Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/06/2022

Thêm một khẩu hiệu tối nghĩa : ‘làm tiến sĩ’ thay vì ‘học tiến sĩ’

Thanh Trúc

‘Làm tiến sĩ thay vì học tiến sĩ như hiện nay’, là yêu cầu mới nhất do một viên chức Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra. 

tiensi1

Lễ nhận bằng trong Văn Miếu : truyền thống khoa cử cũng có mặt trái là người Việt Nam ham bằng cấp, học vị không liên quan gì đến đề tài khoa học

Người phát biểu ‘làm tiến sĩ thay vì học tiến sĩ như hiện nay’ là của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc trong buổi làm việc với Bộ Khoa học-Công nghệ hôm 1/6 vừa qua.

Đây là buổi làm việc hướng tới công tác xây dựng Chiến lược Quốc gia nhằm phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030.

Theo ông Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, ‘làm tiến sĩ thay vì học tiến sĩ’ có nghĩa cần đầu tư sâu hơn, đẩy mạnh hơn nữa cho các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo đột phá, thu hút nhà nghiên cứu đầu ngành, từ đó thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao để khoa học có thể ‘nuôi’ khoa học.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nhân lực Stella Management ở Việt Nam nhiều năm qua, cho biết :

"Học tiến sĩ PhD thì có khoảng ba loại : tiến sĩ nghề nghiệp, tỉ như bác sĩ cũng là tiến sĩ ; thứ hai là tiến sĩ để đi làm nghiên cứu ; và thứ ba là tiến sĩ để đi dạy học".

"Ở Việt Nam thường người ta cần tiến sĩ để được thăng quan tiến chức hoặc có cơ hội hưởng lợi lộc, địa vị hơn là đi dạy hay nghiên cứu. Tôi không hiểu Thứ trưởng đưa ra quan điểm hay khái niệm ‘làm tiến sĩ’ và ‘học tiến sĩ’ là như thế nào. Tiến sĩ là một trình độ để chứng nhận mình đã học cao đến bậc đó và mình có thể dạy họ được, có thể nghiên cứu được hay làm chuyên khoa được. Chứ còn bảo ‘làm tiến sĩ’ thì thực sự là tôi không hiểu".

Đất nước nào cũng thế, muốn làm tiến sĩ thì phải học lên cao hơn, phải dọn luận án để bảo vệ, chứ bảo không học tiến sĩ như hiện nay thì lấy đâu ra mà trở thành tiến sĩ, là nhận định của Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ. Giải thích với RFA qua điện thư, Giáo sư Chu Hảo viết :

"Theo tôi hiểu, một người đã có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ và có nhu cầu lấy bằng tiến sĩ thì họ phải đi học để qua được kỳ sát hạch tổng quát - Comprehensive Examination, trung bình mất khoảng hai năm, và làm luận văn tiến sĩ với ít nhất hai công trình nghiên cứu được công bố ở một Tạp chí Khoa Học chuyên nghành có uy tín trong hai ba năm tiếp theo, dưới sự hướng dẫn của một ông thầy mà thường là một vị giáo sư".

"Nếu sự hiểu biết của tôi là đúng như thông lệ quốc tế thì lời phát biểu của ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo là chưa đầy đủ và rõ ràng".

Theo Vụ Khoa học-Công nghệ & Môi trường thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo, thống kê năm học 2020-2021, cả nước có 23.956 giảng viên trình độ cao từ tiến sĩ trở lên, tập trung phần lớn ở Hà Nội với 66%, Thành phố Hồ Chí Minh với 20%, còn lại các tỉnh, thành là 14%.

Mặt khác, so với các giai đoạn 2014-2015, 2019-2020, số lượng giảng viên Đại học có bằng tiến sĩ tăng từ 11,7% lên 31,3%. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung thì cơ cấu giảng viên có trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống hiện vẫn còn thấp, đặc biệt tại các đại học địa phương.

Phải chăng câu nói như khẩu hiệu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, rằng ‘làm tiến sĩ thay vì học tiến sĩ như hiện nay’ xuất phát từ thực tế là chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam đang được dư luận quan tâm sau khi xuất hiện ‘luận án tiến sĩ Cầu lông’ của Viện Khoa học Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ? Đặc biệt ngay sau đó là kết luận của Thanh tra Chính phủ về hàng loạt sai phạm từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong đó có vấn đề đào tạo tiến sĩ… Đây là hai câu hỏi mà dư luận đặt ra.

Kết luận mới rồi của Thanh tra Chính phủ cho thấy hàng năm Việt Nam cho trình làng trên 200 tiến sĩ, hơn 1.000 thạc sĩ, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.

Tuy nhiên trong giai đoạn 2015-2017, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội còn nhiều vi phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Giáo sư Chu Hảo nói :

"Ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã đúng khi tỏ ra lo lắng về chất lượng đào tạo bậc tiến sĩ ở ta hiện nay ngày càng đi xuống, nhất là các bộ môn Khoa học Xã hội và Nhân văn, đưa tới những trường hợp tệ hại như Tiến sĩ Cầu lông chẳng hạn".

Thanh tra Chính phủ công bố Kết quả Điều tra hôm 10/5 cho thấy chương trình đào tạo thạc sĩ của Học viện Khoa học Xã hội thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành. Ngoài ra lại có trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian, học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện nhiều thiếu sót trong một số hồ sơ học viên chương trình đào tạo. Có trường hợp giảng viên không đủ điều kiện tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sĩ.

tiensi2

Những giáo sư, phó giáo sư xếp hàng nhận danh hiệu tại một buổi lễ tại Quốc tử giám, Hà Nội hôm 24/12/2012. AFP

Về qui trình đào tạo tiến sĩ, Thanh tra Chính phủ cho biết có nghiên cứu sinh đề xuất đề tài không nằm trong danh mục nghiên cứu. Thậm chí có chuyện số cấp phát văn bằng không những được tẩy sữa mà còn thiếu thông tin về nghiên cứu sinh.

Một thính giả RFA giấu tên, đang là học viên của Học Viện Cảnh Sát Biển Việt Nam, nêu ý kiến qua ứng dụng Messenger như sau :

"Chắc tại mấy cái sai phạm này mà ông Nguyễn Văn Phúc phải chữa thẹn chuyện Bộ Giáo dục và đào tạo không quản được việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ lâu nay. Thế còn phát ngôn kiểu ngẫu hứng tung hê ‘làm tiến sĩ thay vì học tiến sĩ như hiện nay’ thì đúng là mê hồn trận rồi, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu".

Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghê, Giáo sư Chu Hảo, nhìn nhận vấn đề :

"Những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng yếu kém trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ mà ông Nguyễn Văn Phúc đề xuất trong buổi làm việc với Bộ Khoa học và công nghệ nói chung là hợp lý. Tuy nhiên, xưa nay những "khẩu hiệu" như vậy luôn luôn được nhắc đi nhắc lại, mà thực tế triển khai thì đâu vẫn hoàn đấy, chưa có gì đáng lạc quan".

Giáo sư Hà Tôn Vinh của trường đào tạo nhân lực Stella Management, giải thích thêm :

"Một công trình nghiên cứu không nhất thiết phải có tính ứng dụng vào môi trường xã hội hoặc là môi trường kinh doanh, nhưng nếu ứng dụng được trong xã hội trong kinh doanh thì quá tốt".

"Ở Mỹ có nhiều nghiên cứu không có tính ứng dụng thí dụ như tại sao con tôm bơi ngược, đó chỉ là nghiên cứu vì nghiên cứu. Theo quan điểm của tôi, nhà khoa học là nghiên cứu tất cả cái gì họ muốn nghiên cứu mà nếu ứng dụng được trong xã hội hay là trong kinh doanh thì quá tốt".

Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và sản xuất, kinh doanh. Các nhà khoa học được quyền chủ động thiết lập và mở rộng mọi hình thức liên doanh, liên kết để ứng dụng thành tựu khoa học và kỹ thuật vào sản xuất và đời sống ; được hưởng thụ thích đáng từ các hợp đồng nghiên cứu, triển khai hoặc áp dụng thành công các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 04/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 328 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)