Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/06/2022

Lạm dụng quyền thế để chiếm chùa, nhưng bất thành ?

Hoài Nguyễn - Như Hồ

Trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh ở đâu trong việc đe dọa xóa sổ chùa Nghệ sĩ ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 21/06/2022

Hôm 18/6, bảng tên chùa Nghệ sĩ được gỡ bỏ, thay bằng tấm bảng mới với dòng chữ Nghĩa trang Nghệ sĩ, kèm theo tên Hội sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh.

chua1

Sau khi báo chí đưa tin việc xóa sổ chùa Nghệ sĩ, thì bất ngờ đến chiều 20/6, ‘ai đó’ đã trả lại bảng tên cho chùa này…

Bà Trịnh Kim Chi – Phó chủ tịch Hội sân khấu – cho biết quyết định được đưa ra sau khi Hội họp ban chấp hành, do đơn vị không có chức năng quản lý chùa.

Ban Ái hữu Nghệ sĩ (trực thuộc Hội) cũng tiến hành mời các sư tại chùa dọn ra ngoài, các hoạt động tại chùa ngừng lại. Phần nghĩa trang dành cho nghệ sĩ – bao gồm các chỗ chôn cất và thờ tro cốt – được giữ nguyên.

Chùa Nghệ sĩ, hay còn gọi là Nhựt Quang Tự, hoặc Phật Quang Tự nằm ở địa chỉ 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo một số tư liệu, năm 1958, nghệ sĩ Phùng Há được Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế tài trợ mua đất làm nơi yên nghỉ cho nghệ sĩ cải lương.

Sau khi bà Phùng Há mua mảnh đất 6.080 m2, gần 10 năm, chùa chưa được xây vì thiếu kinh phí. Năm 1969, bầu Năm Công (Lê Minh Công) xin nghệ sĩ Phùng Há cho dựng am để tu hành. Năm 1970, sau khi am hoàn thành, bầu Năm Công quyết định bán vì không còn tiền trả nợ. Bầu Xuân (gánh Dạ Lý Hương) mua lại am với giá gần 100 cây vàng, sau đó xây thành chùa, một phần diện tích làm nơi mai táng của nhiều nghệ sĩ và thân nhân.

chua2

Hơn nửa thế kỷ, đây là nơi an nghỉ của nhiều tên tuổi nổi tiếng như soạn giả cải lương Hà Triều – Hoa Phượng, Thu An, nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Hoàng Giang, Trường Xuân, Bảy Cao, Minh Phụng, Lương Tuấn, Lê Vũ Cầu, Lê Công Tuấn Anh… Tính đến năm 2008, khuôn viên nghĩa trang của chùa có 600 ngôi mộ, hơn 500 lọ cốt.

Cho đến khi vụ việc đổi tên ở trên được báo chí đăng tải thì người ta mới biết đây là ngôi chùa không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, và dường như cũng nằm ngoài chuyện quản lý về mặt hành chính của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh lẫn Gò Vấp.

Nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết nói rằng, "Chùa Nghệ sĩ không nên dẹp mà nên giao cho giáo hội quản lý. Giáo hội Phật giáo sẽ bổ nhiệm các sư để hướng dẫn cho các anh chị em nghệ sĩ khi về già có chỗ nghỉ ngơi. Với lại đó là truyền thống không nước nào có được. Đây là công của má Bảy (tức nghệ sĩ Phùng Há) và ba Năm Châu (nghệ sĩ Năm Châu). Các nước khác người ta quý trọng di sản đó lắm. Tôi nghĩ nước mình cũng sẽ có cách làm cho tốt đẹp" nghệ sĩ Bạch Tuyết nói.

chua3

Một số vấn đề pháp lý đặt ra trong chuyện dường như Hội sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh đang toan tính "xóa chùa" đó là lâu nay đất đai nơi đây được chính quyền địa phương quản lý hành chính với nghĩa vụ thuế là "đất tôn giáo" hay "đất tư nhân" ?

Nếu không phải là "đất tôn giáo" về nguyên tắc, quyền đại diện sử dụng ở đây phải chăng là Hội sân khấu, hay thuộc về Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế thành lập từ năm 1948 và vẫn hoạt động đến tận ngày nay ? Dù là của ai quản lý, thì trong chuyện nhang đèn, huyệt mộ ở nghĩa trang của chùa, cũng như phần nhà cốt cùng những phận sự về Phật pháp của các nhà sư nơi đây, tất cả có nằm trong phần báo cáo sổ sách thu – chi hàng năm của Hội sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, hay của Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế ?

Hơn hết, ai chịu trách nhiệm về hoạt động tôn giáo suốt mấy mươi năm qua ở chùa Nghệ sĩ, tức Nhựt Quang tự ?

Rõ ràng ở đây có phần trách nhiệm không thể thoái thác từ chính quyền địa phương cũng như Ủy ban Mặt trận tổ quốc cùng với Đảng – Đoàn ở Hội sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh.

Và có lẽ không nên dừng lại ở việc "trả lại bảng tên chùa" là đủ để xếp lại những ẩn tình đàng sau đó.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 21/06/2022

************************

Chùa Nghệ Sĩ được im lặng trả lại tên, ai cũng chối quanh

Như Hồ, SaigonnhoNews, 21/0/2022

Sau những lời bàn tán về sự tiếm danh của Hội Sân Khấu Thành phố Hồ Chí Minh, vào chiều ngày 20 Tháng Sáu 2022, người dân sống chung quanh Chùa Nghệ Sĩ đã thấy tấm bảng "Hội Sân Khấu Thành phố Hồ Chí Minh – Nghĩa Trang Nghệ Sĩ" mới vừa được gắn trước cửa chùa Nghệ Sĩ, đã được im lặng tháo xuống mang đi, trả lại chỗ cho dòng chữ "Chùa Nghệ Sĩ" bị che khuất trước đó.

chua4

Cổng chính điện của Chùa Nghệ Sĩ

Như tin tức mà Saigon Nhỏ đã loan tải, sự kiện bất ngờ thay tên Chùa Nghệ Sĩ khiến dư luận xôn xao. Được biết Chùa Nghệ Sĩ, trước đây là Nhựt Quang Tự, tọa lạc tại 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, Sài Gòn là nơi hết sức quen thuộc với người dân, vì nơi này có mộ và tro cốt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời Việt Nam Cộng Hòa được gìn giữ.

Trước đó, khi báo chí phỏng vấn ông Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, là "Vì sao phải đổi tên "chùa Nghệ Sĩ" thành "Nghĩa trang Nghệ Sĩ" ông Giàu đã trả lời : "Đây là vấn đề phức tạp vì liên quan đến nhiều bên cũng như về mặt pháp lý. Chúng tôi cần trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng trước khi đưa ra phát ngôn chính thức đến mọi người".

chua5

Bảng Nghĩa Trang Nghệ Sĩ của Hội Sân Khấu nhà nước đã im lặng tháo xuống

Thế nhưng vào ngày 20 Tháng Sáu, khi tháo bảng có đề tên Hội Sân Khấu Thành phố Hồ Chí Minh quản lý nơi này, ông Giàu lại đổ thừa việc đổi tên chùa do Ban Ái hữu nghệ sĩ (một tổ chức trực thuộc Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện, vì vậy trong những ngày tới hội sẽ tổ chức họp và có thông tin chi tiết đến với báo chí về vụ việc.

Tuy nhiên, ông Giàu không nói rõ, những ai trong Ban Ái Hữu Hữu đồng thuận với quyết định này, cũng như từ đâu mà có quyết định này.

Thế nhưng, theo trả lời của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, hiện nay là Phó chủ tịch Hội Sân Khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sự kiện này xảy ra là từ quyết định của Hội, được đưa ra sau cuộc họp của ban Chấp hành Hội. Trước đó, các sinh hoạt tín ngưỡng của chùa đã bị buộc phải ngừng lại và ban Ái hữu Nghệ sĩ dựa vào thế chính quyền, cũng yêu cầu các sư tại chùa dọn ra ngoài ngay lập tức để đóng chùa.

Vào chiều ngày 19 Tháng Sáu, khi phóng viên của Saigon Nhỏ gọi điện thoại cho Ủy Ban Nhân dân quận Gò Vấp để tìm hiểu về lý do của chuyện đổi tên, thì một viên chức trực máy không xưng tên, trả lời cho biết rằng "quận chưa có chủ trương gì liên quan đến Chùa Nghệ Sĩ". Còn trong thông cáo gửi đi cho các báo, quận Gò Vấp cho biết là mọi chuyện xảy ra mà họ không hay biết gì, lại có ý như trách móc phía đã thực hiện việc này "Đây là địa điểm có tính truyền thống của nghệ sĩ. Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cần phải liên hệ với các sở ngành, cơ quan có thẩm quyền của thành phố và chính quyền địa phương để có thông tin, đề xuất và thống nhất các vấn đề liên quan đến Chùa Nghệ Sĩ nếu muốn có những thay đổi ở đây".

chua6

Danh sách các mộ phần nghệ sĩ lưu ở chùa.

Chùa Nghệ Sĩ do nghệ sĩ Phùng Há quyên góp tiền cho Hội nghệ sĩ Ái hữu tương tế mua khoảng năm 1958 để làm nơi yên nghỉ cho các nghệ sĩ cải lương. Sau đó ông bầu Năm Công đã xin làm một am tu hành và ông bầu Xuân đã xây dựng, mời thầy trụ trì về, trở thành Chùa Nghệ Sĩ từ những năm 1970. Hiện nay Chùa Nghệ Sĩ là điểm đến quen thuộc với người dân vì nơi đây có mộ và tro cốt của hơn 500 nghệ sĩ nổi tiếng cũng như là nơi tá túc của một số nghệ sỹ về già không nơi nương tựa.

Từ chuyện thay bảng tên đã khiến công chúng hết sức hoang mang về sự kiện này, thì nay việc trả lại bảng tên và những lời giải thích loanh quanh, thiếu trách nhiệm lại khiến mọi người thêm một lần nữa hoang mang.

Như Hồ

Nguồn : SaigonnhoNews, 21/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, Như Hồ
Read 319 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)