Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/06/2022

Cuộc chiến Nga-Ukraine định hình tương lai thế giới như thế nào ?

Ái Châu

EU cấm vận dầu Nga và cuộc khủng hoảng trong tương lai gần

Hôm 31 tháng 5, 2022, EU cho biết sẽ công bố chính sách mới, cấm vận dầu Nga ở mức độ khắc nghiệt hơn mức tưởng tượng của những người ghét tinh thần đế quốc của Nga nhất. Chúng ta thử xem xét một vài hậu quả mà chính sách này của EU có thể tác động lên kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.

thegioi1

Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine đã kéo dài hơn 100 ngày, các nước EU vẫn phải nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô và 1,2 triệu thùng sản phẩm từ dầu mỗi ngày từ Nga.

Chính sách phong tỏa mới của EU đối với Nga

Với chính sách cấm vận mới, tổng lượng dầu Nga xuất khẩu vào EU sẽ giảm 90%.

1. Cho đến nay, kể cả khi cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine đã kéo dài hơn 100 ngày, các nước EU vẫn phải nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô và 1,2 triệu thùng sản phẩm từ dầu mỗi ngày từ Nga. Nga thu về khoảng 800 ngàn Euro (hơn 1 triệu USD) mỗi ngày từ việc bán dầu cho EU [1]. EU dự kiến sẽ cắt giảm chỉ còn 10% số đó vào cuối năm 2022. Để được Hungary chấp nhận, EU miễn trừ việc nhập khẩu dầu từ Nga qua đường ống [2].

2. EU cũng sẽ không cho phép các công ty bảo hiểm Châu Âu bán dịch vụ bảo hiểm vận chuyển dầu thô Nga bằng đường biển [3]. Lệnh cấm này rõ ràng nhắm đến khả năng vô hiệu hóa nỗ lực của Nga bán dầu cho Châu Á bằng đường biển, bởi lẽ bảo hiểm vận tải dầu mỏ hiện do các công ty Châu Âu nắm giữ. Khi không còn bảo hiểm vận tải, các công ty vận tải dầu mỏ đường biển sẽ ngại ngần trong việc vận chuyển dầu thô Nga.

Hoa Kỳ đã cấm nhập khẩu dầu từ Nga từ hồi tháng 2 năm 2022, sau khi cuộc xâm lăng của Nga nổ ra. Đối với Châu Âu, khi quyết định ngừng nhập khẩu 90% dầu mỏ từ Nga như vậy, chắc chắn họ đã tính toán khả năng bù đắp nguồn cung dầu mỏ ở Châu Âu.

Hậu quả của chính sách cấm vận mới của EU đối với Nga

Cùng với các hậu quả do cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine gây ra từ hơn 3 tháng qua, chính sách mới này của EU có khả năng sẽ dẫn đến một số hệ quả vĩ mô sau :

1. Giá dầu tăng cao sẽ thúc đẩy lạm phát, vốn đang khá dữ dội ở cả Hoa Kỳ và Châu Âu.

2. Chuỗi cung ứng toàn cầu càng dễ bị tổn thương hơn.

3. An ninh lương thực trở thành một vấn đề toàn cầu, làm cho lạm phát thêm trầm trọng.

4. Các điều kiện tài chính sẽ càng bị thắt chặt hơn.

5. Các chính sách vĩ mô của các định chế toàn cầu càng trở nên khó đoán trước.

6. Cuối năm 2022, khi lệnh cấm của EU đi vào hiện thực, nếu Châu Âu rơi vào cảnh thiếu hụt dầu, khu vực kinh tế khổng lồ này sẽ tranh giành nguồn dầu của các nước Châu Á. Tất nhiên, việc tranh giành nhập khẩu dầu sẽ diễn ra sớm hơn, ngay từ mùa hè 2022, vì các nước sẽ chạy đua để chuẩn bị cho cuối năm. Kinh tế thế giới sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng kép, vừa do đại dịch gây ra vừa do cuộc chiến của Putin gây ra.  Tuy vậy, lệnh cấm của EU tiếp bước Hoa Kỳ cũng phản ánh sự thay đổi của xu hướng ảnh hưởng của dầu mỏ lên kinh tế thế giới.

Giá dầu thô tăng vọt là yếu tố góp phần lớn vào lạm phát trong thập niên 1970s ở Âu Mỹ. Hồi đó, nền kinh tế Hoa Kỳ tiêu thụ hơn một thùng dầu thô trên 1.000 USD tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, đến năm 2015, Hoa Kỳ chỉ còn tiêu thụ khoảng 0,4 thùng trên 1.000 USD của GDP [4]. Như vậy, yếu tố dầu thô đã giảm vai trò trong nền kinh tế Mỹ.

1. Theo World Bank, tỷ lệ sử dụng năng lượng (số kg dầu tương đương) trên 1.000 USD của GDP (PPP không đổi năm 2017), ở quy mô toàn cầu, đã giảm từ 164,5 kg dầu năm 1990 xuống còn 120 kg dầu năm 2014 [5]. Năm 2015, Đức chỉ còn tiêu thụ 74,6 kg dầu cho mỗi 1000 USD của GDP, còn Pháp là 85,2 kg và Anh là 61,4 kg.

2. Việc phương Tây giảm sự phụ thuộc vào dầu thô sẽ giúp giảm tỷ lệ lạm phát do dầu thô gây ra. Tuy nhiên, không ai dám coi thường tác động của việc giá năng lượng tăng đến nền kinh tế nói chung và đến cuộc sống của mỗi người. Giám đốc điều hành của JPMorgan, Jamie Dimon cho rằng giá dầu có thể tăng lên 175 USD/thùng vào cuối năm nay [6]. Còn Goldman Sachs dự đoán rằng giá dầu sẽ tăng lên 140 USD/thùng trong quý 3 năm nay [7]. Các dự đoán khác nhau về giá dầu vào cuối năm khá chênh lệch nhau (140/175) nhưng cảm nhận chung là giá dầu sẽ tăng vọt. Financial Times dự đoán thế giới sẽ phải gồng mình trước sự tăng giá xăng dầu [8].

Tình cảnh thiếu hụt năng lượng từ sau mùa đông năm 2022 được giải quyết đến mức độ nào thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

1. Trước hết, người ta sẽ quan sát xem một trong những chủ soái của OPEC, Saudi Arabia, có đồng ý tăng sản lượng dầu hay không. Khi kế hoạch cấm dầu của Châu Âu được đưa ra, Tổng thống Biden cũng lên kế hoạch đi thăm Thái tử Salman của Saudi Arabia [9]. Các yêu cầu chính trị trong bang giao quốc tế của Saudi Arabia ở Trung Đông có thể sẽ được thỏa mãn. Những kẻ thù của Saudi Arabia như Iran, vốn được dễ thở hơn sau khi Tổng thống Biden cầm quyền, có thể sẽ "gặp nạn".

2. Các nhà vận động chính sách sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Biden chấp nhận thúc đẩy khai thác dầu mỏ trong nước (dầu đá phiến) và tiếp tục dự án đường ống dẫn dầu từ Canada. Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các nguồn cung dầu khác, kể cả những xứ xung đột với phương Tây về giá trị như Venezuela

3. Châu Âu sẽ càng tăng cường phát triển các nguồn năng lượng phi hóa thạch, nhưng năng lượng sạch phụ thuộc vào nguồn không ổn định như năng lượng mặt trời, nguồn gió, và khả năng thay thế không đến một sớm một chiều.

Dầu thô và khí đốt là hai câu chuyện có liên quan nhưng khác nhau. Trong tổng lượng khí đốt mà Châu Âu nhập khẩu hằng năm, khí đốt của Nga chiếm đến 42%, chỉ tính riêng nhập bằng đường ống [10]. Sau hơn 3 tháng tính toán kể từ khi cuộc xâm lăng của Putin nổ ra, Châu Âu tất nhiên không quyết định cấm vận Nga khi mà chưa tìm ra nguồn cung thay thế.

Đức tỏ ra lo lắng không phải vì không tìm ra khí đốt thay thế mà vì... thành công quá nhanh trong việc thay thế khí đốt Nga. Họ nhập khẩu khí LNG của Hoa Kỳ bằng những con tàu vận tải khổng lồ. Việc nhập khẩu này đòi hỏi xây dựng những trạm tiếp nhận đắt tiền. Họ "lo lắng" vì những thiết bị đắt tiền này có thể trở nên lãng phí nếu họ chuyển sang năng lượng xanh thành công vào năm 2035 theo kế hoạch [11]. Nói chung, các nhà nghiên cứu chính sách đều nhận thấy kế hoạch loại bỏ dầu khí Nga của Châu Âu đã được định hình rõ nét [12].

Có thể nói các cường quốc Âu Mỹ Nhật sẽ chuẩn bị đủ sức để thoát khủng hoảng đồng thời thoát Nga về mặt năng lượng. Nga với GDP chỉ bằng một nửa bang California của Mỹ, không đủ khả năng áp đặt ý muốn của mình, trừ khi chấp nhận từ bỏ tư duy bá quyền lỗi thời.

Nhưng Việt Nam thì không có nhiều lựa chọn.

Ái Châu

Nguồn : RFA, 14/06/2022

Tham khảo :

[1] What sanctions are being imposed on Russia over Ukraine invasion ? (BBC)  

[2] EU Sets Harshest Russian Sanctions, Targeting Oil and Insurance, The Wall Street Journal, 31-5-2022 

[3] EU Sets Harshest Russian Sanctions, Targeting Oil and Insurance, The Wall Street Journal, 31/5/2022 

[4] Columbia Center on Global Energy Policy, "Oil Intensity : The Curiously Steady Decline of Oil in GDP"

[5] Energy use (kg of oil equivalent) per $1,000 GDP (constant 2017 PPP)

[6] Jamie Dimon says ‘brace yourself’ for an economic hurricane caused by the Fed and Ukraine war, Jun 1, 2022

[7] Goldman Sachs predicts $140 oil as gas prices spike near $5 a gallon, June 7, 2022

[8] The world must brace itself for a further surge in oil prices

[9] Saudi dissidents call Biden’s planned visit to kingdom a betrayal, June 3, 2022

[10] Can Europe survive painlessly without Russian gas ? (Bruegel)

[11] Germany doesn't want to be 'too successful' at replacing Russian natural gas because it wants to move away from the fuel in the long run, economy minister said, Jun 7, 2022  

[12] LNG revolution : Germany’s plan to wean itself off Russian gas takes shape, Financial Times, 5/6/2022

*********************

Cuộc khủng hoảng trong tương lai gần và khả năng thích ứng của Việt Nam, Trung Quốc

Phần trước xem xét khả năng tác động của chính sách dầu khí của Châu Âu đối với Nga lên nền kinh tế. Phần này xem xét khả năng đối phó của Trung Quốc và Việt Nam.

http://www.dreamstime.com/stock-photos-china-vietnam-flag-war-torn-fire-international-conflict-d-digital-art-image44453433

Xung đột Việt-Trung thể hiện qua lá cờ

Trung Quốc

Tình huống xấu nhất của cuộc khủng hoảng vẫn chưa đến nhưng Trung Quốc đã lựa chọn rồi. Họ không có nhiều không gian cho những lựa chọn khác. Chúng ta hãy bắt đầu với việc Trung Quốc từ tháng 5/2022 quay trở lại chính sách mở cửa kinh tế, có vẻ muốn đảo ngược chính sách Zero Covid và đặc biệt là nới lỏng tín dụng cho bất động sản.

Đây không phải là biểu hiện của việc Lý Khắc Cường chống lại Tập Cận Bình như tưởng tượng của Katsuji Nakazawa trên tờ Nikkei mà nhiều nhà quan sát ở Việt Nam tin theo [1]. Trong chính trị Trung Quốc, không có phát biểu mang bản sắc cá nhân, ông Lý Khắc Cường chỉ phát biểu thay cho tập thể Bộ Chính trị Trung Quốc. Ngoài ra, ông Lý thậm chí còn không có mặt trong Quân ủy Trung ương, nơi Tập Cận Bình làm chủ tịch, thống lĩnh toàn bộ lực lượng vũ trang Trung Quốc, từ quân đội đến công an lẫn cảnh sát biển. Khả năng Lý có ý nghĩ thách thức quyền lực của Tập là bằng không.

Trung Quốc quay trở lại với chính sách mở cửa cho bất động sản vì từ lâu vướng vào một cái bẫy kinh tế do chính thể chế chính trị của mình tạo ra.

1. Nước này tích lũy một lượng ngoại tệ khổng lồ, vượt xa nhu cầu an ninh tiền tệ và thanh toán quốc tế. Năm 2006 mới tích lũy 1000 tỷ, thì đến 2014 tích luỹ đến 3,8 ngàn tỷ, năm 2022 (tính đến tháng 4) còn khoảng 3,3 ngàn tỷ USD [2].

2. Trung Quốc có 2 cách sử dụng nguồn dự trữ nói trên. Cách thứ nhất là tự do hóa hệ thống tài chính, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, hướng dòng tiền đầu tư vào các doanh nghiệp dân doanh vừa và nhỏ. Cách thứ hai là rót nguồn vốn nói trên vào những nhóm lợi ích có quan hệ chặt chẽ với hệ thống chính trị, tức có khả năng tác động tới chính sách, và như thế cách, này sẽ bảo vệ nguyên trạng cơ cấu thể chế.

3. Cách thứ nhất thì đúng với nguyên lý phát triển nhưng chỉ thực hiện được khi cải cách thể chế, đặc biệt là tự do hóa hệ thống tài chính. Cách này không ăn khớp với quyền lợi của các nhóm lợi ích hùng mạnh có khả năng tác động đến chính sách vĩ mô của Trung Quốc : tài chính, bất động sản, xuất khẩu và doanh nghiệp nhà nước.

4. Trung Quốc chủ yếu chọn cách thứ hai, một mặt đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ và giáo dục, mặt khác, bằng cách xây dựng ​​nhng đại d án để đem ngun vn tích lũy khng l ca Trung Quc đổ vào các công ty bt động sn (và các doanh nghip ăn theo ca ngành xây dng), xut khu, tài chính, và doanh nghiệp nhà nước của nước này, nhưng khả năng sinh lợi nhuận thấp. Để thực hiện điều này, họ xuất khẩu nguồn vốn của mình bằng cách đại dự án, trong đó đình đám nhất là Vành đai - Con đường.

5. Cách thứ 2 giúp bảo vệ nguyên trạng chính trị trong ngắn hạn, nhưng gây ra rủi ro lớn vì nguồn lực quốc gia được rót vào những dự án sinh lợi thấp, đồng thời độ an toàn của kho dự trữ ngoại hối lại do nước ngoài quyết định. Sự gắn kết giữa khối bất động sản, tài chính, xuất khẩu và hệ thống chính trị khiến Trung Quốc biết có rủi ro nhưng không làm khác được.

6. Từ năm ngoái, trước hình ảnh sụp đổ của tập đoàn bất động sản Evergrande, Trung Quốc bắt đầu siết chặt khối bất động sản, cùng với chính sách "Zero Covid" phong tỏa các thành phố và trung tâm kinh tế đầu não, khiến kinh tế Trung Quốc suy trầm. Cuối năm nay, Tập Cận Bình sẽ tổ chức đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi giá xăng dầu sẽ còn tăng hơn nữa. Chính trị là thống soái. Trung Quốc lại thay đổi chính sách nêu trên, tung các gói hỗ trợ để chống khả năng suy trầm và lạm phát xảy ra cùng lúc. Mọi đổ vỡ sẽ được dọn dẹp cho êm đẹp để từ từ tính sau, vào năm 2023, sau Đại hội 20.

7. Đó là lý do vào cuối tháng 5 năm 2022, ông Tập đã buộc phải cho phép nới lỏng tín dụng bất động sản, cho phép cả việc bán trái phiếu bất động sản [3]. Tất nhiên, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư tài chính sẽ chưa dám mua ngay mà phải theo dõi tình hình thêm. Cho nên hiện tại Trung Quốc vướng vào nghịch lý vì cả hai mục tiêu đều không đạt được : vừa khó có khả năng thúc đẩy tăng trưởng trở lại một cách thực chất, vừa không giải quyết được vấn nạn do khối nợ bất động sản ngày càng phình to.

Phong tỏa mạnh hơn nữa dầu thô Nga, Phương Tây vô tình hoặc cố ý đã nhắm vào đối thủ khác trên bàn cờ : Trung Quốc. Bằng cách kiềm chế bất động sản từ năm ngoái, Trung Quốc đã cố gắng ra khỏi các loại bẫy do chính mình tạo ra, nhưng phương Tây làm cho nó quay trở lại bẫy. Cuộc đổ vỡ có khả năng cao sẽ xảy ra sau Đại hội Đảng 20 của Tập có thể sẽ gây "shock" cho kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam

Sắp tới, trong năm nay và 2023, kinh tế Việt Nam sẽ lâm vào khó khăn trầm trọng.

1. Việt Nam, cũng như nhiều nước Châu Á khác, sẽ phải cạnh tranh với Châu Âu để mua dầu. Giá xăng bây giờ là hơn 30 ngàn/lít ở Việt Nam. Nó sẽ không dừng lại ở mức giá đó.

2. Giá xăng dầu tăng sẽ làm kinh tế suy trầm và lạm phát xuất hiện cùng lúc. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa sẽ tăng cao. "Người có tiền" sẽ lại tìm nơi trú ẩn tài sản, và đó tất nhiên không phải là "sản xuất" hay "nghiên cứu và phát triển".

Giống như các cuộc khủng hoảng trước, chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng vượt qua khủng hoảng bằng cách tung ra các gói kích thích và hỗ trợ kinh tế, nhưng sẽ có hai con đường để thực hiện điều này.

Cách 1 : Tiền sẽ chảy vào những nơi có khả năng ảnh hưởng tới chính sách : doanh nghiệp nhà nước, công ty "sân sau" (chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, bất động sản…). Nó sẽ chảy ngược trở lại vào bất động sản, chứng khoán.

Cách 2 : Đầu tư vào những lĩnh vực và con người tạo ra các giá trị chiến lược lâu dài và có tính nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Tiền sẽ chảy xuống tới những người dễ bị tổn thương về kinh tế, những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cách thứ nhất sẽ tạo ra những con số đẹp trong các bản báo cáo ngắn hạn, duy trì hiện trạng thể chế, nhưng sẽ lại tạo cơ hội cho ra các "sai phạm" xảy ra, tạo tiền đề cho các cuộc xung đột chính trị. Quan trọng hơn, cách này tiếp tục giữ nguồn tài chính có hạn của Việt Nam vào khối bất động sản, ngân hàng, xuất nhập khẩu, ngăn cản dòng tiền của Việt Nam chảy vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việt Nam sẽ suy yếu sau đó, và phụ thuộc vào đồng chí phương Bắc ở mức độ khó gỡ.

Cách thứ hai đòi hỏi :

1. Cải cách mạnh mẽ trong doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính và cơ cấu nền kinh tế lấy bất động sản làm "đầu tàu",

2. Xây dựng và thực hiện chiến lược đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu, xây dựng lực lượng chuyên gia nắm bắt công nghệ nền tảng và kỹ thuật tiên tiến,

3. Xây dựng và tạo điều kiện phát triển cho lực lượng chuyên gia có khả năng kết nối quốc tế sâu rộng trong cả hệ thống nhà nước và dân sự.

4. Giảm biên chế công chức hành chính, tăng lương cơ bản cho giáo viên, bác sĩ.

5. Nó cũng đòi hỏi phải cải cách tổ chức đại học và mạng lưới nghiên cứu.

Con đường thứ hai đem lại nhiều lợi ích chiến lược.

1. Về lâu dài, các chính sách này nếu thực thi sẽ tái cơ cấu nền kinh tế, đảo ngược thiệt hại do cú sốc kép do đại dịch và cuộc xâm lược của Nga gây ra, giúp hàn gắn mạng lưới thương mại quốc tế bị phân rã.

2. Nâng tầm đẳng cấp quốc gia

- Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có một bộ phận nắm được công nghệ phụ trợ, các công nghệ nền tảng cho các sản phẩm kỹ thuật cao, nhưng các bộ phận này rất nhỏ và không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung. Kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào sản xuất ở hình thức lắp ráp, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. Về mặt quy mô, Việt Nam vượt xa Lào và Campuchia, nhưng về mặt đẳng cấp quốc gia thì chưa vượt ở mức độ có thể đứng cao hơn một cấp.

- Ở tầm nhìn chiến lược, xét từ lợi ích quốc gia, sự lựa chọn thứ hai sẽ giúp Việt Nam nâng năng lực của mình lên cấp độ mới, nắm bắt được công nghệ nền tảng, kỹ thuật cốt lõi và năng lực quản trị hiện đại, có thể sản xuất sản phẩm có chất lượng tương đối cao. Đây là đẳng cấp của Thái Lan và Malaysia, Indonesia hiện nay.

- Đây là "điều kiện cần" để có thể trong tương lai xa, sau nhiều thế hệ nữa, có thể trở thành một quốc gia có khả năng sáng tạo sản phẩm mới, tức chạm vào thế giới của Đài Loan, Hàn Quốc hiện nay.

3. Về mặt an ninh quốc gia, nó có thể kết hợp với một chiến lược cải cách quân sự nhằm nâng cấp quân đội lên đẳng cấp quân đội công nghệ cao, tránh nguy cơ tụt hậu toàn diện trước cải cách quân sự có tính cách mạng của Trung Quốc từ 2016. Một lần nữa, điều này chỉ thực hiện được khi Việt Nam có sự hỗ trợ chiến lược của Mỹ.

Tuy vậy, khả năng Việt Nam chọn hướng thứ hai còn để ngỏ. Để làm được những điều này, Việt Nam cần xây những điều kiện nền tảng hết sức khó khăn :

Xây dựng mối liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, những nơi nắm giữ công nghệ nguồn.

1. Phải từng bước cải cách thể chế và kinh tế chính trị, nhằm tăng cường tính dân chủ, minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống.

2. Ở Việt Nam, tất cả những lực lượng (và là định hướng đầu tư) nói trên, bao gồm giáo dục, y tế, khoa học công nghệ…, đều không có khả năng và tiếng nói tác động đến chính sách. Động lực nào để chính quyền quyết định rót nguồn lực vào những nhóm xã hội mà tiếng nói không đến được với mình, một khi chưa cải cách thể chế ?

3. Trong nhiều năm qua, nhánh ngân hàng và nhánh bất động sản đã liên kết với nhau ở mức khó gỡ ra, biểu hiện ở hiện tượng nhiều ngân hàng sở hữu công ty bất động sản. Tương tự như Trung Quốc, khối doanh nghiệp quốc doanh và cả hai nhánh kinh tế nói trên đều gắn chặt với hệ thống chính trị, trở thành những lực lượng có khả năng tác động đến chính sách mạnh nhất ở Việt Nam.

Cũng giống Trung Quốc, Việt Nam chứng kiến sự nguy hiểm của tình thế gắn kết chặt chẽ giữa bất động sản và tài chính. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến tháng 4/2022, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng là gần 2,3 triệu tỷ đồng, khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung và dài hạn, từ 10 đến 25 năm, trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn [4]. Tổng cộng có 33 doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng có số phát hành trái phiếu lên đến hơn 276.000 tỷ đồng (12 tỷ USD) trong năm 2021 [5]. Hiện nay đang tìm cách gỡ mối liên kết này [6].

Nhưng cũng giống như Trung Quốc, do cái bẫy thể chế, Việt Nam có khả năng sẽ lại mở cửa cho bất động sản để giải quyết khó khăn ngắn hạn.

Việt Nam vẫn "khác" Trung Quốc ở một điểm, là nếu như Trung Quốc có dư tiền bạc để mặc dù tiêu một lượng lớn tiền dự trữ cho bất động sản và xuất khẩu bất động sản, họ vẫn dành một nguồn lực không nhỏ cho giáo dục đại học và khoa học công nghệ, trong đó đầu tư lớn cho trí tuệ nhân tạo. Còn Việt Nam thì không thế. Các đầu tư gần đây cho khoa học của nhà nước được tổ chức theo cách để đếm bài báo xuất bản được trên các tập san quốc tế, nhằm tăng vị trí trong các bảng "xếp hạng". Cách này không tạo ra được bất kỳ sự thay đổi thực chất nào của đẳng cấp quốc gia.

Ái Châu

Nguồn : RFA, 14/06/2022

Tham khảo :

[1] Katsuji Nakazawa, "Premier Li’s economic rebuild has a dangerous precedent", Nikkei Asia, 02/06/2022

[2]官方储备资产 Chinese official reserve assets 

[3] China Boosts Support for Private Companies’ Bond Sales as Economy Falters, May 20, 2022

[4] Dư nợ bất động sản lớn, Thống đốc Ngân hàng nhà nước lo ngại rủi ro lớn, 06/06/2022

[5] Lộ diện 33 doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng "ôm nợ" 12 tỷ USD phát hành trái phiếu, 03/06/2022

[6] Thị trường tăng trưởng nóng, bất động sản vào vòng kiểm soát vốn, 16/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ái Châu
Read 508 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)