Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/06/2022

Trần Khuê

Tưởng Năng Tiến

"Một ngày phiên chợ, u tôi mua về đôi gà nhỏ. Hai con gà : một trống, một mái, dáng còn bé tí teo, như vừa mới lìa đàn. Suốt ngày chúng cứ rúc vào một góc sân và kêu chim chíp bằng một giọng thảm thương, ai oán !"

trankhue1

Những câu trên được trích dẫn từ tập truyện O Chuột mà tôi đã được cô giáo đọc cho nghe, khi còn thơ ấu. Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng tôi vẫn tin rằng mình vừa ghi lại "gần" đúng nguyên văn, theo trí nhớ. Sao tôi cứ thương mãi đôi gà côi cút đó, và có cảm tình hoài với tác giả của đoạn văn dẫn thượng.

Tô Hoài chắc chắn sẽ rất sung sướng khi biết có một người đọc đã nhớ nằm lòng cả một đoạn văn của mình, và (có lẽ) sẽ bớt sướng đi nhiều, nếu biết thêm rằng tôi chưa bao giờ đọc thêm một trang sách nào khác của ông.

Tôi sinh trưởng ở miền Nam, nơi mà trẻ con không đeo khăn quàng đỏ, không thi đua lập chiến công, cũng không có kế hoạch (lớn - nhỏ) nào phải hoàn thành. Chúng tôi chỉ có việc học với chơi, và chơi mới là chuyện chính. Tôi quá mải chơi nên không rảnh để đọc sách vở của bất cứ ai.

Mãi cho đến khi cuộc chiến Bắc/Nam chấm dứt tôi mới bắt đầu để ý đến sách báo. Cũng như nhiều người dân miền Nam khác, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi bỗng hóa ra rất rảnh, và rất… đói !

Tác phẩm duy nhất mà tôi tâm đắc, vào thời điểm đó, là Hồ Chí Minh Toàn Tập. Đây là bộ cuốn sách đồ sộ, giấy in cực tốt nhưng giá rất bèo nên được những bà và những cô bán hàng rong vô cùng ưa thích. Họ cần giấy để gói (hoặc để chùi) còn tôi thì cần một phần ăn nhiều hơn số tiền túi mình có thể mua.

Do đó, dù có đói thảm thiết tôi cũng chả bao giờ xà ngay xuống mẹt xôi hay mẹt bánh. Tôi chịu khó đi (lòng vòng) mua sách, rồi mới mang đổi lấy thức ăn, cho đỡ khổ cái dạ dầy !

Nói tình ngay, lỡ có thấy những tác phẩm của Tô Hoài - trong hoàn cảnh ấy - tôi chắc mình cũng sẽ ngó lơ thôi. Mắt tôi lúc nào cũng chỉ dáo dác, liếc nhìn ra biển, tìm một đường chui.

May mắn là tôi chui lọt.

Lưu lạc mãi, có hôm, tôi tình cờ gặp lại Tô Hoài trong tác phẩm ("Cây Bút, Đời Người", Nhà xuất bản Phương Nam 2002) của nhà phê bình xã hội & văn học Vương Trí Nhàn :

"Ngay từ năm 1940, khi bắt tay làm quen với giới sáng tác đương thời, thì đồng thời tác giả Dế Mèn cũng bước vào hoạt động cách mạng… Mặt khác, ngay trong giới cầm bút, ông cũng luôn luôn có hoạt động xã hội của mình, khi là Phó Tổng thư ký Hội Nhà Văn, khi chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, từ đó đẻ ra cơ man nào là đầu việc, là họp hành, mà người ta gọi chung là công tác" (sđd, tr. 264).

Tiểu sử Tô Hoài (như thế) có vẻ lung tung lang tang, ngổn ngang cả đống chức vụ, nhưng không để lại một ấn tượng đậm nét nào về đời người và cây bút của ông. Tô Hoài như luôn bị nhấn chìm vào những đoàn đội hay đoàn thể (vớ vẩn) gì đó, "với cơ man nào là đầu việc". Toàn là những công việc chán ngán và nhạt nhẽo, tôi đoán thế.

Được thế thì đã phúc !

Cuộc đời của Tô Hoài chán ngán (hẳn) có thừa nhưng nhạt nhẽo thì chưa chắc, và đắng chát với tủi nhục (xem ra) không thiếu - vẫn theo như ghi nhận của Vuơng Trí Nhàn : "Đại khái có thể hình dung như cái cảnh đứa bé bị quỳ, thì cũng quỳ đấy, song mắt vẫn liếc về phía mọi người đùa bỡn. Xá gì chuyện này, quỳ cho xong nợ, tí nữa lại tha hồ tung tẩy" (sđd, tr. 266).

Tôi thực muốn ứa nước mắt xót xa cho "cây bút" và "đời người" của Tô Hoài khi biết rằng (đôi lúc) ông vẫn phải quỳ như thế. Tôi còn e rằng Vuơng Trí Nhàn chỉ khéo miệng mà nói thế (để đỡ tủi cho nhau) chứ chuyện "đùa bỡn" và "tha hồ tung tẩy" làm sao tìm được trong "cây bút" và "đời người" (chật hẹp) của Tô Hoài !

Đến như Nguyễn Tuân - dù vốn tính bất tuân - khi phải mặc đồng phục, trông cũng rúm ró và thảm hại chả kém gì cái hình ảnh Tô Hoài cả. Ở vào hoàn cảnh đó, mới hiểu và thông cảm cho sự cuống cuồng của một người - vốn tính đồng bóng và yếu bóng vía - như Xuân Diệu :

"Xuân Diệu sợ chúng tôi say sưa quá, bốc đồng quá tử vì đạo, rồi không giữ được ngòi bút của mình. Hơn ai hết, ông hiểu về những lưỡi gươm Damoclès thường xuyên treo trên đầu người làm văn nghệ. Khi nói chuyện này đột nhiên giọng ông đột nhiên nhỏ hẳn đi, khe khẽ thì thào. Rồi ông lắc đầu, ông le lưỡi, ý bảo rằng sợ lắm, mà cỡ các cậu thì càng phải nên biết sợ ngay thì vừa, nên nhớ là sau có hối cũng không kịp nữa" (sđd, tr. 295).

Xuân Diệu đã chết. Cái cung cách và thái độ "đột nhiên giọng nhỏ hẳn đi", "khe khẽ thì thào", "lắc đầu", "le lưỡi" cũng… chết luôn. Thế hệ của những người cầm bút kế tiếp, không có vẻ gì là hào hứng và sẵn sàng tiếp nhận sự khiếp đảm mà Xuân Diệu muốn truyền đạt cho họ.

Trần Khuê là một trong những người này.

Ông đòi đổi tên Nước, tên Đảng, đòi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi Trường Chinh phải xin lỗi Kim Ngọc (bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú, tác giả của Khoán 10), đòi Tố Hữu phải xin lỗi những văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân Văn, đòi Lê Đức Thọ phải xin lỗi những người trong "vụ án xét lại", đòi lập Hội Chống Tham Nhũng…

Nói tóm lại là Trần Khuê không để yên cho bất - cứ - cái - gì và bất - cứ - ai, kể cả những nhân vật được coi là untouchable :

"Chúng ta đề nghị Tổng cục thống kê và Bộ tài chính thử tính sổ xem 30 năm qua ta đã tiêu tốn vào lăng Người tổng số là bao nhiêu tiền của… Và thử xem riêng ngân sách dự chi cho năm 2000 xem có thể xây được bao nhiêu trường học cho một ngàn xã hãy còn tắng về giáo dục ở miền cao. Có thể xây bao nhiêu căn nhà để nuôi trẻ mồ côi… Có thể xây bao căn nhà dưỡng lão cho người già lão cô đơn, không nơi nương tựa. Có thể xây bao nhiêu nhà thương làm phúc chữa bệnh cho người nghèo …" (Trần Khuê – Ng. T. Thanh Xuân, Đối Thoại Năm 2000).

Đến cỡ như bác Hồ (dù đã mồ yên mả đẹp) mà còn bị hạch hỏi đủ điều như thế thì có ai khác mà được không bị… làm phiền. Mọi kẻ có chức quyền, từ Tổng bí thư trở xuống - kể cả ông Tổng bí thư Giang Trạch Dân của nuớc bạn Trung Hoa vĩ đại - đều bị mang ra hỏi tội và chửi mắng (xối xả) vì sự ngu dốt, cũng như tội gian tham - của từng người một !

Thảo nào mà đã có lúc Trần Khuê được mô tả như một Sao Khôi hoặc Sao Khuê. Vì sao này (tiếc thay) lại "khi tỏ khi mờ," theo nhận xét của một vị thức giả cùng thời – nhà văn Phạm Đình Trọng :

Trần Khuê thấy được giữ lại thi thể Hồ Chí Minh trong hòm kính dù đặt trong nhà hầm vẫn là tênh hênh trên mặt đất, là không thuận ý nguyện cuối cùng, ý nguyện thiêng liêng nhất của người chết, không thuận qui luật tự nhiên, là đày đọa thân xác người quá cố và tạo ra cái thùng không đáy ngốn tiền mồ hôi nước mắt dân. Nhận ra những cái có hại sờ sờ như vậy, Trần Khuê đòi đốt xác Hồ Chí Minh nhưng hồn vía Trần Khuê vẫn thuộc về Hồ Chí Minh.

Sắt son với con người rước họa cộng sản về đày đọa người dân Việt Nam, thờ phụng con người mất gốc không còn hồn Việt Nam là khoảng mờ rất đáng tiếc của ngôi sao Khuê họ Trần.

Kể cũng "hơi" tiếc thật nhưng vẫn hơn rất nhiều vị thức giả (cùng thời) chỉ sống cả đời trong cái khoảng mờ !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 30/06/2022 (tuongnangtien's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tưởng Năng Tiến
Read 341 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)