Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/07/2022

Vai trò của thẩm phán và luật sư trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai

Nguyễn Văn Tuấn - Nguyễn Ngọc Già - Viết từ Sài Gòn

Những khuyết tật qua một phiên tòa dị kì

Nguyễn Văn Tuấn, VNTB, 25/07/2022

Không thể nào tưởng tượng một phiên tòa vào thế kỉ 21 ở một nước có truyền thống văn hiến lâu đời mà hành xử thô thiển và thô bạo như thế.

bonglai1

Người ta không ngạc nhiên với bản án là vì hầu như tất cả các bản án ở Việt Nam được xử theo điều luật 331 đều đã được định trước. Ảnh minh họa ông Lê Tùng Vân trong phiên xử

Những ai từng theo dõi nền tư pháp Việt Nam không thấy ngạc nhiên với bản án dành cho Thiền Am hôm 21/7/2022. Nhưng diễn biến của vụ án và phiên tòa cho thấy nhiều khuyết tật trong xã hội ngày nay. Ở đây, tôi chỉ nêu 8 khuyết tật liên quan đến thiết chế và văn hóa xã hội.

Người ta không ngạc nhiên với bản án là vì hầu như tất cả các bản án ở Việt Nam được xử theo điều luật 331 đều đã được định trước. Tất cả 6 người trong Thiền Am bị kết tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Đó là một tội danh mà các cơ quan nhân quyền quốc tế nhận xét là ‘rất mơ hồ’, hiểu theo nghĩa muốn kết tội ai cũng được.

Trong quá khứ nhiều người bất đồng chánh kiến đã bị giam cầm vì tội danh này. Ngay từ đầu, người ta dồn tổng lực từ an ninh, kiểm sát, tòa án, dư luận viên đến báo chí hạ nhục Thiền Am. Những lần ‘ra quân’ bức hại những người trong Thiền Am còn hơn cả ra quân chống khủng bố chưa làm người ta hết ngạc nhiên thì những vi phạm luật pháp của những con người kền kền đẩy tình hình lên một điểm cao mới. Những động thái đó cho thấy nhà cầm quyền quyết chí triệt tiêu một nhóm người tu tại gia và nuôi trẻ mồ côi. Phiên tòa chỉ là một qui trình có tổ chức để thực hiện mục tiêu tiêu diệt đó mà thôi.

Nhìn lại toàn cảnh vụ án và phiên tòa, tôi thấy nhiều ‘khuyết tật’ của nền tư pháp Việt Nam. Đó là những khuyết tật vừa mang tính thiết chế, vừa mang tính văn hóa xã hội. Chỉ xin nêu 8 khuyết tật nổi cộm như sau :

1.  Khuyết tật lớn nhứt là thiếu sự độc lập giữa lập pháp, hành pháp, và tư pháp

Ngay từ giữa tháng 1/2022, trước khi đưa ra bất cứ cáo buộc nào, thì công an đã bắt giam 3 người trong Thiền Am. Điều đáng nói là một viên công an của tỉnh Long An tuyên bố rằng "Chúng tôi đang làm việc với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh để thống nhất các sai phạm của ông Lê Tùng Vân và người liên quan".

Có lẽ nhiều người ở Việt Nam, nhứt là giới dư luận viên, thấy sự thông đồng đó là bình thường vì họ đã sống trong một môi trường như vậy qúa lâu. Họ không thấy rằng đó là một khuyết tật chí mạng, bởi vì nếu ba thiết chế đó (lập pháp, hành pháp, và tư pháp) không độc lập thì làm sao có công lí, nhứt là công lí cho người ‘thấp cổ bé họng’. Sự thật xảy ra trước mắt ở ThiềnAm không phải là lần đầu, và chắc chắn sẽ còn xảy ra trong tương lai.

2.  Khuyết tật về hình sự hóa một câu thành ngữ

Ai cũng biết câu ‘Ngu như bò’ chỉ là một cách nói về một hành vi kém cỏi hay ngu xuẩn. Đó là một câu thành ngữ rất phổ biến trong dân gian, phổ biến đến độ nói được dùng như là một câu nói đùa cho vui. Ấy vậy mà trong vụ án này, câu nói đó được một ông tu sĩ Phật giáo nâng tầm lên "xúc phạm" và vác đơn kiện mấy người trong Thiền Am ra tòa. Và, ông ấy đã thành công đưa 6 người trong Thiền Am vào tù với tổng số năm tù tội là 23 năm 6 tháng. Không có nơi nào trên thế giới mà người ta đi tù vì câu thành ngữ đó. Chỉ có Việt Nam mới có khả năng tạo ra một tiền lệ như vậy.

Phải nói đây là một tiền lệ mang tính lịch sử.

3.  Khuyết tật về chứng cớ

Các luật sư đại diện Thiền Am phát hiện một video được dùng để cáo buộc họ lại xuất phát từ một kênh youtube giả mạo những người trong Thiền Am. Kênh youtube này, theo cộng đồng mạng phát hiện, chỉ được lập ra để nói xấu Thiền Am và chỉ đăng được 3 cái video! Ấy vậy mà một video như thế được dùng làm bằng chứng để cáo buộc mấy người trong Thiền Am!

Thật ra, còn nhiều khuất tất khác về chứng cớ mà các luật sư đã nêu, nhưng tòa án lờ đi những sai phạm đó!

4.  Khuyết tật về trình độ của nhân viên tư pháp

Bất cứ ai chỉ cần nghe qua những câu hỏi và phát biểu trong phiên tòa sẽ thấy ngay một khuyết tật liên quan đến trình độ văn hóa và kiến văn của các thẩm phán, và cả người "chủ toạ" phiên tòa. Kiến văn của họ thấp đến độ kinh ngạc!

Phiên tòa chỉ xét xử điều luật 331 đối với 6 người trong Thiền Am, chẳng có liên quan gì đến tôn giáo cả. Ấy vậy mà viên chủ tọa bỏ ra khá nhiều thời gian để hỏi những câu liên quan đến tôn giáo như :

"Ai đặt pháp danh cho bị cáo là Thích Tâm Đức"

"Lí do vì sao những người trong hộ Cao Thị Cúc mặc áo màu nâu mà bị cáo lại không đăng kí sinh hoạt tôn giáo".

Viên chủ tọa phiên tòa trích từ một câu nói của ông Lê Tùng Vân rằng :

"…đạo Phật chỉ khuyên người ta đừng làm ác và nếu người ta làm ác thì không có cái luật nào để trị tội người làm ác đó… trong tâm hai ngài đừng suy nghĩ đây là tôn giáo, đây là pháp luật ; bỏ cái tôn giáo, bỏ cái luật pháp đó qua một bên đi…".

Nhưng vấn đề ở đây là anh ta trích một cách không đầy đủ và có ác ý. Ông Lê Tùng Vân đã nhân dịp này giảng một bài cho ông chủ tọa biết thế nào là trích dẫn và học thuật [1].

Thử tưởng tượng một người kém về văn hóa, kém về kiến văn, kém cả về học thuật như thế mà lại làm chủ tọa phiên tòa !

Cái khuyết tật về trình độ còn thể hiện qua phía luật sư đại diện cho phe ‘bị hại’. Các bạn thử tưởng tượng luật sư gì mà nói và viết không rành ; luật sư gì mà thốt ra câu nào là người ta ngỡ ngàng câu đó. Chẳng hạn như có luật sư đặt câu hỏi :

"Nếu như bây giờ tôi nói Chúa ngu như bò thì các ông thấy sao ?" làm cho các luật sư của Thiền Am ngỡ ngàng và… cười ha hả. Nếu Chúa Jesus sống lại và nghe câu này chắc ngài cũng ngỡ ngàng. Một câu hỏi không chỉ quá ư là kém cỏi trí tuệ mà còn thể hiện một fallacy (ngụy biện) hết sức căn bản. Ấy vậy mà người này là luật sư ! Không thể tưởng tượng nổi trình độ của luật sư mà thê thảm như thế.

5. Khuyết tật của truyền thông nhà nước

Trong hơn 3 năm trời, hệ thống truyền thông nhà nước bịa đặt hay vặn vẹo thông tin để bôi nhọ và hạ nhục những người trong Thiền Am, đặc biệt là ông Lê Tùng Vân. Tất cả những thủ thuật misinformation (tin giả vô ý), disinformation (tin giả ác ý), và malinformation (tin độc) đều được tung ra với cường độ chỉ có thể nói là kinh hoàng.

Có thể nói rằng việc ngụy tạo và phát tán thông tin về loạn luân là một hành vi thâm hiểm nhứt, độc ác nhứt, và trắng trợn nhứt. Thâm hiểm là vì nó được bịa đặt ra để làm cho công chúng kinh tởm Thiền Am, và qua đó cô lập hóa họ. Độc ác nhứt là vì thông tin đó giống như một sự ám sát những trẻ em trong Thiền Am. Trắng trợn nhứt là vì nó không có bất cứ một cơ sở khả tín nào (ngoại sự ngụy tạo thông tin).

Ngay cả trước và sau phiên tòa, họ vẫn không có khả năng viết những bản tin khách quan và công tâm, mà vẫn là những câu chữ gieo nghi ngờ, thậm chí sai lệch về những câu phát biểu trong tòa. Thật khó tưởng tượng được báo chí gì mà ác độc như thế.

6. Khuyết tật về đạo đức xã hội

Vụ án Thiền Am là một ‘phiên tòa mạng xã hội’ mà trong đó đóng vai quan tòa là hàng ngàn người sử dụng Youtube và Facebook. Những người này ngày đêm phát tán những thông tin do họ tưởng tượng hay bịa đặt ra, rồi từ đó tha hồ đưa ra những kết tội mà họ muốn những người trong Thiền Am phải phạm tội. Họ tưởng tượng ra những vụ án rùng rợn để kích động trí tò mò của người xem, và từ đó có thu nhập.

Có vài người khoe rằng họ làm giàu nhờ nói xấu Thiền Am ! Có thể nói không ngoa rằng những kẻ dã tâm này đã làm tiền trên máu và nước mắt của Thiền Am. Và, điều quái đản nhứt là họ tự hào bằng cách kiếm tiền như thế ! Xã hội gì đã tạo nên những con người với những khyết tật đạo đức như thế.

Vụ án còn cho thấy một số người trong công quyền đánh mất tánh người. Họ thóa mạ người của Thiền Am là "lũ bay sống bầy đàn", là "đồ hỗn tạp". Những câu nói đó chẳng khác gì những sĩ quan Nazi nói với người Do Thái trước đây. Cái khuyết tật lớn nhứt là họ không có khả năng nhìn sự vật bằng cái nhìn của người khác, họ không có khả năng cảm nhận nỗi đau của người khác, và chính vì yếu tố này đã biến họ thành những người rất khác biệt : thiếu tánh người.

Vụ án còn biểu hiện một xã hội có phản ứng theo kiểu bầy đàn và bạo lực. Những kẻ dễ dãi trong suy nghĩ đã bị truyền thông nhà nước dẫn dắt và tự biến họ thành những con người ác độc đối với Thiền Am.

Quái gở một điều là có những người xem mặt mũi không đến nỗi tệ mà đòi xét nghiệm DNA để loại trừ tội loạn luân. Cái khuyết tật của mấy người này là ngụy biện có tên là "Burden of Proof". Kẻ phạm lỗi ngụy biện này vu cáo người ta, rồi bảo người ta chứng minh rằng họ vô tội ! Đó là một ngụy biện thô thiển mà kẻ có học không thể nào phạm phải, nhưng trong vụ án Thiền Am thì rất nhiều người, kể cả người khoác áo ngành y, phạm phải. Vấn đề giáo dục.

Một số người sống và hành xử như những con kền kền đột nhiên nhảy tót lên bàn nghị luận xã hội và xâm nhập vào những nơi tôn nghiêm như pháp đình. Xã hội gì mà loạn chuẩn đến độ những cặn bã xã hội có khả năng đặt ra phán xét người đàng hoàng, hay loại ‘cóc nhái nhảy lên làm người’ như thế ?

7. Khuyết tật về văn hóa đàn áp

Theo dõi diễn biến trong phiên tòa làm cho người ta nhớ phiên tòa liên quan đến Linh mục Nguyễn Văn Lý năm xưa. Dạo đó, khi Linh mục Lý ra tòa, ông phát biểu một câu mà có lẽ nhà cầm quyền (hay tòa án ?) không muốn nghe, và thế là một viên an ninh bịt miệng ông một cách thô bạo. Tôi còn nhớ bức hình Linh mục Lý bị bịt miệng được truyền khi khắp thế giới, và ở bên Mĩ người ta còn cho dán bít chương trên xa lộ !

Tưởng rằng cái văn hóa đàn áp đó là quá khứ, nhưng ai ngờ đâu nó lại được áp dụng cho phiên tòa Thiền Am vừa qua nhưng với một phương tiện khác. Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, "Các phóng viên phản ánh : ‘khi luật sư Thiền Am phát biểu, âm thanh kịp thời rọt rẹt. Còn những người khác nói, nghe rất rõ. Một phiên tòa qua loa". Ngoài ra, khi ông Lê Tùng Vân nói đến phần "xuyên tạc công an huyện Đức Hòa" thì video chỉ còn hình ảnh ! Tương tự, nhiều câu nói của bị cáo cũng bị ‘tắt tiếng’ một cách trắng trợn như thế.

Không thể nào tưởng tượng một phiên tòa vào thế kỉ 21 ở một nước có truyền thống văn hiến lâu đời mà hành xử thô thiển và thô bạo như thế.

8. Khuyết tật trong Giáo hội Phật giáo

Qua vụ án này, công chúng trong và ngoài nước chú ý đến một nhân vật trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất đình đám : Thượng tọa Thích Nhật Từ. Ông này được những người ủng hộ xem là một bậc "chân tu", nhưng những hành vi của ông thì không nhứt quán với phẩm hạnh của một bậc chân tu. Ông có vẻ không ưa Công giáo và đã nhiều lần xúc xiểm đạo Công giáo, thậm chí xúc xiểm cả Đức Giáo Hoàng ! Luật sư Sỹ cho rằng thái độ đó của ông Thích Nhật Từ là "gần như là phá sản" và "không thể chấp nhận được".

Ông là người đã tung tin rằng có hiện tượng loạn luân trong Thiền Am. Với vị thế lãnh đạo của ông trong Giáo hội, ông đã tạo nên một cơn bão truyền thông hạ nhục Thiền Am và ông cụ Lê Tùng Vân. Báo chí nhà nước và hàng ngàn người dùng mạng xã hội trích dẫn lời nói của ông, và họ tiếp tục vu khống loạn luân trong Thiền Am.

Nhưng các luật sư khẳng định những phát biểu đó của ông Thích Nhật Từ là hoàn toàn là bịa đặt, vì Thiền Am không hề phạm tội loạn luân. Theo cách lí giải của các luật sư, những gì ông ấy xúc phạm những người trong Thiền Am thì còn gấp 100 hay 1000 lần câu nói ‘Ngu như bò’ của ông Lê Tùng Vân.

Các luật sư của Thiền Am nhận xét rằng "hành vi bịa đặt về tội loạn luân đó là một tội ác cần phải trừng trị". Ấy vậy mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam im lặng trước tội ác đó. Phải xem sự im lặng của Giáo hội là một khuyết tật vậy.

***

Có thể thêm một khuyết tật khác nữa : giáo dục. Bởi một nền giáo dục đàng hoàng không thể nào cho ra những luật sư, thẩm phán hay quan tòa kém kiến thức và thiếu học thức như thế. Ở nước ngoài, luật sư là nghề được xã hội quí trọng, bởi họ có khả năng học thuật tốt ngay từ bậc trung học, và họ phải qua một thời gian dài được tôi luyện trong môi trường đại học và sau đại học. Họ là nhóm có khả năng lãnh đạo quốc gia, và họ là tấm gương cho xã hội. Nhưng ở Việt Nam thì theo lịch sử Trần Đình Triển [2] :

"Cách đào tạo luật sư ở Việt Nam hiện chưa thể tương xứng với điều kiện và không thể hành nghề tốt được nếu theo như cách đào tạo của Việt Nam hiện giờ".

Luật sư Triển nói thêm tình trạng án bỏ túi ở Việt Nam như sau :

"Trong luật pháp Việt Nam cũng nói là hội đồng xét xử và thẩm phán độc lập xét xử chỉ tuân theo pháp luật, và mọi chứng cứ chỉ đánh giá tại phiên tòa. Tôi cho là tất cả những điều đó tại Việt Nam chỉ đang là lí luận, chứ trong thực tiễn chưa bảo đảm được tính độc lập của thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Khi luật sư đưa ra những lập luận, những tài liệu luật pháp thích hợp thì thẩm phán họ "mặc", bởi vì hình như họ đã quyết định bản án ở đâu đó rồi. Thực tiễn nó như vậy. Thành ra việc tổ chức phiên tòa mang tính chất hình thức. Chứ thực ra bản án người ta đã có trong túi rồi".

Những khuyết tật trong vụ án, những sai phạm về tố tụng, cùng những lời kêu oan của bị cáo đã được gởi cho các vị có vai trò lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội, thậm chỉ cả cấp trung ương đảng. Chắc chắn là các vị ấy đã biết đến vụ án, nhưng họ đã làm gì thì chẳng ai biết. Họ có hồi đáp luật sư hay là những lời tường trình của luật sư và của nạn nhân đều rơi vào không khí. Dù sao thì các vị ấy không thể nói "Chúng tôi không biết" hay "Chẳng liên quan gì đến chúng tôi". Công chúng đang chờ một tiếng nói của các vị ấy.

Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn : VNTB, 25/07/2022

Chú thích :

[1] Nguyên văn của ông Lê Tùng Vân nói là :  

"Vậy chứ ngày ngày xưa Đức Phật hành đạo như thế nào ? Có phải rằng Đức Phật không có làm cái gì sai trái. Ngài nhớ xưa Đức Phật không hề ăn trộm, không hề ăn cướp, không hề giết người. Tức là gì ? Tức là Đức Phật tuân theo luật pháp. Ngài về lại trần gian ngài phổ biến : Tất cả tuân theo luật pháp. Các ngài phải ý thức được tầm quan trọng của luật pháp. Luật pháp thì bắt buộc con người ta không được làm ác ; làm ác là phải bị tội, bị trừng phạt. Còn các ngài thấy đấy, đạo pháp chỉ khuyên người ta đừng làm ác, và nếu người ta có làm ác cũng hổng có luật nào để trị tội người làm ác đó.

[…]

Vậy thì hai bên, bên nào mạnh, bên nào yếu, cái nào bắt buộc hơn, cái nào quyết chí hơn Có phải là sự bắt buộc và quyết chí không ? Còn cái lời khuyên ? Khuyên thì người ta có thể nghe theo, hoặc là người ta có thể không nghe theo. Cho nên hai ngài hãy nên nhớ kĩ điều đó. Trong tâm hai ngài đừng suy nghĩ đây là tôn giáo, đây là luật pháp. Bỏ cái tôn giáo, bỏ luật pháp qua một bên đi; cái nào mà buộc người ta phải quyết tâm, quyết chí làm một đường, làm cho có hiệu quả. Cái mà hiệu quả đó mới có ích cho nhân loại. Phải hông ngài ?".

[2]  https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Typical-difficulties-of-lawyers-in-vietnam-tquang-04112010140440.html

**********************

Khôn ngoan thầy Thích Nhật Từ

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 23/07/2022

Vụ án "lợi dụng tự do dân chủ" của Tịnh Thất Bồng Lai khép lại, với 6 người nhận hơn 23 năm tù giam, khiến dư luận lạ lẫm như chưa từng có, về một tội danh quen thuộc, bằng định nghĩa mơ hồ nhưng không phổ quát trong quảng đại quần chúng.

bonglai2

Nhà sư Thích Nhật Từ

Dư luận không bàn về nội dung của khái niệm "lợi dụng tự do dân chủ". Thay vào đó, người ta cười cợt và chê bai về cách mắng rất quen thuộc "ngu như bò" được biết do một đệ tử của ông Lê Tùng Vân đã mắng ông Trần Ngọc Thảo - 53 tuổi đời - tiến sĩ Triết học tại đại học Allahabad vào năm 2001, lúc ông ta tròn 32 tuổi và xuất gia được 18 năm. Ông Thảo còn nhận tới 5 bằng tiến sĩ danh dự của các quốc gia : Thái Lan, Tích Lan, Ấn Độ, Campuchia, Hoa Kỳ. Ông Thảo trực tiếp giảng dạy nhiều khóa học về Triết học Phật giáo với tư cách Thích Nhật Từ - Thượng tọa Phật giáo Việt Nam, hiện tại là Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì tại chùa Giác Ngộ (Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Quan Âm Đông Hải (Sóc Trăng), chùa Tượng Sơn (Hà Tĩnh), chùa Linh Xứng (Thanh Hóa).

Trước khi bị khởi tố và kết án chính thức, ông Lê Tùng Vân đã bị bà Nguyễn Phương Hằng (hiện đang bị tạm giam chờ ngày xét xử với tội danh tương đồng mang tên "lợi dụng tự do dân chủ") và vô số người sỉ vả - lên án, cũng như đòi làm rõ về "tội loạn luân" - Một loại tội đáng ghê tởm và phỉ nhổ, dù chỉ là thường dân. Nhiều người bán tín bán nghi và cũng nhiều người vồ vập tin tức này như là một phát hiện động trời, về một ông già tuổi đời gần đất xa trời với vẻ ngoài "đức cao vọng trọng" lại dám làm chuyện "trời rung đất chuyển" tới cỡ vậy. Việc gán ghép tội danh đê hèn và ti tiện này, bỗng bị xóa mờ bằng việc tranh cãi "ngu như bò" ầm ĩ giữa phiên tòa chính thức vào hôm 21/7/2022. 

Nếu chịu khó tra google cách mắng "ngu như bò", người ta tìm thấy không dưới 60.000 kết quả, cùng với hàng chục cách mắng khác : ngu như lợn, lì như trâu, ngố như bò đội nón, v.v. Đây là những cách mắng vốn rất phổ biến trong dân gian có từ xa xưa. Có vẻ như, với địa vị rất cao cùng thành tích học hành đáng nể, ông Trần Ngọc Thảo khó lòng nuốt nhục ba chữ "ngu như bò", từ phía đệ tử của một ông già cư sĩ tục danh Lê Tùng Vân - pháp danh Thích Tâm Đức, hơn 90 tuổi đời - người sáng lập Tịnh Thất Bồng Lai (sau này đổi thành Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ).

Quả thật vậy ! Nếu Thượng tọa Thích Nhật Từ đúng là đệ tử Phật, với khái niệm "từ bi hỉ xả", dĩ nhiên, các luật sư đại diện cho ông ta đã không đào bới "ngu như bò" bằng cách mang Thiên Chúa ra đôi co và trả treo trước tòa - được ghi âm lại rõ ràng [1] : "Nếu một người nào đó nói rằng Thiên Chúa mà ngu như bò hay ngu hơn bò".. Thật không thể nào tưởng tượng cho ra, ông Âu Quang Phục - một luật sư chuyên nghiệp, đang dốc sức bảo vệ thân chủ bằng cách ăn nói lỗ mãng đến mức như vậy ! Thật không thể hiểu nổi, trường Luật nào đã đào tạo ra một "sản phẩm luật sư" như thế ?!

Lôi "ngu như bò" ra, không giúp gì thêm cho ông Trần Ngọc Thảo mà còn làm thiên hạ bẽ bàng về tri thức và học lực của một luật sư chuyên nghiệp như ông Âu Quang Phục và chính cái ngữ "ngu như bò" còn làm cho tiếng tăm - uy danh của Thượng tọa Thích Nhật Từ chìm sâu trong suy đồi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - vốn quá nhiều tai tiếng, trong nhiều năm qua.

Chấp nê trạng ngữ "ngu như bò" để đòi công lý từ tòa án của Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một kiểu "thù vặt" không nên có và không đáng có từ Thượng tọa Thích Nhật Từ.

Bên cạnh "ngu như bò", báo Thanh Niên - ngày 21/7/2022 - cho biết : "...thượng tá Nguyễn Sơn, Trưởng công an Huyện Đức Hòa, tiếp tục đại diện cho TỔ CHỨC BỊ HẠI là Công an Huyện Đức Hòa. PHÍA BỊ HẠI là công an còn có một số cá nhân thuộc Công an Huyện Đức Hòa và Công an Thị trấn Hậu Nghĩa…". Quả choáng váng khi biết BỊ HẠI - trong vụ án thật hổ thẹn - là giới công an - vốn mệnh danh "thanh gươm và lá chắn" của chế độ độc đảng toàn trị (!). Không rõ một ông già hơn 90 tuổi, một bà già ngoài 60 tuổi cùng 4 thanh niên trẻ đã HÃM HẠI gì và HÃM HẠI những viên công an ra sao nhỉ (?). Ôi trời ! Lần đầu tiên trong đời, người Việt Nam buộc phải chứng kiến tư thế - tư cách của giới công an đáng tội nghiệp đến như vậy ! Rồi Đảng cộng sản Việt Nam trông mong gì ở những "thanh gươm" cùi mòn và những "lá chắn" tả tơi như vậy để bảo vệ chế độ (?).

Điều 331 Bộ luật Hình Sự quy định : Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định như sau :

- NGƯỜi NÀO lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác XÂM PHẠM LỢI ÍCH của NHÀ NƯỚC, QUYỀN, LỢI ÍCH hợp pháp của TỔ CHỨC, CÁ NHÂN, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Cho đến khi phiên tòa kết thúc, giới quan sát vẫn không tài nào biết được :

- Khách thể (NHÀ NƯỚC) bị xâm phạm lợi ích gì và như thế nào ?

- Khách thể (TỔ CHỨC, CÁ NHÂN) nào bị xâm phạm quyền, lợi ích và những quyền, lợi ích đó sứt mẻ ra sao ?

- Chủ thể (ông Lê Tùng Vân cùng 5 đệ tử) đã xâm phạm lợi ích NHÀ NƯỚC với hậu quả ra sao ? Và xâm phạm quyền, lợi ích CÁ NHÂN (của ông Trần Ngọc Thảo và các viên công an đang công tác tại huyện Đức Hòa và Thị trấn Hậu Nghĩa) như thế nào ? Rồi xâm phạm quyền, lợi ích TỔ CHỨC (tức là Công an huyện Đức Hòa) thiệt hại tới mức nào ?

- Tất cả những hậu quả xâm phạm đó có được giám định tư pháp hay không ?

Kết

Điều 331 thuộc Bộ Luật Hình Sự vốn không định nghĩa được ; không dựa trên căn bản Luật học để cho ra mối liên hệ nguyên nhân - kết quả của một vụ án - được gọi là "hình sự" - bởi căn bản của "Hình sự học" là phải định lượng được hậu quả hữu hình, chứ không phải lời kết tội mông lung, chung chung như người dân thấy những người dân vô tội của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ bị vu khống.

Khôn ngoan thầy Thích Nhật Từ

Từ - Bi - Hỉ - Xả cửa tù mở ra

Sân si lắm nỗi can qua

Hỉ - Xả trôi mất hóa ra hận thù

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 23/07/2022

Tham khảo :

https://www.youtube.com/watch?v=rMTRsoIw9CU

https://thanhnien.vn/xet-xu-vu-an-tinh-that-bong-lai-6-bi-cao-phu-nhan-nhan-than-post1480070.html

*************************

Khi thầy chùa nhà nước bị ví "ngu như bò"

Viết từ Sài Gòn, 22/07/2022

Ban đầu, chỉ có một người ví đại đức Thích Nhật Từ ngu như bò, và ông Từ đã khởi đơn kiện người nói ông ngu như bò. Cậu chuyện nếu xét trên phương diện pháp luật và xã hội thì hoàn toàn hợp lý. Nhưng, rất tiếc, đây là vấn đề con người và tư cách tôn giáo, và khi đặt nó trong bối cảnh Phật Giáo thì việc đi kiện của Thích Nhật Từ trở thành trò cười, hay nói khác đi là trò lố lăng của kẻ khoác áo tu hành nhưng lại thiếu hiểu biết về tôn giáo. Nó cũng cho thấy sự khủng hoảng của tôn giáo nhà nước thông qua vụ việc tưởng chừng như chỉ là một thủ đoạn của một nhóm chính trị có liên quan… Hoặc giả, tôn giáo gắn nhà mác nhà nước ngày càng lộ ra sự thối nát của nó.

bonglai3

Facebooker Vu Pham Luu của nhà văn Phạm Lưu Vũ bình luận : "THÍCH NHẬT TỪ VÀ… CON BÒ

Thích Nhật Từ thuê luật sư kiện cụ Lê Tùng Vân vì đã ví anh ta với con bò. Vậy Thích Nhật Từ so với con bò thì thế nào ?

Chỉ giống con bò duy nhất ở điểm ăn chay, nếu Thích Nhật Từ quả không bao giờ ăn vụng thịt cá… Nhưng đối với một nhà tu hành theo Phật Giáo Đại thừa, tức đã phát tâm Bồ Đề, tức tu lục độ Ba La Mật, thì cần phải có "đẳng tam luân không tịch". Công đức vô lượng này con bò có, Thích Nhật Từ hoàn toàn không có.

Con bò có "đẳng tam luân không tịch" như thế nào ?

1. Không biết mình sinh ra để kéo cày

2. Không biết mình sinh ra để vào lò mổ

3. Không biết mình bị đem ví với… Thích Nhật Từ.

Đẳng tam luân không tịch thì hạng Bồ tát ở Tạng giáo không thể nào hiểu được. Bồ tát ở Thông giáo hiểu đấy, song không thể thực hiện nổi. Chỉ có Bồ tát ở Biệt giáo và Viên giáo mới thực hiện được một cách rốt ráo.

Thích Nhật Từ quyết không có "đẳng tam luân không tịch" như thế nào ?

1. Thích Nhật Từ biết mình sinh ra để phục vụ chính trị, dưới màu áo tu sĩ, nên đã ra sức tu học giáo lý… kiếm cho được tấm bằng tiến sĩ Phật học để hành nghề. Giáo lý nhà Phật là phương tiện để giải thoát, giác ngộ. Tiếc rằng Thích Nhật Từ đã không nhận ra điều đó, mà chỉ thấy giáo lý là phương tiện để hù dọa, lòe bịp và tự đánh bóng mình… như vô số những ông mạo danh họ "Thích" khác.

2. Thích Nhật Từ biết mình sinh ra để nổi tiếng, để làm thầy thiên hạ, nên đã tận dụng mọi cơ hội sẵn có để nổi tiếng, như một nhân vật của truyền thông, như một "người của công chúng"... Về chánh báo thì tận dụng khuôn mặt dễ coi, cơ thể béo nhẫy, nụ cười truyền thông và giọng nói trơn tru. Về y báo thì tận dụng các nhà ngoại cảm, bám theo đít Phan Thị Bính Hằng để "làm chứng" cho sự màu nhiệm của Phật Pháp trong việc tìm hài cốt liệt sĩ… Chưa hết. Thích Nhật Từ còn ra sức lấy lòng lãnh đạo, chính trị gia… Vào tận Phủ Chủ tịch để "tiếp kiến" chủ tịch nước… Điểm này Thích Nhật Từ đã vi phạm nghiêm trọng giáo lý nhà Phật, phẩm "An Lạc hạnh" trong kinh Pháp Hoa. Đệ tử của Phật phải tránh xa những hạng Showbiz, những nhà quyền quý…

3. Thích Nhật Từ biết mình bị đem ví với con bò. Và đã nổi sân, đã thuê luật sự kiện cụ Lê Tùng Vân. Song lại không biết rằng gã luật sư ấy còn ngu rất sâu, dưới cả dái con bò. Gã ta đã chất vấn đối phương một câu, mà cả nước bò này cũng không thể nghĩ ra, nên đã làm trò cười cho cả thiên hạ, chính trong lúc phiên tòa của ma quỷ đang diễn ra.

Tôi sở dĩ viết những điều này, là muốn chỉ ra Thật tướng của Thích Nhật Từ, một tà sư phá pháp, một ôn sư hại đời, hại chúng sinh… để mọi người biết mà cảnh giác. Nếu Thích Nhật Từ cho rằng tôi "bôi nhọ" mà nổi sân, thì cứ việc kiện tôi ra tòa, nhưng nhớ phải thuê luật sư cho thật giỏi nhé. Chớ có thuê những hạng ngu như gã "luật sư" Âu dương vật kia".

Có thể nói rằng đến giờ phút này, sau khi Thích Nhật Từ thuê luật sư họ Âu tranh tụng và kiện cáo việc mình bị xúc phạm, thì số người mắng ông Thích Nhật Từ ngu như bò không còn ở một, hai người nữa mà khó kiểm soát được số lượng trên các trang mạng xã hội. Vì sao lại có chuyện một đất nước có số lượng Phật Tử khá là đông trong khu vực, thậm chí dù chưa chính thức nói ra nhưng khuynh hướng biến giáo hội Phật Giáo nhà nước thành Quốc hội Tôn Giáo và biến Phật Giáo (nhà nước) thành quốc giáo là rất cao… mà người ta lại phản ứng với một vị đại đức cũng khá nổi tiếng với lời lẽ nặng nề, chẳng còn tôn trọng như vậy ?

Có thể bởi hai nguyên nhân, một phần do người ta tán thành với câu nói của ông Lê Tùng Vân, rằng "Giáo hội nhà nước không xứng đáng để ông đăng ký" và người ta cũng thừa sức nhìn thấy cái tội mà tòa gán cho gia đình ông rằng "lợi dụng tự do tôn giáo để trục lợi bằng từ thiện" là một cái tội hoàn toàn không có thật, bởi nếu như tính về kêu gọi từ thiện, xin xỏ, thì Phật giáo nhà nước mới đáng kể, mà hơn nữa, đảng, nhà nước, chính phủ mới là kẻ xin xỏ nhiều nhất từ bên ngoài. Vậy thì sá gì chuyện ông Vân xin nếu có. Thế nhưng người ta gán tội, bởi đơn giản, ông Vân cói sức ảnh hưởng không nhỏ. Vì ảnh hưởng không nhỏ và sẵn sàng bày tỏ thái độ không ưa nhà nước, không ưa đảng Cộng sản nên bằng mọi giá phải trục ông vào tù, đầu tiên là mượn con dao bầu dư luận Phương Hằng đến đấu tố ông, xong việc, quẳng dao vào kho và tiếp tục hạch tội ông, đó là một trình tự chính trị.

Nguyên nhân khác, câu nói của ông Lê Tùng Vân vô hình trung đánh trúng vào tâm lý của hầu hết những Phật tử thuần thành, những người tin vào Đức Bổn Sư và tin vào giáo lý cao siêu, uyên áo nhưng đầy nhân đạo, bác ái của Ngài. Họ đã vỡ mộng, đã quá mệt mỏi với kiểu con phò cửa chùa, buôn thần bán Phật, lừa đảo nhân dân, lừa đảo niềm tin của Phật Tử, làm cho đạo pháp trở nên rối mù và hỏng hóc… Câu nói của ông Lê Tùng Vân Vô hình trung gợi ra niềm khát khao tự do tôn giáo, tự do lựa chọn tín ngưỡng và hành tín trong đời sống, không phụ thuộc vào thứ hội đoàn đầy tính hành chính và mất tự do… Và, đến đây cũng đủ để hiểu vì sao gia đình ông Lê Tùng Vân thọ nạn !

Nhưng, mấu chốt của vấn đề hôm nay, vấn đề khi ông Vân cùng các thành viên gia đình bước ra trước tòa là câu chuyện trở nên nhiệm màu một cách bất ngờ. Nhiệm màu bởi mọi thị phi lâu nay người ta đổ lên gia đình ông bỗng dưng được đặt lại vấn đề, được đặt câu hỏi và từ chỗ người ta chửi mắng ông loạn luân sang chỗ người ta tin rằng ông hàm oan và hơn hết là có kẻ đã chơi bẩn trước một người hành xử tự do tôn giáo tiêu biểu và viên mãn như gia đình ông Vân. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để ngồi tù trong chế độ độc tài, toàn trị và chuyên bóp ngạt tôn giáo.

Nhưng, câu chuyện đâu dừng ở đó, bỗng dưng có kẻ té nước theo mưa, mượn chuyện đau của gia đình ông Vân để đạp ông xuống hố, kẻ ấy lại mang danh tu hành, khá nổi tiếng trong giới khoác áo cà sa. Thích Nhật Từ, cái tên bỗng dưng trở nên nổi cộm trong tuần bởi hành xử đầy tính đời, sân si và chấp nê khi phát đơn kiện ông Lê Tùng Vân vì câu ông Vân (không biết có nói hay không và nói lúc nào, ở đâu ?) rằng Thích Nhật Từ ngu như bò. Đến đây, cư dân mạng chuyển sang đặt câu hỏi giữa bò và thầy chùa ai đạt đạo hạnh hơn, ai ngu hơn, ai khôn hơn, ai mới xứng danh Phật Tử, ai mới đạt đủ nhân tính ?... Và đương nhiên, các câu hỏi này chỉ cho thấy một vấn đề nổi cộm khác : Tôn giáo mang tính nhà nước đã khủng hoảng tột độ, bởi kẻ mang danh tu hành bị lệch lạc.

Trong đó, vấn đề lệch lạc dễ thấy nhất là đánh mất giới luật. Bởi tôn giáo chỉ mạnh khi đó là một tam giác đều gồm : Huyền Thoại Giáo Chủ ; Triết thuyết và ; Giới Luật. Trong thời đại văn minh loài người tăng tốc, thì ba cạnh của tam giác đều này cũng phải phát triển tỉ lệ. Rất tiếc, triết thuyết tôn giáo vẫn còn chỗ đứng nhưng không bao quát và toàn triệt trên đời sống này như trước, bởi các triết lý hiện đại chi phối con người không ít. Về phần huyền thoại giáo chủ thì chắc chắn chẳng còn mấy ai tin vào phép thần thông quảng đại của bậc giáo chủ, bởi riêng khoa học lịch sử không thôi của đã đưa ra nhiều dữ kiện về con người thuần túy, thông minh xuất chúng của Ngài. Chỉ còn vấn đề giới luật níu kéo giáo hội với Phật tử, rất tiếc, giới luật bị phá hoại đến độ mục ruỗng, bệ rạc, người ta nhìn vào giáo hội như một thứ tổng công ty mà bên dưới nó là những công ty làm ăn kém uy tín, không có chất lượng và hành tung đầy bất minh.

Và, những gì diễn ra hôm nay là hệ quả của một quá trình lâu dài mà Giáo hội Phật Giáo nhà nước đã gây ra, đã làm được, đã khiến cho mọi thứ trở nên khủng hoảng và bế tắc ! Đừng hỏi vì sao người ta vỗ tay cho ông Lê Tùng Vân và tỏ ra khinh thường tay luật sư cũng như thân chủ của anh ta, ngay lúc này !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 22/07/2022

**************************

Tịnh Thất Bồng Lai : Bỏ tù cụ ông 90 tuổi - một điểm mới trong trấn áp nhân quyền ở Việt Nam

RFA, 22/07/2022

Các tổ chức nhân quyền quốc tế hôm 22/7 lên tiếng phản đối bản án mà tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, vừa áp đặt lên sáu người thuộc một nhóm tu tại gia là Tịnh thất Bồng lai hay còn gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Human Rights Watch thậm chí gọi đây là một điểm mới trong chiến dịch trấn áp nhân quyền ở Việt Nam khi bỏ tù một cụ ông ngoài 90 tuổi chì vì ông dám bày tỏ chính kiến của mình.

bonglai4

Ông Lê Tùng Vân tại Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa vào tháng 7/2022 - Công An Nhân Dân

Hôm 21 tháng 7, sáu thành viên thuộc Tịnh thất Bồng Lai bị tuyên phạt tổng cộng hơn 23 năm tù với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Khoản 2, Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Việc tòa tuyên những bản án nặng nề, đặc biệt là bản án năm năm tù giam đối với ông Lê Tùng Vân, người đã ngoài 90 tuổi, đã gây chú ý.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An cáo buộc những người thuộc Tịnh thất Bồng Lai cầm đầu bởi ông Lê Tùng Vân đã đăng tải nhiều bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và YouTube trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021 có thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng tọa Thích Nhật Từ).

Điều 331 của Bộ luật Hình sự vốn được sử dụng trong các vụ án có yếu tố chính trị, nhằm buộc tội những người bất đồng chính kiến với Đảng Cộng Sản. Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã liên tiếp chỉ trích và yêu cầu chính quyền Việt Nam bãi bỏ điều luật này. 

Trao đổi với Đài Á châu Tự do qua email, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết bằng việc bỏ tù những người ở Tịnh thất Bồng Lai vì các phát ngôn của họ cho thấy chính quyền Việt Nam đã trở nên độc đoán hơn:

"Tống một ông cụ 90 tuổi vào tù chỉ vì dám nói lên suy nghĩ của mình cho thấy chính quyền Việt Nam đã đưa chiến dịch trấn áp nhân quyền đến một điểm mới. 

Bằng việc sử dụng điều luật hà khắc để bịt miệng những người dân bình thường, những người chỉ đơn giản đã than phiền về công chức địa phương, chính quyền Việt Nam cho thấy giờ đây họ không chỉ đàn áp những nhà hoạt động".

Thông qua việc những cá nhân phi chính trị như các thành viên ở Tịnh thất Bồng Lai giờ đây cũng bị bắt bớ vì phát ngôn trên mạng, ông Phil Robertson cho rằng chế độ ở Việt Nam đang cho thấy họ càng ngày càng trở nên thù nghịch đối với những chỉ trích. 

Vị đại diện của tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho những người bị cầm tù :

"Việt Nam cần phải đảo ngược các phán quyết lố bịch và những bản án không thể chấp nhận được nhắm vào tất cả những cá nhân ở Tịnh thất Bồng Lai".

Đồng thời, tổ chức Ân xá Quốc tế, một tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở ở Anh Quốc, cũng bày tỏ sự phản đối trước kết quả phiên tòa hôm 21 tháng 7.  Bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc khu vực Đông và Đông Nam Á của tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết :

"Việc cáo buộc ai đó là lợi dụng các quyền tự do dân chủ, thực chất là cái cớ để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích chính quyền. Chỉ trong nửa đầu năm nay thì các điều 331 và 117 đã liên tục được lạm dụng để bắt bớ và truy tố bloggers, tín đồ tôn giáo, và người sử dụng Facebook vì những hoạt động của họ trên mạng xã hội.

Ngày nay, bất cứ ai ở Việt Nam đều có nguy cơ bị bỏ tù nhiều năm trời chỉ vì thực hành quyền tự do biểu đạt".

Tình trạng này được bà Ming Yu Hah cho là "không thể chấp nhận và không thể dung thứ". Bà cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam phải chấm dứt việc đàn áp quyền tự do biểu đạt, và trả tự do cho những người bị bắt bớ.  

Điều 117 về tuyên truyền chống Nhà nước và Điều 331 là các điều khoản về an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự. Từ đầu năm đến nay, có ít nhất 19 người đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam với cáo buộc vi phạm các điều này, theo thống kê mà RFA tổng hợp được.

Nguồn : RFA, 22/07/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Ngọc Già, Viết từ Sài Gòn, RFA tiếng Việt
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)