Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/08/2022

Tổ hợp "quân sự - trí thức"

Minh Anh

Cỗ máy "sản xuất kẻ thù, bán chiến tranh" của phương Tây

Làm thế nào đóng khung tầm nhìn công luận về một cuộc khủng hoảng và biện minh cho việc gởi binh sĩ ? Làm thế nào xác định một kẻ thù ? Tại phương Tây, để chuẩn bị tư tưởng cho công chúng, người ta cho vận hành cả một cơ chế xã hội học, một "tổ hợp quân sự - trí thức", pha lẫn các định chế quân sự, cảnh sát, tình báo, các cơ quan hành chính và nhất là giới trí thức, truyền thông, phóng viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu…

tohop1

Ảnh minh họa : Binh sĩ phe ly khai tại vùng Donbass nã pháo vào quân đội Ukraine, ngày 10/08/2022.  AP

Người Mỹ gọi đó là những "chiến lược gia", những người có nhiệm vụ chính thức là đưa ra các đánh giá của họ về một mối đe dọa, giải thích một cuộc khủng hoảng, viết một diễn văn, thậm chí chỉ định kẻ thù. Những "chiến lược gia" thuở ban đầu là tầng lớp giáo sư đại học và văn hóa, được sản sinh ra dưới thời các đế chế thực dân và các cuộc đối đầu toàn cầu. Đó là những hội các nhà địa lý đầu tiên, các khoa đại học, những người hình thành nên những lý thuyết lớn về địa chính trị đầu tiên dựa trên cơ sở chủng tộc để biện minh và định hướng chủ nghĩa đế quốc Châu Âu. Có thể nói đây chính là tiền thân của các cơ quan tư vấn "think tanks" ngày nay.

Rồi trong hai cuộc đại thế chiến, các nhà nước hiện đại cho hình thành các cơ quan tình báo, đầu tiên là quân sự, rồi dần dần biến thành chính trị - quân sự. Các hệ thống công có quy mô về nghiên cứu chiến lược chỉ ra đời sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Pierre Conesa, cựu quan chức cao cấp bộ Quốc Phòng Pháp, tác giả tập sách "Sản xuất kẻ thù" (Fabrication de l’ennemi – Nhà xuất bản Robert Laffont, 2011) và "Bán chiến tranh. Tổ hợp quân sự – trí thức" (Vendre la guerre. Le complexe militaro – intellectuel, Nhà xuất bản L’Aube, 2022), ban đầu ghi nhận, trước khi có bài diễn văn của tổng thống Mỹ Eisenhower đưa ra khái niệm tổ hợp quân sự - công nghiệp, quy trình khởi động chiến tranh tại các nền dân chủ chưa bao giờ là đối tượng phân tích, khi đi từ nguyên tắc : Một nền dân chủ về bản chất là hòa bình.

Chiến tranh Vùng Vịnh và sự ra đời của phương thức thông tin liên tục

Cũng theo ông, có hai giai đoạn đánh dấu một sự biến đổi, cấu tạo nên tư duy về chiến lược sau này. Giai đoạn thứ nhất là trong những năm 1991, 1992 và 1993, vào thời điểm Liên Xô sụp đổ. Một cú sốc cho giới chiến lược gia thời bấy giờ, khi bất ngờ "không còn kẻ thù, một sự hỗn loạn lớn". Nước Mỹ quay cuồng với một câu hỏi lớn : Làm thế nào giữ được vị thế siêu cường duy nhất này ?

Trong giai đoạn này, có một sự kiện tác động mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo thế giới : Đó là cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991. Đây cũng là cuộc xung đột đầu tiên hậu Chiến Tranh Lạnh dưới sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc và người Nga hoàn toàn vắng bóng. Đây cũng là một bước ngoặt cho ngành truyền thông với sự ra đời của các kênh thông tin liên tục như CNN của Mỹ. Trên đài RFI, ông Pierre Conesa giải thích :

"Khía cạnh thứ hai đó là cuộc chiến này có một đặc tính thuần túy quân sự : Người ta đưa cho ông Saddam Hussein một tối hậu thư là ông ấy có 6 tháng để rời Koweit và sau đó cuộc chiến đã khơi mào. Ở đây chúng ta có một quãng thời gian được ấn định đủ để cho tất cả các kênh truyền hình trên thế giới đổ xô vào đúng thời điểm đó để chứng kiến chiến dịch quân sự. Thế là kênh tin tức liên tục ra đời như CNN chẳng hạn truyền tin tức không ngừng mỗi ngày. Như vậy là chiến tranh đã trở thành một màn trình diễn."

Cuộc chiến này được truyền đi như một dạng kịch bản của Hollywood, các lực lượng liên minh chống lại đội quân đứng hàng thứ tư trên thế giới. Nhưng chiến dịch đó chỉ kéo dài trong vòng có 120 giờ, tức trong vòng có 4-5 ngày. Phương Tây dưới tác động của một số tác nhân từ tổ hợp quân sự - trí thức, tự ủy nhiệm cho mình vai trò "sen đầm thế giới". Pierre Conesa nói tiếp :

"Nhưng cùng lúc điều đó làm cho phương Tây tin rằng ưu thế quân sự của họ mạnh đến mức với tư cách là phe Thiện và là những nền dân chủ, họ tự bổ nhiệm mình như là hiến binh (sen đầm) của cả hành tinh và rốt cuộc, chúng ta sẽ có một loạt các cuộc can thiệp quân sự tả hữu khắp nơi mà không có lấy một chiến lược nào. Đó là những chiến dịch can thiệp được kích động bởi những vấn đề nhân đạo – văn minh – văn hóa và chính lúc này xuất hiện tổ hợp quân sự - trí thức."

Khủng bố 11/9 và sự ra đời lớp "chuyên gia" phân tâm học

Giai đoạn thứ hai mà ông Pierre Conesa cho rằng cần phải hiểu rõ đó là cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001, trên chính lãnh thổ nước Mỹ. Một cú sốc mạnh, một chấn thương tâm thần lớn chưa từng có cho một nước Mỹ chưa bao giờ biết đến chiến tranh trên lãnh thổ, chưa bao giờ được chứng kiến cảnh đổ nát hoang tàn vì bom đạn hay phải nhận tiếp tế nước bằng tem phiếu… Chính trong sự sững sờ vì cuộc tấn công ngay tại pháo đài Mỹ đã sản sinh ra một lớp "chuyên gia" mới : Các nhà phân tâm học.

"Thông thường trước một cú sốc như thế, một xã hội có hai kiểu phản ứng, nước Pháp trong những năm 1940 cũng tương tự như thế. Đó là : Tại sao lại là chúng ta ? Người ta bắt đầu tự chất vấn về chính những điểm yếu kém, các trách nhiệm của mình… Nhưng cú sốc cho nước Mỹ mạnh đến mức quý vị sẽ thấy xuất hiện một giai tầng xã hội học cực kỳ thú vị trong tổ hợp quân sự - trí thức này. Đó là các nhà phân tâm học. Bởi vì các nhà phân tâm học có thể nói rằng "không, không quý vị đừng lo, quý vị bên phe Thiện, phía bên kia mới là không bình thường, bên kia là kẻ điên. Chính phía bên kia cần phải được phân tích tâm thần, bên kia mới là bị tâm thần phân liệt…."

Những "chẩn đoán" kiểu này ngày nay cũng được nghe thấy khi nói về sức khỏe tâm thần của ông Vladimir Putin, bị cho là mắc chứng cuồng ám, điên rồ, tự kỷ…, nhằm giải thích cho những quyết định tấn công Ukraine của chủ nhân điện Kremlin.

Cũng theo ông Pierre Conesa, cần phải phân biệt chức năng của hai tổ hợp quân sự - công nghiệp và quân sự - trí thức. Bên thứ nhất là một ngành công nghiệp công nghệ cao và sự năng động và trọng tâm hoạt động là nghiên cứu, đưa công nghệ cao vào việc áp dụng quân sự nhằm để giết chóc, không hẳn là để gây chiến mà đúng hơn là trục lợi từ chiến tranh.

Ngược lại, bên thứ hai là nhằm đưa ra một tiêu chuẩn kép, được áp dụng với nguyên tắc "bên nào là tử tế, bên nào dữ". Đây cũng chính là những gì đang diễn ra cho Iran ngày nay, kể từ khi bị cựu tổng thống Mỹ George W. Bush liệt kê vào "Trục Ác" bao gồm : Iran, Irak và Bắc Triều Tiên, nhưng không bao giờ có Ả Rập Xê Út.

Và cuộc khủng hoảng ngày 11/9 còn cho ra đời một lớp chuyên gia mới về xung đột, khiến xu hướng bài Hồi giáo tăng cao, bởi vì một lần nữa, như mọi trường hợp, cỗ máy tin tức liên tục lại tăng tốc thời lượng với sự can dự của tổ hợp quân sự - trí thức. Pierre Conesa trên đài RFI giải thích tiếp :

"Nghĩa là ngay khi một sự kiện diễn ra hay như khi chúng ta đưa tin một sự kiện gì đó mỗi ngày, cần phải thông báo vài điều gì đó. Nghĩa là trên một kênh thông tin liên tục, có khoảng 10-15 phút để đưa tin thời sự, quảng cáo và phần còn lại là dành cho các cuộc tranh luận. Nhưng để làm một chương trình tranh luận cần phải có 4 người xung quanh một chiếc bàn. Và bốn người này, nếu được gặp đi gặp lại, trong vòng một số ngày nhất định liên tục, quý vị sẽ thấy xuất hiện những người, tuy đôi khi chẳng có mấy kiến thức với chính chủ đề, nhưng họ vẫn được xem như là những "chuyên gia" nhờ vào truyền thông."

Somalia và sự dối trá của những "chuyên gia"

Chỉ có điều, những vị "chuyên gia" này, qua các kênh truyền hình trung gian, kêu gọi những "cuộc chiến chính nghĩa", chỉ định kẻ thù và ủy nhiệm cho phương Tây một vai trò "sen đầm quốc tế". Ông Pierre Conesa lên án việc đưa tin trực tiếp ("in live") đã rút ngắn đáng kể thời gian hành động chính trị, buộc giới lãnh đạo phải phản ứng theo những chất vấn từ truyền thông mà không đủ thời gian để phân tích cụ thể các thành tố của khủng hoảng. Điều này có nguy cơ lôi kéo nhân loại vào những cuộc xung đột mới mà không được thế giới bận tâm đến, như trường hợp của Somalia. Ông Pierre Conesa nhắc lại :

"Năm 1993, 1994, người ta nói có cướp bóc các đoàn xe cứu trợ nhân đạo tại Somali, gây tai tiếng trong lòng dân chúng. Nhưng theo tổ chức Y sĩ Không biên giới tại Somali những người đó tấn công đoàn xe cứu trợ không phải là những người ăn cắp, họ không đem bán mà phân bổ lại trong bộ tộc của họ. Nếu thế giới tăng thêm số lượng, họ sẽ ngừng kiểu hiện tượng này. Trong lúc chúng tôi đang biện hộ cho lý lẽ này thì ông Bernard Kouchner – khi ấy là bộ trưởng (Y tế và Hành động Nhân đạo) – đã quyết định can thiệp quân sự. (…)

Nhưng sau vụ trực thăng Mỹ bị tướng Aidid của Somalia bắn rơi, làm thiệt mạng 20 lính đặc nhiệm Mỹ, và dẫn đến việc Hoa Kỳ rút quân không can thiệp vào cuộc nội chiến, thì ngày nay không còn ai bận tâm về những gì đang diễn ra tại Somalia, đang phải đối đầu với các phe thánh chiến Hồi giáo như Shebab, Hồi giáo cực đoan… Hiện tượng truyền thông một lần nữa được thực hiện bởi những người giữ nguyên tắc đạo đức mà không có chút hiểu biết chiến lược để rồi khi bình tĩnh, họ lại thoái lui và do vậy mới có những cuộc khủng hoảng như ngày nay mà chúng ta không hề có ý định quan tâm đến."

Hoa Kỳ thống lĩnh "trị trường" tư vấn

Nhưng Pierre Conesa lưu ý, ẩn sau những chiến dịch tuyên truyền, chỉ định kẻ thù đôi khi có phần thiên lệch như vụ ám sát Skripal ở Luân Đôn và vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong tòa lãnh sự ở Istanbul, còn có một cuộc cạnh tranh phổ biến ý tưởng gay gắt giữa các hệ thống tổ hợp quân sự – trí thức giữa Mỹ và Châu Âu.

Báo cáo của Foreign Policy năm 2008, cho thấy, Hoa Kỳ hầu như thống lĩnh thị trường ý tưởng với 5.465 viện nghiên cứu hoạt động tại 169 quốc gia, riêng tại Mỹ là 1.777 định chế. Báo cáo cũng cho thấy mức đầu tư của Mỹ cho thị trường này cao gấp 5 lần so với Châu Âu (561,1 tỷ đô la tại Mỹ so với 112,2 tỷ ở Châu Âu). Chính sự vượt trội này mà các định chế của Mỹ được xem như là một lối qua bắt buộc trong một sự nghiệp hàn lâm.

Cũng theo báo cáo của Foreign Policy, trong số các "đầu mối" địa chính trị, nơi tập trung nhiều cơ sở tư vấn, nghiên cứu ngoài Hoa Kỳ, tại Châu Âu có Bruxelles, Berlin và Luân Đôn. Tại Trung Đông thì có Tel-Aviv và Istanbul.

Cuối cùng, Pierre Conesa ghi nhận có sự thẩm thấu gần như hoàn toàn giữa các "think tanks", hệ thống chính trị và thế giới quốc phòng, các chuyên gia gầy dựng sự nghiệp tại nơi này hay nơi khác như là những cố vấn cho các nhà hoạch định chính trị.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 18/08/20222

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 278 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)