Báo động ! Ông Chính "chiếm" quân ủy Trung ương. Ông Tổng "trốn" nơi nao ?
Lê Hoàng, Thoibao.de, 24/08/2022
Về nguyên tắc từ xưa đến nay thì Tổng bí thư bao giờ cũng kiêm luôn chức Bí thư Quân ủy Trung ương. Trong Bộ Quốc phòng, về mặt đảng thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ là phó cho Tổng bí thư. Nghĩa là người thực sự có quyền lực cao nhất trong Bộ Quốc phòng không phải là ông Phan Văn Giang – Bộ trưởng mà là ông Tổng bí thư.
Về nguyên tắc từ xưa đến nay thì Tổng bí thư bao giờ cũng kiêm luôn chức Bí thư Quân ủy Trung ương - Ảnh minh họa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đại tướng Phan Văn Giang tại hội nghị.
Trước đây, các đời Tổng bí thư đều như có quy định nghiêm ngặt như thế để Thủ tướng không thể vượt quyền Tổng bí thừ cho dù Thủ tướng nắm toàn bộ nền kinh tế đất nước. Có thể nói, Bộ Quốc phòng là con át chủ bài trong cơ cấu quyền lưc dành cho Tổng bí thư, nếu không nắm được Bộ Quốc phòng thì Tổng bí thư rất dễ bị "đảo chính ngầm" ép phải từ chức.
Khi họp quân ủy trung ương, nhân vật không thể thiếu đó là Bí thư Quân ủy Trung ương, tức là ông Tổng bí thư. Tuy nhiên kỳ họp quân ủy Trung ương vào ngày 22/8 là trường hợp rất bất thường. Nhân vật chính của Quân ủy Trung ương đã vắng mặt. Thông tin này nhìn lướt qua có vẻ như không quan trọng, nhưng dưới con mắt của các nhà phân tích đầy kinh nghiệm thì đâu là dấu hiệu bất thường.
Ngày 22/8 tại Hà Nội, báo chí Nhà nước cộng sản cho biết, Quân ủy Trung ương tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo". Điều đặc biệt là nhân vật đóng vai chính trong kỳ họp quan trọng này lại là ông Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự chứ không phải ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương.
Tại hội nghị, ông Phạm Minh Chính đóng vai trò như Chủ tịch Quân ủy Trung ương và kéo theo là ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư. Ngoài ra còn có nhân vật thứ nhì trong Quân ủy Trung ương là đại tướng Phan Văn Giang, ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Quân ủy Trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Theo nguyên tắc, Bí thư Quân ủy Trung ương vắng thì Phó Bí thư Quân ủy Trung ương thay thế. Nghĩa là người đóng vai chính, là chủ của cuộc họp là ông Phan Văn Giang. Về hình thức thì ông Phan Văn Giang vẫn là người chủ trì, báo chí thông báo thế nhưng về vai trò thì có vẻ như Phạm Minh Chính mới là chủ hội nghị vì chính ông Chính chứ khôn ai khác đang chỉ đạo các cấp dưới quán triệt nghị quyết. Điều này đặt ra câu hỏi cho giới phân tích.
Câu hỏi là, sự vắng mặt của ông Nguyễn Phú Trọng là do bệnh thì tại sao người phó không không thay thế vai trò ông mà để mội người "ngoại đạo" như ông thủ tướng Chính thay thế ? Từ đó, có người cho rằng ông Thủ tướng chính đang "chiếm" vị trí đứng đầu Quân ủy Trung ương của ông Nguyễn Phú Trọng. Và thêm nữa là ông Phó Bí thư Quân ủy Trung ương Phan Văn Giang có vẻ như "thuần phục" ông Phạm Minh Chính khi mà để cho ông Chính làm chủ cuộc họp và triển khai nội dung chỉ đạo.
Như thoibao.de đã phân tích ở bản tin trước đây, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ lâu nay nắm trên tay 2 thanh kiếm. Tay phải là thanh kiếm Công an, tay trái là thanh kiếm Quân đội. Hiện nay nông Trọng nắm rất chắc Công an còn thanh kiếm Quân đội thì ông nắm khá lỏng lẻo. Và nhiều lần ông thủ Chính đã muốn tước lấy thanh kiếm lỏng lẻo này để củng cố quyền lực. Lần này ông Thủ tướng Chính lại "chiếm" vai trò của ông Trọng trong Quân ủy Trung ương là một câu trả lời nữa xác định sự nghi ngờ bấy lâu nay của các nhà phân tích là có cơ sở.
Hiện nay ông Trọng còn giữ ghế Tổng bí thư khoảng 3 năm nữa thì trao. Ông Tổng sẽ muốn trao cho người của ông chứ không muốn trao cho người của phe khác. Nếu ông Tổng Trọng giữ chắc 2 thanh kiếm, thì việc trao quyền lực cho Vương Đình Huệ trong tương lai dễ dàng. Tuy nhiên, nếu ông Trọng để thanh kiếm quân đội rơi vào tay ông Chính thì xem như ông Trọng có muốn đưa ông Huệ vào ghế thì e cũng bị ngăn cản mạnh. Đấy là những gì đang diễn ra, không biết liệu ông Tổng Trọng có nhận ra nước cờ của ông Thủ chính hay không ? Nếu không nhận ra thì để vài năm sau e là quá muộn. Ông Chính đã vượt ông Huệ ở Đại hội 13, đến đại hội 14 mà chủ quan thì e, lịch sử lặp lại.
Lê Hoàng
Nguồn : Thoibao.de, 24/08/2022
*************************
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 08
Sơn Bình, Quân đội nhân dân, 22/08/2022
Sáng 22/8, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo" (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 08).
Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị : Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam ; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội ; lãnh đạo chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương ; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam ; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu nội dung cơ bản của Nghị quyết số 08 ; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo quá trình xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08 ; một số đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương phát biểu tham luận đề cập nhiều vấn đề quan trọng, với tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng.
Đại tướng Phan Văn Giang chủ trì hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt, làm rõ những vấn đề chính trị, lý luận, thực tiễn và chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại trên ba yếu tố then chốt là: Tiềm lực khoa học công nghệ, nhân lực và xây dựng thể chế, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 08 đã đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết số 08 thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự kỳ vọng và tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành Công nghiệp Quốc phòng, cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Quân đội đến năm 2025 cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đồng thời, việc thực hiện Nghị quyết số 08 cũng góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là hội nghị rất quan trọng, diễn ra vào thời điểm cả nước và toàn Đảng đang tích cực triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố quốc phòng, an ninh.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần tiếp tục nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của nghị quyết ; nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại ; xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ; nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp quốc phòng. Coi trọng kết hợp xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trong chiến lược xây dựng, phát triển công nghiệp quốc gia. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về phát triển công nghiệp quốc phòng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hình thức hợp tác, chuyển giao công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Quân ủy Trung ương phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đến từng đảng viên và cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, có kế hoạch, lộ trình, bước đi vững chắc, phù hợp để triển khai thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả. Lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương cần nắm vững, hiểu sâu, thực hiện đúng, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 08 ; tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, thống nhất cao ý chí và hành động để phát triển công nghiệp quốc phòng gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đủ sức mạnh, tiềm lực, khả năng phục vụ có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thay mặt Thường vụ Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang tiếp thu, lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển, ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng Việt Nam luôn được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các quan điểm chỉ đạo về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã trở thành những nguyên tắc cơ bản, lâu dài, được kế thừa, khẳng định và phát triển trong các nghị quyết về công nghiệp quốc phòng. Quân ủy Trung ương đã nghiên cứu kỹ lưỡng, báo cáo và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Nghị quyết này đã kế thừa và phát triển các luận điểm mới về công nghiệp quốc phòng Việt Nam, trong đó nổi bật là định hướng chiến lược và các giải pháp then chốt để thích ứng với tình hình mới.
Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu, sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng nhanh chóng tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 08, nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi, để thấy rõ Nghị quyết số 08 là nội dung rất cơ bản, quan trọng liên quan mật thiết đến xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung của nghị quyết thành chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn và khả thi ; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng, Chính phủ, các ban đảng Trung ương, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo phối hợp cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết số 08, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý một cách đồng bộ, thống nhất để việc thực hiện Nghị quyết số 08 trong thực tiễn được toàn diện, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đề ra.
Tin, ảnh : Sơn Bình
Nguồn : Quân đội nhân dân online, 22/08/2022