Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/08/2022

Biên chế chính trị

Nguyễn Nam

"Biên chế" và khoảng trống của quy định về luật pháp

Mặc dù "biên chế" là từ được khá nhiều người dùng cũng như xuất hiện khá nhiều trong các văn bản về cán bộ, công chức, viên chức nhưng tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức hay trong các văn bản về tinh giản biên chế…, thế nhưng trên thực tế lại không hề có định nghĩa cụ thể biên chế là gì.

bienche1

Ảnh chụp một phần Quyết định 1499/QĐ-TTg ngày 03/10/2020 phê duyệt tổng biên chế công chức 2021

Cho đến hiện tại thì ở Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa như thế nào là "biên chế", do vậy "biên chế chính trị" là cụm từ rất khó diễn giải.

Tuy nhiên, dù không có định nghĩa cụ thể nhưng khoản 1 Điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP có quy định biên chế trong tinh giản biên chế được sử dụng tại Nghị định này được hiểu gồm : "Biên chế" sử dụng trong Nghị định này được hiểu gồm : biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

Từ quy định này, các đối tượng hiện nay áp dụng biên chế gồm biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

Trong đó, cán bộ là công dân Việt Nam được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ trong cơ quan Nhà nước… trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008). Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan Nhà nước, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức 2019).

Riêng viên chức thì trong định nghĩa nêu tại Điều 2 Luật Viên chức và các văn bản khác liên quan đến đối tượng này đều không đề cập đến biên chế, mà viên chức được tuyển dụng và làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc. Nhưng thông thường, viên chức ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn sẽ được coi là biên chế.

Như vậy, có thể hiểu biên chế là số lượng người làm việc trong cơ quan Nhà nước, mang tính chất ổn định, lâu dài, vô thời hạn và được duy trì công việc, chế độ lương, phụ cấp đến khi nghỉ hưu.

Mặc dù biên chế thường được xem là "bảo đảm" cho cán bộ, công chức, viên chức có việc làm đến khi nghỉ hưu với các chế độ lương, phụ cấp ổn định nhưng vẫn có trường hợp bị tinh giản biên chế – đưa ra khỏi biên chế. Các đối tượng bị đưa ra khỏi biên chế là người dôi dư; không đáp ứng được yêu cầu công việc của vị trí việc làm; cơ quan, đơn vị không thể bố trí, sắp xếp công tác khác và những người này sẽ được giải quyết chế độ, chính sách tương ứng.

"Biên chế" phụ thuộc vào "hệ thống chính trị" ?

Tất cả những lập luận trên đều mang ý nghĩa tương đối vì không có điều luật cụ thể định nghĩa thế nào về "biên chế", do vậy nên ở Việt Nam chuyện quyết định "biên chế", oái oăm thay lại thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, và được gọi là "biên chế của hệ thống chính trị".

Ở văn bản có tên "Quy định số 70-QĐ/TW về quản lý biên chế của hệ thống chính trị" do Thường trực Ban Bí thư, ông Võ Văn Thưởng ký ban hành ngày 18/7/2022, thì "Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo quản lý biên chế trong hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý biên chế theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước".

"Trong văn bản này ông Thưởng có đưa ra nguyên tắc "tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính, cải cách chính sách tiền lương", thế nhưng Bộ Chính trị lại không đưa ra định nghĩa "tinh giản biên chế là gì ?". Bởi tinh giản biên chế là trong đó vừa có câu chuyện giảm người, nhưng đồng thời làm cho đội ngũ còn lại phải chất lượng hơn.

Nói một cách khác, việc gọi là tinh giản mới mang tính chất cơ học, giảm chủ yếu là đối tượng nghỉ hưu, tự nguyện thôi việc, chuyển sang đơn vị tư nhân. Một số đơn vị sự nghiệp công lập, theo quy định sau khi sắp xếp, có đơn vị thôi hẳn, giải tán nên lượng người giảm đi, hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực khác.

Vì vậy, việc tinh giản cơ học thể hiện rất rõ trong thời gian qua, chưa nói lên nhiều về câu chuyện rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ đó xem những vị trí nào, những con người nào không đáp ứng để đưa ra khỏi bộ máy, kể cả bộ máy quản lý cấp cao nhất như Bộ Chính trị, chẳng hạn.

Tôi cũng muốn nói thẳng, với khối lượng việc quản lý cùng với số lượng người dân như ở Sài Gòn, thì con số gọi là biên chế để dư của Thành phố Hồ Chí Minh mà bà ủy viên Trung ương Trương Thị Mai đề cập mới đây, thì đó không phải là con số dôi dư theo quan niệm của địa phương này, mà đây là số người dôi dư theo quan niệm của Trung ương. Còn thành phố thực sự cần số người ấy thì mới làm được việc" – một luật sư chuyên trách về quản trị nhân sự, nhận xét.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 17/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam
Read 335 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)