Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/05/2022

Toàn cầu hóa đang dần thay đổi ?

Lê Thiên Hương

Sau một số chính sách "nước Mỹ trên hết" phản toàn cầu hóa của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, thì đại dịch Covid-19 và tiếp theo là cuộc chiến Nga – Ukraine đã và đang làm thay đổi bộ mặt của toàn cầu hóa.

toancauhoa1

Sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 1995 phản ánh chính xác mong muốn của nhiều quốc gia sau thời chiến tranh lạnh : xây dựng một thế giới trao đổi thương mại tự do, không rào cản hay phân biệt đối xử.

Một điều khó có thể phủ nhận, đó là toàn cầu hóa làm cho thế giới giàu có hơn về mặt khoa học và văn hóa, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế cho rất nhiều người. Theo thống kê, toàn cầu hóa đã giúp hơn một tỉ người thoát khỏi đói nghèo. Đỉnh cao thành công của tiến trình này là vào năm 2008, khi giá trị xuất khẩu chiếm tới 31% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu.

Tất nhiên, toàn cầu hóa không có tác động tích cực tới mọi quốc gia, hay mọi cá nhân. Theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế, các nước Châu Á hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa. Tại các nước này, số lượng người dân trung lưu nhờ vào toàn cầu hóa đã tăng mạnh mẽ. Giáo sư kinh tế Richard Baldwin chỉ ra các nước hưởng lợi nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan. Ngoài ra, một số nước khác, trong đó có Việt Nam, cũng nhờ vào toàn cầu hóa mà thay đổi tích cực.

Đối với nhiều người, cuộc chiến Nga – Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho mô hình thương mại tự do toàn cầu ổn định và cân bằng. Gần đây, những nỗ lực của Mỹ và nhiều nước Châu Âu để loại trừ Nga ra khỏi hệ thống thương mại toàn cầu có thể sẽ dẫn đến kết quả là tạo ra các phe đối đầu nhau, và các quốc gia sẽ chỉ ưu tiên ký kết hiệp định thương mại tự do với các nước "bạn bè".

Trong quyển The Great Convergence, Giáo sư Baldwin viết : "Việt Nam đã từ một nước nhập khẩu phụ tùng xe máy thành nơi xuất khẩu các phụ tùng". Một trong những đặc điểm lớn nhất của toàn cầu hóa là offshoring (hoạt động sản xuất hoặc đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là các doanh nghiệp bắt đầu chuyển công đoạn đoạn sản xuất từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, nơi nhân công rẻ hơn rất nhiều). Khuynh hướng này xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu tiên của toàn cầu hóa (từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai) và tồn tại đến giờ.

Tất nhiên, toàn cầu hóa cũng bị chỉ trích bởi một số nhà kinh tế học. Ông Joseph Stiglitz cho rằng nó không cải thiện tình trạng phân biệt giàu nghèo ngày càng tăng. Theo ông Dani Rodrik, toàn cầu hóa đã có nhiều thay đổi, giờ đây nó đang biến thành một hệ thống "rối loạn và không mang lại sự bình đẳng".

Không chỉ có những nhà kinh tế từng nhiệt tình ủng hộ xu hướng này bắt đầu thay đổi dần niềm tin của họ. Một số nhà chính trị chủ chốt trên thế giới, như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã theo đuổi chính sách rút khỏi một số hiệp định thương mại tự do và hô khẩu hiệu thay toàn cầu hóa bằng "chủ nghĩa Mỹ" (Americanism). Ở Pháp cũng thế, dù thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, bà Marine Le Pen cũng đã thu hút được sự ủng hộ của không ít người dân nước này vì quan điểm cho rằng toàn cầu hóa là mối nguy hại đối với nền văn minh phương Tây.

Không khó để có thể nhận ra rằng từ những năm gần đây, tiến trình toàn cầu hóa càng bị lung lay rõ rệt. Sau một số chính sách "nước Mỹ trên hết" phản toàn cầu hóa của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, thì đại dịch Covid-19 và tiếp theo là cuộc chiến Nga – Ukraine đã và đang làm thay đổi bộ mặt của toàn cầu hóa.

Khuynh hướng "tạm biệt Trung Quốc"

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Châu Âu mà hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và do cuộc chiến Nga – Ukraine đang xem xét khả năng đưa hoạt động sản xuất từ nước ngoài trở lại Châu Âu. Trung Quốc – công xưởng của thế giới – không còn là một nơi hấp dẫn về giá thành nhân công như trước đây nữa.

Đồng thời, dịch Covid-19 dẫn đến việc hoạt động sản xuất ngưng trệ ở Trung Quốc, và các doanh nghiệp nhận ra rằng họ đang ở trong một tình thế phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Thêm vào đó, việc Trung Quốc không tỏ rõ quan điểm đối với Nga trong cuộc chiến với Ukraine cũng làm họ lo lắng.

Giờ đây Mango, Inditex, Nike hay Adidas đã dần dần chuyển một số nhà máy ra khỏi Trung Quốc để đặt tại các quốc gia Châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc sang Morocco. Làn sóng dịch chuyển này được gọi là reshoring, và nhiều người phương Tây hy vọng rằng nó sẽ có tác dụng mang lại công ăn việc làm tại đất nước của họ.

Ở thời điểm này, cũng có thể thấy việc sản xuất hàng hóa đại trà với giá rẻ mạt có thể sẽ sớm trở thành quá khứ. Một thời, nhiều nước phương Tây, nhất là Mỹ được tận hưởng tự do mua bán vô số các mặt hàng giá thành vô cùng thấp, như đồ chơi, đồ điện gia dụng, quần áo và nhiều mặt hàng khác. Nhưng Covid-19 cũng như cuộc chiến Nga – Ukraine có thể chấm dứt "giai đoạn vàng" này, khi các doanh nghiệp đưa các nhà máy sản xuất trở lại Mỹ hay đặt ở các nước Châu Âu ít có biến động về chính trị.

Tự do thương mại toàn cầu đang dần giảm sút ?

Đối với nhiều người, cuộc chiến Nga – Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho mô hình thương mại tự do toàn cầu ổn định và cân bằng. Gần đây, những nỗ lực của Mỹ và nhiều nước Châu Âu để loại trừ Nga ra khỏi hệ thống thương mại toàn cầu (loại các ngân hàng Nga ra khỏi mạng lưới tài chính quốc tế, tìm cách khai trừ Nga ra khỏi WTO, hay không còn áp dụng chế độ "có đi có lại" trong thương mại quốc tế) có thể sẽ dẫn đến kết quả là tạo ra các phe đối đầu nhau, và các quốc gia sẽ chỉ ưu tiên ký kết hiệp định thương mại tự do với các nước "bạn bè" (friendshoring, hoặc ally-shoring), có cùng quan điểm về cuộc chiến Nga - Ukraine.

Theo bà Jenniger Hillman, giảng viên của Đại học Georgetown, "thương mại quốc tế dựa trên (các nguyên tắc) WTO và hệ thống các quy định về trao đổi thương mại, đang dần sụp đổ". Tất nhiên, trước đây đã xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo điều này, như năm 2018 Tổng thống Donald Trump đã dấy lên cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Một khuynh hướng đang dần hiện rõ hơn, đó là các hiệp định thương mại khu vực, như hiệp định của Mỹ, Canada và Mexico, ký năm 2020. Tất nhiên, việc Nga tấn công Ukraine cũng đồng thời cho thấy, toàn cầu hóa thương mại không hề đi cùng với hòa bình, cho dù các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.

Toàn cầu hóa vẫn tiếp tục

Cho dù việc "hồi hương" các nhà máy sản xuất có dần trở thành khuynh hướng, thì toàn cầu hóa vẫn tiếp tục. Dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga – Ukraine rõ ràng là những thách thức lớn tới toàn cầu hóa, nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ biến mất. Nếu như thương mại hàng quốc tế có giảm sút, thì thương mại dịch vụ, dữ liệu lại tăng lên. Đồng thời, cho dù có tồn tại một số "căng thẳng" giữa các quốc gia phương Tây với Nga và Trung Quốc, thì hoạt động thương mại vẫn tiếp diễn, thậm chí còn tăng lên trong trường hợp của Trung Quốc.

Lịch sử đã cho thấy một số biến động đe dọa toàn cầu hóa, như vụ tấn công ngày 11-9-2001 vào tòa tháp đôi của Mỹ, dịch SARS năm 2003, hay như khủng hoảng tài chính năm 2008. Sau mỗi lần, toàn cầu hóa sau một chút chững lại, lại tiếp tục tiến trình của nó. Tuy nhiên, lần này có thể thấy, mô hình toàn cầu hóa đã thực sự thay đổi.

Lê Thiên Hương

Nguồn : Kinh Tế Sài Gòn, 30/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Thiên Hương
Read 699 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)