Ukraine chỉ là một trong số những cuộc khủng hoảng chồng chất cùng với ám ảnh "an ninh lương thực" của những nước đông dân nhất địa cầu như Trung Quốc hay Ấn Độ đẩy giá lương thực lên cao. Có thêm từ 11 đến 19 triệu người lâm vào cảnh "đói kém kinh niên". Bao nhiêu nạn nhân trong số ấy là người Châu Á, Đông Nam Á có bị ảnh hưởng nhiều hay không? Gạo có nguy cơ trở thành một thứ hàng xa xỉ, ngoài tầm tay của một phần dân số hay không ?
Mỗi năm, Ukraine xuất khẩu 65 triệu tấn ngũ cốc và các loại hạt ép dầu. © Pixabay
Để trả lời các câu hỏi trên, RFI Việt ngữ mời Sébastien Abis giám đốc Club Demeter, một tập hợp quy tụ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm, đặc trách về hồ sơ lương thực thực phẩm thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp
Là khu vực tập trung 50 % sản lượng toàn cầu, hơn một nửa nhân loại, Châu Á cũng đang phải đối mặt với hiện tượng vật giá leo thang. Giá nông phẩm, lương thực tăng "đến chóng mặt". Tháng 2/2022 Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO báo động chỉ giá thực phẩm tăng 30 % so với cùng thời kỳ một năm trước đó. Riêng giá lúa mì, một trong ba loại ngũ cốc được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, tăng 56 % so với tháng 2/2021. Hơn 100 triệu dân cần được viện trợ lương thực. Trong những tháng tới đây, nạn đói có nguy cơ lan rộng đến hàng chục triệu người trên hành tinh.
Chiến tranh Ukraine chỉ là "một phần của vấn đề"
Điều trớ trêu ở đây là vào lúc một phần nhân loại bị thiếu lương thực, do tác động của chiến tranh Nga và Ukraine, hàng chục triệu tấn ngũ cốc của một trong hai vựa ngũ cốc thế giới là Ukraine bị kẹt ở các nhà kho, hay hải cảng của quốc gia này. Từ nhiều tuần qua đàm phán khai thông Biển Đen vẫn bế tắc.
Nhà nghiên cứu Sébastien Abis trước hết nhấn mạnh yếu tố chiến tranh Ukraine chỉ là một phần của vấn đề :
Sébastien Abis : "Tình trạng hiện tại do nhiều cuộc khủng hoảng diễn ra cùng một lúc. Trước hết là khủng hoảng về phía các nhà sản xuất do biến đổi khí hậu, thiên tai và càng lúc tình hình càng bấp bênh. Kế tới là về những ách tách ở các khâu vận chuyển. Thứ ba là khủng hoảng dịch Covid-19 đem lại, chẳng hạn như là các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân công. Thứ tư là yếu tố địa chính trị liên quan trực tiếp đến hai nguồn sản xuất lớn, hai nhà xuất khẩu của thế giới là Nga và Ukraine".
Áp lực rất lớn của Châu Á
Tại Châu Á, chỉ riêng Trung Quốc, Ấn Độ nuôi gần ba tỷ miệng ăn, Indonesia với trên 250 triệu dân và nhiều quốc gia với dân số ở mỗi nước trên dưới 100 triệu, như Việt Nam, Philippines hay Nhật Bản … Mức độ và chỉ số phát triển của các quốc gia trên Châu lục này lại rất khác nhau. Sri Lanka hay Bangladesh, Afghanistan… là những nền kinh tế kém phát triển nhất, nghèo nhất, dễ bị nạn đói hoành hành nhất.
Sébastien Abis : "Indonesia, Malaysia hay Việt Nam bị lạm phát. Đấy là những quốc gia với hơn 100 triệu dân, thậm chí là 250 triệu như trong trường hợp của Indonesia. Chủ yếu giá lương thực thực phẩm tăng quá nhanh. Một nước nhỏ như Singapore lệ thuộc nhiều vào nông phẩm nhập từ nước ngoài, đời sống cũng trở nên đắt đỏ".
Vẫn giám đốc Club Demeter Sébastien Abis phân tích sâu hơn về bài toán nan giải của các nước Châu Á, kể cả những quốc gia có nhiều phương tiện như Trung Quốc hay Singapore :
Sébastien Abis: "Trong hoàn cảnh đã khó khăn đó, các nước Á Châu đứng trước một bài toán nan giải : làm thế nào để tăng mức sản xuất nội địa, tự chủ về mặt nông nghiệp trong lúc mà môi trường càng lúc càng phức tạp, vì thời tiết thay đổi bất thường, càng lúc càng khắc nghiệt, thí dụ như những đợt nắng nóng vừa qua ở Ấn Độ, hay những đợt mưa lũ gây thiệt hại cho mùa màng. Thêm vào đó, giá các loại nguyên liệu tăng cao, xăng dầu đắt đỏ, phân bón khan hiếm… Vậy làm thế nào để bảo đảm an ninh về lượng thực, các nhà nguồn nhập khẩu vẫn được bảo đảm và không bị mất các nguồn cung ứng ?".
Giá dầu hỏa trên thế giới trong tháng 5/2022 tăng 80% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Giá phân bón bị nhân lên gấp bốn lần trong vòng một năm do Nga là một trong những nhà cung cấp phân bón hóa học "nặng ký" của thế giới. Không có phân bón của Nga, các vựa lúa mì của thế giới từ Ấn Độ đến Trung Quốc hay Mỹ và cả Pháp, Brazil đều điêu đứng, như ghi nhận của giám đốc tập hợp các nhà nghiên cứu nông nghiệp, Club Demeter.
Gậy ông đập lưng ông
Bên cạnh những yếu tố không ngừng đẩy giá nông phẩm lên cao thì còn phải tính đến những nước cờ "ích kỷ" hay đơn giản là một sai lầm về chiến thuật của một số nước đông dân nhất địa cầu. Đương nhiên mọi người nghĩ ngay đến trường hợp của Trung Quốc với gần 1,5 tỷ dân. Trung Quốc thường xuyên bị thiên tai, (hạn hán và lũ lụt) gây thiệt hại mùa màng, trong lúc ổn định xã hội tùy thuộc vào khả năng bảo đảm "cơm no, áo ấm"cho gần 20% nhân loại.
Là một trong những nhà sản xuất lớn bậc nhât thế giới trong nhiều lĩnh vực nhưng nhu cầu tiêu thụ nông phẩm cũng lớn không kém cho nên, Trung Quốc thường xuyên là "nguồn nhập khẩu quan trọng của thế giới". Thêm vào đó, Bắc Kinh lại có phương tiện về tài chính, ngoại giao để thuyết phục các nhà cung cấp phục vụ Trung Quốc trước một số quốc gia Châu Á khác. Sébastien Abis nhìn nhận áp lực về an ninh lương thực của Bắc Kinh là rất lớn.
Sébastien Abis : "Nhu cầu của thị trường Trung Quốc liên quan trực tiếp đến thị trường nội địa rộng lớn của nước này và khả năng sảng xuất thì chỉ có hạn cho dù là Trung Quốc đang đưa những công nghệ mới vào trồng trợt và chăn nuôi để tăng năng suất và nhất là để không phải lệ thuộc vào phần còn lại của thế giới. Từ 15 năm trở lại đây, cán cân thương mại của Trung Quốc về lương thực, thực phẩm luôn bị thâm hụt nghiêm trọng".
Tuy vậy cũng chính ám ảnh về "an ninh lương thực" là con dao hai lưỡi. Nhà nghiên cứu viện IRIS, Sébastien Abis giải thích thêm và ông nêu bật kinh nghiệm cụ thể gần đây của Ấn Độ và Indonesia :
Sébastien Abis : "Khi tình hình địa chính trị bấp bênh hơn hay trong trường hợp đại dịch như vừa qua, đúng là mọi người có khuynh hướng tích trữ lương thực thực phẩm. Mua vào nhiều hơn bình thường, ai cũng lo xa đề phòng đói kém. Nhưng mọi người quên mất rằng, khi cung đã cao hơn cầu, càng tích trữ, thì càng đóng góp vào việc đẩy giá cả lên cao. Điều đó có nghĩa là chính mình tạo ra lạm phát. Thêm vào đó như đã thấy, Ấn Độ tuyên bố ngừng xuất khẩu lúa mì để bảo đảm cho nhu cầu nội địa của hơnmột tỷ miệng ăn, sau đó đến lượt Indonesia, một trong những nhà xuất khẩu dầu cọ của thế giới ngưng xuất khẩu dầu. Lập tức giá hai mặt hàng này đã tăng vọt sau quyết định của New Dehli và Jakarta. Chung cuộc cả hai quốc gia nói trên đều đã phải dừng tay".
Gạo cũng bị đẩy vào vòng xoáy khủng hoảng ?
Một lo ngại khác cho Châu Á, là kịch bản mất đi một kho lúa mì, ngũ cốc của Ukraine do chiến sự kéo dài, Châu Phi hay Trung Đông, chuyển hướng xoay qua chiếu cố gạo của Châu Á. Hệ quả kèm theo là giá gạo trên thế giới cũng tăng cao và đe dọa trực tiếp đến "nồi cơm" của nhiều nước Châu Á. Trước khi trả lời các câu hỏi này, Sébastien Abis giám đốc Club Demeter và cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp lưu ý : nhóm VIP –gồm Việt Nam, Indonesia và Philippines là ba nền kinh tế năng động ở khu vực Đông Nam Á, với 450 triệu dân. Mức sống của tầng lớp trung lưu đã tăng nhanh trong thời gia gần đây. Nhu cầu tiêu thụ -cả về mặt chất lượng lẫn khối lượng qua đó cũng tăng theo. Indonesia, Việt Nam hay Philippines càng lúc càng mua vào nhiều lúa mì (nhập khẩu của các quốc gia kể trên tương đương với của Algeria, Morocco hay Mexico trong 5 năm trở lại đây). Do vậy "bản thân các quốc gia này cũng đã bị lôi vào vòng xoáy của cơn sốt lúa mì và ngũ cốc" trên thế giới. Riêng về câu hỏi Châu Á có lo thiếu gạo hay không, chuyên gia pháp cho rằng câu trả lời trước mắt là không :
Sébastien Abis : "Đúng thị trường gạo rất quan trọng do đây là một trong ba loại ngũ cốc phổ biến nhất trên thế giới, sau bắp và múa mì. Khác với bắp, gạo chủ yếu phục vụ nhu cầu của con người. Sản lượng của thế giới là 500 triệu tấn một năm, 10 % là đề xuất khẩu và ba nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới là Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan. Chỉ cần một trong ba quốc gia này mất mùa cũng đủ để ảnh hướng đến thị trường của thế giới. Bên cạnh đó chúng ta thấy gần đây, Châu Phi tiêu thụ gạo nhiều hơn. Các luồng giao thương giữa Châu Á và Châu Phi trở nên quan trọng hơn so với trước, chủ yếu là hướng sang các nước ở phía nam sa mạc Sahar. Thế rồi chính các quốc gia này cũng bắt đầu trồng lúa đế bớt bị lệ thuộc vào gạo nhập từ nước ngoài. Đây là một trong những thay đổi lớn trên thị trường ngũ cốc của thế giới trong 10 năm vừa qua".