Trung Quốc ra sức tuyên truyền
Trung Quốc lại đang ra sức thực hiện chiến dịch truyền thông, nhằm đánh lừa dư luận về vấn đề Biển Đông.
Reuters
Ngày 3/8, ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) (1), Viện trưởng Viện nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông đã đăng bài một bài viết trên Khmer Times (Campuchia) với tựa đề "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là con đường tốt nhất để duy trì yên bình ở vùng biển này" (2).
Trước đó không lâu, Ngô Sĩ Tồn cũng đăng một bài trên Khmer Times, với tựa đề "DOC và Bộ quy tắc ứng xử để ngăn ngừa Biển Đông trở thành chiến trường cho các nước lớn" (3).
Trong bài viết này, Ngô Sĩ Tồn khẳng định rằng : "Do đó, cách duy nhất để tránh vấn đề nêu trên là thúc đẩy hợp tác hàng hải trong khuôn khổ DOC theo hướng thực dụng hơn, đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng các quy tắc và cơ chế an ninh ở Biển Đông với việc tham vấn COC (Bộ quy tắc ứng xử) như một điểm khởi đầu, để đạt được hòa bình và ổn định lâu dài ở Biển Đông" (4).
Trong bài viết ngày 3/8 thì ông Ngô Sĩ Tồn cũng nói thêm : "Phương thức duy nhất để tránh những nguy cơ nêu trên là áp dụng một cách tiếp cận thực tế hơn đối với hợp tác hàng hải theo khuôn khổ tuyên bố, đồng thời đẩy nhanh hơn việc xây dựng các quy tắc và cơ chế an ninh ở Biển Đông thông qua tham vấn COC, với mục đích cuối cùng là một nền hòa bình và ổn định bền vững ở Biển Đông. Đàm phán COC là một sứ mệnh chung của Trung Quốc và 10 nước ASEAN ; việc xây dựng COC sẽ giúp ổn định mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN về lâu dài ; và sự đồng thuận về COC sẽ làm cho các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông được hưởng lợi. Ở giai đoạn này, cần hướng tới mục tiêu tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, xây dựng sự đồng thuận và tìm kiếm điểm chung, đồng thời bảo lưu sự khác biệt trong các cuộc tham vấn về COC" (5).
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng có phát biểu gần đây rằng : "Là văn kiện chính trị đầu tiên được Trung Quốc và các nước ASEAN ký kết về Biển Đông, DOC đã thiết lập các nguyên tắc cơ bản và chuẩn mực chung để các bên xử lý các vấn đề liên quan. Với hành động tuân thủ DOC trong hai thập kỷ qua, chúng ta đã cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Trong hai thập kỷ qua, DOC đã là nền tảng cho đối thoại và hợp tác hàng hải tích cực của chúng ta, dẫn đến những thu hoạch sớm trong nhiều lĩnh vực. Trong hai thập kỷ qua, DOC cũng là một khuôn khổ cho phép chúng ta củng cố sự tin cậy lẫn nhau về chính trị và xây dựng các mối quan hệ sôi động. Việc ký kết và thực hiện thành công DOC đã mang lại cho chúng tôi những nguồn cảm hứng quan trọng" (6).
Ai là kẻ gây rối ở Biển Đông ?
Nếu chỉ đọc hay nghe những phát biểu của giới chức và học giả Trung Quốc thì có rất nhiều người sẽ tưởng Trung Quốc luôn "yêu chuộng hòa bình", và Biển Đông căng thẳng là do ai đó, chứ đâu phải do Trung Quốc.
Vậy ai là người đã gây ra các xung đột quân sự ở đây ? Chúng ta còn chưa quên, cuộc xung đột đầu tiên đã bùng phát khi quân đội Trung Quốc tấn công quân đội Việt Nam Cộng Hòa khi họ đang kiểm soát Hoàng Sa hồi năm 1974. Năm 1988, một cuộc đụng độ khác đã diễn ra giữa Trung Quốc và Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa nhờ sức mạnh hải quân. Năm 1992, Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng Đá Vành Khăn - một rạn san hô đã được Philippines tuyên bố là lãnh thổ của họ.
Trong báo cáo "Những động cơ của các hành vi hung hăng ở Biển Đông" được Cục Nghiên cứu Châu Á Quốc gia (National Bureau of ASEAN Research - NBR) - một cơ quan nghiên cứu không lợi nhuận của Mỹ - công bố (7), học giả Andrew Chubb của Anh đã nghiên cứu các tranh chấp hàng hải và những thay đổi trong cách hành xử của chính phủ các nước có nhiều yêu sách nhất, bao gồm Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Báo cáo dựa trên các số liệu ghi nhận sự thay đổi hàng năm trong cách hành xử của ba quốc gia trên từ năm 1970 đến năm 2015. Chubb xác định bốn kiểu hung hăng mà các nhà nước thể hiện khi theo đuổi các lợi ích của mình ở Biển Đông, từ những khẳng định về chủ quyền bằng lời nói thông qua các tuyên bố và công hàm ngoại giao cho đến những lời đe dọa trừng phạt và sử dụng vũ lực. Một trong những phát hiện của báo cáo là thái độ hung hăng của Trung Quốc đã liên tục gia tăng Biển Đông, theo đó, kể từ năm 1970, hầu như năm nào Trung Quốc cũng thực hiện các động thái hiếu chiến.
Thêm vào đó, những hành vi hăm dọa của Trung Quốc, hay những hành vi liên quan đến những lời đe dọa trừng phạt, đã trở nên thường xuyên hơn sau năm 2007 - năm đánh dấu sự bắt đầu của các nỗ lực bành trướng, tăng cường kiểm soát và cải tạo đất ồ ạt của Trung Quốc. Báo cáo phát hiện ra rằng các hành vi hiếu chiến này của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào Philippines và Việt Nam, và thường không bị chi phối bởi những động cơ trong mối quan hệ Trung-Mỹ, mặc dù Mỹ - nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - đã ngày càng lớn tiếng lên án cách hành xử của Trung Quốc trong thập kỷ qua. Gần đây hơn, Mỹ còn đẩy mạnh các chiến dịch tự do hàng hải và các cuộc tập trận quân sự tại những vùng biển này.
Hiện tại, Trung Quốc tuyên bố khoảng 90% Biển Đông là lãnh thổ chủ quyền của họ. Với sứ mệnh trở thành cường quốc thế giới, Trung Quốc coi Biển Đông là cơ hội để thể hiện cam kết hướng tới mục tiêu tuyên bố chủ quyền mà họ cho rằng trong lịch sử đã từng thuộc về mình. Kể từ khi tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này hồi năm 2009, Trung Quốc đã thể hiện cam kết sâu sắc trong việc bảo vệ khu vực này. Trung Quốc bắt đầu xây dựng đảo nhân tạo vào năm 2012, bổ sung thêm 3.200 mẫu đất cho bảy thực thể tại Trường Sa và thay đổi Đá Chữ Thập thành một hòn đảo rộng 270 mẫu Anh. Việc biến các hòn đảo này thành các căn cứ quân sự và dân sự mang lại cho chúng nhiều giá trị chiến lược.
Mượn tay các bồi bút
Không chỉ các quan chức và học giả Trung Quốc ra sức "đổi trắng thay đen" cho các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh còn huy động một số bồi bút để tiếp sức với họ.
Mới đây, trên Asia Times, Mark Valencia - một bồi bút của Trung Quốc đã viết một bài công kích một bài viết của Greg Poling - Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative - AMTI) của CSIS, đăng trên Foreign Policy (8).
Bài viết của Mark Valencia với tiêu đề "’Sự hiện diện lịch sử’ không biện minh cho cách hành xử của Mỹ ở Biển Đông", trong đó nhận định rằng chuyên gia Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies - CSIS) đã cố biện minh cho chính sách và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông bằng cách nêu chi tiết về "khoản đầu tư" lịch sử của Mỹ ở khu vực này.
Theo Valencia, mặc dù ông Poling đã công khai thừa nhận thành kiến của mình khi nói rằng nhiệm vụ của ông là "thúc đẩy lợi ích của Mỹ", nhưng việc đưa ra phân tích thiên lệch về các vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách của Mỹ trong khu vực này không có lợi cho chính nước Mỹ.
Cần phải nói rõ với ông Valencia rằng, các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đặc biệt là đối với các quyền lịch sử trên toàn bộ cái gọi là "Đường 9 đoạn", đã đe dọa cam kết hàng thế kỷ của Mỹ về tự do hàng hải. Cam kết đó đã giúp tạo nền tảng cho sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ. Ngày nay, cam kết bảo vệ trật tự tự do hàng hải giúp ổn định thương mại quốc tế, giảm bớt căng thẳng ở trên biển và đảm bảo tiếp cận công bằng các nguồn tài nguyên. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea - UNCLOS) là kết quả của những nỗ lực trong nhiều thập kỷ để đàm phán và hệ thống hóa các quyền tự do đó. Giống với các quốc gia khác, Trung Quốc có nhiều tiếng nói trong quá trình soạn thảo Công ước. Và hầu hết các quốc gia láng giềng của Trung Quốc cũng vậy, đó là lý do tại sao họ kiên trì "bám" vào Công ước.
Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không chỉ làm suy yếu Công ước mà hơn thế, chúng phá hoại nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế : sự bình đẳng giữa các quốc gia. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẽ đối xử với luật pháp quốc tế theo cách họ thực thi luật trong nước - sử dụng chúng như một công cụ quyền lực nhưng không bao giờ bị ràng buộc đối với nó. Việc làm suy yếu UNCLOS mà không phải trả giá sẽ càng xác nhận điều đó.
Trung Quốc vẫn đang cố gắng thúc đẩy chiến tranh thông tin bằng cách ra sức tuyên truyền và gây nhiễu các thông tin đến dư luận quốc tế. Thế nhưng bản chất luôn là bản chất. Con sói có đội lốt cửu thì nó vẫn hiện ra những tham vọng và đe doạ của con sói. Chính vì thế, dư luận thế giới cũng chả mấy ai tin giọng điệu hòa bình giả tạo của Bắc Kinh.
Trần Lâm
Nguồn : RFA, 22/08/2022
Tham khảo :
2. https://www.khmertimeskh.com/501124385/south-china-sea-declaration-best-path-to-keep-waters-calm/
5. https://www.khmertimeskh.com/501124385/south-china-sea-declaration-best-path-to-keep-waters-calm/
6. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjdt_665385/zyjh_665391/202207/t20220725_10727703.html
7. https://www.nbr.org/wp-content/uploads/pdfs/publications/sr99_dynamicsofassertiveness_may2022.pdf
8. https://foreignpolicy.com/2022/08/14/the-united-states-is-deeply-invested-in-the-south-china-sea/