Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/07/2022

Việt – Lào : Giấu những giọt nước mắt sau mỗi cái ôm hôn vĩ đại

Trần Việt Trung

Sáng 18/7/2022, Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022), 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt – Lào (18/7/1977-18/7/2022) được tổ chức trọng thể, vào cùng một thời điểm, tại các thủ đô Hà Nội và Vientiane. Đằng sau mỗi cái ôm hôn vĩ đại trên sân khấu là những giọt nước mắt cay đắng và bất lực trong lòng người. Đó là "trạng thái" rất thực những ngày này, khi cả Lào lẫn Việt Nam cùng nhau nhắc lại các cột mốc lịch sử trong những mối lo thế kỷ.

vietlao1

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (trái) bắt tay Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội hôm 13/9/2018 - Reuters

Lào đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính ngày càng gia tăng và không lối thoát, nếu không có một số hình thức cứu trợ hoặc xóa nợ đặc biệt. Nhiều biển cảnh báo khác nhau đang nhấp nháy màu đỏ ở đất nước Đông Nam Á nhỏ bé này. Đồng tiền quốc gia, đồng kip, đã mất khoảng một phần ba giá trị trước đồng đô la Mỹ, so với thời điểm này năm ngoái. Lạm phát đạt 23% trong tháng 6/2022, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, phần lớn đất nước không giáp biển này đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, xăng dầu. Cả Lào lẫn Việt Nam trên thực tế đã/đang hết sức bối rối và cố giấu sự thật, nhưng cuối cùng Lào buộc phải công bố một cuộc cải tổ nội các vào cuối tháng 6 vừa qua, thay thế một Bộ trưởng Thương mại và Thống đốc Ngân hàng Trung ương trong chính phủ. Một số biện pháp khẩn cấp cũng đã được ban hành khiến một số vấn đề kinh tế – xã hội càng trở nên tồi tệ hơn (1).

Họa phúc phải đâu một buổi

Vì sao Lào rơi vào tình cảnh éo le nói trên ? Một trong những nguyên nhân dễ thấy nhất là đất nước bảy triệu dân này đã "vung tay quá trán" với các dự án 100 con đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Lẽ ra xây một con đập thôi, rồi xem nó kinh doanh như nào, có trả được nợ hay không sau đó mới tính tiếp. Đằng này, Lào xây 100 con đập gần như cùng một lúc (Hiện tại còn 18 đập đang xây dở). Chưa trả nợ xong đập thứ nhất thì nợ của các con đập tiếp theo ập đến. Cứ như thế, ngân sách nào mà đỡ nổi. Rồi đất nước triệu voi lại xây cả đường sắt 5,9 tỷ đô. Quy mô nền kinh tế của cả nước Lào chỉ xấp xỉ 20 tỷ đô mà chơi cái dự án khủng thế thì quả là quá sức. Nhớ lại Việt Nam trước đây cũng đã có lúc, quy mô GDP cả nước chỉ xấp xỉ 120 tỷ, nhưng Bộ Giao thông & Vận tải lại trình dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam với số vốn dự kiến là 61 tỷ đô. Nếu lúc ấy, dư luận không la lối om sòm đòi dừng thì Việt Nam giờ này chắc chắn đang ngụp lặn trong đống nợ. Đây là bài học cho những ai xem tiền vay quốc tế là vỏ hến.

Trong những ngày này dư luận luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi. Tại sao Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như các định chế tài chính quốc tế khác không giang tay "cứu" Lào khỏi nguy cơ "đuối nước" ? Phải chăng, vì từ mười năm trở lại đây, Lào đã trở thành đầu cầu ngày càng quan trọng trong "Sáng kiến Vành đai Con đường" (Belt and Road Initiative - BRI) của Bắc Kinh ? Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng khoảng 16 tỷ đô la vào Lào kể từ năm 1989, theo một tuyên bố gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào. Các dự án BRI của Trung Quốc tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng chỉ ở mức độ có thể kiểm soát. Dòng đầu tư tiếp tục của Trung Quốc và mối quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa Trung Quốc với Lào đã mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng mọi mặt của Bắc Kinh trong khu vực, định hình một trật tự kinh tế với Trung Quốc là trung tâm (2).

Từ lâu, Việt Nam ngày càng lo ngại về những diễn biến trên các đoạn sông Mekong chung của Trung Quốc và Lào, đặc biệt là khi việc xây đập quy mô lớn ở thượng nguồn, gây ra những rủi ro tiềm tàng đối với các ngành công nghiệp ven sông của Việt Nam. Hạn hán đang trở nên phổ biến hơn và Hà Nội lo ngại rằng, việc Lào và Trung Quốc xây dựng hàng trăm đập thủy điện có thể hủy hoại ngành đánh cá của Việt Nam, cũng như tàn phá ngành nông nghiệp của nước này. Nhưng Việt Nam và Thái Lan, một đồng minh lịch sử khác của Lào, cho đến nay vẫn chưa thuyết phục được chính quyền Vientiane xem xét lại tác động của Lào đối với sông Mekong. Các nhà phân tích cho rằng, Hà Nội có thể sớm mất toàn bộ ảnh hưởng đối với Vientiane, vì Bắc Kinh không chỉ trở thành đối tác tin cậy nhất của Lào, mà các công ty Trung Quốc còn chính thức trở thành các ông chủ đối với các tài sản chiến lược trên đất nước Lào (3).

Báo chí ở Việt Nam bị kiểm soát ngặt nghèo bởi bộ máy kiểm duyệt của Đảng Cộng sản, nơi mà các tờ báo phải họp với cơ quan Tuyên giáo hàng tuần để nhận chỉ đạo về việc đưa tin. Điều này dấy lên nghi vấn về việc chính quyền Việt Nam cố tình ém nhẹm tin tức tiêu cực ở đất nước đồng minh. Trao đổi với Đài RFA, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, có thể có hai lý do để phía Việt Nam tránh đưa tin về tình trạng ở quốc gia láng giềng. Lý do thứ nhất mà vị giáo sư người Úc đưa ra, đó là vì chính quyền Việt Nam không muốn tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận về nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Lào, vì như vậy sẽ khó tránh khỏi việc quy trách nhiệm cho Tầu và Nga. Còn nguyên do thứ hai của việc chính quyền giới hạn việc đưa tin về cuộc khủng hoảng, theo Giáo sư Thayer là vì Đảng cộng sản Việt Nam không muốn cho người dân biết về sự thất bại ở một quốc gia cộng sản khác (4).

vietlao2

Lễ phát động năm hữu nghị Lào Việt ở Hà Nội hôm 8/1/2022. Hình : Đảng Cộng sản Việt Nam

Trung Quốc có quyết định cứu Lào ?

Vientiane vẫn hy vọng vào một gói cứu trợ, vì chủ nợ chính của họ là Trung Quốc. Bắc Kinh chắc chắn sẽ chịu thiệt hại về mặt địa-chính trị nếu để Lào vỡ nợ sớm như vậy. WB đã báo cáo từ đầu năm nay rằng, trong số 35 tỷ đô la mà 74 quốc gia có thu nhập thấp nhất thế giới nợ trong các khoản thanh toán dịch vụ nợ trong năm nay, thì có gần 13,1 tỷ đô la Mỹ là nợ các thực thể Trung Quốc. "Có vẻ như Trung Quốc sẽ không để cho Lào vỡ nợ, Bắc Kinh trong suốt đại dịch đã miễn cưỡng cứu trợ cho các con nợ của thế giới đang phát triển", theo Charles Dunst, một cộng sự từ The Asia Group, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC. Trong khi đó, báo "Liên hợp Buổi sáng" ngày 16/7, ước tính, đến năm 2030, số lượng các trạm thủy điện của Lào sẽ lên đến 100, sản lượng điện có thể đạt 28.000 MW, trong đó 20.000 MW dùng để xuất khẩu. Tuy nhiên, theo chuyên gia Sadaqat Huda từ Viện Nghiên cứu ISEAS-Yosof Ishak, "cục pin Đông Nam Á" có phần khoa trương, dù không thể phủ nhận Lào đã trở thành nước xuất khẩu năng lượng chủ yếu ở Đông Nam Á (TTXVN, số 157-TTX, ngày 19/7/2022).

Từ năm ngoái, Vientiane hầu như không hoàn thành việc trả nợ hàng năm. Hiện nước này phải dùng đến 1,3 tỷ đô la mỗi năm cho đến năm 2025 để trả nợ. Nó cũng tương đương với gần một nửa tổng doanh thu nội địa mỗi năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Bounchom Ubonpaseuth cho biết vào tháng trước rằng mức chi trả nợ của quốc gia sẽ vào khoảng 1,4 tỷ đô la trong năm nay. Thủ tướng Phankham Viphavanh đã nói rằng việc thắt lưng buộc bụng, tăng thu ngân sách và trấn áp tham nhũng sẽ giúp giảm bớt căng thẳng kinh tế và tài chính. Tuy nhiên, những điều này vốn đã được hứa hẹn bởi người tiền nhiệm của ông, nhưng tình hình từ bấy đến nay vẫn chưa được cải thiện là mấy. Và những thay đổi có thể đến quá chậm để giúp trả nợ trong năm nay. Thị trường lo ngại về khả năng vỡ nợ. Fitch Ratings, một tổ chức xếp hạng tín dụng, đã hạ mức của Lào xuống "CCC" vào tháng 8 năm ngoái. Tháng trước, Moody’s đã xếp hạng Lào là "CAA3", hay còn gọi là tình trạng vỡ nợ, và cảnh báo "gánh nặng nợ rất cao và không đủ khả năng bảo hiểm các khoản nợ nước ngoài đến hạn bằng dự trữ".

Theo giới phân tích, "bẫy nợ" đối với Lào cũng đồng nghĩa với "bẫy nợ" đối với Trung Quốc với tư cách là người cho vay. Nếu một pháp nhân Trung Quốc sở hữu một tài sản quan trọng của Lào thay cho việc trả nợ, thì nó cũng phải gánh chịu những phần không hoạt động của tài sản đó. Khi doanh nghiệp nhà nước China Southern Power Grid nắm cổ phần kiểm soát lưới điện quốc gia của Lào vào năm ngoái, nó cũng gánh vác một số trách nhiệm nợ của đối tác địa phương, công ty nhà nước Electricite du Laos, có vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD trong các khoản nợ tồn đọng. Nếu Lào vỡ nợ, nó sẽ đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác muốn nhanh chóng hiện đại hóa nhờ những khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc. Với vị trí trung tâm của Lào trong BRI của Trung Quốc và biểu hiện phô trương quanh tuyến đường sắt cao tốc Boten-Vientiane, thì bất kỳ sự chú ý nào về khoản nợ nào của Lào cũng phải phần nào đó nhắm vào Trung Quốc (5).

*

Việc Trung Quốc chứ không phải Việt Nam ra tay cứu Lào đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy mới trong bang giao Lào – Việt. Suốt những ngày qua, "bội thực" vì những cuộc mít-tinh và các bài diễn văn dài "qua khổ" ở thủ đô mỗi nước, điều đập vào mắt khán giả truyền hình là không hề thấy một nét cười nào trên các khuôn mặt buồn rười rượi của các đồng chí Lào sang dự mít-tinh, trao và nhận các Huân chương mà lãnh đạo mỗi bên dành cho nhau. Vẫn biết Lào là phên dậu hết sức quan trọng, song Việt Nam giờ mà nhảy xuống "cơn sóng dữ" để cứu bạn, thì có khi mình cũng bị chìm luôn. Kể từ khi sự hiện diện của Trung Quốc ở Lào tăng tốc, đã có những bất đồng giữa Lào và Việt Nam. Lào muốn phấn đấu để trở thành "bình điện của Châu Á" bằng hàng loạt dự án thủy điện dọc sông Mekong, mà phần lớn được tài trợ thông qua các khoản vay của Trung Quốc. Việt Nam đã lên tiếng phản đối các đập này để bảo vệ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội cũng háo hức đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN, trong khi Lào không quan tâm đến chủ đề này vì sợ làm mất lòng người chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc.

Trần Việt Trung

Nguồn : RFA, 22/07/2022

Tham khảo : 

1. https://www.youtube.com/watch ?v=TeyA-4o6IFE&ab_channel=Nh%C3%A2nVi%E1%BB%87tTV

2. https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/iseas-perspective/2021-99-bri-projects-in-cambodia-and-laos-roll-on-despite-covid-19-by-vannarith-chheang/

3. https://www.voatiengviet.com/a/viet-mien-lao-than-thieng-nho-bo-ha/6253283.html

4. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-state-medias-avoid-reporting-the-crisis-in-laos-06232022081151.html

5. https://asiatimes.com/2022/07/why-china-cant-let-laos-default/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Việt Trung
Read 414 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)