Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/06/2022

Hà Nội muốn Mỹ đầu tư vào công nghệ cao

Eric Mottet, Thu Hằng

Hà Nội muốn Mỹ tăng cường đầu tư vào các ngành công nghệ cao ở Việt Nam

"Việt Nam sẵn sàng trở thành 'cứ điểm' sản xuất quan trọng của thế giới", theo khẳng định ngày 25/05/2022 của chính phủ trên trang thông tin Facebook. Tuy nhiên, từ một nước gia công cho thế giới, Việt Nam muốn thu hút những nguồn đầu tư mang tính công nghệ cao, phát triển thị trường tài chính sau khi gây dựng được uy tín trong các ngành sản xuất điện tử, công nghệ cao từ vài năm gần đây.

hanoi1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong cuộc họp song phương ngày 13/05/2022 tại Washington, Mỹ.  AP - Jose Luis Magana

Ngoài việc tham dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN tại Washington - mục đích chính của chuyến công du Mỹ (11-17/05/2022), thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ quan chức của nhiều tập đoàn lớn, định chế Hoa Kỳ để giới thiệu triển vọng đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, ba lĩnh vực : tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ - chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng, được thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh là tiềm năng cho hợp tác song phương khi phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế Mỹ (CSIS) chiều 11/05. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ đã tăng 248 lần sau 27 năm, theo trang VnExpress ngày 23/05.

Trong những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào Việt Nam đã tăng nhiều nhưng tập trung chủ yếu ở những lĩnh vực dịch vụ. Hà Nội muốn các doanh nghiệp Mỹ đầu tư nhiều hơn vào các ngành công nghệ cao. Tiềm năng thúc đẩy hợp tác với Mỹ còn được tăng cường khi cả Washington và Hà Nội tham gia Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF), được khởi động ngày 23/05 tại Tokyo.

Trên đây là một số điểm chính được giáo sư Eric Mottet, Đại học Công giáo Lille, Pháp, nhận định khi trả lời RFI tiếng Việt ngày 27/05.

*******

RFI : Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ngày 12-13/05. Trang Facebook Thông tin Chính phủ và truyền thông Việt Nam cập nhật liên tục hoạt động của phái đoàn chính phủ Việt Nam, cũng như các cuộc gặp gỡ với các nhà ngoại giao, chủ các tập đoàn lớn của Mỹ. Theo ông, chiến dịch truyền thông này nhằm quảng bá ở trong nước ? Hay đây là mong muốn của chính phủ Việt Nam hướng đến hợp tác với Mỹ nhiều hơn về kinh tế và công nghệ ?

Eric Mottet : Mọi hoạt động truyền thông của một chính phủ thường nhắm đến hai đối tượng trong và ngoài nước. Trường hợp này lại đặc biệt đúng đối với Việt Nam. Chúng ta thấy từ cuộc họp thượng đỉnh gần đây giữa Hoa Kỳ và ASEAN, chính phủ Việt Nam liên tục đưa tin, dĩ nhiên là về tăng cường hợp tác với Mỹ trong nhiều khuôn khổ.

Việt Nam muốn chứng minh năng lực mới, được coi là một quốc gia quan trọng ở Châu Á-Thái Bình Dương, là một nhân tố có trách nhiệm về mặt ngoại giao và địa-chính trị. Chiến lược truyền thông đó cũng để cho người dân Việt Nam thấy là hiện giờ, Hà Nội có khả năng đàm phán, trao đổi với cường quốc số 1 thế giới, trong khi đây là điều không thể trong lịch sử đau thương, khó khăn trước đây giữa Mỹ và Việt Nam.

Về đối nội, chiến dịch truyền thông cũng cho phép nâng tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề quốc tế. Trong thời gian dài, Đảng cộng sản Việt Nam bị coi là thiếu kinh nghiệm đối ngoại. Thế nhưng ở đây, người ta thấy là Đảng và dĩ nhiên là Chính phủ, bắt đầu có năng lực và cũng thấy rằng uy tín quốc tế của Việt Nam chưa bao giờ cao như vậy.

Đối với Việt Nam, cũng như phần lớn các nước trong ASEAN, chiến lược đa dạng hóa đối tác không có gì là mới. Việt Nam muốn có quan hệ đối tác với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là với các cường quốc. Nếu nhìn vào mối quan hệ đối tác giữa Hà Nội và Washington trong những năm gần đây, có thể thấy là mối quan hệ này được tăng cường mạnh mẽ về mặt thương mại. Năm 2021, thương mại song phương đã tăng gần 25%. Đúng là Hà Nội muốn đầu tư nước ngoài trực tiếp của Mỹ tăng tại Việt Nam và Hoa Kỳ đầu tư vào một số ngành công nghệ, đặc biệt là các ngành năng lượng, y tế, công nghệ số. Hà Nội trông đợi rất nhiều vào Hoa Kỳ trong tất cả những lĩnh này.

RFI : Việt Nam không bỏ phiếu lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, cũng như không loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Sự bất đồng với lập trường của Mỹ có ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương ?

Eric Mottet : Chuyện đó có làm thay đổi mối quan hệ với Mỹ hay không ? Tôi nghĩ là không vì thực ra Việt Nam ở cùng thế với Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này cố tỏ ra trung lập phần nào về cuộc khủng hoảng Ukraine khi không muốn liên kết với Nga hay Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cần ASEAN, cần Việt Nam để triển khai chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương. Như tôi đã đề cập ở trên, Việt Nam đã trở thành một yếu tố, một động cơ quan trọng trong ASEAN về mặt chính trị và kinh tế. Chúng ta thấy rõ là Hà Nội và Washington ngày cách xích lại gần nhau từ nhiều năm qua, từ thời tổng thống Trump và tiếp tục được củng cố với chính quyền Joe Biden. Xin nhắc lại là Mỹ chú ý đến Việt Nam về mặt kinh tế và dĩ nhiên là cả mặt chính trị trong tương lai.

RFI : Thủ tướng Việt Nam nhiều lần nhắc đến "đối tác chiến lược toàn diện" trong bài tham luận tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Liệu có thay đổi nào sau chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Phạm Minh Chính không ?

Eric Mottet : Đúng là từ nhiều năm nay, người ta vẫn nói về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam. Ở đây có thể có hai giả thuyết. Thứ nhất, như chúng ta biết, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, và câu hỏi mà tôi thắc mắc trong thời gian gần đây là việc thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ liệu có phải là để mọi người quên đi rằng Việt Nam đang có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga.

Giả thuyết thứ hai là từ khoảng hai năm nay, Mỹ rất muốn Việt Nam gia nhập Bộ Tứ mở rộng (QUAD +), một diễn đàn về các vấn đề an ninh và quốc phòng. Trong bối cảnh này, có thể Việt Nam gửi một thông điệp đến Trung Quốc, kiểu : "Thấy đấy, chúng tôi cũng có khả năng ký một thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ". Đây được coi như một kiểu bảo đảm về an ninh và phòng thủ trước Trung Quốc.

RFI : Việt Nam nằm trong số 7 nước ASEAN tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF) của Mỹ. Khuôn khổ này có tầm quan trọng như thế nào đối với Việt Nam ? Việc Hà Nội tham gia có khiến Bắc Kinh tức giận không trong khi Trung Quốc không được mời ?

Eric Mottet : Trước tiên phải nói rằng hiện chúng ta không biết gì nhiều về IPEF, cũng như nội dung của IPEF, vì vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Ngược lại có hai điểm mà chúng ta biết. Thứ nhất, IPEF sẽ không phải là một thỏa thuận tự do thương mại vì dù sao chính quyền Joe Biden sẽ không có được sự ủng hộ từ đa số đảng Dân Chủ nếu như chính quyền Mỹ ký một thỏa thuận tự do thương mại với các nước Châu Á-Thái Bình Dương. Điểm thứ hai, IPEF sẽ bao gồm 4 đến 5 lĩnh vực chủ đạo, gồm kinh tế kỹ thuật số, chuỗi logistic, kinh tế xanh, minh bạch và chống tham nhũng.

Nhìn chung IPEF có thể sẽ là một thỏa thuận ít vững chắc hơn rất nhiều so với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECEP) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hoặc so với Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, đây sẽ là một thỏa thuận có lợi cho Việt Nam bởi vì IPEF có cả Mỹ và Ấn Độ tham gia, trong khi hai nền kinh tế rất năng động này không tham gia vào RCEP hay CPTPP.

Việc Việt Nam tham gia IPEF có khiến Trung Quốc tức giận không ? Chưa chắc ! Trung Quốc coi IPEF là một quan hệ đối tác vô cùng lỏng lẻo, ít tương lai vì sẽ không có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào giữa các nước tham gia. Hơn nữa, đó cũng không phải là một thỏa thuận tự do thương mại theo đúng nghĩa nên Trung Quốc không mấy lo lắng về kế hoạch kinh tế của IPEF. Ngược lại, Bắc Kinh quan ngại về các vấn đề quốc phòng và an ninh nếu như IPEF có thể có thêm một mảng thiên về an ninh và quốc phòng. Nhưng hiện giờ khả năng này chưa xảy ra nên Bắc Kinh không lo lắng lắm.

Xin nhắc lại là Việt Nam và Trung Quốc cũng có rất nhiều thỏa thuận đối tác kinh tế không ngừng được tăng cường trong 10 năm gần đây. Thậm chí, khối lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong nhiều năm qua. Tôi cho rằng Bắc Kinh quan sát bởi vì hiện giờ IPEF không đủ sức thuyết phục, có thể chỉ là một vỏ ốc và không dẫn đến kết quả lớn. Vì thế Trung Quốc không thấy vị thế kinh tế của họ bị đe dọa.

RFI : Washington lần lượt thông báo Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, sau đó là Khuôn khổ IPEF. Mỹ có thể trông cậy vào vai trò như thế nào của Việt Nam ?

Eric Mottet : Phải nhắc lại là khó biết được nội dung của IPEF vì vẫn đang trong quá trình đàm phán. Điều mà Việt Nam mong muốn, đó là Hoa Kỳ, thông qua IPEF, đầu tư vào các đặc khu kinh tế, củng cố các chuỗi cung ứng, như Google, Microsoft hay Apple đã làm một chút trong những năm vừa qua, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Việt Nam cũng muốn Hoa Kỳ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng xanh. Hà Nội cũng muốn các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có nhiều công ty đi đầu trong lực này, chia sẻ các phương tiện và công nghệ của họ với Việt Nam.

Chúng ta cũng thấy là Hoa Kỳ và tất cả các nước Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng tìm các giải pháp thay thế cho Trung Quốc nên Việt Nam có thể đóng vai trò tiếp nhận quan trọng nguồn đầu tư Mỹ vào Châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ IPEF. Cuối cùng, việc này cũng có thể sẽ tăng cường thêm cho các khoản đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, nếu nhìn vào đầu tư nước ngoài của Mỹ hiện giờ ở Việt Nam, có thể thấy chúng tập trung chủ yếu vào ngành khách sạn, nhà hàng, sản phẩm chế biến, nhưng vẫn còn vắng bóng trong lĩnh vực công nghệ cao.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Eric Mottet, trường Đại Học Công Giáo Lille tại Pháp.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 06/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Eric Mottet, Thu Hằng
Read 464 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)