Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/06/2022

Danh hiệu cho văn nghệ sĩ : chỉ là hư danh ?

Diễm Thi

Mới đây, tại phiên thảo luận về sửa đổi toàn diện Luật Thi đua khen thưởng tại Quốc hội, một số đại biểu kiến nghị có thêm danh hiệu Kiến trúc sư Nhân dân, Kiến trúc sư Ưu tú, Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú. Theo các đại biểu Quốc hội, việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú trong lĩnh vực văn học nghệ thuật có giá trị và ý nghĩa lớn đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này.

danhhieu1

Ảnh minh họa các nghệ sĩ múa hát mừng ngày sinh của Hồ Chí Minh - Reuters

Nhà văn Phạm Viết Đào viết trên Facebook cá nhân của ông, RFA đã xin phép trích lại :

"Một số đại biểu Quốc hội đề xuất Nhà nước thêm danh hiệu này nọ cho nghề viết văn. Là nhà văn có thẻ hội viên Hội nhà văn Việt Nam tôi cực lực phản đối. Tôi coi đây là hành vi : VẼ RẮN THÊM CHÂN cho nghề viết văn...

Những nhà văn muốn có danh hiệu này là những anh không đáng tin về nghề nghiệp, tư cách. Nhà văn sống và tác phẩm phải được người đọc tự bỏ tiền ra mua sách đó mới là nhà văn chân chính ; Sự thừa nhận của người đọc đó mới là danh hiệu chính đáng đối với người muốn chọn nghề cầm bút. Tôi đề nghị nhà nước bỏ ngay cả danh hiệu : Giải thưởng nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho tác phẩm, tác giả văn học."..

Từ trước đến nay, người dân đã quá quen tai với các danh hiệu được phong cho giới nghệ sĩ biểu diễn như Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân. Đây là hai danh hiệu được nói là do Nhà nước trao tặng cho nghệ sĩ có nhiều đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật. Danh hiệu này phổ biến ở hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.

Kiến trúc sư Trần Đình Nam nêu quan điểm của ông với RFA sáng ngày 6 tháng 1 năm 2022 :

"Tôi không thích mấy cái danh hiệu đó nhưng có nhiều người người ta thích. Mấy cái danh hiệu ở trong cơ quan như là chiến sĩ thi đua tôi còn không thích nữa. Đem về chả làm gì cả. Khoe mấy cái đó không có đáng để khoe. Mình có công trình người ta nhớ hoài là được rồi, đâu có cần danh hiệu. Họ gìn giữ cái công trình của mình là tốt rồi".

Dù hoạt động ở chuyên ngành văn học, nghệ thuật khác nhau, có tên gọi khác nhau như kiến trúc sư, diễn viên, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia nhưng tất cả được xã hội thừa nhận và gọi chung là văn nghệ sĩ.

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Việt Nam nên bỏ luôn các danh hiệu được phong cho giới văn, nghệ sĩ lâu nay như Nghệ sĩ Nhân dân hay Nghệ sĩ Ưu tú, thay bằng huân chương để vinh danh một tác phẩm nào đó của họ, như các nước phương tây vẫn làm. Ông nói :

"Thứ nhất, hội kiến trúc sư nằm trong Liên hiệp Hội văn học Nghệ thuật. Trong Liên hiệp Hội văn học Nghệ thuật của Việt Nam có nhiều bộ môn như kiến trúc, văn học, nhiếp ảnh, nhạc, kịch nghệ… nhiều thứ lắm. Lúc trước thì cái danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú học theo mô hình của các nước Đông Âu và mô hình của Liên Xô phong tặng, nhưng ưu tiên cho những nghệ sĩ biểu diễn thôi. Còn các ngành khác thì không.

Vấn đề thứ nhất, nếu gọi là khen thưởng mà chỉ có Nghệ sĩ Nhân dân trong một vài ngành trong Liên hiệp hội đó mà những ngành khác không có thì có lẽ là nó không bình đẳng. Đó là lý do người ta đề xuất Nghệ sĩ Nhân dân trong ngành kiến trúc, và họ chuyển thành Kiến trúc sư Nhân dân, Kiến trúc ưu tú. Nhưng tôi thì tôi nghĩ rằng thật sự kiến trúc sư không cần danh hiệu đó. Việt Nam mình không cần cái danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân hay Nghệ sĩ Ưu tú mà khen thưởng có nhiều cách khen thưởng. Cách mà quốc tế họ làm là họ khen thưởng bằng huân chương.

Ví dụ như ở Pháp thì có Bắc đẩu Bội tinh, bên Mỹ thì có huân chương Nghệ thuật Quốc gia của tổng thống trao, ở Nhật thì có huân chương Mặt trời mọc".

Bắc Đẩu Bội tinh không chỉ là danh hiệu dành riêng cho người Pháp, mà danh hiệu này còn được trao tặng cho những người nước ngoài, thường là các nguyên thủ quốc gia, các thành viên quốc hội, các đại sứ và bất cứ người nước ngoài nào có công trạng lớn đối với nước Pháp. 

Huân chương Nghệ thuật Quốc gia là giải thưởng cao nhất do chính phủ liên bang trao cho các nghệ sĩ, người bảo trợ nghệ thuật vì những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của nền nghệ thuật Mỹ. 

Huân chương Mặt trời mọc được trao cho những người có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực sau đây : quan hệ quốc tế, phát triển văn hóa Nhật Bản, những tiến bộ trong lĩnh vực của họ, phát triển phúc lợi xã hội hoặc giữ gìn môi trường. 

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói thêm, ông thiên về xu hướng tặng huân chương hơn là tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ông giải thích : 

"Lý do là người nghệ sĩ thì mình phải sáng tạo suốt đời, và khi mà mình được đóng dấu là Nghệ sĩ Nhân dân thì theo tôi, đó là bước lùi chứ không phải bước tiến. Bởi vì người được phong, thứ nhất là họ sẽ cảm thấy là tôi có làm hay tôi không làm thì tôi vẫn là Nghệ sĩ Nhân dân, tôi vẫn đứng đầu của cả nước trong ngành nghệ thuật của tôi. Họ không tiến bộ nữa. Đó là mình nói chung cho các ngành nghệ thuật. Còn nếu nói riêng cho ngành kiến trúc thì mình thấy rằng, Nghệ sĩ Nhân dân hiện giờ đang lạm phát. Hiện có đến mấy trăm Nghệ sĩ Nhân dân rồi. Những Nghệ sĩ Nhân dân đó, mặc dù phải công nhận họ giỏi, họ cũng tài giỏi được là nghệ sĩ nhân dân, nhưng mà có thể nói hầu hết những Nghệ sĩ Nhân dân đó những tác phẩm của họ có đứng đầu cả nước hay ngang tầm thế giới hay không thì mình cần phải đặt câu hỏi".

Năm 2013, nữ nghệ sĩ Kim Chi đã viết thư cho Hội Điện Ảnh từ chối làm thủ tục đề nghị Thủ tướng khen thưởng. Bà nói : "Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 01/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 272 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)