Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/07/2022

Chả dại gì làm công dân tốt !

Ái Dân

Chẳng dại gì làm công dân tốt ở Việt Nam, vì chỉ thiệt thòi vào mình.

congdan1

Một người bán rau ở chợ Mèo Vạc, Hà Giang hôm 21/2/2021 - AFP

Ở nước nào cũng vậy, tiêu chuẩn phổ quát của công dân tốt là tuân thủ pháp luật. Gắn liền với khúc ruột nhất của việc tuân thủ pháp luật ở một công dân trưởng thành là đóng thuế đầy đủ.

Ở Việt Nam, với mức thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng, bạn đã phải đóng thuế thu nhập. Nếu có ông bà nội ngoại, cha mẹ già, con cái, cô dì chú bác, người thân phải nuôi dưỡng (tức hoàn toàn sống nhờ vào bạn, ngoài ra bản thân họ không có nguồn thu nhập nào), hoặc tổng thu nhập của họ dưới 1 triệu đồng/tháng, bạn được để lại 4,4 triệu đồng.

Chi phí này có đủ cho bạn nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà không ?

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, lạm phát ở Việt Nam tăng lên 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 2,25%. Đồng nghĩa mỗi quả trứng, con cá, ký gạo, bó rau, chai nước mắm… đều tăng.

Ở Việt Nam, có lẽ trứng là thức ăn bổ dưỡng và rẻ nhất, trong các bữa ăn công nhân thường xuyên có quả trứng luộc dầm nước mắm với bó rau luộc. Vậy mà bây giờ nó cũng khiến người ta phải chợn tay. Tôi đã thấy những bà nội trợ đứng tần ngần loay hoay mãi vì một vỉ trứng (10 quả) hôm nay đã tăng đến vài ngàn đồng so với tuần trước. Một vỉ trứng gà bán ở siêu thị giá 32.000 đồng, ở chợ giá 35.000 đồng. Trứng vịt giá khoảng 38.000 đồng/vỉ, tăng 5.000-7.000 đồng (khoảng 20%) so với đầu năm và tăng 34%-40% so với cùng một năm. 

Còn so với chỉ ba năm trước thì mức tăng sẽ làm bạn rùng mình.

Tháng 7/2019, giá trứng gà khoảng 18.000 đồng -19.000 đồng/chục trứng, trứng vịt khoảng 20.000 đồng/chục.

Mỗi lít dầu ăn tăng 50% so với đầu năm và gấp đôi hai năm trước, lên hơn 55.000 đồng - mức cao nhất từ trước đến nay (theo VnExpress tháng 6/2022).

Giá mỗi kg heo hơi tháng 6/2022 khoảng 54.000 đồng - 58.000 đồng ; giá của ba năm trước là khoảng 30.000 đồng/kg.

Người lao động kiếm tiền ở đâu ra để bù lạm phát ? Ngoài việc cắt chi tiêu như đi xe bus thay cho xe máy, giảm đi chơi hay ngồi quán với bạn bè, mua tông đơ về tự cắt tóc cho chồng con ở nhà… thì cách duy nhất là thắt lưng buộc bụng.

Năm 2020, chi tiêu cho ăn uống và sinh hoạt tối thiểu chiếm đến 93% trong tổng chi tiêu của hộ gia đình (trung bình khoảng 2,7 triệu đồng/người, theo tính toán của Tổng cục Thống kê). Đó là năm bắt đầu xảy ra dịch Covid trên toàn thế giới nhưng Việt Nam lúc đó vẫn đang rất "ngạo nghễ", hầu như mọi việc sản xuất kinh doanh vẫn bình thường. Năm ngoái trọng thương chí tử. Năm nay tổng cục này chưa kịp tính toán, nhưng với mức lạm phát được báo cáo thì có thể dự đoán con số này không giảm, chí ít là không giảm nhiều.

Có nghĩa là, theo tháp nhu cầu Maslow, tuyệt đại bộ phận người dân Việt Nam ở thế kỷ 21 đang quay lại với cuộc sống chỉ gồm nhu cầu sinh tồn căn bản nhất của con người, nôm na chỉ cầu có đủ cái ăn bỏ miệng.

Lạm phát do nhiều nguyên nhân. Trong đó chủ yếu do chính sách thuế khóa.

Hiện tại Việt Nam đang có 15 loại thuế, 73 loại phí và 42 loại lệ phí. Các khoản này dùng để nuôi bộ máy quản lý song trùng cực kỳ nặng nề, gồm có hệ thống Đảng, hệ thống chính quyền và hệ thống dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp). Hệ thống nào cũng được thiết kế giống nhau, bao gồm trục dọc từ trung ương đến từng phường xã, tổ dân phố, và trục ngang gồm toàn bộ địa bàn nó được giao quản lý, từ tổ dân phố hay ấp trở lên. Tổng số người hưởng lương và có tính chất lương từ ngân sách ở Việt Nam chiếm đến 11,5% dân số (con số năm 1997).

Để nuôi bộ máy ấy và nuôi cả tham nhũng, từng đồng một, người dân bị thu tỉ mỉ và triệt để. Đến nỗi trên các diễn đàn Quốc hội cách đây nhiều năm, nhiều đại biểu đã phải thốt lên : "Cần giảm thuế phí để khoan thư sức dân".

Nợ công bình quân đầu người Việt Nam là 35,1 triệu đồng/người, có xu hướng tăng qua các năm khi năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người ; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người, chiếm 55,2% GDP- theo đánh giá của cơ quan kiểm toán vào cuối tháng 5/2022.

Thế nhưng đọc bất cứ báo cáo tổng kết, báo cáo giám sát của bất cứ ngành nào cũng đầy rẫy tham nhũng và lãng phí. Gọi lãng phí cho đúng với thuật ngữ dùng trong luật, chứ đúng tên nó phải là tham ô và trục lợi.

Vẫn căn cứ theo báo cáo tổng kết 10 năm chống tham nhũng lãng phí của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong 10 năm qua, đã có 2.700 tổ chức đảng, 168 ngàn đảng viên bị kỷ luật vì vi phạm điều lệ Đảng. Trong đó có khoảng 7.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Ở cấp tối cao, có 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị kỷ luật. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Gần 45.000 tập thể, cá nhân sai phạm, kiến nghị thu hồi và xử lý tài chính gần 1 triệu tỷ đồng, gần 80.000 ha đất. Gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển sang cơ quan điều tra. Gần 2.000 văn bản pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ.

Số vụ án tham nhũng bị xét xử lập đỉnh : khoảng 16.000 vụ (sơ thẩm) với 32.000 bị cáo.

Tóm gọn lại một câu : Bao nhiêu tiền của trăm triệu con người làm ra đều bị tham nhũng liếm sạch. Bắt thì bắt, tù thì tù, tịch thu tài sản thì tịch thu tài sản. Số tiền đã kịp chuyển ra ngoài biên giới Việt Nam cùng những chiếc hộ chiếu ngoại đã âm thầm lận lưng từ hồi nẳm vẫn đảm bảo cho đám giòi bọ này cuộc sống đế vương sau khi ra tù. Còn danh dự ư ? Thằng nào cũng như thằng nào, kính thưa các đồng chí chưa bị lộ ! Ngoài vài cái chết (đáng đời) bi thảm như chết rục trong tù của vài cá nhân thân hữu thì chưa thấy quan chức nào trả giá xứng đáng cả.

Vậy thì làm công dân tốt, tuân thủ pháp luật, nghiêm chỉnh đóng thuế để làm gì ? Bộ ngu hay sao trong khi bọn chúng ăn trên đầu trên cổ mình.

Từ rất nhiều chục năm trước, cán bộ nhà nước các tỉnh hay có thói quen sinh hoạt giống nhau, là đón con về, tắm giặt, thậm chí nấu nướng thức ăn ngay tại cơ quan rồi mẹ con thơ thới chở nhau về nhà. Cũng có khi họ ăn uống luôn, rửa bát cất kỹ rồi mới về. Gần như mỗi ngày đều thế, cả gia đình, quanh năm cũng tiết kiệm kha khá tiền điện nước.

Tương tự như vậy, được liệt vào dạng tham nhũng vặt (trái với tham nhũng lớn), những khoản bôi trơn thu được do hoạnh họe, làm khó người dân cũng giúp nuôi sống, thậm chí làm giàu cho nhiều gia đình công chức. Đó cũng là một trong những lý do chính thu hút người ta xin vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Thế cho nên ở Việt Nam dại gì mà đóng đủ thuế, hỡi quý vị ? Quan gian thì dân tham - đấy là quy luật. Bộ trưởng thao túng chính sách, tướng biên phòng bảo kê buôn lậu xăng, chủ tịch tỉnh ăn đất thì dân ăn gian tiền điện, tiền nước, phi xe lên vỉa hè, cắt dây điện, kê thiếu thuế, cân điêu, độn hàng giả, bơm thạch vào tôm, sản xuất thực phẩm tưới đẫm hóa chất cấm. Chúng ta một giuộc như nhau cả, phải không thưa các ngài bệ vệ hay lên tivi rao giảng đạo đức ?

 Ái Dân

Nguồn : RFA, 18/07/2022

Tham khảo :

https://baoquangninh.com.vn/gia-trung-tang-vot-3188414.html#:~:text=Tr%E1%BB%A9ng%20g%C3%A0%20c%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%20k%C3%ADch,30%25%20so%20v%E1%BB%9Bi%20%C4%91%E1%BA%A7u%20n%C4%83m.

http://nhachannuoi.vn/gia-ca-thi-truong-mien-bac-tuan-18-nam-2019-29-4-05-05-2019/

https://congthuong.vn/gia-trung-gia-cam-bat-ngo-tang-tro-lai-sau-mot-thoi-gian-dai-giam-sau-124810.html

https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/07/thong-cao-bao-chi-ve-ket-qua-khao-sat-muc-song-dan-cu-nam-2020/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ái Dân
Read 369 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)