hình thành một cơ cấu quan hệ đối tác kinh tế mới ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương, với sự tham gia ban đầu của 13 quốc gia, nhưng không có Trung Quốc.
Cơ chế thương mại mới này mang tên Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity - IPEF) không phải là hiệp định tự do mậu dịch, nhưng tạo điều kiện cho sự hội nhập sâu rộng hơn giữa các nước thành viên trong 4 lĩnh vực chính : Kinh tế kỹ thuật số, chuỗi cung ứng, năng lượng xanh và cuộc chiến chống tham nhũng.
Trong môt thông báo đề ngày 23/05 được Nhà Trắng công bố, ngoài Hoa Kỳ, khối IPEF còn bao gồm Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và 7 nước Đông Nam Á là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tổng cộng, kinh tế của toàn khối chiếm 40% GDP thế giới.
Việc Trung Quốc không được mời gia nhập Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ - Thái Bình Dương đã khiến Bắc Kinh tức tối. Cho dù cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã khẳng định rằng khối này là một cơ chế "mở", hoàn toàn có thể đón nhận thêm thành viên mới, nhưng vào hôm qua Bắc Kinh đã tố cáo một "nhóm nhỏ" muốn "kềm chế Trung Quốc".
Trọng Nghĩa
***********************
Joe Biden công du Nhật Bản, củng cố Bộ Tứ chống Trung Quốc
Trọng Nghĩa, RFI, 22/05/2022
Sau hơn hai ngày viếng thăm Hàn Quốc, vào hôm 22/05/2022 tổng thống Mỹ Joe Biden đến Nhật Bản, chặng thứ hai trong vòng công du Châu Á đầu tiên của ông từ khi nhậm chức. Ngoài các vấn đề quan hệ song phương Mỹ-Nhật, chuyến thăm của tổng thống Biden còn nhằm củng cố nhóm Bộ Tứ (QUAD) với một cuộc họp thượng đỉnh dự trù vào Thứ Ba 24/05 tại Tokyo.
chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden còn nhằm củng cố nhóm Bộ Tứ (QUAD) với một cuộc họp thượng đỉnh dự trù vào Thứ Ba 24/05 tại Tokyo. AFP – Kazuhiro Nogi
Bộ Tứ là một cơ chế bao gồm 4 nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn, được hình thành nhằm đối phó với đà vươn lên của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles phân tích :
"Đối với Joe Biden, liên minh QUAD phải ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, vào lúc nguy cơ Trung Quốc xâm lược Đài Loan ngày càng rõ và các cuộc tập trận chung Nga-Trung Quốc gia tăng trong khu vực.
Tại Tokyo, liên minh bán chính thức này sẽ bổ sung một chương trình kinh tế vào khuôn khổ an ninh của toàn khối do những khó khăn với Ấn Độ về vấn đề quốc phòng. Hoa Kỳ sẽ loan báo việc hình thành một tập hợp kinh tế mới, mở ra cho các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhằm tích hợp các chuẩn mực kỹ thuật số, thương mại, môi trường và thiết lập các chuỗi cung ứng không có Trung Quốc.
Nhóm mới này mang tên Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF), từ viết tắt tiếng Anh của Indo-Pacific Economic Framework, sẽ không mấy hữu ích cho các nước Đông Nam Á vì không mang lại bất kỳ lợi thế thương mại nào cho việc xuất khẩu sản phẩm của họ sang thị trường Mỹ.
Nhật Bản hiện đang thúc đẩy Hoa Kỳ tái gia nhập Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), quy tụ các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương và Châu Mỹ, một khối thương mại tự do hơn mà cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút ra khỏi vào năm 2017.
Cho dù vậy, chính quyền Joe Biden luôn tìm cách thay đổi môi trường kinh tế của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nơi chiếm 62% GDP của thế giới để cho phép các nước trong vùng giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc".
Bộ Tứ lập hệ thống giám sát hoạt động đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc
Nhân hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ sắp diễn ra tại Tokyo, theo nhật báo Anh Financial Times vào hôm qua, 21/05/2022, bốn nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ sẽ công bố một sáng kiến nhằm hạn chế tên nạn đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, mà Trung Quốc bị coi là thủ phạm chủ yếu.
Trích dẫn một quan chức Mỹ cao cấp, Financial Times cho biết sáng kiến này sẽ sử dụng vệ tinh để tạo ra một hệ thống theo dõi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp từ Ấn Độ Dương đến Nam Thái Bình Dương bằng cách kết nối các trung tâm giám sát ở Singapore và Ấn Độ.
Theo nhật báo Anh, sáng kiến sẽ cho phép các quốc gia trong vùng giám sát hoạt động đánh bắt bất hợp pháp ngay cả khi các con tàu đã tắt bộ phát tín hiệu thường được sử dụng để theo dõi tàu thuyền.
Nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã rất bực tức trước đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc, thường xuyên tố cáo tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ, gây nên những thiệt hại đáng kể về môi trường cũng như kinh tế.
Bộ Tứ sẽ đẩy mạnh cung cấp vac-xin chống Covid
Ngoài sáng kiến liên quan đến việc chống tệ nạn đánh cá bất hợp pháp, Bộ Tứ cũng sẽ đồng ý đẩy mạnh việc cung cấp vac-xin Covid-19 cho cộng đồng quốc tế.
Theo hãng tin Nhật Kyodo, một quan chức bộ Ngoại Giao Nhật Bản vào hôm qua 21/05 cho biết đây là một thỏa thuận nằm trong nỗ lực của bốn nền dân chủ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm chống lại ảnh hưởng ngày lan rộng của Trung Quốc ở các nước đang phát triển.
Theo nguồn tin trên, nhân thượng đỉnh sắp mở ra Tokyo, các lãnh đạo Bộ Tứ sẽ thảo luận về cách cải thiện việc cung cấp vac xin Covid-19, và sẽ thúc đẩy sáng kiến mang tên "Hỗ trợ dặm cuối cùng" của Nhật Bản, dự trù cung cấp dây chuyền thiết bị lạnh để giúp mỗi quốc gia bảo quản thuốc chủng.
Bộ Tứ cũng có thể cam kết hỗ trợ nhiều hơn nữa các nước đang phát triển trong các lĩnh vực như đào tạo nhân viên y tế và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tiêm chủng.
Trọng Nghĩa