100 ngày chiến tranh Nga-Ukraine qua những con số
AP, VOA, 04/06/2022
Một trăm ngày kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, cuộc chiến đã mang lại cho thế giới những cảnh tượng đau lòng gần như hàng ngày : Xác thường dân trên đường phố ở Bucha ; một nhà hát bị ném bom tan hoang ở Mariupol ; cảnh tượng hỗn loạn tại một nhà ga xe lửa ở Kramatorsk sau một vụ tấn công phi đạn của Nga.
Nadiya Trubchaninova khóc bên quan tài của con trai bà, Vadym, bị sát hại vào ngày 30 tháng 3 bởi binh lính Nga ở Bucha, Ukraine, trong lễ tang của ông tại nghĩa trang Mykulychi gần đó, ngoại ô Kyiv, vào ngày 16 tháng 4 năm 2022.
Những hình ảnh đó cho thấy chỉ một phần bức tranh toàn cảnh về cuộc xung đột vũ trang trầm trọng nhất của Châu Âu trong nhiều thập niên. Sau đây là một số con số và số liệu thống kê - dù thay đổi liên tục và đôi khi không chắc chắn - giúp làm sáng tỏ về sự chết chóc, hủy diệt, thất tán và tàn phá kinh tế mà chiến tranh gây ra khi nó bước qua ngưỡng 100 ngày chưa thấy hồi kết.
Tổn thất nhân mạng
Không ai thực sự biết có bao nhiêu chiến binh hoặc thường dân đã chết, và những tuyên bố về thương vong của các quan chức chính phủ - những người đôi khi có thể phóng đại hoặc hạ giảm con số khi loan báo trước công chúng - là gần như không thể nào xác minh được.
Các quan chức chính phủ, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và những cơ quan khác làm nhiệm vụ đếm số người chết không phải lúc nào cũng được tiếp cận những nơi có người bị sát hại.
Và Moscow tới nay công bố rất ít thông tin về thương vong trong lực lượng của mình và đồng minh, và không đưa ra con số thống kê thường dân thiệt mạng trong các khu vực do họ kiểm soát. Ở một số nơi - chẳng hạn như thành phố Mariupol bị bao vây suốt nhiều tháng, có thể là tử địa lớn nhất trong chiến tranh - các lực lượng Nga bị cáo buộc tìm cách che đậy số người chết và vứt xác vào những ngôi mộ tập thể, khiến con số tổng thể thêm mơ hồ.
Với những lưu ý đó, "ít nhất hàng chục ngàn" thường dân Ukraine đã thiệt mạng cho đến nay, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết hôm thứ Năm trong các phát biểu trước nghị viện Luxembourg.
Chỉ riêng ở Mariupol, các quan chức báo cáo hơn 21.000 thường dân thiệt mạng. Sievierodonetsk, một thành phố ở khu vực Luhansk ở miền đông gần đây trở thành tâm điểm của cuộc tiến công của Nga, đã chứng kiến khoảng 1.500 người tử vong, theo thị trưởng.
Những con số ước tính này bao gồm những người thiệt mạng do các cuộc tấn công của Nga hoặc binh sĩ và những người hứng chịu tác động thứ cấp như đói ăn và bệnh tật khi nguồn thực phẩm và dịch vụ y tế cạn kiệt.
Ông Zelenskyy trong tuần này nói 60 đến 100 binh sĩ Ukraine đan tử trận mỗi ngày, với khoảng 500 người khác bị thương.
Các số liệu thống kê về lực lượng của Nga được công bố gần đây nhất là vào ngày 25 tháng 3, khi một vị tướng nói với truyền thông nhà nước rằng 1.351 binh sĩ đã thiệt mạng và 3.825 người bị thương.
Thi thể của một quân nhân phủ đầy tuyết bên cạnh xe phóng phi đạn của quân đội Nga bị phá hủy ở ngoại ô Kharkiv, Ukraine, vào ngày 25 tháng 2 năm 2022.
Các nhà quan sát ở Ukraine và phương Tây cho rằng con số thực còn cao hơn nhiều : ông Zelenskyy hôm thứ Năm cho biết hơn 30.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng - "nhiều hơn số binh sĩ cả Liên bang Xô Viết đã mất trong 10 năm cuộc chiến ở Afghanistan" ; vào cuối tháng 4, chính phủ Anh ước tính tổn thất nhân mạng của Nga là 15.000.
Phát biểu với điều kiện ẩn danh hôm thứ Tư để nói về các vấn đề tình báo, một quan chức phương Tây cho biết Nga "vẫn bị tổn thất nhân mạng, nhưng số lượng nhỏ hơn", theo AP. Quan chức này ước tính khoảng 40.000 quân Nga bị thương.
Tại các khu vực ly khai được Moscow hậu thuẫn ở miền đông Ukraine, nhà chức trách báo cáo hơn 1.300 chiến binh tử vong và gần 7.500 người bị thương ở khu vực Donetsk, cùng với 477 thường dân thiệt mạng và gần 2.400 người bị thương ; cộng với 29 thường dân thiệt mạng và 60 người bị thương ở Luhansk.
Đại sứ Ukraine tại Geneva, Yevheniia Filipenko, nói đối với bà, dấu mốc 100 khiến bà liên tưởng nhiều hơn tới gương mặt của những đứa trẻ mất cha mẹ hoặc nhà cửa, hoặc gương mặt của những người mẹ chạy nạn hơn là về bất cứ con số cụ thể nào.
"Không phải là về những con số", bà nói trong một cuộc phỏng vấn với AP, "đó là về những cảm xúc và những nỗi đau khổ của người Ukraine".
Sự tàn phá
Những đợt pháo kích, ném bom và không kích không ngừng đã khiến nhiều thành phố và thị trấn trở thành đống đổ nát.
Ủy hội nhân quyền của nghị viện Ukraine cho biết quân đội Nga đã phá hủy gần 38.000 tòa nhà chung cư, khiến khoảng 220.000 người mất nhà cửa.
Gần 1.900 cơ sở giáo dục từ nhà trẻ đến trường dạy nghề đến trường đại học đã bị hư hại, trong đó có 180 cơ sở bị hư hại hoàn toàn.
Những thiệt hại về cơ sở hạ tầng khác bao gồm 300 cầu đường bộ và 50 cầu đường sắt, 500 nhà máy và khoảng 500 bệnh viện bị hư hại, theo các quan chức Ukraine.
Tổ chức Y tế Thế giới đã thống kê được 296 vụ tấn công nhắm vào bệnh viện, xe cứu thương và nhân viên y tế ở Ukraine trong năm nay.
Người dân Ukraine chờ đợi được phân phát thực phẩm do Hội Chữ Thập Đỏ tổ chức ở Bucha, ngoại ô Kyiv, ngày 18/4/2022.
Bỏ nhà đi lánh nạn
Cơ quan người tị nạn của Liên Hợp Quốc UNHCR ước tính khoảng 6,8 triệu người đã buộc phải chạy khỏi Ukraine vào một thời điểm nào đó trong cuộc xung đột.
Nhưng kể từ khi giao tranh lắng xuống ở khu vực gần Kyiv và những nơi khác, và các lực lượng Nga được điều động về phía đông và nam, khoảng 2,2 triệu người đã trở về nước, tổ chức này cho biết.
Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc ước tính đến ngày 23 tháng 5, đã có hơn 7,1 triệu người tản cư trong nước - là những người rời bỏ nhà cửa nhưng vẫn ở lại trong nước. Con số này giảm so với hơn 8 triệu trong một đợt kiểm đếm trước đó.
Lãnh thổ bị chiếm
Các quan chức Ukraine nói trước cuộc xâm lược hồi tháng 2, Nga kiểm soát khoảng 7% lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014, và các khu vực do phe ly khai nắm giữ ở Donetsk và Luhansk. Ngày thứ Năm, ông Zelenskyy cho biết các lực lượng Nga hiện nắm giữ 20% lãnh thổ.
Dù tiền tuyến liên tục thay đổi, con số đó tương đương thêm 58.000 km vuông nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Tổng diện tích này lớn hơn một chút so với Croatia hoặc nhỏ hơn một chút so với bang West Virginia của Mỹ.
Hệ quả kinh tế ở Nga và Ukraine...
Phương Tây đã áp đặt một loạt các chế tài trả đũa nhắm vào Moscow, bao gồm các lĩnh vực dầu khí hệ trọng, và Châu Âu đang bắt đầu cắt đứt sự lệ thuộc vào năng lượng của Nga.
Evgeny Gontmakher, giám đốc học thuật của tổ chức Đối thoại Châu Âu, viết trong một bài phân tích trong tuần này rằng Nga hiện đang đối mặt với hơn 5.000 chế tài nhắm mục tiêu, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Khoảng 300 tỉ đôla dự trữ vàng và ngoại hối của Nga ở phương Tây đã bị phong tỏa, ông nói thêm, và lưu lượng hành khách du hành hàng không ở nước này giảm từ 8,1 triệu xuống 5,2 triệu từ tháng 1 đến tháng 3.
Ngoài ra, Trường Kinh tế Kyiv báo cáo hơn 1.000 công ty "tự chế tài" đã ngừng các hoạt động của họ ở Nga.
Chỉ số chứng khoán MOEX của Nga đã giảm khoảng một phần tư kể từ ngay trước cuộc xâm lược và giảm gần 40% so với đầu năm. Và Ngân hàng Trung ương Nga tuần trước cho biết lạm phát hàng năm ở mức 17,8% trong tháng 4.
Trong khi đó, Ukraine nói họ đang hứng chịu tác động kinh tế hết sức to lớn : 35% GDP bị xóa sổ bởi chiến tranh.
"Thiệt hại của chúng tôi hiện giờ đã vượt quá 600 tỉ đô la", Andriy Yermak, chánh văn phòng của ông Zelenskyy, gần đây nói.
Ukraine, một nước sản xuất nông nghiệp lớn, nói họ đã không thể xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc. Họ nói các chuyến hàng bị ứ đọng là do Nga phong tỏa hoặc chiếm các hải cảng quan trọng. Ông Zelenskyy cáo buộc Nga trong tuần này đánh cắp ít nhất nửa triệu tấn ngũ cốc trong suốt cuộc xâm lược.
...và thế giới
Hệ quả đã lan ra khắp toàn cầu, càng làm tăng thêm chi phí cho những hàng hóa cơ bản vốn đã tăng vì lạm phát ở nhiều nơi trước cuộc xâm lược. Các nước đang phát triển đang bị tác động đặc biệt nặng nề bởi chi phí lương thực, nhiên liệu và vay mượn cao hơn.
Giá dầu thô ở London và New York đã tăng từ 20 đến 25%, khiến cho giá xăng và hàng loạt các sản phẩm làm từ dầu mỏ tăng cao hơn.
Nguồn cung lúa mì đã bị gián đoạn ở các nước Châu Phi, nhập khẩu 44% lúa mì mà họ tiêu dùng từ Nga và Ukraine trong những năm ngay trước cuộc xâm lược. Ngân hàng Phát triển Châu Phi báo cáo mức tăng 45% đối với giá ngũ cốc trên toàn lục địa, ảnh hưởng đến mọi thứ, từ món couscous của Mauritania đến bánh donut rán ở Congo.
Amin Awad, điều phối viên khủng hoảng của Liên Hợp Quốc tại Ukraine, cho biết 1,4 tỉ người trên thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu ngũ cốc và phân bón từ đất nước này.
"Hệ quả của cuộc chiến này đối với thường dân là không thể chấp nhận được. Cuộc chiến này không có người thắng", ông nói với các phóng viên ở Geneva qua video từ Kyiv hôm thứ Sáu. "Hôm nay chúng ta đánh dấu một cột mốc bi thảm. Và chúng tôi biết điều gì cần nhất : kết thúc cuộc chiến này".
Theo AP
********************
Dân miền đông Ukraine ngạt thở trước gọng kềm của quân đội Nga
Thanh Hà, RFI, 04/06/2022
Tại miền đông Ukraine, quân Nga duy trì áp lực ở mức độ cao. Trong ngày 03/06/2022, các đợt oanh kích càng lúc càng dồn dập tại Severodonetsk và các vùng lân cận, như thị trấn Bakhmut. Dân cư ngạt thở trước gọng kềm của quân Nga.
Binh sĩ Ukraine giúp một người đàn ông cao tuổi thoát khỏi một tòa nhà chung cư bị hư hại sau một cuộc tấn công ở thị trấn Slovyansk, vùng Donbass, miền đông Ukraine, ngày 31/5/2022. AFP – Aris Messinis
Thông tín viên RFI Sébastien Németh từ Bakhmut gửi về phóng sự :
"Những tiếng bom đều đặn đã trở thành một nền âm thanh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày ở Bakhmut. Sống với stress, một cuộc sống căng thẳng khó mà chịu được mãi, như than phiền của Irina Fedorova. Cô nói : ‘Nhiều người cuối cùng còn ở lại là vì họ không có nơi nào để thoát thân. Nhưng đời sống ở đây kinh khủng lắm và nguy hiểm nữa. Có lẽ tôi cũng sẽ phải ra đi thôi, khi không còn chịu đựng được nữa’.
Vết tích của những quả đại bác Nga hiện diện với những hầm hố trên đường phố, trong nhiều khu nhà ở, công viên bị tàn phá. Rất nhiều cơ sở hạ tầng và khu chung cư bị trúng bom.
Marina Ovnyeva đang làm bếp. Cô sống trong một khu chung cư bị hư hại một phần nhưng vẫn là nơi một số gia đình cư ngụ. Dù nguy hiểm, cô không dứt khoát ra đi và Marina nói về Bakhmut với tất cả tấm lòng : ‘Chúng tôi lo căn hộ của mình sẽ là mục tiêu kế tiếp. Phía trước chúng tôi có một nơi trú ẩn. Mọi người chuẩn bị sẵn sàng để nhanh chóng chạy sang bên ấy trú thân. Cả cuộc đời tôi ở nơi đây. Gia đình, bạn bè, công việc. Tôi muốn ở lại thành phố của mình.Thật đau lòng thấy Bakhmut trong cảnh tượng này. Chúng tôi đã xây dựng thành phố này, đã để hết cả tâm hồn mình vào đấy’.
Chồng Marina là Roman gương mặt mệt mỏi, sống với stress và nỗi sợ hãi hàng ngày, anh gần như không còn sức chịu đựng. Roman giải thích 'luôn sống trong sợ hãi. Thần kinh căng đến cực độ, chúng tôi sắp quỵ đến nơi. Mọi người cố gắng để ngủ, nhưng cứ nghe tiếng động là ai nấy đều thức dậy. Tay chúng tôi run liên tục vì căng thẳng quá và thực sự không biết sẽ cầm cự được bao lâu nữa’.
Tuy chậm nhưng quân Nga đang tiến về thành phố và khu vực giao tranh chỉ cách Bakhmut có vài cây số. Dân cư ở đây chuẩn bị đối phó với tình huống càng lúc càng khó khăn hơn".
Thanh Hà
**********************
Ukraine khẳng định đã đẩy lùi được quân Nga ở Severodonetsk
Thanh Phương, RFI, 04/06/2022
Ukraine hôm 03/06/2022 khẳng định đã đẩy lùi được quân Nga ở Severodonetsk, thành phố chiến lược ở vùng Donbass, nơi mà Moskva đang tập trung tấn công với hy vọng giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng này. Nếu chiếm được Severodonetsk, Nga sẽ có thể bảo đảm việc trấn giữ tỉnh Luhansk ở miền đông Ukraine.
Khói bốc lên ở thành phố Sievierodonetsk nơi giao tranh ác liệt giữa quân đội Ukraine với quân Nga và phe ly khai. Ảnh chụp ngày 30/5/2022. AFP – Aris Messinis
Nhưng theo chính quyền Kiev, lực lượng Nga cho đến nay vẫn chưa chiếm được toàn bộ thành phố chiến lược này. Thậm chí quân Nga đã bị đẩy lùi, theo khẳng định của thống đốc tỉnh Luhansk, Serguiï Gaïdaï. Ông cho biết trước đây có khoảng 70% thành phố bị chiếm đóng, nhưng nay quân Nga đã bị đẩy lùi 20%, cho dù họ vẫn liên tục oanh kích vào các vị trí của quân Ukraine.
Thống đốc Luhansk một lần nữa yêu cầu phương Tây cung cấp thêm vũ khí hạng nặng để đẩy pháo binh Nga ra xa các vị trí của quân Ukraine, nhằm tránh cho Severodonetsk bị tàn phá hoàn toàn giống như thành phố cảng Mariupol ở miền nam mà Nga đã chiếm được ngày 20/05.
Quân Nga hiện cũng đang oanh kích dồn dập tỉnh Donetsk, nhất là vào thành phố Sloviansk, cách Severodonetsk khoảng 80km về phía tây. Theo chính quyền Kiev, người dân vùng này đang thiếu khí đốt, nước và điện.
Còn ở miền nam, Ukraine lo ngại các khu vực mà quân Nga đã chiếm được sẽ bị sát nhập, vì Moskva dự định tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này vào tháng 7 tới. Nhưng theo bộ tư lệnh phương Nam của quân đội Ukraine, phía Nga gặp sự chống đối rất mạnh của người dân địa phương.
Trả lời phỏng vấn báo chí địa phương của Pháp hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron cho rằng đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đã phạm "một sai lầm lịch sử và căn bản" khi tấn công Ukraine và nay ông đang bị "cô lập".
Thanh Phương
********************
Ukraine nói quân Nga bị đẩy lùi khỏi thành phố trọng yếu ở miền đông
VOA, 04/06/2022
Kyiv ngày thứ Bảy cho biết họ đang đẩy lùi quân Nga ở Sievierodonetsk trong lúc giao tranh ác liệt diễn ra xung quanh thành phố công nghiệp này, trọng tâm của cuộc tiến công của Nga nhằm chiếm khu vực Donbas ở miền đông.
Một quân nhân Ukraine bị thương được chở trên xe quân sự trong một cuộc di tản, ở Sievierodonetsk, vùng Luhansk, Ukraine, ngày 2 tháng 6 năm 2022. Ảnh chụp ngày 2 tháng 6 năm 2022.
Serhiy Gaidai, tỉnh trưởng tỉnh Luhansk, cho biết các lực lượng Nga đã chịu thất bại nặng nề và đang cho nổ tung những cây cầu bắc qua sông Siverskyi Donets để ngăn Ukraine đưa quân tiếp viện và cung cấp viện trợ cho thường dân ở Sievierodonetsk.
"Hiện tại, các chiến sĩ của chúng ta đã đẩy lùi họ, họ (quân Nga) đang chịu thương vong rất lớn", ông Gaidai nói trong một chương trình truyền hình trực tiếp ngày thứ Bảy.
"Quân đội Nga, theo như chúng tôi biết, đang dồn mọi nỗ lực, mọi nguồn lực của mình theo hướng đó (Sievierodonetsk)", ông nói. "Quân Nga đang cho nổ tung các cây cầu, vì vậy chúng tôi không thể đưa quân tiếp viện cho các chiến sĩ của mình ở Sievierodonetsk".
Tỉnh trưởng cho biết các lực lượng Ukraine đã chiếm lại được khoảng một phần năm lãnh thổ mà họ đã mất trong thành phố.
Cả hai bên đều phải chịu những tổn thất nặng nề trong các trận chiến trên từng con phố để giành lấy thành phố công xưởng thời Soviet này, Reuters đưa tin.
Nếu Sievierodonetsk thất thủ, thành phố Lysychansk kế cận sẽ là thành phố cuối cùng mà Nga cần chiếm để nắm toàn quyền kiểm soát tỉnh Luhansk, cùng với tỉnh Donetsk tạo nên vùng Donbas.
Khu vực này đã trở thành trọng tâm trong cuộc xâm lược của Nga khi Tổng thống Vladimir Putin đang tìm cách tái tạo động lực sau khi thất bại trong nỗ lực chiếm thủ đô Kyiv.
Quân đội Ukraine ngày thứ Bảy cho biết Nga đã sử dụng pháo binh để tiến hành "chiến dịch tấn công" ở Sievierodonetsk, nhưng các lực lượng Nga đã rút lui và binh sĩ Ukraine đang nắm giữ các vị trí bên trong thành phố.
Reuters cho biết họ đã đến được Sievierodonetsk vào ngày thứ Năm và có thể xác minh rằng quân Ukraine vẫn nắm giữ một phần của thành phố.
Các binh sĩ Nga cũng tìm cách tiến về phía Lysychansk, bên kia sông Siverskyi Donets từ Sievierodonetsk, nhưng đã bị chặn lại, bộ tham mưu quân đội Ukraine cho biết.
Bộ Quốc phòng Anh ngày thứ Bảy nói hoạt động trên không của Nga vẫn ở mức cao tại Donbas, với các máy bay Nga thực hiện các cuộc không kích sử dụng cả đạn điều hướng lẫn không điều hướng.
Bộ quốc phòng Nga ngày thứ Bảy nói các lực lượng của họ đã bắn rơi một máy bay vận tải quân sự của Ukraine chở vũ khí và đạn dược gần cảng Odesa bên Biển Đen.
Hàng chục ngàn người đã chết, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và nền kinh tế toàn cầu bị gián đoạn trong cuộc chiến tranh bước qua ngày thứ 100 vào ngày thứ Sáu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã tìm cách duy trì đối thoại với ông Putin trong suốt cuộc chiến, ngày thứ Bảy nói điều hệ trọng là Nga không bị sỉ nhục để khi chiến sự kết thúc, một giải pháp ngoại giao có thể được tìm thấy.
Lập trường của ông Macron đã nhiều lần bị một số đối tác Đông Âu và vùng Baltic chỉ trích.
Ukraine ngày thứ Bảy nói đàm phán với Nga chẳng có ích gì cho đến khi lực lượng của Moscow bị đẩy lùi xa nhất có thể về hướng biên giới của Ukraine.
Các quan chức Ukraine đang trông cậy vào các hệ thống phi đạn tiên tiến mà Mỹ và Anh gần đây đã cam kết cung cấp để xoay chuyển cuộc chiến theo hướng có lợi cho họ, và quân đội Ukraine đã bắt đầu huấn luyện sử dụng chúng.
Moscow nói vũ khí của phương Tây sẽ châm "dầu vào lửa", nhưng sẽ không thay đổi đường hướng của điều mà nước này gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm giải giáp Ukraine và trừ khử những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.
********************
Chiến tranh Ukraine : Zelensky nói Nga kiểm soát 1/5 lãnh thổ Ukraine
Matt Murphy, BBC, 03/06/2022
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng quân Nga đã chiếm được 20% lãnh thổ nước ông, khi cuộc xâm lược của Moscow tiến gần đến ngày thứ 100.
Một lính Nga ở Mariupol
Phát biểu trước các nhà lập pháp ở Luxembourg, ông Zelensky nói thêm rằng tiền tuyến kéo dài hơn 1.000 km.
"Tất cả các đội hình quân sự sẵn sàng chiến đấu của Nga đều tham gia vào cuộc xâm lược này", ông Zelensky nói với các nghị sĩ qua video.
Quân đội Nga đang tăng cường tấn công vào thành phố Severodonetsk ở miền Đông Donbas.
Các quan chức quốc phòng Anh cho biết Nga đã chiếm được hầu hết thành phố và đang đạt được "lợi ích cục bộ ổn định, nhờ vào việc tập trung nhiều pháo binh".
Severodonetsk là thành phố ở cực đông dưới sự kiểm soát của Ukraine và thống đốc khu vực Serhiy Haidai cho biết Nga đang cố gắng phá vỡ hệ thống phòng thủ trong thành phố "từ mọi hướng".
Tuy nhiên, ông cho biết quân đội Ukraine đang thực hiện các cuộc phản công, "đẩy lùi kẻ thù trên một số đường phố và bắt một số tù nhân".
Ông nói, giao tranh dữ dội trên các đường phố trong thành phố đã cản trở việc sơ tán, ông mô tả những nỗ lực sơ tán là "cực kỳ nguy hiểm".
Trong một bài phát biểu qua video vào tối thứ Năm, ông Zelensky cho biết tình hình ở Donbas không thay đổi đáng kể hôm đó nhưng người Ukraine đã đạt được "một số thành công" trong các trận chiến ở Severodonetsk.
Khoảng 15.000 dân thường vẫn bị mắc kẹt trong thành phố. Nhiều người đến trú ẩn tại nhà máy hóa chất Azot khổng lồ.
Hôm thứ Tư, ông Zelensky cáo buộc Nga "điên rồ" sau khi quân đội của họ được cho là đã nhắm mục tiêu vào địa điểm này trong một cuộc nã pháo.
Xa hơn về phía nam, thị trưởng của thành phố bị chiếm đóng Mariupol cáo buộc quân Nga hành quyết các công chức từ chối cộng tác với chính quyền thành phố mới do Moscow hậu thuẫn.
Vadym Boychenko, người sơ tán khỏi Mariupol trước khi thành phố này rơi vào tay Nga, cho biết hàng chục cư dân đang bị giam giữ tại nhà tù Olenivka và ông đã nhận được báo cáo về việc người dân địa phương bị tra tấn bởi lực lượng chiếm đóng. BBC không thể xác minh những cáo buộc này.
Tuần trước, một cố vấn của ông Boychenko nói với CNN rằng ít nhất 22.000 người đã thiệt mạng trong cuộc bao vây và bắn phá của Nga.
Ở phía đông bắc, các cuộc pháo kích của Nga đã giết chết một phụ nữ và một người đàn ông ở Kharkiv bị thương, các quan chức khu vực cho biết.
Ở miền tây Ukraine, 5 dân thường đã bị thương trong các cuộc tấn công tên lửa vào Lviv, người đứng đầu khu vực Maksym Kozytskyi cho biết.
Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng đang đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt nhằm vào các đồng minh chủ chốt của Tổng thống Nga Putin.
Các quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt mới vào thứ Năm, với các mục tiêu bao gồm một số du thuyền được cho là có liên quan đến ông Putin và một nghệ sĩ chơi đàn cello được cho là người trung gian cho nhà lãnh đạo Nga.
Các quan chức Mỹ sẽ tìm cách thu giữ hai tàu, tàu Graceful gắn cờ Nga và tàu Olympia gắn cờ đảo Cayman, được xác định là tài sản cá nhân của ông Putin.
Nghệ sĩ cello, Sergei Roldugin, được cho là người giám sát khối tài sản ở nước ngoài của Tổng thống Nga.
Năm nhà tài phiệt có liên hệ với ông Putin cũng như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng sẽ bị đóng băng bất kỳ tài sản nào ở Mỹ và bị cấm kinh doanh với các tập đoàn có trụ sở tại Mỹ.
Các nhà ngoại giao EU được cho là đã hoàn tất gói trừng phạt thứ sáu chống lại Moscow.
Các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm hạn chế nhập khẩu dầu của Nga, được cho là đã được đồng ý sau khi các quan chức chấp nhận yêu cầu của Hungary về việc loại bỏ Russian Orthodox Church, Patriarch Kirill, khỏi danh sách mục tiêu.
Chủ tịch Nghị viện Châu Âu cũng tuyên bố cấm các nhà vận động hành lang người Nga vào trụ sở nghị viện.
Roberta Metsola viết trên Twitter rằng bà muốn tước bỏ khả năng "truyền bá những thông tin độc hại, sai trái của Nga về cuộc xâm lược Ukraine".
Hôm thứ Tư, Tổng thống Joe Biden thông báo rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm xa mới có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 70 km (45 dặm).
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Mỹ và các đồng minh cố tình kéo dài chiến tranh và "đổ thêm dầu vào lửa".
Matt Murphy