Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/08/2022

Oan trái đến vậy sao, hỡi Ngài Mục Kiền Liên !

Nguyễn Ngọc Già

Có lẽ cũng nên nhắc lại sự tích "Mục Liên Thanh Đề" vốn là truyện cổ tích, từ đó hình thành ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hàng ngàn năm qua.

muclien1

Sự tích Mục Liên Thanh Đề trong mùa Vu Lan báo hiếu ngày rằm tháng bảy hàng năm – tranh minh họa

Theo truyền thuyết Phật giáo Bắc Tông kể rằng, ông Mục Kiền Liên (cũng thường gọi là Mục Liên) - một trong những đại đệ tử của Phật Thích Ca - tu thành chánh quả, có người mẹ tên là Thanh Đề. Bà Thanh Đề là một kẻ ác tâm và cả đời luôn làm chuyện xấu xa - độc ác nhưng lại hạ sanh ra Mục Liên, vốn có căn tu mà thành chánh quả. Một ngày nọ, sau nhiều năm bà Thanh Đề qua đời, Mục Liên nhớ mẹ và dùng phép thần thông, để tìm kiếm và thấy được mẹ đang ở địa ngục, chịu kiếp đọa đày cho tội ác lúc sanh thời, mà bà đã gây ra. Mục Liên đau xót và xuống địa ngục thăm mẹ, tận mắt chứng kiến mẹ đang lâm vào kiếp ngạ quỷ, chịu đói khát và bị hành hạ trăm bề. Bằng lòng thương yêu của mình, Mục Liên đã cầu khẩn Phật Thích Ca cách để cứu mẹ thoát khỏi thảm cảnh trầm luân. Được Phật dạy, Mục Liên đã thỉnh cầu chư tăng muôn phương, hợp lực cùng tụng kinh Vu Lan Bồn vào ngày Rằm tháng Bảy hàng năm và bà Thanh Đề, từ đó đã thoát kiếp ngạ quỷ, được đầu thai.

Truyền thuyết nói trên, đã được các nghệ sĩ Việt Nam dựng thành những tuồng cải lương từ rất lâu, trước 1975, khán giả đã tỏ tường. Ngoài ra, vở kịch "Bông Hồng Cài Áo" của thoại kịch Kim Cương thành công vang dội, lấy tứ từ tản văn của ông Thích Nhất Hạnh viết ra năm 1962. Cũng từ tản văn của ông Thích Nhất Hạnh, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã cho ra đời nhạc phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1965 và nhạc phẩm này lưu dấu ấn qua nhiều danh ca Việt Nam, như : Thái Thanh, Duy Khánh, Chế Linh v.v. Đi cùng với truyền thuyết "Mục Liên Thanh Đề", hình ảnh Bông Hồng Trắng (đã mất mẹ) và Bông Hồng Đỏ (vẫn còn mẹ) được thiên hạ đưa vào tập tục ngày lễ Vu Lan.

muclien0

Từ truyền thuyết trên, ngày lễ Vu Lan ra đời để nhắc nhở chúng sanh về công ơn sanh thành - dưỡng dục của Mẹ. Vì bà Thanh Đề là một Cô Hồn - tức là hồn ma cô độc & bơ vơ, không có người thân chốn dương trần cúng bái vào những dịp giỗ quảy, phải chịu cảnh đói khát triền miên - cho nên, lễ Vu Lan cũng nhân đó gọi là lễ Xá Tội Vong Nhân - ngày mà địa ngục được phép mở cửa cho tất cả những Cô Hồn được lên trần thế, để kiếm miếng ăn từ các bàn cúng của người trần gian - nên cũng gọi là ngày cúng Cô Hồn.

Truyền thuyết "Mục Liên Thanh Đề" nhằm răn dạy chúng sanh, dù mẹ mình là một kẻ vô cùng độc ác và không thể siêu sanh vì tội lỗi quá lớn nhưng Mục Liên đã cứu rỗi được người mẹ đầy tội lỗi bằng chân tâm của Ngài, chứ không phải bằng phép thuật mà Ngài thủ đắc.

Dường như lâu lắm rồi và ở tại một nơi hoang vu nào đó - bị phủ trùm bởi bầu trời âm u, như báo hiệu vũ trụ đang trở mình đau đớn - Ngày Xá Tội Vong Nhân tại Việt Nam, trở nên ngày càng méo mó. Méo mó đến thảm thương và gây sửng sốt ngỡ ngàng, khi người ta thấy ông Vũ Minh Hiếu - sanh năm 1967, xuất gia năm 31 tuổi đời và hiện là trụ trì chùa Ba Vàng với pháp danh Thích Trúc Thái Minh - đặt tay ban phước lên đầu một bà già trong ngày lễ Vu Lan năm nay - 2022 Nhâm Dần.

Bà già cỡ ngoài bảy mươi, tỏ ra hoan hỉ và thành kính với hai tay chắp lại cùng nụ cười mãn nguyện, khi nhận "hồng ơn" từ bàn tay của Đại đức Thích Trúc Thái Minh - người đã gây khá nhiều tai tiếng và làm ô uế cửa nhà Phật bằng khái niệm "Oan Gia Trái Chủ" để đến nỗi bị Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra nghị quyết nhất trí bãi nhiệm tất cả chức vụ trong Giáo hội, bao gồm : Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu ; Ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, vào ngày 12 tháng Bảy năm 2019 [1].

Không lẽ bà cụ kia không hiểu ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan ? Bà cụ ấy có thể không biết ý nghĩa lễ Vu Lan thì ông Thích Trúc Thái Minh không lẽ lại không hiểu ý nghĩa của ngày cúng Cô Hồn ? Ông ta đang xuất hiện giữa đám đệ tử ngợp trời đó với tư cách Mục Liên hay Thanh Đề ? Ông ta đang làm gì ? Dạy gì ? Cho "con nhang đệ tử" khi "xuống đường" với đôi chân trần cùng cái "bình bát" vàng chóe ?

Làm sao có thể lý giải bản thân ông Vũ Minh Hiếu mặc đồ nhà chùa, tay nhận lấy nhận để, đủ các loại bông cùng hàng chục đệ tử nhanh - gọn - lẹ nhận tới tấp các tờ giấy bạc polymer ? Cô Hồn làm sao biết xài tiền của người trần gian ? Vả chăng, ông Thích Trúc Thái Minh dù đã xuất gia lâu năm nhưng ông ta là Tăng (tức nam xuất gia) không phải là Ni (tức nữ xuất gia), liệu với thân phận "đàn ông" như vậy, ông Vũ Minh Hiếu đang nghĩ gì với sự tích "Mục Liên Thanh Đề" ?

Thật không thể nào hiểu cho ra, giữa hàng ngàn người xếp hàng đầy kín hai bên con đường, như đón "người trời giáng trần" với lủ khủ đệ tử của ông Thích Trúc Thái Minh theo hầu và không hề thiếu hàng rào vệ sĩ giăng dây bằng tay, để cản trở "bá tánh", chực chờ nhào ra tranh giành, để được bắt tận tay, để được vuốt tận đầu, từ bàn tay của đại đức Thích Trúc Thái Minh ! Hình ảnh ông Thích Trúc Thái Minh nửa giống như một nguyên thủ quốc gia xuất hiện trước dân chúng, nửa lại giống như một nghệ sĩ nổi tiếng, giữa vòng vây người hâm mộ. Đó không hề là hình ảnh nên có và cần phải có của một bậc Chân Tu.

Tại sao ngày Xá Tội Vong Nhân ngày càng đổ đốn đến mức không còn nhận ra người phàm đang ở đâu ? Và đâu là Cô Hồn đang đói khát ? Không lẽ vậy, thiên hạ cợt nhã với khái niệm "Cô Hồn Sống" là có thật chăng ?

Truyền thuyết "Mục Liên Thanh Đề" cũng không hề răn dạy, cứu thoát Mẹ bằng cách đồng lõa im lặng trước kẻ xấu hay bất cứ thủ đoạn tiếp tay để che giấu tội ác. Có lẽ người đời ngày nay quên mất ý nghĩa quan trọng nhứt và căn bản nhứt của lễ Vu Lan, thế cho nên, thiên hạ vẫn tiếp tục chứng kiến những đứa con - những bà mẹ - những ông cha ngày càng xa rời nhân tính, qua vô số việc làm vô đạo, khiến "ma không chê thì quỷ cũng hờn" và "Trời không dung Đất không thứ".

Nếu quả thật, các quan chức cấp cao nhứt của nhà cầm quyền CSVN đang có ý định cài trên ngực dù là Bông Hồng Trắng hay Bông Hồng Đỏ, có lẽ không cần phải nhắc đến bà Nguyễn Thị Loan - mẹ của tử tù Hồ Duy Hải vẫn đang quặn lòng nhìn con trong tử ngục gần 15 năm trời đằng đẳng !

Mục Liên bằng chân tâm đã cứu mẹ Thanh Đề - dù chuyên làm chuyện độc ác - cuối cùng cũng được thoát kiếp ngạ quỷ. Nguyễn Thị Loan bằng tính chân thật cùng sự kiên tâm và lòng mẹ thương đứa con vô tội, liệu có đủ động lòng để Bộ Chính trị giải thoát cho con trai của bà ?

Oan trái đến vậy sao, hỡi Ngài Mục Kiền Liên ?

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 14/08/2022 

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%ADch_Tr%C3%BAc_Th%C3%A1i_Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Già
Read 418 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)