Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/08/2022

Người Việt - bi kịch phận đời làm thuê làm mướn khắp bốn phương trời

Song Chi

Sau vụ 42 người Việt bị lừa sang Campuchia làm việc tại casino trong điều kiện bóc lột tàn tệ phải tìm cách chạy thoát, trốn về Việt Nam vào ngày 18/8 (trong đó một người bị đuối nước chết, một người bị bắt lại), nhận thấy dấu hiệu của việc mua bán người lao động, Cảnh sát Việt Nam và Campuchia đã vào cuộc điều tra. Phía Việt Nam đã bắt giữ hai người Việt có liên quan đến việc lôi kéo, tổ chức đưa người sang Campuchia, phía Campuchia cũng đã bắt giữ quản lý sòng bài nói trên, là công dân Trung Quốc, về tội ngược đãi, bóc lột người lao động. Báo Thanh Niên ngày 22/8 dẫn lại từ tờ Khmer Times ngày 21/8, "phát ngôn viên Kheang Phearum của chính quyền tỉnh Sihanoukville, Campuchia, cho biết địa phương đang truy quét các hoạt động trái phép như cờ bạc online, lừa đảo người nước ngoài trên địa bàn.

42nguoi2

Vụ 42 người Việt tìm đường trốn khỏi casino ở Campuchia rồi bơi qua sông mong trở về Việt Nam. Ảnh cắt từ clip

Đợt kiểm tra này là một phần của chiến dịch quy mô toàn quốc được phát động gần đây sau nhiều vụ lừa đảo, buôn người liên quan đến người nước ngoài tại Campuchia" ("Mở rộng điều tra vụ 42 người trốn khỏi casino Campuchia", Thanh Niên)

Từ mấy tháng qua, báo chí đã liên tục đưa tin về việc nhiều người Việt bị lừa bán sang Campuchia để cưỡng ép lao động trái phép, cưỡng đoạt tài sản, bị bán qua lại như những món hàng, bị đánh đập, ngược đãi, và nếu muốn trở về Việt Nam thì gia đình phải bỏ một số tiền từ từ 3.000 - 30.000 USD để chuộc... ("Giải cứu hơn 250 người Việt bị lừa bán sang Campuchia", Thanh Niên online, 7/2022, "Giải cứu hàng trăm nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia", Công an nhân dân online, tháng 7/2022)…

Đọc những câu chuyện do chính người trong cuộc kể về điều kiện ăn ở, làm việc tồi tệ, bị buộc phải làm việc 15/20 giờ mỗi ngày, nếu làm không đủ chỉ tiêu do chủ đề ra thì bị đánh, bị tra tấn bằng dùi cui điện và dây sắt, bị chích điện nhiều lần đến ngất xỉu, không khác nào nô lệ thời trung cổ. Những cô gái nào trẻ trung, xinh xắn thì còn bị ép làm "nô lệ tình dục".

Bên cạnh đó, người lao động còn bị ray rứt lương tâm vì công việc của mình thực ra là dụ dỗ, lừa đảo người khác để kiếm tiền cho chủ.

Khi may mắn được trở về, ai cũng bị ám ảnh khi nhớ lại những tháng ngày trong "địa ngục trần gian" ở xứ người.

Câu chuyện về những người lao động bị lừa sang Campuchia làm việc chỉ là tiếp nối của vô số câu chuyện cay đắng, thương tâm của người Việt đi lao động ở nước người, dù dưới hình thức hợp pháp theo con đường "xuất khẩu lao động", bất hợp pháp như đi chui sang các nước Tây Âu như Đức, Anh… và bây giờ là Campuchia.

Ra đi theo con đường "xuất khẩu lao động"- nô lệ lao động thời đại mới

Ở Việt Nam, chỉ có dưới chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo, người Việt mới được biết đến cái cụm từ "xuất khẩu lao động", thực chất là buôn bán người lao động, do chính nhà nước đưa ra thành chủ trương, chính sách công khai, hợp pháp. Chính sách này đã bắt đầu có từ năm 1980 dưới hình thức hợp tác lao động với các nước "xã hội chủ nghĩa anh em", trong tình hình kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn lúc bấy giờ. Đến khi cơ chế thay đổi năm 1991, hoạt động gọi là "xuất khẩu lao động" Việt Nam ra nước ngoài, càng phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số người lao động Việt Nam rời nước ra đi làm việc lên đến hàng chục ngàn người, trên trăm ngàn người mỗi năm, đã góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước.

Tuy nhiên, mặt tối của việc "xuất khẩu lao động" này cũng đã được đề cập đến từ lâu. Ngay cụm từ "xuất khẩu lao động" đã cho thấy người lao động chỉ là một món hàng để trao đổi, là hàng hóa chứ không còn được quan tâm như con người nữa. Một khi đã thành một chính sách, một chủ trương với sự nhúng tay của Nhà nước thì việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động sẽ rất khó khăn, cộng với những kẽ hở về luật pháp của Việt Nam, những vấn đề bất cập về cơ chế, chính sách, quản lý từ cả hai phía trong và ngoài nước, đã dẫn đến tình trạng nô lệ lao động mới và nạn buôn người để bóc lột sức lao động.

Đã có rất nhiều câu chuyện về người lao động Việt Nam bị trở thành nạn nhân buôn người, bị ngược đãi, hành hạ, kể cả lạm dụng tình dục…tại nhiều quốc gia như Malaysia, Jordan, Algeria v.v… Mới đây nhất, là vụ các lao động nữ Việt Nam bị đưa đi làm giúp việc nhà ở Ả Rập Xê Út, bị kẹt không về nước được vì đang mùa dịch phải tự mình quay video, chụp hình đưa lên mạng cầu cứu, được các tổ chức như BPSOS, Liên Hiệp Quốc giúp đỡ, báo chí tiếng Việt ở nước ngoài như VOA, BBC, RFA…đồng loạt lên tiếng, buộc lòng nhà cầm quyền Việt Nam không thể làm lơ.

Câu chuyện của các chị em đi lao động ở Ả Rập Xê Út cũng tương tự như bao nhiêu câu chuyện của những người đi theo con đường "xuất khẩu lao động"-khi ký hợp đồng thì các công ty môi giới lao động hứa ngon hứa ngọt đủ điều, vẽ ra viễn ảnh công việc vừa sức, làm việc tối đa 12 giờ/ngày, lương cao hơn làm công nhân trong nước, lại được chủ bao ăn ở nên tiền còn nguyên chỉ để dành để gửi về nhà…Nhưng khi bước chân sang làm việc, thì thực tế hoàn toàn khác-phải làm một ngày 18, 20 tiếng, quá nhiều việc, không chỉ cho một gia đình khoảng 7,8 người mà có khi phải phục vụ vài gia đình anh chị em cùng lúc, ăn không đủ no, bị chửi mắng, đánh đập, bị quỵt lương…Đáng thương hơn, có những trường hợp bị bạo hành đến chết hoặc bị đánh đến hỏng mắt, bị hãm hiếp… Tất cả những thông tin này báo chí Việt ở nước ngoài đã đưa. ("Nữ lao động Việt bị bạo hành ở Ả-Rập Saudi được giải cứu về nước", VOA, "Thiếu nữ người Việt 17 tuổi chết sau hai năm lao động ở Ả-rập Xê-út", VOA)…

Và suốt trong thời gian đó, khi chị em phản ánh với công ty môi giới thì bị làm lơ theo kiểu "đem con bỏ chợ", còn nếu cầu cứu đại sứ quán Việt Nam ở Ả Rập Xê Út thì cũng không hề được giúp đỡ, còn bị đe nẹt, thậm chí chính Liên Hiệp Quốc còn chỉ ra sự nhúng tay của "giới chức nhà nước" qua những bằng chứng như sửa đổi năm sinh cho người lao động ở tuổi vị thành niên để đủ tuổi đi lao động, hoặc có những hành động đe dọa, cho những kẻ bất hảo quấy rối người lao động khi họ đưa hình ảnh, video lên mạng, lên tiếng cầu cứu…("Liên Hiệp Quốc yêu cầu Việt Nam điều tra cáo buộc nạn buôn người sang Saudi Arabia 'có sự nhúng tay của giới chức', BBC, "Liên Hiệp Quốc : Việt Nam đe doạ các nạn nhân tố cáo tình trạng buôn người trong chương trình xuất khẩu lao động", Mạch Sống Media).

Khi dư luận xôn xao, các tổ chức bên ngoài vào cuộc thỉ nhà nước Việt Nam mới cho chuyến bay "giải cứu" sang đưa họ về, gọi là "giải cứu" nhưng người lao động phải chi tiền vé (hoặc được Liên Hiệp Quốc giúp), chi tiền xét nghiệm Covid, tiền cách ly… khi về đến sân bay Nội Bài. Nhiều người không có tiền, gia đình lại phải vay mượn để có những khoản tiền này.

Hay cũng mới đây, hàng trăm công nhân Việt Nam bị "buôn bán" sang Serbia để làm việc cho các công ty Trung Quốc, phải sống và làm việc trong điều kiện tồi tệ. ("Liên Hiệp Quốc : Hàng trăm công nhân Việt Nam bị cưỡng bức lao động cho công ty Trung Quốc ở Serbia", VOA, "Điều tra của BBC về thảm cảnh 400 lao động Việt Nam do công ty Trung Quốc đưa sang Serbia", BBC).

Từ nhiều năm nay, Việt Nam thường xuyên bị quốc tế chỉ trích vì chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn người. Sau 3 năm liên tiếp thuộc danh sách các quốc gia có vấn đề buôn người ở bậc cần theo dõi (Tier 2 Watch List) trong báo cáo về tình trạng buôn người thường niên trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, ngày 19/7 vừa qua, Việt Nam đã bị đưa xuống hạng 3 (Tier 3), tức là hạng tệ hại nhất.

Nhưng cho dù bị quốc tế chỉ trích, và có khả năng phải đối mặt với các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ do rớt xuống hạng 3 về buôn người, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không chấm dứt chính sách "xuất khẩu lao động" Nam vì nó đem lại một nguồn ngoại tệ "khủng" hàng năm, và cũng sẽ không có những biện pháp trừng phạt, truy tố, truy xét trách nhiệm nào đối với các công ty môi giới lao động nhiều như nấm mọc sau mưa, bởi vì các công ty này nếu không phải là "sân sau" của một số quan chức thì cũng giỏi đút lót để mà được tồn tại.

Ra đi bằng con đường bất hợp pháp - bao nhiêu rủi ro, bất trắc rình rập…

Nhiều người Việt khác thì lại tìm đường đi chui, nhập cư bất hợp pháp vào nước ngừơi vì sẽ tìm được những công việc có thu nhập khá hơn so với đi theo con đường "xuất khẩu lao động". Người lao động thường tìm đến những quốc gia có cộng đồng người Việt đông đảo ở các nước Châu Âu vì có thể làm việc cho đồng hương, không cần phải học ngôn ngữ, không cần phải hội nhập. Và một trong những điểm đến yêu thích nhất ở Châu Âu đó là Vương quốc Anh, nơi có thị trường lao động "chui" nhộn nhịp (black market jobs), chính sách dành cho người tị nạn rất nhân đạo, cộng thêm tiếng Anh dù sao cũng quen thuộc vả dễ nói "bồi" hơn so với tiếng Pháp, Đức…Thu nhập của người lao động làm móng tay hay trồng cần sa lại rất khá, vài ba ngàn bảng Anh một tháng là chuyện bình thường.

Cứ như vậy người đi trước bày vẽ, rủ rê người đi sau, có khi người cùng làng- cùng tỉnh rủ nhau cả nhóm đi lậu sang Anh. Đi bằng visa du lịch từ Trung Quốc, từ Nga rồi vượt đường rừng sang Tiệp, Đức, Pháp, từ đó sang Anh. Có trăm ngàn cách để nhập cư lậu vào Anh : bám theo xe tải, chui vào container đông lạnh đi đường bộ, hoặc dùng xuồng cao su vượt eo biển English Channel giữa hai nước Pháp-Anh. Chuyến đi có khi kéo dài cả năm, cũng có khi người lao động phải chờ chực trong khu rừng Calais thuộc nước Pháp hàng tháng trời trước khi sang được Anh, và đã có những bài báo, phóng sự làm về người di cư bất hợp pháp trú ngụ trong khu rừng này.

Mỗi người ra đi đều phải đóng một số tiền không nhỏ-từ 25.000 -30.000 bảng Anh cho bọn buôn lậu người, do đó khi đặt chân lên nước Anh ai cũng phải cày như điên để trả nợ.

Vô số những câu chuyện thương tâm về việc bị hãm hiếp, bị chết dọc đường, nhưng chấn động dư luận nhất là hai vụ gần đây, khi 39 người Việt bị chết trong thùng của một chiếc container đông lạnh ở Essex, Anh Quốc trên đường nhập cư lậu vào nước Anh vào ngày 23/10/2019 ; và 4 người Việt bị chết cháy trong một nhà máy bỏ hoang Bismark House Mill ở Oldham trong tháng 5/2022, nhưng mãi hơn 2 tháng sau thi thể mới được phát hiện và ngày 5/8 vửa qua, cảnh sát Greater Manchester, Anh Quốc công bố danh tính bốn người. Người ta nghi rằng nhà máy này đã được sử dụng để làm nơi trồng cần sa bất hợp pháp và con số người chết có thể không chỉ dừng lại ở 4 người. Kinh khủng hơn, có thể buổi tối họ đã bị khóa cửa nhốt bên trong vì người chủ sợ lao động bỏ trốn, nên khi đám cháy xảy ra họ đã không thể chạy thoát. Một câu chuyện tương tự đã từng xảy ra, khi 14 người lao động bị thiệt mạng, 4 người bị thương nặng trong một vụ hỏa hoạn lớn ở một nhà máy dệt may tại ngoại vi thủ đô Moscow vào ngày 11/9/2012, các công nhân ở đây đã bị chủ sử dụng lao động khóa kín trong những căn phòng nhỏ để làm việc ("14 thợ may người Việt thiệt mạng ở ngoại ô Mátxcơva", Dân Trí).

Và còn bao nhiêu những câu chuyện bi đát khác không sao kể xiết, trong suốt mấy thập niên qua…

Điều đáng nói hơn là dù không ít người vỡ mộng sau khi ra đi bằng con đường "xuất khẩu lao động" chịu trăm ngàn khổ cực, đắng cay, hay chịu bao nhiêu rùi ro, nguy hiểm khi ra đi bằng con đường bất hợp pháp, nhưng người Việt vẫn tiếp tục ra đi…

Gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước quy về một mối, bất chấp những lời huênh hoang "tự sướng" của quan chức lãnh đạo Việt Nam, bất chấp bề mặt thay đổi hào nhoáng hơn ở một số tỉnh, thành lớn, và một thiểu số giàu có, sống xa hoa phung phí đến mức không thể tưởng tượng nổi, đại đa số người dân Việt Nam bình thường vẫn chật vật chạy ăn từng bữa, hoặc không thể có được một công việc ổn định. Và chừng nào đảng và nhà nước cộng sản còn thất bại trong việc làm cho đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia đáng sống, có một nền kinh tế ổn định, tự lập, một nền giáo dục tiên tiến, nhân bản, một môi trường xã hội trong sạch về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, pháp luật nghiêm minh, công bằng, người dân có thể có một công việc đủ sống…thì tình trạng bỏ nước đi làm thuê làm mướn khắp bốn phương trời sẽ vẫn tiếp tục xảy ra. Những bi kịch đủ kiểu sẽ không dừng lại.

Không chỉ có thế, ngay những thành phần khác trong xã hội cũng tìm đường đi nhưng theo những cách nhẹ nhàng hơn như đi du học rồi ở lại, lập gia đình với người nước ngoài rồi ở lại, hay đầu tư kinh doanh… Trong đó đám tư bản Đỏ, quan chức trong chính quyền là sướng nhất, sau khi đã vơ vét, chụp giựt được một mớ tài sản kếch sù từ tài nguyên cúa đất nước, tài sản chung của nhân dân, thì họ thong dong cho con cái đi học ở những ngôi trường danh tiếng nhất, đắt đỏ nhất tại các cường quốc phương Tây, rồi mua biệt thự, bất động sản nguy nga, tiếp tục sống một cuộc đời nhàn hạ ở xứ người.

Đất nước từ khi bị biến thành tài sản riêng của đảng và nhà nước cộng sản thì cũng đồng thời trở thành nơi khó sống cho hàng chục triệu người nghèo và chỉ là "quán trọ", chốn tạm dung của hàng triệu người khác, kể cả những kẻ giàu có, thành đạt, hay có địa vị chức vụ trong bộ máy của chính quyền. Có bao nhiêu người thực sự trăn trở, muốn tận hiến sức lực, kiến thức, tài năng, muốn tìm con đường thay đổi vì một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam ?

Song Chi

Nguồn : RFA, 23/08/2022 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 352 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)