Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/08/2022

Hàn Quốc để lộ là cường quốc công nghệ điện tử quốc tế

Thanh Hà - Thu Hằng - Trần Công

Công nghệ bán dẫn : Hàn Quốc, trọng tài trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung

Thanh Hà, RFI, 26/08/2022

Hàn Quốc đang nắm giữ một chìa khóa của công nghệ tương lai nhờ hai nhà sản xuất chip điện tử Samsung Electronics và SK Hynix. Đấy là phúc hay họa vào lúc công nghệ bán dẫn đã trở thành một mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ? Bắc Kinh có những chiêu bài nào để vừa dụ, vừa dọa Seoul, một đồng minh chiến lược của Washington ?

hanquoc1

Tổng thống Mỹ Joe Biden, từ Nhà Trắng, nghe ông Chey Tae-won, chủ tịch tập đoàn SK Group phát biểu, Washington, Mỹ, ngày 26/07/2022.  AP - Susan Walsh

Viễn cảnh Hàn Quốc chuẩn bị tham gia liên minh Chip 4 với Hoa Kỳ, Nhật Bản và đương nhiên là nhà sản xuất bọ điện tử quan trọng nhất của thế giới là Đài Loan vào cuối tháng 8 hay đầu tháng 9/2022, là cái gai mới trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul. Chính quyền Biden đã có sáng kiến tổ chức một cuộc họp giữa 4 quốc gia dân chủ và tự do, 4 nhà sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu thế giới và đều là những đồng minh của Hoa Kỳ.

Bắc Kinh coi sự kiện này như một mối đe dọa "trực tiếp" nhắm vào nền kinh tế thứ hai của thế giới. Tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc, Park Jin tại Thanh Đảo hôm đầu tháng, ngoại trưởng Vương Nghị tránh nêu đích danh Hoa Kỳ nhưng đã lên án mọi hành vi "chính trị hóa kinh tế, khai thác các chuẩn mực về thương mại, quân sự làm tổn hại đến ổn định của các chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu". Ông Vương Nghị kêu gọi Hàn Quốc "duy trì an ninh và ổn định" cho các chuỗi cung ứng đó của thế giới.

Đối thoại giữa hai ông Vương Nghị, Park Jin chưa hạ màn, thì tại Washington tổng thống Joe Biden hôm 10/08/2022 ký sắc lệnh ban hành đạo luận "Chip and Science Act", đặt nền tảng phát triển công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ. Kèm theo đó là một ngân sách hơn 50 tỷ đô la trợ cấp cho các tập đoàn Mỹ và cả các công ty nước ngoài đầu tư vào Hoa Kỳ. Trong số đó có Samsung hay SK Hynix của Hàn Quốc. Để nhận được trợ cấp của chính phủ Mỹ, các đối tác nước ngoài phải cam kết ngừng đầu tư tại Trung Quốc trong vòng 10 năm.

Bắc Kinh thấy rõ viễn cảnh các nhà máy của Samsung tại Tô Châu, Tây An, của SK tại Vô Tích hay Đại Liên không được phát triển thêm trong thập niên sắp tới. Đây sẽ là một "tai họa" có nguy cơ chận đứng tham vọng biến Trung Quốc thành một mắt xích quan trọng của công nghệ mới, vốn lệ thuộc đến 13% vào linh kiện bán dẫn của Hàn Quốc. Theo lời một chuyên gia Hàn Quốc thuộc cơ quan tư vấn tài chính SK Securities, các nhà sản xuất chip của Trung Quốc còn "thua xa" hai tập đoàn Hàn Quốc.

Về phía Hàn Quốc, chính quyền của tổng thống Yoon Suk Yeol không mấy thoải mái trước đề nghị của Washington tổ chức hội nghị Chip 4. Về an ninh, về chiến lược, Seoul lệ thuộc vào Mỹ chủ yếu là trước đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Về đối ngoại, Hàn Quốc đương nhiên gần gũi với Hoa Kỳ hơn với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc là một thị trường lớn của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực, kể cả về công nghệ bán dẫn, linh kiện điện tử… Năm ngoái, 60% chip của Hàn Quốc xuất khẩu sang Hoa Lục và Hồng Kông. Tổng trao đổi mậu dịch giữa hai quốc gia đông bắc Á này đã được nhân lên gấp 50 lần so với cách nay 30 năm. Trung Quốc vừa là khách hàng vừa là một nhà đầu tư có trọng lượng trên xứ Hàn.

Hơn nữa, Bắc Kinh là một điểm tựa của chế độ rất khép kín ở Bình Nhưỡng trong tay ông Kim Jong Un. Đâu đó Trung Quốc nắm giữ một trong những chiếc chìa khóa về an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Seoul ý thức rõ được điều đó cho nên như xã luận của báo Nhật Yomiuri Shimbun (ngày 26/08/2022) ghi nhận tổng thống Yoon Suk Yeol vừa lên cầm quyền từ tháng 5/2022 luôn nhấn mạnh đến những giá trị phổ quát như "tự do""dân chủ" và thể hiện quyết tâm củng cố quan hệ với hai đồng minh lớn là Mỹ và Nhật Bản. Nhưng tân lãnh đạo Hàn Quốc không xem nhẹ ảnh hưởng của Bắc Kinh với chính quyền Bình Nhưỡng.

Nhìn rộng ra hơn Seoul biết rõ "cái uy" của Trung Quốc đối với toàn khu vực Châu Á lớn đến mức nào, ổn định của Biển Đông, eo biển Đài Loan hay biển Nhật Bản tùy thuộc vào những nước cờ và tham vọng của Bắc Kinh. Ảnh hưởng đó của Trung Quốc trên tất cả những vấn đề vừa nêu và nhất là trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên có thể là một công cụ cho phép Trung Quốc khi thì đấu dịu, lúc thì cứng rắn với các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc. 

Trong bối cảnh đó xã luận của báo Nhật Yomiuri Shimbun cho rằng hơn bao giờ hết Nhật Bản và nhất là Mỹ cần thắt chặt thêm nữa quan hệ với Hàn Quốc, cần làm tất cả để Seoul không ngả vào vòng tay của Bắc Kinh.

Thanh Hà

**********************

Hàn Quốc tìm sách lược giữ "bạn hàng" Trung Quốc, trấn an đồng minh Mỹ

Thu Hằng, Trần Công, RFI, 26/08/2022

Ngày 24/08/2022, Hàn Quốc và Trung Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Sự kiện diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm vì những bất đồng giữa Bắc Kinh và Seoul về hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đặt tại Hàn Quốc vẫn chưa được giải quyết ; cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn căng thẳng trong khi Seoul là đồng minh của Washington ; Bắc Triều Tiên không ngừng phát triển vũ khí đạn đạo và hạt nhân ; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

hanquoc2

Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin (trái) gặp đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tại Thanh Đảo, Trung Quốc, ngày 09/08/2022.  © AP - South Korea Foreign Ministry

Đâu là một số cột mốc chính trong quan hệ giữa hai nước, về kinh tế, chính trị, lịch sử ? Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về sự kiện quan trọng này như thế nào ?

Thông tín viên Trần Công tại Seoul tường thuật :

Lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập ngoại giao song phương giữa Hàn Quốc và Trung Quốc được tổ chức một cách trọng thể, tại cả Seoul và Bắc Kinh vào ngày 24/08/2022. Theo thông tin của đài KBS, trong bức thư mà tổng thống Yoon Seok-Yeol gửi cho chủ tịch Tập Cận Bình ông hy vọng hai nước sẽ tìm ra những hướng hợp tác mới trong 30 năm tiếp theo dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và có đi có lại.

Ông Yoon đề xuất khôi phục các trao đổi cấp cao, đạt được những thành tựu cụ thể trong các lĩnh vực hợp tác thực chất như an ninh kinh tế, môi trường và biến đổi khí hậu, bao gồm chuỗi cung ứng và vai trò mang tính xây dựng của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Còn chủ tịch Tập thì cho rằng thế giới đã bước vào một thời kỳ biến động và biến đổi mới. Đồng thời, ông Tập cho biết sẽ đi đầu trong việc tăng cường giao tiếp chiến lược với tổng thống Yoon, loại bỏ những trở ngại, xây dựng tình bạn và tập trung vào hợp tác. "Loại bỏ những trở ngại" được hiểu là quản lý các yếu tố xung đột.

Theo tổng hợp từ SBS, Hàn Quốc và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24/08/1992, đánh dấu cột mốc lịch sử nhằm kết thúc tình trạng "chiến tranh lạnh" giữa hai quốc gia luôn ở thế đối đầu sau chiến tranh Triều Tiên.

Mối quan hệ Hàn - Trung, được nâng cấp lên thành "bạn đồng hành" và "đối tác toàn diện" dưới thời chính quyền Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun. Trong giai đoạn này, các cuộc đàm phán sáu bên bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Mỹ, Nga và Nhật Bản đã liên tục được diễn ra với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mặc dù đàm phán sáu bên đã bị đình trệ nhưng nỗ lực của Trung Quốc trong vấn đề này là không thể phủ nhận.

Dưới thời chính quyền Lee Myung-bak xuất khẩu sang Trung Quốc đã vượt 100 tỷ đô la. Sau đó, tổng thống Park Geun-hee cũng đã có một chuyến thăm Trung Quốc và dự lễ duyệt binh mừng chiến thắng phát xít Nhật với chủ tịch Tập Cận Bình. Năm 2015, hai nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đưa mối quan hệ này trở lên khăng khít hơn. Nhưng sau khi Hàn Quốc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, quan hệ Hàn - Trung đã bị đóng băng ngay lập tức.

Gần đây, trong bối cảnh xung đột Mỹ - Trung, và việc Hàn Quốc có xu thế gia nhập nhóm Chip-4, đã khiến Bắc Kinh liên tục thể hiện thái độ khó chịu. Thiện cảm giữa nhân dân hai nước cũng ngày càng xấu đi. Và dường như mối quan hệ giữa hai quốc gia Đông Á đang đối diện với một cơn đại hồng thủy mới được gọi là "chiến tranh lạnh thế hệ mới".

Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Hàn Quốc, còn Mỹ là đồng minh quân sự. Trước vấn đề cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Seoul dung hòa mối quan hệ giữa hai cường quốc này như thế nào ?

Để nói về vấn đề thương mại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, theo Yonhap News, thương mại Hàn - Trung đã tăng từ 6,3 tỉ đô la vào năm 1992 lên tới 300 tỉ đô la. Tính đến năm 2021, xuất khẩu sang Trung Quốc là 162,9 tỷ đô la, nhập khẩu 138,6 tỷ đô la, thặng dư thương mại khoảng hơn 30 tỉ đô la, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát. Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành đối tác thương mại số một của Hàn Quốc vào năm 2003. Hàn Quốc cũng tham gia hàng loạt hiệp định do Trung Quốc khởi xướng bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trong lĩnh vực chất bán dẫn, Trung Quốc là một mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn và chuỗi cung ứng toàn cầu - là một trong những thị trường lớn nhất, chiếm 60% tổng xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc, và 4 trong số 10 khách hàng mua chất bán dẫn hàng đầu thế giới là các công ty Trung Quốc.

Về vấn đề cạnh tranh Mỹ - Trung và khả năng dung hòa của Seoul, Yonhap News đã viết : Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đã khiến cho Trung Quốc nhạy cảm hơn với THAAD, vốn đã lắng xuống sau khi xung đột nổ ra vào năm 2016. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thể hiện động thái có tính xoa dịu với Hàn Quốc, quốc gia mà Trung Quốc coi là một mắt xích yếu trong liên minh Mỹ - Hàn. Trung Quốc cũng tiết lộ rằng radar băng tần X của THAAD không thể phát hiện ra các động thái quân sự của Trung Quốc.

Ngoài vấn đề về THAAD, chất bán dẫn cũng đang nổi lên như là một vấn đề đáng được quan tâm trong quan hệ Hàn - Trung sau khi Mỹ lên kế hoạch loại trừ Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn của họ. Đối với Trung Quốc, việc giữ Hàn Quốc trong khuôn khổ hợp tác bán dẫn Hàn - Trung là chiến lược quan trọng trong việc ổn định nguồn cung.

Kinh tế Hàn Quốc cất cánh bay cao nhờ động lực của thương mại Hàn - Trung trong 30 năm qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đối với nhiều người Hàn, lập trường ngoại giao "kiểu Ahn Mi-Kyung" - Mỹ vì an ninh, Trung vì kinh tế - đã chấm dứt. Chính phủ Hàn đang yêu cầu các biện pháp ngoại giao khôn khéo để duy trì quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc và củng cố chính sách ngoại giao và an ninh của liên minh Mỹ - Hàn.

Trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh có lập trường như thế nào ?

Đối với vấn đề này, đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Xing Haiminh (邢海明) đã tr li trong mt bàphỏng vấn

"Trung Quốc luôn cố gắng thuyết phục các nước liên quan theo cách riêng của mình. Quan điểm của chúng tôi là các quốc gia liên quan nên kiềm chế, không kích động tình hình và leo thang căng thẳng. Tôi để ý thấy rằng Hàn Quốc cũng đang nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và trao đổi với Bắc Triều Tiên. Tôi hy vọng Hàn Quốc sẽ có những bước đi táo bạo để cải thiện quan hệ Liên Triều bắt đầu từ khuôn khổ rộng lớn của sự nghiệp quốc gia, hòa bình và ổn định khu vực để mở ra cánh cửa cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên".

Ông Xing Haiming nhắc đi nhắc lại rằng mặc dù Mỹ đang liên tục vu khống Trung Quốc "bất hợp tác" trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, và thúc đẩy thuyết "Trách nhiệm Trung Quốc", Trung Quốc đã trung thành thực hiện tất cả các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên và khẳng định rằng "áp lực và trừng phạt" không giải quyết được vấn đề. Chúng ta cần suy nghĩ về lý do tại sao tình hình lại đi đến mức này và thảo luận cách để ngăn chặn và không để vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn và giải quyết vấn đề một cách đơn giản nhất có thể.

Lập trường của Hàn Quốc khác với lập trường của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân như thế nào ? 

Báo Nocut News có bài viết với tựa đề : "30 năm quan hệ, vai trò kiến tạo của Trung Quốc trong quan hệ Liên Triều có khả thi hay không ?". Trong lá thư chúc mừng gửi tới ông Tập, tổng thống Yoon có nhắn nhủ "hy vọng Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng mang tính xây dựng để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên".

Trang này nhân định rằng, vai trò của Trung Quốc ở đây là thắt chặt biện pháp trừng phạt với Bắc Triều Tiên và không mở cửa sau. Còn lập trường của Trung Quốc là tập trung vào "hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên", lập trường này là nhất quán, không thay đổi. Hiện tại, chính quyền ông Yoon đã chuyển hướng sang gây sức ép với Bắc Triều Tiên, nên đang mâu thuẫn với lập trường của phía Trung Quốc. Thêm vào đó, khi cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung gia tăng, không có lý do gì có thể thuyết phục Trung Quốc tuân theo yêu cầu của Mỹ và Hàn về Bắc Triều Tiên.

Trong một báo cáo có tiêu đề "kỷ niệm 30 năm quan hệ Hàn - Trung và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", hai nhà nghiên cứu Je-no Ahn và Su-seok Lee thuộc Viện Chiến lược An ninh Quốc gia đã đề cập đến việc "hạ thấp kỳ vọng của Hàn Quốc đối với vai trò của Trung Quốc đối với vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thu Hằng, Trần Công
Read 426 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)