Người dân Sri Lanka đứng lên thay chỗ của Rajapaksa
Phạm Phú Khải, VOA, 12/07/2022
Sau cùng thì quyền lực như gia đình Rajapaksa có trong tay cũng không cưỡng lại được sức mạnh của người dân và sức ép của chính trị quốc tế.
Người dân tràn vào dinh tổng thống Sri Lanka tại Colombo, 11 tháng Bảy.
Quyền lực chính trị và quân sự tại Sri Lanka, một quốc gia với dân số 22 triệu người, đã gần nhưnằm trọn trong tay của gia đình Rajapaksa trong hai thập niên qua. Năm anh em, Chamal Rajapaksa, Mahinda Rajapaksa , Gotabaya Rajapaksa, Nirupama Rajapaksa, và Basil Rajapaksa từng nắm giữ những vai trò trọng yếu trong nhà nước Sri Lanka. Những người con của họ, điển hình như Namal Rajapaksa, gọi Tổng thống Rajapaksa là chú, cũng tham chính và được sự nâng đỡ để tiếp nối quyền lực. Nhưng cuộc chính biến tại Sri Lanka vào cuối tuần qua đã thay đổi cán cân quyền lực tại đây. Sự phẫn nộ biến thành sức mạnh quật khởi cho thấy khi người dân biết đoàn kết và lên tiếng, không có gì cản trở được ý chí của họ.
Trước tháng 5 năm 2022,không mấy ai nghĩ rằng dòng họ Rajapaksa tại Sri Lanka sẽ quy hàng và quyền lực của họ sẽ vỡ từng mảnh. Mặc dầu nền kinh tế của Sri Lanka trong thời gian đại dịch Covid-19 đã gây bao khốn khó cho đời sống người dân, và đến cuối năm 2021, tình hình kinh tế càng trở nên tồi tệ. Nền kinh tế Sri Lanka phụ thuộc nhiều vào du lịch, nhưng bị kiệt quệ trong hai năm Covid-19. Trước đó, nợ quốc gia vốn đã tăng dần đến độ không trả nỗi và phải dùng cảng Hambantota cho Trung Quốc vay mượn 99 năm. Tháng 4 năm 2021, chính quyền Rajapaksa đã cấm nhập cảng phân bón hóa học nhưng không tham khảo với nông dân Sri Lanka trước, làm ảnh hưởng đến mùa màn, nhất là lúa gạo.
Một loạt chính sách sai lầm vì bất tài và độc tài như thế đã đưa đến hệ quả tất yếu. Những nhu cầu căn bản nhất của người dân như thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu (xăng dầu) trở nên vô cùng khan hiếm từ nhiều tháng qua, chưa kể nạn lạm phát không còn kiểm soát nỗi. Kể từ tháng 3 năm nay, người dân Sri Lanka xuống đường hàng loạt để biểu tình phản đối chính quyền. Tình trạng khủng hoảng không những không được cải thiện mà ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Sri Lanka đã cạn nguồn ngoại đối, nợ quốc gia ngày càng chồng chất đến độ không nơi nào muốn cho Sri Lanka vây mượn. Các mặt hàng thiết yếu đều khan hiếm và nhập cảng gặp muôn vàn khó khăn. Chính quyền trở nên bất lực trong khi người dân thật sự không còn gì để mất.
Nó là cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ khi Sri Lanka trở thành độc lập từ Anh năm 1948. Tuy thế gia đình Rajapaksa vẫn có vẻ như kiểm soát quyền lực trong tay, cho đến khi chiến lược gia Basil Rajapaksa, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chánh, từ nhiệm vào tháng 4 năm nay. Sau đó, cựu Tổng thống, sau trở thành Thủ tướng Sri Lanka, ông Mahinda Rajapaksa, đã phải nhượng bộ khi tuyên bốtừ chức vào ngày 9 tháng 5. Bao nhiêu cuộc biểu tình, xuống đường trong những tháng qua, tuy phần lớn ôn hòa nhưng ngày càng trở nên bạo động. Dù vậy người em của Mahinda là Tổng thống Gotabaya vẫn tiếp tục nắm quyền. Nhưng điều này đã thay đổi vào cuối tuần qua khi hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình, đột nhập vào tư gia của Gotabaya, và mạnh mẽ yêu cầu Gotabaya lẫn Thủ tướng Ranil Wickremesinghe phải từ chức. Sự phẫn nộ của người dân đã không thể ngăn chặn được nữa vào thứ Bảy 9 tháng 10. Người biểu tìnhchiếm biệt thự của Tổng thống đã không thể ngờ được đời sống sung túc đến cỡ nào trong khi họ vất vả với bữa cơm hàng ngày. Họ tuyên bố không rời nơi này cho đến khi Tổng thống từ ch ức và có sự thay đổi hệ thống tại Sri Lanka. Tạm thời Tổng thống Rajapaksa đã buộc đổi chỗ với người dân của mình.
Cả hai Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka đều hứa hẹn sẽtừ nhiệm. Tổng thống Gotabaya hứa sẽ từ chức vào ngày 13 tháng 7 tới đây. Liệu Gotabaya Rajapaksa có giữ lời hứa không hay chỉ nhượng bộ tạm thời ? Với quyền Tổng Tư lệnh quân đội, ông có định tìm mọi cách để đàn áp người biểu tình và ban hành thiết quân luật ? Điều này chưa biết được, bởi không thể loại trừ từ mưu sách cai trị của các kẻ chuyên quyền. Những ngày sắp tới sẽ đầy căng thẳng, và khả năng đối đầu giữa người dân và quân đội tuy thấp nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra. Văn phòng Thủ tướng công bố Tổng thống sẽ từ nhiệm ngày 13 tháng 7 nhưng BBCcho biết vẫn chưa có bản lên tiếng chính thức nào từ Tổng thống.
Trong hai thập niên qua,anh chị em nhà Rajapaksa thu tóm quyền lực với nhau. Mahinda Rajapaksa được bầu chọn làm Tổng thống năm 2005, chấm dứt sau hai nhiệm kỳ theo hiến pháp quy định. Trong thời gian 10 năm làm tổng thống, Mahinda đương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, và đã chọn người em trai, Gotabaya Rajapaksa, điều hành quân đội. Mahinda đã tìm cách thay đổi hiến pháp vào năm 2010 để dọn đường cho ông ra tranh cử lần nữa vào năm 2015. Năm 2015, sau khi Mahinda thất cử và Maithripala Sirisena đắc cử Tổng thống, ông đã chọn Mahinda làm Thủ tướng, nhưng quốc hội Sri Lanka đã không chấp thuận. Nó đưa đến cuộc khủng hoảng hiến pháp. Ngày 21 tháng 4 năm 2019, vụ đánh bom tự sát do thành phần Hồi giáo cực đoan chủ mưu tại nhà thờ Thiên Chúa giáo và khách sạn đã giết hại 250 người, gây thương tích 490 người. Cuộc thảm sát đau thương này lại là cơ hội giúp cho anh em Rajapaksa phục hồi con đường chính trị của mình. Gotabaya Rajapaksa ra tranh cử Tổng thống hứa hẹn sẽ có biện pháp cứng rắn với các nhóm Hồi giáo khủng bố. Đắc cử vào cuối năm 2019, Gotabaya bổ nhiệm anh mình Mahinda làm Thủ tướng.
Nhưng chỉ vài tháng sau, đại dịch Covid-19 đã lan tràn khắp nơi, và Sri Lanka là một trong những quốc gia hoàn toàn thiếu chuẩn bị vì nạn bất tài, tham nhũng và cửa quyền. Có thể nói sự sụp đổ của gia đình Rajapaksa một phần là vì họ quá chủ quan về quyền lực gần như tuyệt đối nhưng không thật sự quan tâm đến nhu cầu đời sống người dân. Trong tất cả những anh em này, Basil là chiến lược gia đầy ảo tưởng và chủ quan.
Mộtbài viết trên The Guardian cho biết Dilith Jayaweera, một ông trùm truyền thông Sri Lanka, và là bạn thân của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, đã mời Basil Rajapaksa, em trai của tổng thống, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính, tham dự bữa ăn tối với ông vào khoảng tháng 10 năm 2021. Jayaweera đã hỏi Basil phải chăng kinh tế Sri Lanka sắp xảy ra một vụ tai nạn khủng khiếp ? Jayaweera cho rằng Basil không thể trả lời câu hỏi này của mình. Basil biện luận ông sẽ tìm thấy tiền từ đây, từ đó, rằng tất cả sẽ ổn thôi để trả nợ. Nhưng Jayaweera cho rằng những gì Basil trình bày cho thấy Basil thực sự không hiểu gì về nền kinh tế cả.
Basil Rajapaksa không phải là một Bộ trưởng Tài chánh bình thường. Ông còn được xem là chiến lược gia của dòng họ Rajapaksa. Bài viết trên The New York Times cho biết Bộ trưởng Năng lượng của Sri Lanka, Udaya Gammanpila, một thành viên trong nội các chính quyền từ năm 2020 đến 2022, nói rằng Basil là người nắm quyền lực chính trong nhà, vì Gotabaya không nắm bắt tình hình, còn Mahinda thì già rồi. Basil không che dấu ý đồ chính trị của mình trong cuộc phỏng vấn vào tháng 6 năm 2018, khinói rằng "Sự thật là nếu Gotabaya ra tranh cử thì tôi sẽ là người điều hành đất nước vì ông ấy chỉ mới tham gia chính trị". Gammanpila kể lại rằng Basil từng tuyên bố vào mùa hè năm trước rằng Sri Lanka đâu phải chịu khủng hoảng ngoại tệ. Vấn đề là tội phạm đang chuyển đô la ra khỏi hệ thống ngân hàng của đất nước, cho nên cho Basil hai tuần, ông sẽ sửa chữa nó. Tất nhiên Basilkhông chữa được gì cả, vì một năm sau là khủng hoảng kinh tế. Gammanpila nhận định Basil là người không biết chấp nhận thực tế, và kiểm soát mọi thứ, nhưng lại không biết cái gì cả.
ABC News cho biết Sri Lanka nợ 51 tỷ đô la, tiền tệ mất giá 80%, nên kết quả là một quốc gia sắp phá sản, hầu như không có tiền để nhập khẩu nhiên liệu, sữa, khí đốt nấu ăn và giấy vệ sinh. Chiến tranh Ukraine góp phần vào cuộc khủng hoảng kinh tế này vào giai đoạn cuối như giọt nước tràn ly. Sau cùng thì quyền lực như gia đình Rajapaksa có trong tay cũng không cưỡng lại được sức mạnh của người dân và sức ép của chính trị quốc tế.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 12/07/2022
Tài liệu tham khảo :
- "Sri Lanka's prime minister and president will resign after protesters stormed their homes. How did it get to this ?", ABC News, 10 July 2022
- Avani Dias, "Sri Lanka protesters have vowed to stay in the presidential palace until the Rajapaksa government is over", ABC News, 11 July 2022
- "Sri Lanka : President confirms resignation, PM's office says", BBC News, 11 July 2022
- "Sri Lankan president to resign after protesters stormed his home in day of violent clashes", Reuters and AP, 10 July 2022
- Mujib Mashal, "The Rajapaksa family has dominated Sri Lankan politics", The New York Times, 9 July 2022
- Hannah Ellis-Petersen, "‘The family took over’ : how a feuding ruling dynasty drove Sri Lanka to ruin", The Guardian, 7 July 2022.
- Mujib Mashal and Skandha Gunasekara, "A Ruling Family on the Run as Sri Lanka Plunges Into Economic Ruin", The New York Times, 14 May 2022
- David Rising and Krutika Pathi, "Sri Lanka’s Rajapaksa Family Falls From Grace", The Diplomat, 13 May 2022
- Avani Dias, "The Rajapaksa family maintained an iron grip on power in Sri Lanka for decades. Then it started to unravel", ABC News, 12 May 2022
- DFAT Country Information Report – Sri Lanka, Department of Foreign Affairs and Trade, 23 December 2021
- "‘If Gota Becomes President, I Will Run The Country’ — Basil", Colombo Telegraph, 29 June 2018
***********************
Lật đổ gia tộc Rajapaksa : Sri Lanka bước sang trang mới "bất định"
Thu Hằng, RFI, 12/07/2022
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rũ trách nhiệm khi tìm cách rời Sri Lanka sống lưu vong nhưng không thành. Ông để lại cho 22 triệu dân khối nợ nước ngoài 51 tỉ đô la, theo thẩm định vào tháng 04/2022, một nền kinh tế kiệt quệ, cạn nhiên liệu và khoảng 80% người dân phải bỏ bữa vì thiếu lương thực.
Những người biểu tình ăn mừng sau khi vào Ban Thư ký Tổng thống, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bỏ trốn, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế của đất nước, tại Colombo, Sri Lanka ngày 9 tháng 7 năm 2022. Reuters – Dinuka Lilyanawatte
Sự kiện người dân tràn vào dinh tổng thống "thứ Bẩy ngày 09/07/2022 sẽ lưu lại trong lịch sử" Sri Lanka. Việc tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố từ chức ngày 13/07, chấm dứt nhiều thập niên cai trị của gia tộc Rajapaksa, đã mở ra "một chân trời mới", là điều kiện "cần" nhưng chưa "đủ" vì theo báo chí Sri Lanka, "con đường dài và ghập ghềnh hướng đến phục hồi kinh tế" mới chỉ bắt đầu.
Đối lập khó khăn thành lập chính phủ
Khó khăn đầu tiên là ổn định lại cỗ máy điều hành đất nước. Cuộc bầu cử tổng thống được dự kiến diễn ra ngày 20/07. Thời gian quá gấp rút cho các đảng đối lập nhỏ đàm phán đề cử gương mặt xứng đáng. Tiếp theo là thành lập chính phủ đa đảng mới, được trang The Hindu đánh giá là "một trọng trách" "rất khó khăn do phe đối lập Sri Lanka bị chia rẽ và nhiều đảng đối lập, dù có hợp lực, cũng không có đa số nghị viện".
Ngược lại, đảng của gia tộc Rajapaksa (Sri Lanka Podujana Peramuna), chiếm đa số ở Nghị Viện, "từ chối hạ mình trước phe đối lập" vì muốn đưa người lên thay thế. Và "đây là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định của Sri Lanka", theo nhận định của Nishan de Mel, giám đốc tổ chức Verité Research ở Colombo, được Le Monde trích dẫn.
Thừa hưởng đất nước phá sản
Trong trường hợp "phe đối lập thành lập được chính phủ và được các nghị sĩ ủng hộ, thì họ kế thừa một nền kinh tế đang sụp đổ, không có biện pháp mầu nhiệm nào". Thực vậy, Sri Lanka chìm trong khủng hoảng từ nhiều năm qua. Du lịch, lĩnh vực mang lại nguồn ngoại tệ cho hòn đảo, bị thất thu vì hàng loạt vụ khủng bố dịp lễ Phục Sinh năm 2019 (khiến ít nhất 156 người chết), tiếp theo là đại dịch Covid-19.
Ngoài ra phải kể đến hàng loạt thất sách được chính quyền triển khai trong khi không có biện pháp bổ trợ : giảm thuế mạnh vào tháng 12/2019 khiến ngân sách Nhà nước mất 1/3 nguồn thu ; tháng 04/2021 đột ngột cấm nhập khẩu hóa chất với lý do chuyển đổi sang nông nghiệp sạch khiến mất mùa. Nhưng nguyên nhân sâu xa đẩy Sri Lanka ngập trong nợ bắt nguồn từ những năm 2005-2015 dưới thời tổng thống Mahinda Rajapaksa, anh cả của tổng thống vừa bị lật đổ, khi vay tín dụng của Trung Quốc để xây dựng những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, bị coi là vô dụng, theo nhật báo Le Monde ngày 12/07.
Đến tháng 04/2022, chính quyền Colombo tuyên bố mất khả năng thanh toán nợ để tập trung vào nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Theo tờ Sunday Times ngày 10/07, trong vòng 4 năm tới, Sri Lanka phải thanh toán nợ hơn 4 tỉ đô la hàng năm. Chính phủ mới sẽ phải làm như nào để vừa bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm cho người dân, vừa phải đàm phán nợ với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) ?
Cải tổ bộ máy quản lý kinh tế theo yêu cầu của FMI ?
Theo phân tích của nhà sử học Eric-Payl Meyer, chuyên về Sri Lanka, trên đài RFI ngày 12/07, trước mắt "Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ nhưng trong một chừng mực nhất định về khan hiếm xăng dầu, lương thực hoặc phân bón". Trung Quốc khẳng định vẫn viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Sri Lanka từ nhiều tháng nay và tiếp tục theo sát những diễn biến mới nhất ở nước láng giềng bạn hữu.
Ở quy mô rộng hơn, đất nước trong tình trạng phá sản sẽ phải đàm phán trên thế yếu với các định chế tài chính quốc tế, như với FMI, về vấn đề nợ. Sri Lanka sẽ phải "thắt lưng buộc bụng", cải tổ bộ máy quản lý kinh tế theo những yêu cầu của "chủ nợ" và điều này có thể gây rạn nứt trong nội bộ các chính đảng đối lập dù hiện tại tất cả đều sẵn sàng tìm giải pháp giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Trung Quốc, bị coi là nguyên nhân sâu xa đẩy Sri Lanka ngập trong nợ, dường như muốn phủi tay, đẩy trách nhiệm cho các định chế tài chính quốc tế (FMI, Ngân Hàng Thế Giới). Theo các nhà quan sát Trung Quốc, được Global Times trích ngày 11/07, các chủ nợ thương mại và các tổ chức tài chính đa phương là những người cho vay chính đằng sau khối nợ nước ngoài của Sri Lanka.
Cuối cùng, để tránh xảy ra thêm một cuộc chiếm dinh tổng thống, tầng lớp chính trị gia và lãnh đạo Sri Lanka cần phải cải thiện được niềm tin của người dân. Biện pháp được Jayadeva Uyangoda, chuyên gia khoa học chính trị, đưa ra là "phải tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới để Nghị Viện phản ánh được ý kiến của xã hội và để chính phủ mới có được sự ủng hộ của người dân nhằm triển khai những cải cách của FMI".
Thu Hằng
***********************
Sri Lanka : Tổng thống muốn chạy ra nước ngoài nhưng bị ngăn cản tại phi trường
Anh Vũ, RFI, 12/07/2022
Theo nguồn tin chính thức hôm 12/07/2022, tổng thống Gotabaya Rajapaksa bị mắc kẹt tại phi trường Colombo, vì các nhân viên xuất nhập cảnh dường như muốn ngăn cản ông ra nước ngoài lưu vong.
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. AFP – Ishara S. Kodikara
AFP trích dẫn nguồn tin chính thức cho biết, các quan chức sở di trú đã không chấp nhận để ông Gotabaya Rajapaksa vào phòng VIP tại sân bay làm thủ tục xuất cảnh, trong khi tổng thống Sri Lanka muốn tránh qua cửa chung do sợ phản ứng của dân chúng.
Sau khi dân chúng nổi dậy chiếm dinh tổng thống, ông Rajapaksa chưa từ chức, nhưng hứa chuyển giao quyền lực vào ngày mai (13/07). Như vậy là từ đây cho đến đó, ông Rajapaksa vẫn là tổng thống được hưởng một số đặc quyền miễn trừ.
Tối hôm qua, 11/07, tổng thống Sri Lanka và vợ đã di chuyển đến một căn cứ quân sự gần phi trường quốc tế, sau khi có thể đã bị lỡ 4 chuyến bay đến Ả Rập Xê Út. Hôm nay, ông Basil, người em út của tổng thống, từng là bộ trưởng Tài Chính đã từ chức hồi tháng 4, cũng đã bị lỡ chuyến bay đi Dubai sau khi gặp vấn đề với bộ phận xuất nhập cảnh.
Một nhân viên quản lý ở sân bay cho biết, một số hành khách đã phản đối không muốn ông Basil đi trên chuyến bay với họ. Tình hình rất căng thẳng, và tổng thống Rajapaksa vội vàng rời khỏi phi trường.
Văn phòng tổng thống Sri Lanka không có thông báo nào về tình hình của ông Rajapaksa. Do chưa từ chức, hiện tại ông vẫn là tổng tư lệnh quân đội và vẫn nắm trong tay các phương tiện quân sự. Ông vẫn có thể điều tàu chiến để qua Ấn Độ hay Maldive, theo một nguồn tin quốc phòng. Nếu tổng thống từ chức, như đã hứa, thủ tướng Ranil Wickremesinghe đương nhiên được chỉ định làm quyền tổng thống cho tới khi có tổng thống mới do Nghị Viện bầu. Tuy nhiên, ông thủ tướng Wickremesinghe cũng bị phong trào biểu tình hiện này chống đối dữ dội.
Theo dự kiến, sau khi tổng thống từ chức, ngày 20/07, Nghị Viện Sri Lanka sẽ tiến hành bầu tổng thống mới, nắm quyền cho đến hết nhiệm kỳ hiện tại, tức là vào tháng 11/2024. Trong khi đó, theo AFP, người biểu tình cảnh báo sẽ không từ bỏ cuộc đấu tranh chừng nào toàn thể ''bộ máy chính trị'' hiện nay vẫn tồn tại.
Anh Vũ