Vì sao Đảng chỉ định hai lãnh đạo lại là sự kiện khiến dư luận "dậy sóng" ?
Phạm Quý Thọ, RFA, 23/07/2022
Công tác cán bộ của riêng Đảng, vận hành theo cơ chế "đóng", ngày càng tỏ ra không thích ứng với chuyển đổi thị trường, cản trở cải cách và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Mỗi thay đổi nhân sự Đảng đều thu hút sự chú ý của dư luận. Mới đây, ngày 15/7/2022 Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản VN "chỉ định" bà Đào Hồng Lan giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và "phân công" ông Trần sĩ Thanh giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội để chuẩn bị lấp vào hai vị trí quyền lực đã bị "bỏ trống" hơn một tháng nay. Như đã biết, hai ông cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và cựu Chủ tịch TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 đã bị bắt vì vi phạm liên quan đến vụ Việt Á. Giới quan sát băn khoăn về quy trình lựa chọn, năng lực cán bộ và, hơn thế coi sự kiện như cái cớ để phản ánh những bất cập, yếu kém của công tác này và sự cần thiết cải cách một cơ chế "mở" với sự tham gia thực sự của người dân trong bối cảnh chống tham nhũng khó khăn và khủng hoảng nhân sự Đảng.
RFA edit
Bệnh hình thức
Động thái "chỉ định" trên là đúng theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017. Theo đó, Bộ Chính trị có quyền "phân công công tác", "chỉ định" các cán bộ lãnh đạo, tổ chức đảng "trực thuộc Trung ương"… Tuy nhiên, công luận ‘dậy sóng’ trước hết vì căn ‘bệnh hình thức’ phát sinh từ cơ chế "Đảng cử dân bầu" và ngày càng nghiêm trọng. Hai vị quan tham trên cũng từ được ‘bầu’ với số phiếu cao, khi đó cựu chủ tịch Chu Ngọc Anh thậm chí có tỷ lệ bầu tuyệt đối 100%.
Biểu hiện đặc trưng của căn bệnh là "thừa" quy định nhưng "thiếu" hiệu quả. Từ sau Đại hội 12 năm 2021 nhiều văn bản "Đảng quy", mà Quy định 105 nêu trên là một trong số đó, được sửa đổi, hoàn thiện và mới được ban hành, đặc biệt liên quan đến công tác cán bộ với các nội dung về kỷ luật, bổ nhiệm, luân chuyển, nêu gương đạo đức, những điều đảng viên không được làm… Đây là những giải pháp củng cố Đảng, thúc đẩy tập trung quyền lực trong khi các khuyến nghị về minh bạch tài sản quan chức, thay đổi chế độ lương bổng theo thị trường, thiết kế "lồng thể chế" kiểm soát quyền lực… đề bị ‘bỏ dở’ vì bị ‘vướng’ bởi tính chất ‘đóng’ của cơ chế sử dụng cán bộ.
Bệnh thành tích có cội nguồn từ chế độ. Chuộng thành tích thái quá hòng thoả mãn nhu cầu theo đuổi quyền lực tuyệt đối khiến nó trở thành bệnh. Không thể phủ nhận ưu thế Đảng toàn trị trong hoàn cảnh khó khăn như chiến tranh, nhưng khi Đảng mạnh hơn mức cần thiết, nhất là khi thời bình, thì điều tồi tệ sẽ xảy ra. Điều đầu tiên là quan chức và người dân trở nên dễ bảo và thụ động. Rốt cuộc, vì sao họ phải gánh trách nhiệm, thậm chí là rủi ro khi Đảng, Nhà nước sẽ làm điều đó thay cho họ ?
Nguyên tắc "người của Đảng" bị lung lay
Công luận cũng ‘băn khoăn’ về tiêu chuẩn "hồng và chuyên", nghĩa là yêu cầu chính trị và chuyên muôn, luôn được đặt ra trong công tác cán bộ. Trong bối cảnh suy thoái chính trị nghiêm trọng thì nguyên tắc ‘người của Đảng’ được đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, chuỗi các sự kiện kỷ luật, chỉ định, luân chuyển, thay thế lãnh đạo cấp cao vừa xảy ra cho thấy nguyên tắc này đang bị ‘lung lay’.
Ông Nguyễn Thanh Long, người duy nhất có chuyên môn ngành y, là Uỷ viên trung ương khoá 13 đã bị kỷ luật. Bà quyền Bộ trưởng Y tế, nguyên Bí thư Bắc Ninh, đủ tiêu chuẩn ‘hồng’ nhưng không ‘chuyên’. Bà này "bất ngờ" khi nhận quyết định phân công của Đảng, thừa nhận sẽ gặp khó khăn, thách thức khi không được đào tạo và công tác trong ngành y tế, nhưng hứa sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao !
Đối với ông Nguyễn sĩ Thanh, người từng được Đảng ‘luân chuyển’ 11 vị trí khác nhau 16 năm là Uỷ viên TƯ, từ Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia… và từng trải qua "làm lãnh đạo" của ba tỉnh : Đắk Lắk, Bắc Giang, Lạng Sơn với thời gian từ một năm đến ba năm…
Phần lớn các bình luận trên truyền thông nhà nước đều giả định "nếu" và kèm theo điều kiện. Chẳng hạn, Tạp chí điện tử Nhà Đầu tư ngày 16/7 bình luận rằng việc chỉ định hai vị trên là "trái thông lệ" vì thiếu chuyên môn, nhưng "nếu" thành công thì sẽ "hình thành nên một thông lệ mới." Tuy nhiên, Đảng coi đây là việc thực hiện công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo theo Kết luận 24 ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị. Liệu chủ trương này có "xoay chuyển" công tác cán bộ đảng ?
"Bí thư không là người địa phương"
Công luận cũng chưa thể bị thuyết phục về chủ trương "bí thư không là người địa phương" trong công tác cán bộ. Mới đây, ngày 14/7/2022 tại Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng với sự tham dự, trực tiếp và trực tuyến, của 1.700 đại biểu, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã nhận định, rằng Bí thư không phải người địa phương sẽ tốt hơn là người địa phương. Hiện tại, chủ trương này đã được thực hiện ở 32/63 tỉnh thành trong cả nước, trong đó nhiều người được Trung ương điều động đến, và đến cuối nhiệm kỳ quá trình thực thi sẽ hoàn tất.
Còn có nhiều ý kiến băn khoăn. Không phải người địa phương, các bí thư có thể ít bị chi phối bởi các yếu tố 'quan hệ', 'hậu duệ', không bị chi phối bởi thái độ và cách làm việc của thế hệ lãnh đạo cũ... Nhưng cũng khó tránh khỏi những thử thách như ngại 'va chạm' và bị ‘bao vây’ hay ‘cài bẫy’, thậm chí có thể bị ‘vô hiệu hoá’ theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Tính cục bộ do yếu tố văn hoá địa phương còn nặng nề ở nhiều nơi, có chỗ đứng khi tâm lý mặc cảm truyền thống ‘chịu khổ’ nhưng không thể ‘chịu nhục’. Đây rõ ràng là thử thách thực sự cho các ‘tân bí thư’ nhiệm kỳ này để tiến hành các giải pháp chính sách ‘đột phá’ như Đảng kêu gọi.
Thực ra, "mẹo" dùng người này đã được áp dụng phổ biến dưới thời phong kiến tập quyền. Mục đích không chỉ dừng lại như nêu trên mà còn ngăn ngừa nguy cơ tập hợp lực lượng tạo phản, bất tuân, bất trung với nhà vua. Quan hệ huyết thống, dòng họ, đồng hương, chung sống… luôn là chỗ dựa của niềm tin.
"Thị trường ngầm quyền chức"
Cuối cùng, dư luận ‘dậy sóng’ bởi bị ‘ám ảnh’ bởi bóng ma ‘thị trường ngầm quyền chức’ mà mọi người dân biết, thậm chí trải nghiệm ‘với mức độ khác nhau. Trong thời buổi kinh tế thị trường, khi quyền lực thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu, nó trở nên loại hàng hoá đặc biệt có giá, được ‘trao đổi’ bất hợp pháp dưới các hình thức tinh vi. Động cơ chính trị của cán bộ lãnh đạo đã thay đổi, biến họ thành những kẻ cơ hội, tha hoá. Động cơ vụ lợi, cá nhân chủ nghĩa, đã mọc rễ sâu rộng củng cố chỗ đứng trong hệ thống chính trị ; sự cám dỗ vật chất lấn át nỗi sợ hãi vì sự trừng phạt và, đạo đức giả lên ngôi…
Không thể phủ nhận thực tế này và, Đảng tiến hành chiến dịch chống tham nhũng trong bối cảnh niềm tin chính trị đã suy giảm nghiêm trọng. Đảng trừng phạt nghiêm khắc và thanh lọc những ‘đồng chí’ vi phạm cam kết, lời thề trung thành với lý tưởng và lãnh tụ. Các hành vi "cua cậy càng, cá cậy vây" bị lên án đồng thời với lời kêu gọi giữ "liêm sỉ" của người đảng viên… Đảng nỗ lực vận hành cơ chế quyền lực tập trung để có thể "dụng nhân như dụng mộc" với việc kiện toàn guồng máy phức tạp và tinh vi để giám sát quyền lực nội bộ, như các Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực, Ban Nội chính, Ban Tổ chức… có cấu trúc theo mô hình kim tự tháp.
Đây là nỗ lực thực sự cần thiết để đối phó với tình huống khẩn cấp, mà không thể là chính sách bền vững, không thể mang lại "hiệu quả mong muốn" khi người dân vẫn đứng ngoài "trò chơi quyền lực." Tạo lập một cơ chế "mở", sao cho người dân thoát cảnh ‘đứng ngoài cuộc’, quan sát và chịu hậu quả, là đòi hỏi từ thực tế để cải cách công tác cán bộ của Đảng, trước hết là thiết lập chế độ công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với quan chức.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 23/07/2022
**********************
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế không làm được gì đâu !
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 19/07/2022
Báo VnExpress loan tin [1] - vào ngày 15/7/2022 - bà Đào Hồng Lan nhận quyết định của Bộ Chính trị, về việc thôi giữ chức bí thư tỉnh Bắc Ninh và quyết định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, giao cho bà nắm quyền Bộ trưởng Bộ Y Tế.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan - Ảnh Chu Ngọc
Việc bà Lan nhậm chức lập tức gây xôn xao trong dư luận, không chỉ vì đúng như lời đồn đãi mà còn do bà là nhân vật - trước khi nhận nhiệm vụ mới - không gây chú ý lắm về tiếng tăm và đặc biệt bà không xuất thân với học vấn chuyên về ngành Y.
Một góc dư luận tỏ ra nghi ngờ về khả năng của bà Lan trong chức trách mới. Phần dư luận khác, ngợi ca bà với một số bài "văn vần" đọc lên nghe đậm mùi nịnh bợ, như một số nhân vật cao cấp của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thường nhậm chức.
Báo VTC phát hành [2] ngày 17/7/2022, có bài "4 thách thức với quyền Bộ trưởng Bộ Y tế" như sau :
1. Nhân viên y tế nghỉ việc do thu nhập thấp.
2. Thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
3. Tư tưởng chủ quan trong phòng, chống dịch Covid - 19.
4. Tốc độ tiêm vắc xin Covid mũi 3 và 4 chậm.
Ngoài ra, bài báo cho biết thêm, bà Đào Hồng Lan tự bạch : Bản thân không phải xuất phát từ ngành y, công việc đều rất mới. Nhưng trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và thay mặt 500 nghìn cán bộ, nhân viên ngành y tế, tôi sẽ nỗ lực phấn đấu hết mình, duy trì sự đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, sự tâm huyết của các thế hệ y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế ; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia của ngành để tham mưu, tổ chức thực hiện những giải pháp.
Bộ trưởng Bộ Y tế có 11 quyền hạn được quy định rõ [3]. Để trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế, phải có đủ 6 điều kiện :
- Là Đại biểu Quốc hội ;
- Là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ;
- Có quốc tịch Việt Nam ;
- Tốt nghiệp Thạc sĩ Y khoa hoặc Bác sĩ chuyên khoa 1 trở lên ;
- Đã phục vụ trong ngành từ 10 năm trở lên ;
- Có thể bắt buộc từng nắm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ hoặc phải là Ủy viên Trung ương Đảng.
Theo đó, bà Đào Hồng Lan không đủ điều kiện đề ra. Tuy nhiên, báo Dân Trí ra ngày 18/7/2022, có bài [4] "Làm Bộ trưởng có cần chuyên môn ?" của ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông được biết đến là chuyên gia về các vấn đề khoa học chính trị ; tham gia Nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 - phân tích "hiện tượng" làm bộ trưởng Bộ Y tế không nhất thiết phải có chuyên môn ngành Y.
Thắc mắc, nghi ngờ, ái ngại từ quần chúng xung quanh bà Đào Hồng Lan nhậm chức cao nhứt của một Bộ, được cho rằng, không thể thiếu chuyên môn là có thật. Người đời cũng dễ quen và thường thấy một Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải có chuyên ngành Kiến trúc hay Xây dựng, một Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phải là sĩ quan chuyên nghiệp, một Thống đốc Ngân hàng phải xuất thân từ các ngành Ngân hàng v.v...
Không chỉ riêng ngành Y tại Việt Nam, cho tới nay mới bày ra thực trạng khủng hoảng toàn diện về mọi mặt. Đơn cử, ngành giáo dục - không bao giờ hết đề tài để bàn luận, để cải cách, để đổi mới, để thất vọng, để hy vọng, để ngóng chờ và để tiếp tục... ca cẩm, từ ngay những thường dân.
Có thể nói, dịch bịnh gọi là Covid lan rộng toàn cầu đã "giúp" cho thực trạng ngành Y phơi bày gần như trọn vẹn những lạc hậu - thiếu thốn vốn đã được nỗ lực vượt thoát bấy lâu nhưng bất thành - Một nỗi bế tắc mang tính hệ thống - không riêng ngành Y - của chế độ độc đảng toàn trị tại Việt Nam, suốt 47 năm qua.
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - bị khởi tố và tạm giam vào ngày 7/6/2022 - vốn được biết là Giáo sư - Tiến sĩ Y Khoa. Ông Long bị khởi tố không phải vì vi phạm chuyên môn nghề nghiệp hay y đức hoặc ra những y lệnh gây hậu quả, với tư cách bác sĩ mà bởi vì "lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước" - Báo Lao Động ra ngày 30/6/2022 cho hay [5].
Ít nhứt 47 năm qua, từ khi chế độ độc đảng toàn trị phủ trùm trên mảnh đất hơn 330.000 cây số vuông, người Việt Nam đã quen dần với cách phân công nhân sự trong một mô hình vuông vức - khô cứng - không cần chương trình hành động để thuyết phục, để cạnh tranh, dù cho ở vị trí cao nhứt như Thủ tướng Chính phủ.
Cũng chẳng có trường đại học nào trên thế giới, đào tạo "chuyên ngành Thủ tướng" hay "chuyên ngành Tổng thống", "chuyên ngành Bộ trưởng". Các trường đại học trên thế giới hay tại xứ thiên đàng, chỉ có chuyên ngành "Chính trị học", chứ không có chuyên ngành "Chính trị gia". Nói điều này, để lý giải thêm về lập luận cho rằng, đứng đầu một Bộ phải có chuyên môn về chuyên ngành đó. Quả thật, không nhất thiết phải như vậy. Tại Mỹ, làm Tổng thống vẫn có thể xuất thân là một tài tử điện ảnh (cố Tổng thống Ronald Reagan), làm Bộ trưởng Quốc phòng từ một doanh nhân (ông McNamara), ông Xavier Becerra (đương kim Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh) vốn không phải học ngành Y. Tại Ukraine, Tổng thống Volodymyr Oleksandrovych Zelensky - vốn là một diễn viên hài chuyên nghiệp với những bước chân nhảy đầm điêu luyện v.v.
Người ta dễ lầm lẫn giữa khái niệm "chuyên môn" và "chính khách". Một Bộ trưởng hay Thủ tướng v.v. nên và phải được nhìn nhận trong tư cách một "chính khách", dù họ xuất thân từ đâu và trước đó làm gì đi chăng nữa. Vấn đề nằm ở chỗ, trong quá trình đương chức họ đã làm được gì mà rất có thể, một thời gian đủ dài mới tỏ rõ tài năng hay bất tài, kèm theo gây hại dài lâu cho quốc gia hay không.
Tuy nhiên, dù là chính khách tài ba hay bất tài, người Việt Nam không bao giờ có thể được nhìn thấy công khai để công tâm nhìn nhận một cách rõ ràng, bởi mô hình bộ máy toàn trị, cùng cách đưa ra những tiêu chuẩn chọn người luôn trong bóng tối của nội bộ cấp cao từ Bộ Chính trị - Nơi không hề thấy bất kỳ một vị nào tốt nghiệp ngành Y hay ngành Sư phạm nhưng họ vẫn cho "ra lò" những bộ trưởng của hai ngành (Y - Sư Phạm) vốn mang bộ mặt văn minh tới cỡ nào so với thế giới.
Sau mỗi kỳ đại hội đảng toàn quốc, mọi nhân sự luôn tốt đẹp, vẫn suôn sẻ và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn chọn ra đủ - đúng những "hiền tài" rất hoàn hảo, cho đến khi xảy ra sự thể, lập tức, tất cả bị quy cho do : "thoái hóa", "suy thoái", "không rèn luyện", "không giữ mình" v.v. rồi những nhân vật đó, từ bí thư thành ủy cho đến các bộ trưởng đều rớt mặt nạ đạo mạo - tài ba - hết lòng vì dân vì nước v.v. để đến nơi của họ phải đến, đó chính là "cái thùng rác" mang tên nhân dân, bằng quyết định khai trừ ra khỏi đảng.
Trở lại với 4 thách thức dành cho bà Đào Hồng Lan, giới quan sát thấy rõ, nó không hề mang tính chuyên môn gì cả. Bởi 4 thách thức đó hoàn toàn thuộc về "kỹ trị" cần có của một chính trị gia và rồi, người đời sẽ lại tiếp tục nghe khái niệm quen thuộc : "Cả hệ thống chính trị vào cuộc" mới có thể giải quyết, một mình bà Lan dù ba đầu sáu tay cũng không thể nào giải quyết cho nổi (!). Vì vậy, bà Lan sẽ không làm được gì, khi đối diện bốn thách thức nói trên, khi mà ngay cả đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định "Vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất". Ông Thủ tướng đâu có chút xíu gì chuyên môn mà vẫn quả quyết như "đinh đóng cột" đấy phỏng (?).
Bà Đào Hồng Lan thành công trong vai trò mới, đó là do "sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta". Nhược bằng, thất bại - đó là do khả năng của bà Lan quá yếu kém hoặc một lý do nào đại loại như vậy.
Nguyên tắc bất di bất dịch và đã được chỉ rõ trong cương lĩnh cùng điều lệ đảng : Lãnh đạo tập thể - cá nhân phụ trách. Đã tập thể lãnh đạo, dứt khoát không bao giờ sai. Cá nhân phụ trách thành công là nhờ "lãnh đạo tập thể", cá nhân thất bại là do lỗi của cá nhân đó - hằng số trong chế độ độc đảng toàn trị - nơi vốn không có tự do tư tưởng - nền móng cho tự do suy nghĩ và tự do sáng tạo - khởi đầu cho một xã hội tự do.
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 19/07/2022
Chú thích :
[1] https://vnexpress.net/ba-dao-hong-lan-lam-quyen-bo-truong-y-te-4487888.html
[2] https://vtc.vn/4-thach-thuc-voi-quyen-bo-truong-y-te-dao-hong-lan-ar688361.html
[4] https://dantri.com.vn/blog/lam-bo-truong-co-can-chuyen-mon-20220717201521568.htm
[5] https://laodong.vn/phap-luat/cuu-bo-truong-y-te-nguyen-thanh-long-bi-khoi-to-do-co-yeu-to-vu-loi-1062549.ldo
************************
Quy hoạch nhân sự và nghệ thuật nghi binh
Trân Văn, VOA, 18/07/2022
Ông Nguyễn Phú Trọng : "Phải chọn người đúng, chính xác chứ không vội vàng. Vì vội vàng đưa người nào đó kế tục ngay nếu không chín chắn thì lại chọn không chính xác, nhỡ tiêu cực thì sao".
Thủ tướng trao quyết định điều động bà Đào Hồng Lan, Bí thư tỉnh Phú Thọ, làm quyền Bộ trưởng Y tế
Tuần rồi, cả hệ thống truyền thông chính thức lẫn mạng xã hội cùng tập trung bàn luận về những nhân vật tuy cũ nhưng vừa được lựa chọn, sắp đặt vào các vị trí mới : BàĐào Hồng Lan - Bí thư tỉnh Phú Thọ, giờđảm nhận vai trò Quyền Bộ trưởng Y tế (1) vàông Trần Sĩ Thanh – Tổng Kiểm toán Nhà nước, giờđảm nhận vai trò Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và chắc chắn sẽđược Hội đồng nhân dân (Hội đồng nhân dân) thành phồ Hà Nội "bầu" làm Chủ tịch thành phố này (2).
Ông Trần Sĩ Thanh, Tổng Kiểm toán Nhà nước, giờđảm nhận vai trò Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội vàđược giới thiệu làm Chủ tịch thành phố này
Dù hi vọng hay nghi ngại, thiên hạ vẫn bị cuốn vào biển thông tin, nhận định về bà Lan – người mà trước nay, sự nghiệp cá nhân chỉ xoay quanh hoạt động đoàn thể và lĩnh vực lao động. Đảng cộng sản Việt Nam không thèm giải thích vì sao lại chọn một người thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm vềđặc điểm cũng như nhược điểm của lĩnh vực y tế tại Việt Nam để cải tổ, nâng cao hiệu quả hoạt động của một ngành tuy liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh nhưng đang khủng hoảng toàn diện như y tế.
Giống như vậy làông Thanh – nhân vật chỉ trong 16 năm được lựa chọn, bổ nhiệm 11 lần làm lãnh đạo đủ loại lĩnh vực (Phó Bí thư, Bí thư, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng nhân dân một số tỉnh. Một số ban của Ban chấp hành trung ương đảng như Ban Kinh tế, Ủy ban Kiểm tra. Kho bạc Quốc gia, Tập đoàn Dầu khí, Văn phòng Quốc hội. Kiểm toán Quốc gia) – và vì vậy một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam mới khái quát đó là người chẳng ngồi ở vị trí nào đủ lâu để có thể thấy hiệu quả từ khả năng quản trị, điều hành của ông !
Có một điểm cần lưu ý là bất kể thế nào thìđa số dân chúng cả tán thành lẫn phản đối việc lựa chọn, bổ nhiệm bà Lan, ông Thanh đã cùng quên cần truy vấn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức từng lựa chọn, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long làm Bộ trưởng Y tế vàông Chu Ngọc Anh làm Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch thành phố Hà Nội ! Trước đã thế và giờ cũng y hệt như vậy, sự chúý của người Việt vào trách nhiệm lựa chọn, bổ nhiệm sai gây hậu quả nghiêm trọng nhanh chóng bị pha loãng và lãng quên !
***
Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh sắp tổ chức miễn nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh của bàĐào Hồng Lan, bà Lan cũng sẽ thôi đảm nhận vai trò Trưởng Đoàn Đại biểu của dân chúng Bắc Ninh tại Quốc hội. Tương tự, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ sớm "bầu" ông Trần Sỹ Thanh làm Chủ tịch thành phố Hà Nội và nhân vật từng được dân chúng Lạng Sơn "bầu" làm đại biểu của họ tại Quốc hội sẽ tựđộng chuyển thành đại biểu của dân chúng Hà Nội tại Quốc hội mà không cần bận tâm dân Lạng Sơn muốn gì, dân Hà Nội nghĩ gì.
Ai cũng biết tại sao, thỉnh thoảng các cơ quan dân cử từđịa phương (Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân thành phố) đến trung ương (Quốc hội) vốn luôn cố gắng uốn éo để thể hiện chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân lại đột nhiên tạm ngưng biểu diễn, hối hả trút bỏ xiêm y ngay trên sân khấu chính trị, rùng rùng chuyển động theo các quyết định lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm từ giới lãnh đạo đảng song vẫn không ngừng khăng khăng khẳng định bảo vệ, bảo đảm "quyền làm chủ của nhân dân".
Tin bổ nhiệm bà Lan, ông Thanh đến cùng lúc với tin Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội phạt một người đàn ông 47 tuổi khoản tiền là 7,5 triệu đồng vì "dùng tài khoản mạng xã hội Facebook đăng tải nội dung sai sự thật về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu xem xét kỷ luật hai lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo Hà Nội…" (3). Người bị phạt không phải là người đầu tiên và duy nhất đăng tải "những nội dung chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm chứng" về sắp đặt nhân sựở thời điểm này.
Một phần tin đồn mới nhất về lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vừa được "cơ quan nhà nước có thẩm quyền" gián tiếp công nhận là hoàn toàn chính xác ! Đúng là bà Lan được chọn làm Quyền Bộ trưởng Y tế, ông Thanh được sắp xếp làm Chủ tịch thành phố Hà Nội. Nếu sắp tới, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng chính thức công bốđề nghị lãnh đạo đảng kỷ luật"hai lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo Hà Nội" như tin đãđồn, rồi có sự hoán chuyển nhân sựđảm nhiệm vai trò Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư hai tỉnh Hòa Bình và Quảng Ninh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, thìđó chính là một thứ nỗ lực củng cố chứng cứ nhằm tiếp tục chứng minh, nhận thức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền "của dân, do dân, vì dân" về quyền "được biết, được bàn" của dân thua xa những cá nhân tung tin đồn (4). Không có"dân chủ xã hội chủ nghĩa" làm gì có chuyện tin đồn vừa định hướng dư luận, vừa mởđường cho các hành động chính thức !
***
Hội đồng xét xử sơ thẩm vụán"buôn lậu", "nhận hối lộ", "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" liên quan đến hai viên thiếu tướng và hàng chục sĩ quan cấp tá của Cảnh sát biển, Biên phòng, vừa tuyên phạt ông Nguyễn Thế Anh tù chung thân (5). Viên Đại tá, từng là Cục phó Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng kiêm Phó Văn phòng Ban Chỉđạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quốc gia, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang từng được chọn để giới thiệu cho dân chúng Kiên Giang"bầu" làm một trong những người đại diện họ tại Quốc hội. Sát ngày bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố quyết định cho phép hai ứng cử viên Nguyễn Quang Tuấn và Nguyễn Thế Anh đổi ý, không ứng cử vì"lý do cá nhân" và "lý do sức khỏe". Vào thời điểm đó (cuối tháng 5 năm 2021), Hội đồng Bầu cử quốc gia phủ nhận tin đồn một vừa bị bắt, một sắp bị bắt, thậm chí nhấn mạnh cả hai cùng "tự nguyện rút lui chứ không phải b ị xóa tên khỏi danh sách ứng cử viên" (6).
Sau đó, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bi khởi tố rồi bị tống giam do "vi phạm quy định vềđấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" (dính dáng đến chuyện thổi giá mua sắm trang bị, thiết bị khi còn làm Giám đốc Viện Tim, gây thiệt hại 40 tỉ). Còn ông Nguyễn Thế Anh thì nhận hối lộ 6,2 tỉ và 560.000 Mỹ kim để giúp đỡ buôn lậu khoảng 198 triệu lít xăng, trị giá khoảng 2.900 tỉđồng. Không khóđoán tại sao Hội đồng Bầu cử quốc gia lại che đậy sai phạm của ông Tuấn, ông Anh, sắp xếp để cả hai tự nguyện rút lui khỏi cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua. Sở dĩ Hội đồng Bầu cử quốc gia dứt khoát không xóa tên hai ông khỏi danh sách ứng cử viên chính thức vì xưa nay, đảng cộng sản Việt Nam buộc dân chúng phải chấp nhận, những cá nhân màđảng lựa chọn, đặt vào các cơ quan dân cử thông qua "hiệp thương" đều "ưu tú, tiêu biểu" ! Tất cả những hoạt động liên quan đến bầu cử luôn luôn "khách quan, công tâm, trách nhiệm, đúng quy trình, đúng pháp luật". Việc không xóa tên ứng cử viên nào chỉ nhằm giúp hoạt đông bầu cử tiếp tục "thành công tốt đẹp" !
Bao nhiêu người còn nhớông Nguyễn Quang Tuấn, ông Nguyễn Thế Anh suýt nữa trở thành một trong những người đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của họ tại "cơ quan quyền lực cao nhất của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ? Chắc là không nhiều dùđã có không ít trường hợp giống hệt như vậy ! Đâu phải tự nhiên mà sau khi có thêm những Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn thản nhiên tuyên bố :Phải chọn người đúng, chính xác chứ không vội vàng. Vì vội vàng đưa người nào đó kế tục ngay nếu không chín chắn thì lại chọn không chính xác, nhỡ tiêu cực thì sao(7). Cứ như làông vàđảng của ông không những vô can mà vẫn còn có tư cách nắm giữ quyền lựa chọn thay cả trăm triệu người Việt ! Trong chuyện nhân sự của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, nên nhìn vào từng cá nhân cụ thểđể luận bàn đương sự có xứng không hay phải chúýđến cả thể chế ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/07/2022
Chú thích
(1) https://laodong.vn/infographic/tieu-su-ba-dao-hong-lan-tan-quyen-bo-truong-bo-y-te-1068565.ldo
(4) https://baotiengdan.com/2022/07/15/rung-dong-cung-dinh-cong-san/
(7) https://vnexpress.net/tong-bi-thu-khong-voi-vang-chon-chu-tich-ha-noi-bo-truong-y-te-4479358.html