Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/06/2022

Quân đội Trung Quốc có đáng sợ không ?

RFI tiếng Việt (tổng hợp)

Mỹ đánh giá quá cao quân đội Nga, coi nhẹ quân đội Trung Quốc ?

Trọng Thành, RFI, 17/06/2022

Liệu Trung Quốc có tiến hành các cuộc can thiệp quân sự bên ngoài lãnh thổ trong thời gian tới ? Hoa Kỳ có sẵn sàng đối phó với các hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc ? Đây là các câu hỏi mà nhiều chuyên gia, nhà quan sát đang đặt ra.

quandoi1

Ảnh minh họa : Một tầu ngầm của quân đội Trung Quốc. Reuters

Đầu tháng 6/2022, trong lúc cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine tiếp diễn, căng thẳng tại eo biển Đài Loan dâng cao. Trung tuần tháng 6/2022, cụ thể là ngày 15/06, Bắc Kinh công bố bản đề cương chuẩn bị cơ sở pháp lý cho các "can thiệp quân sự phi chiến tranh", ngoài Hoa Lục. Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc tấn công Ukraine của Nga (ngày 24/02/2022), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ Nga bảo vệ "chủ quyền quốc gia", tuyên bố được nhiều người ghi nhận như sự khẳng định quan hệ cứng rắn khác thường với phương Tây.

Trang mạng chuyên về chính trị và an ninh quốc tế Politico có một bài nhận định đáng chú ý. Bài "The U.S. overestimated Russia’s military might. Is it underestimating China’s ?" (Phải chăng Mỹ đã đánh giá quá cao năng lực quân sự của Nga, trong lúc khả năng của quân đội Trung Quốc bị coi nhẹ ?), đăng tải ngày 15/06/2022. Bài viết nhấn mạnh đến việc tình báo Mỹ bị nhiều chỉ trích trong việc nắm bắt và dự báo khả năng hành động của quân đội Trung Quốc. RFI xin giới thiệu một số nét chính.

***

1. Nhận định về việc tình báo Mỹ đánh giá thấp, và đánh giá không sát khả năng hành động của quân đội Trung Quốc là dựa trên những cơ sở nào ?

Sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc trong những năm gần đây là điều rất rõ ràng. Hiện tại, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có lực lượng hải quân đứng đầu thế giới, xét về mặt số lượng, với 355 chiến hạm, theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2021. Số quân nhân tại ngũ cũng tăng lên thành một triệu người. Về không quân, Trung Quốc có hơn 2.800 phi cơ, bao gồm oanh tạc cơ chiến lược và chiến đấu cơ. Bắc Kinh đưa vào hoạt động hệ thống vũ khí tên lửa siêu thanh đầu tiên DF-17 từ năm 2020. Hệ thống vũ khí hạt nhân cũng được tăng cường, dự kiến tăng lên thành ít nhất 1.000 đầu đạn trước năm 2030.

Theo Politico, Hoa Kỳ theo tương đối sát diễn biến liên quan đến tình trạng phương tiện vũ khí nói trên, nhưng điểm quan trọng là giới chuyên gia quân sự, tình báo Mỹ ít hiểu biết về việc chính quyền Trung Quốc sẽ sử dụng các lực lượng quân sự như thế nào, trong trường hợp xung đột vũ trang xảy ra.

Một thực tế rõ ràng được nhiều người ghi nhận là dường như tình báo Mỹ đã đánh giá quá cao sức mạnh của quân đội Nga. Khi cuộc chiến xâm lăng của Nga chống Ukraine bùng nổ, giới quân sự Mỹ đa phần dường như đều tin rằng quân đội Ukraine sẽ nhanh chóng bị quân đội Nga – vốn đã được hiện đại hóa đáng kể trong những năm vừa qua - đè bẹp, có thể "chỉ trong vài ngày hoặc có thể là vài tuần". Tình hình rõ ràng là ngược với các dự báo như vậy (Politico cũng nhấn mạnh đến việc tình báo Mỹ dự báo chính xác về việc Nga điều chuyển binh lực, và thậm chí khả năng xâm lăng Ukraine, nhưng dự báo kém về diễn tiến của cuộc chiến). Trước đó, hồi mùa hè năm ngoái, tình báo Mỹ cũng bị chỉ trích là đã đánh giá quá cao thực lực của quân đội Afghanistan, không dự kiến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul, được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Hai thất bại xảy ra trong vòng chưa đầy một năm.

Trong thời gian gần đây,Quốc hội Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc điều trần với giới quân đội, tình báo. Trong một cuộc điều trần hồi đầu năm nay, thượng nghị sĩ Angus King đã khẳng định : nếu đánh giá được sát hơn tình hình, đặc biệt là nếu đánh giá đúng được quyết tâm kháng chiến của quân dân Ukraine và thực lực của Quân đội Nga, thì chính quyền Mỹ có thể đã quyết định hậu thuẫn Ukraine từ sớm hơn trong cuộc kháng chiến chống Nga. 

Nhiều lo ngại trong chính giới Hoa Kỳ về việc có thể đã có "một số góc chết" khiến tình báo và Quân đội Mỹ không đánh giá đúng được khả năng hành động của Trung Quốc, đối thủ chiến lược của nước Mỹ, vốn đang ngày càng trở nên lớn mạnh hơn. Lẽ dĩ nhiên không thể phủ nhận được khả năng hiểu biết tương đối sát của Mỹ về tình trạng vũ khí của quân đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc cung cấp một báo cáo thường niên rất chi tiết về lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngay trong lĩnh vực này cũng có những diễn biến quan trọng lọt lưới. Một trong các ví dụ đáng chú ý về việc tình báo Mỹ dường như đã không dự đoán được, mà Politico nêu ra, là việc Trung Quốc có thể đã khiến Bộ Quốc phòng Mỹ bất ngờ với việc thử tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hồi năm ngoái. Vụ bắn thử tên lửa được coi là một sự kiện lớn.

2. Việc đánh giá thấp quân đội Trung Quốc phải chăng liên quan đến việc đánh giá sai về chiến lược của Đảng cộng sản Trung Quốc ?

Một điểm rất quan trọng khác mà Politico nêu bật là việc Mỹ có nhiều khiếm khuyết trong việc nắm bắt được chiến lược quân sự của Trung Quốc. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ Viện hồi tháng 9/2020 khẳng định phương Tây đã giả định sai lầm là Trung Quốc sẽ trở nên "dân chủ hơn", cùng với việc nền kinh tế thịnh vượng hơn. Chính giả định sai lầm hệ trọng này đã đánh lạc hướng nhiều nhà quan sát, khi bỏ qua một yếu tố căn bản, đó là "mục tiêu tiên quyết của Đảng cộng sản Trung Quốc là duy trì và mở rộng quyền lực", và quân đội Trung Quốc được sử dụng để thực hiện mục tiêu này.

3. Vì những lý do nào mà năng lực của tình báo Mỹ bị hạn chế về những gì liên quan đến quân đội Trung Quốc ?

Có nhiều lý do hạn chế năng lực của tình báo Mỹ đánh giá về quân đội Trung Quốc. Theo Politico, sau vụ khủng bố 11/09/2001, tình báo Mỹ đã tập trung lực lượng vào việc chống khủng bố, và thế giới Ả Rập là địa bàn chính. Theo nhiều giới chức và nhà phân tích, số lượng nguồn tin là người nói tiếng Hoa, cộng tác với tình báo Mỹ là quá ít. Kể từ năm 2010, Bắc Kinh đã triệt hạ nhiều mạng lưới tình báo Mỹ, hành quyết hơn một chục người cung cấp tin tức cho tình báo Mỹ…

Hệ thống quyền lực "kín như bưng" của chế độ cộng sản Trung Quốc cũng là điều chủ yếu khiến cho việc nắm bắt thông tin về quân đội Trung Quốc, thông qua các nguồn tin bán chính thức, hay qua các kênh thông tin giữa giới chức quân sự hai nước, bị hạn chế rất nhiều. Cho đến nay, chính quyền Biden đã không thành công trong việc tổ chức cuộc đối thoại giữa bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin với tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Phía Mỹ chỉ tiếp xúc được với bộ trưởng quốc phòng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), "người đồng cấp trên danh nghĩa" của bộ trưởng quốc phòng Mỹ.

Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa vốn được coi là người ít liên quan đến việc kiểm soát hoạt động thực sự của Quân đội Trung Quốc. Theo chuyên gia Lyle Morris, nguyên phụ trách bộ phận chuyên về Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện làm việc tại RAND Corporation (Viện nghiên cứu và tư vấn tư nhân về chính sách quân sự), chính quyền Trung Quốc chủ ý dựng lên một "bức tường ngăn cách giữa giới chức quân sự chỉ huy quân đội với giới chức quân sự làm nhiệm vụ đối ngoại".

Khả năng tiếp cận thông tin về Quân đội Trung Quốc của Mỹ càng thêm hạn chế, đặc biệt dưới thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, với việc Bộ Quốc phòng rút đi nhiều quan chức quân sự cao cấp tại các sứ quán Mỹ, hạ thấp vai trò của các tùy viên quân sự, trong khi các tùy viên quân sự tại các sứ quán Mỹ ở Châu Phi đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập tin tức về Quân đội Trung Quốc, cũng như Quân đội Nga.

Bài phân tích của Politico cũng đặc biệt nhấn mạnh đến nhận định của một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, chỉ trích mạnh mẽ việc "thiếu chú ý từ lâu trong việc phân tích các thông tin từ các nguồn công khai từ Trung Quốc và về Trung Quốc", các phát biểu của giới chức cao cấp hàng đầu của chế độ Trung Quốc, cũng như những gì liên quan đến "học thuyết chính thức của Trung Quốc". Vẫn theo cựu quan chức nói trên, đánh giá về Trung Quốc của Mỹ trong nhiều năm bị lệch lạc, do đã không tính đủ đến bình diện này. Và khác với Nga, dường như tình báo Mỹ thiếu những nguồn tin ở thượng đỉnh hệ thống quyền lực của Trung Quốc.

4. Về nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan, đâu là những điểm có thể coi là khiếm khuyết của tình báo Mỹ ?

Theo cựu quan chức cao cấp tình báo quân đội Mỹ Erza Cohen, sẽ nguy hiểm nếu cho rằng Trung Quốc chỉ có thể tấn công Đài Loan trong vài năm nữa. Đặt ra một cái mốc như 2027, 2030 hay 2035… là nguy hiểm, bởi hành động đó có thể xảy ra "ngay ngày mai". Cần phải sẵn sàng trước nguy cơ này. Dự đoán Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong 6 năm tới đã được đô đốc Philip Davidson, đưa ra hồi năm ngoái, với tư cách tư lệnh Bộ Chỉ Huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, vào thời điểm đó.

Theo Politico, hiện tại giới phân tích quân sự còn chưa biết rõ Trung Quốc sẽ làm gì, nếu một cuộc can thiệp quân sự chống Đài Loan diễn ra, tiếp theo một cuộc tấn công bằng đường không và một cuộc đổ bộ. Nhiều câu hỏi hiện để ngỏ. Ví dụ như Trung Quốc tiến hành chiến tranh ra sao nếu xung đột biến thành chiến tranh trong đô thị ? Trung Quốc sẽ làm gì, đối diện với các tổn thất lớn và việc thường dân sơ tán hàng loạt ? Bắc Kinh sẽ có thể dùng hỏa tiễn và không quân tấn công trong bao lâu ?... Theo cựu chuyên gia cao cấp Randy Schriver, "điều khó nhất là đo lường được khả năng quân đội Trung Quốc được huấn luyện như thế nào để đối phó với những tình huống phức tạp, ngoài dự kiến".

Nhiều bài học từ vấn đề dự báo chiến tranh Nga chống Ukraine chắc chắn sẽ vẫn còn cần được tiếp tục rút ra, để cải thiện khả năng của tình báo Mỹ nói riêng, và việc thu thập, phân tích thông tin quân sự nói chung, trong thế đối đầu với Trung Quốc.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 17/06/2022

************************

Trung Quốc thử nghiệm một hệ thống bắn chặn tên lửa

Thu Hằng, RFI, 20/06/2022

Trung Quốc thông báo đã thử nghiệm thành công một hệ thống bắn chặn tên lửa địa đối không. Trong thông cáo ngày 19/06/2022, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định vụ thử chỉ là hoạt động "phòng thủ" và không nhắm đến bất kỳ nước nào.

quandoi2

Ảnh minh họa : Tên lửa DF-41 của Trung Quốc tại lễ diễu binh mừng 70 năm ngày thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 01/10/2019. AP - Mark Schiefelbein

Tuy nhiên, theo Reuters, các vụ thử hệ thống phòng thủ tên lửa được tiến hành trong bối cảnh Trung Quốc, cùng với đồng minh Nga, luôn phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đặt tại Hàn Quốc, vì cho rằng hệ thống này có thể thâm nhập lãnh thổ của họ. Ngoài việc phản đối, Trung Quốc và Nga cũng phối hợp thực hiện nhiều cuộc diễn tập chống tên lửa.

Bắc Kinh đang tăng tốc nghiên cứu về các loại tên lửa, trong đó có nhiều loại có khả năng phá hủy vệ tinh trong không gian, hoặc tên lửa đạn đạo được trang bị đầu đạn hạt nhân dẫn đường. Chương trình này nằm trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng do đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giám sát.

Các cuộc thử nghiệm chống tên lửa được Trung Quốc tiến hành ít nhất từ khoảng năm 2010, mà lần gần đây nhất là cách đây một năm, theo một thông báo chính thức tháng 02/2021.

Tuy nhiên, hiếm khi Bắc Kinh nêu chi tiết về chương trình tên lửa, ngoài các thông cáo ngắn gọn của Bộ Quốc phòng hoặc qua báo chí nhà nước. Ví dụ, năm 2016, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận vẫn đang thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa sau khi truyền hình Nhà nước công bố một số hình ảnh.

Thu Hằng

***********************

Mỹ và Úc nỗ lực chống các sáng kiến của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương

Minh Anh, RFI, 18/06/2022

Nam Thái Bình Dương đang dần trở thành một mặt trận cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Tân ngoại trưởng Úc Penny Wong, ngày17/06/2022, đã đến thăm quần đảo Salomon, trong khi Mỹ và quần đảo Marshall khởi động vòng đàm phán triển hạn một thỏa thuận an ninh và kinh tế.

quandoi3

Ngoại trưởng Úc Penny Wong trong cuộc gặp với thủ tướng Quần đảo Salomon Manasseh Sogavare (P) tại Honiara ngày 17/06/2022. AFP – Julia Whitwell

Tại thủ đô Honiara, sau cuộc gặp thủ tướng Manassah Sogavare, tân ngoại trưởng Úc Penny Wong cam kết rằng các đảo quốc Nam Thái Bình Dương sẽ không phải dựa vào bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên ngoài để phòng vệ. Theo bà, "gia đình Thái Bình Dương thừa khả năng cung cấp an ninh (…) và Úc luôn nghĩ rằng gia đình Thái Bình Dương phải có trách nhiệm về an ninh của mình".

Trước mối lo của Úc về khả năng có căn cứ quân sự Trung Quốc trên đảo, thủ tướng Sogavare trấn an rằng "sẽ không có căn cứ quân sự cũng như không có căn cứ quân sự thường trực trên quần đảo Salomon" chỉ cách nước Úc chưa đầy 2.000km.

Penny Wong còn nhấn mạnh đến một sự hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu. Chính phủ Úc cam kết gia tăng các nỗ lực để đạt các mục tiêu giảm phát thải khí CO2 từ đây đến năm 2030, khi nhìn nhận là hiện tượng biến đối khí hậu đặc biệt ảnh hưởng nặng đến các đảo quốc Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Hoa Kỳ và quần đảo Marshall trong tuần đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên nhằm đạt được một thỏa thuận an ninh – kinh tế vào cuối tháng 9/2022. AFP cho biết, trên thực tế giữa Washington và Majuro đã có một thỏa thuận tài trợ 20 năm, sắp hết hạn vào cuối năm 2023.

Với chỉ có 60.000 dân, 40% ngân sách của đảo quốc có chủ quyền này lại phụ thuộc vào Mỹ. Đổi lại, Hoa Kỳ có thể thiết lập các cơ sở quân sự quan trọng về mặt chiến lược – từ các bệ phóng tên lửa cho đến các cơ sở hải quân. Các thỏa thuận tương tự cũng sẽ được gia hạn với Liên bang Micronesia và Palau.

Đổi lại, chính quyền quần đảo Marshall mong muốn Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề về hệ thống tên lửa Kwajalein và nhiều cơ sở khác. Các vụ thử hạt nhân đã làm cho một số đảo san hô có mức độ phóng xạ cao, gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân. Majuro cũng muốn Washington đưa ra các biện pháp thích ứng để đối phó với biến đối khí hậu.

Theo nhận định chung của AFP, các động thái này của Úc và Mỹ là nhằm tìm cách ngăn cản các sáng kiến của Trung Quốc trong khu vực. Hồi tháng 4/2022, quần đảo Salomon đã ký kết một thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh khiến Washington và các đồng minh lo lắng.

Thời gian gần đây, Trung Quốc và Úc đua nhau ve vãn các nước Nam Thái Bình Dương. Tân thủ tướng Úc ngay khi vừa nhậm chức hồi cuối tháng 5/2022, Penny Wong đã đến thăm Nhật Bản, quần đảo Fidji, Samoa và New Zealand.

Cùng lúc ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thực hiện một vòng công du trong khu vực để xúc tiến một dự án thỏa thuận rộng lớn về an ninh và kinh tế khu vực do Bắc Kinh đề xướng, nhưng đã bị đại diện 10 nước Nam Thái Bình Dương bác bỏ ngày 30/05/2022.

Minh Anh

********************

Bắc Kinh hạ thủy tàu sân bay thứ ba trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung

Thanh Hà, RFI, 17/06/2022

Hải quân Trung Quốc vừa có thêm một tàu sân bay thứ ba hiện đại hơn nhiều so với hai chiếc Liêu Ninh và Sơn Đông. Ngày 17/06/2022, chiếc hàng không mẫu hạm Phúc Kiến đã được hạ thủy ngoài khơi Thượng Hải. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washignton trên vấn đề Đài Loan, mà tới nay Trung Quốc vẫn xem là một phần lãnh thổ của Hoa Lục.

quandoi4

Ảnh minh họa : Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, mang tên Sơn Đông (Shandong), lúc việc đóng tàu chưa hoàn tất. © Wikimedia.

Hàng không mẫu hạm Phúc Kiến hoàn toàn do Trung Quốc thiết kế và tự đóng. Tàu được trang bị công nghệ tối tân như hệ thống phóng máy bay được cho là gần ngang tầm với công nghệ của Mỹ. Hàng không mẫu hạm mới của Trung Quốc có khả năng phóng đi nhiều máy bay hơn, và phóng những máy bay lớn hơn, mang theo nhiều vũ khí hơn so với tàu Liêu Ninh hay Sơn Đông. Sau lễ hạ thủy, tàu sân bay Phúc Kiến sẽ còn mất nhiều năm mới có thể đi vào hoạt động.

Trong tương lai, hàng không mẫu hạm Phúc Kiến sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe và tác chiến ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Kinh đã mất hơn một chục năm để cải tạo Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên mua lại của Ukraine và đã cần đến hai năm từ khi hạ thủy Sơn Đông cho đến khi có thể điều chiếc hàng không mẫu hạm này tham gia các cuộc tập trận đầu tiên và tham gia các chiến dịch xa bờ. 

Vẫn AFP cho rằng lễ hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục cảnh cáo trước mọi ý đồ độc lập của Đài Loan. Đây cũng là một "tín hiệu mạnh mà Trung Quốc nhắm gửi tới Hoa Kỳ" điểm tựa về an ninh của Đài Bắc, đến chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn và cả các quốc gia trong vùng Biển Đông, cũng như Biển Hoa Đông. Chuyên gia về Trung Quốc Collin Koh đại học công nghệ Nanyang – Singapore đánh giá, với một chiếc hàng không mẫu hạm hiện đại như Phúc Kiến, Trung Quốc càng gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực, từ Nhật Bản đến Philippines hay Việt Nam, bởi "khi cần, ít nhất Bắc Kinh có thể huy động tức thời một hàng không mẫu hạm, có thể can thiệp xa bờ khi xảy ra chiến tranh".

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại Liêu Ninh là tàu sân bay cũ do Liên Xô chế tạo, được Bắc Kinh cải tạo sau khi đã mua lại của Ukraine năm 1998 và đã bắt đầu hoạt động từ 2012. Tàu Sơn Đông do Trung Quốc tự đóng, nhưng dựa vào thiết kế của chiếc Liêu Ninh. Chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì này của Trung Quốc được hạ thủy năm 2017.

Dù vậy với ba chiếc tàu sân bay – mà hai đang vận hành, Trung Quốc vẫn còn bị Hoa Kỳ bỏ xa. Mỹ hiện có 11 chiếc hàng không mẫu hạm đang hoạt động, Anh Quốc cũng có hai chiếc. Pháp, Nga, Ý, Ấn Độ và Thái Lan, mỗi quốc gia có một tàu sân bay.

Thanh Hà

********************

Trung Quốc điều khu trục hạm mạnh nhất đến tập trận ở Biển Nhật Bản

Trọng Nghĩa, RFI, 16/06/2022

Với mục đích được cho là nhằm thị uy với Tokyo và đồng minh, Bắc Kinh vừa cho một trong những chiến hạm lớn và hùng mạnh nhất của Trung Quốc đến tập trận ở Biển Nhật Bản, áp sát vùng đặc quyền của Nhật Bản ngoài khơi Nagasaki. Theo hãng tin Mỹ AP hôm 16/06/2022, đó là chiếc khu trục hạm Lạp Tát (Lhasa) Type 055, vừa được hạ thủy vào năm ngoái.

   quandoi5

   Ảnh tư liệu : Các chiến hạm Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận chung với Nga trên biển Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 03/07/2013. AP

Theo AP, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc vào hôm nay nhấn mạnh rằng đây là nhiệm vụ đầu tiên của chiếc Lạp Tát từ khi được đưa vào hoạt động. Trích dẫn Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tờ báo cho biết thêm là tháp tùng theo chiếc Lạp Tát, còn có tàu khu trục Thành Đô, lớp Lữ Dương Type 052D và tàu tiếp liệu Động Đình Hồ Type 903.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật, đoàn tàu Trung Quốc đã bị phát hiện vào hôm Chủ Nhật 12/06 cách đảo Fukue ngoài khơi phía tây Nagasaki khoảng 200 km (120 hải lý) di chuyển theo hướng đông về phía Biển Nhật Bản. Ngoài ra, một chiếc tàu do thám lớp Đông Điều của Trung Quốc cũng hoạt động gần eo biển Tsushima vào hôm Chủ Nhật trước khi đi vào Biển Nhật Bản.

Theo AP, khu trục hạm Type 055 (còn được gọi là lớp Nam Xương) của Trung Quốc thuộc loại rất tối tân, có tính năng tàng hình được trang bị các loại tên lửa dẫn đường phòng không, chống hạm và tấn công trên bộ. Khu trục hạm Type 055 được coi là có sức mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau tàu tàng hình Type Zumwalt của Mỹ.

Trích dẫn các chuyên gia quân sự, Hoàn Cầu Thời Báo cho biết tàu khu trục này là một phần trong hoạt động xây dựng quân sự của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công vào Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh đe dọa thôn tính bằng vũ lực.

Một cuộc xung đột như vậy gần như chắc chắn sẽ kéo theo Hoa Kỳ, quốc gia cung cấp vũ khí cho Đài Loan, và các đồng minh của Mỹ, mà gần Đài Loan nhất về vị trí địa lý là Nhật Bản.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Thu Hằng, Minh Anh, Thanh Hà, Minh Anh
Read 436 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)