Người Cộng sản nói phét đó là ngày "cách mạng thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta dưới sự tổ chức lãnh đạo bài bản, khoa học, sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh" (Tạp chí Tuyên giáo, 19/08/2022).
Ngày 19/8/1945, Đảng cộng sản Việt Nam, nhờ vào khoảng trống một chính phủ không có quân đội bảo vệ của Quốc gia Việt Nam, đã "cướp chính quyền từ tay Thủ tướng Trần Trọng Kim"
Thật, hư ra sao thì hãy đọc lời hai nhân chứng : cố nhạc sĩ, nhà văn Tô Hải và cố đại tá quân đội nhân dân, nhà báo Bùi Tín.
Nhạc sĩ Tô Hải : "Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy mít-tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo ? Ai hô thế nào thì hô theo thế ấy. Cờ vàng, cờ đỏ chẳng có gì quan trọng".
Cựu Đại tá Bùi Tín cho biết : "Sau 70 năm, nhìn lại không thể gọi biến cố đó là Cách mạng tháng Tám. Gọi vậy là "ngoa ngôn", là "đại ngôn", vì "cách mạng" là phải thay đổi hẳn chế độ cai trị, đổi mới hoàn toàn bản chất chế độ, đem lại dân chủ, tự do cho mọi công dân, quyền tự do bình đẳng trong kinh doanh, cốt lõi là tự do ngôn luận, tự do báo chí".
Ông Bùi Tín viết tiếp : "Gọi là cách mạng trước hết là không chính xác. Cách mạng là một cuộc thay đổi chế độ trong đấu tranh quyết liệt, thường có bạo lực chống đối, giằng co nhau, có đổ máu, như cách mạng ở Pháp, ở Hoa Kỳ mà ông Hồ chí Minh đã dẫn ra trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.
Biến cố gọi là Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam hoàn toàn không đổ máu, không có đấu tranh giằng co bằng bạo lực quyết liệt. Chính quyền thực dân Pháp đã bị phát-xít Nhật lật đổ ngày 9/3/1945 trong một cuộc đảo chính nhẹ nhàng. Trước đó nước Pháp đã đầu hàng phát-xít Đức, ngày 9/3/1945 cả Đông Dương thuộc Pháp, trong đó có 3 Kỳ của Việt Nam, cũng theo Pháp đầu hàng phát-xít Nhật, cho nên bị khối Đồng minh xếp vào loại thuộc địa của kẻ thù Nhật. Khi đế quốc Nhật đầu hàng Mỹ và đồng minh, quân đồng minh gồm Anh và Trung Hoa Dân quốc vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật. Quân đội Trung Hoa Dân quốc tiến vào miền Bắc, quân Anh đổ bộ vào miền Nam.
Việt Nam lúc đó trở thành vùng đất trống về quyền lực cai trị, chính phủ Trần Trọng Kim vừa thành lập được 6 tháng còn non yếu, tuy về danh nghĩa đã giành được nền độc lập từ tay phát-xít Nhật đã buông súng đầu hàng Đồng minh. Quần chúng xuống đường theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, do Đảng cộng sản Đông Dương thành lập. Vua Bảo Đại thoái vị nhanh chóng, bày tỏ niềm vui "từ bỏ ngai vàng để trở thành một công dân tự do".
Cựu Hoàng đế Bảo Đại thú nhận : "Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn". Đó là câu nói đầu tiên cựu Hoàng đế Bảo Đại nói với cựu Thủ tướng Trần Trọng Kim khi hai người lần đầu tiên gặp lại nhau ở Hương Cảng năm 1946 và được Trần Trọng Kim ghi lại trong hồi ký của ông" (Phạm Cao Dương , "Bảo Đại, Trần Trọng Kim và Đế quốc Việt Nam, 9/3/1945 – 30/8/1945", Amazon xuất bản tháng 2/2017").
Giáo sư Dương là Giáo sư Tiến sĩ lịch sử, hiện vẫn còn sống ở California trong khi hai ông Tô Hải và Bùi Tín đã qua đời.
Như vậy thì Đảng cộng sản Việt Nam không "ăn may" nhờ vào khoảng trống một chính phủ không có quân đội bảo vệ của Quốc gia Việt Nam thời đó thì là gì ? Hay là Đảng cộng sản Việt Nam đã "cướp chính quyền từ tay Thủ tướng Trần Trọng Kim", hoặc "cướp công" của người dân tham gia 2 cuộc biểu tình ngày 17/8/1945 (ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim) và 19/8/1945 (theo lời kêu gọi của Việt Minh) thì cũng chẳng khác gì.
Chắc chắn, cái "kết" của 19 tháng Tám năm 1945 không hề là do "đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta dưới sự tổ chức lãnh đạo bài bản, khoa học, sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh", như Đảng cộng sản Việt Nam đã bịa ra để nhận hão.
Những bản án lịch sử
Nhưng chắc chắn, từ ngày 19/8/1945 ông Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam đã nghe theo Đế quốc Cộng sản quốc tế để đẩy đất nước vào cuộc chiến tranh 30 năm (1945-1975) huynh đệ tương tàn và làm cho nhân dân lầm than đói khổ và nghèo nàn lạc hậu.
Những tội ác tầy trời này được liệt kê theo thời gian như sau :
Bằng chứng của tội ác thứ nhất là trong cuộc đấu tranh gọi là "chống thực dân Pháp giành độc lập" kéo dài 9 năm, từ ngày 19/12/1946 khi Hồ Chí Minh ra lệnh Toàn quốc kháng chiến và kết thúc ngày 20/07/1954 khi Hiệp định Genève được ký kết, nhưng đất nước bị chia đôi, dân tộc bị chia lìa từ vĩ tuyến 17.
Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) thì đây là cuộc "Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại ba nước Đông Dương bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia, giữa một bên là Quân đội Viễn chinh Pháp cùng các lực lượng đồng minh bản xứ bao gồm lực lượng của Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Cam-bốt thuộc Liên hiệp Pháp, bên kia là lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Minh) cùng các lực lượng kháng chiến khác của Lào (Pathet Lào) và Campuchia (Khmer Đỏ)".
Trong cuộc chiến này, theo Bách khoa Toàn thư mở, phía Pháp có 75.581 người chết, 64.127 người bị thương và 40.000 quân bị bắt. Dân quân bản xứ có 419.000 người chết, bị thương và bị bắt hoặc đầu hàng.
Phía Việt Minh có 181.605 người chết, lối 200.000 bị thương và 100.000 bị bắt.
Dân thường được ước tính từ 125.000 đến 400.000 người thiệt mạng, nhưng tài sản tan hoang thì vô kể.
Sau khi nắm chính quyền ở miền Bắc, ông Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra tội ác trong cuộc Cải cách ruộng đất, bắt đầu từ 1953 đến 1957. Khoảng 15.000 người vô tội đã bị xử bắn ở miền Bắc, kể cả một nữ thương gia nổi tiếng, bà Nguyễn Thị Năm còn được gọi là bà Cát Hanh Long, một ân nhân lớn của Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là cách trả ơn riêng của Hồ Chí Minh và những cấp lãnh đạo cộng sản hàng đầu như Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị…
Tội ác thứ hai do Đảng cộng sản Việt Nam gây ra tại trại giam lao động khổ sai Đầm Đùn ở Thanh Hóa trong thời chiến tranh Pháp-Việt. Cuốn sách viết về trại Đầm Đùn của Trần Văn Thái, xuất bản năm 1969 cho biết : "Trại Sản Xuất và Tiết Kiệm ở Tây Bắc Tỉnh Thanh Hóa. Nói là Trại Sản Xuất và Tiết Kiệm nhưng thật ra, đó là trại giam thực sự mà những người điều khiển đã bóc lột sức lao động của "trại viên" đến xương tủy, khiến họ gục xuống chết tại chỗ. Bị khổ sai quá mức, bắt buộc phải thi đua tăng năng suất, bệnh mà không có thuốc, bị đòn phạt khi bị buộc là vi phạm luật lệ của nhà giam, tù nhân Trại Đầm Đùn đã có thời gian chiếm kỷ lục về con số thương vong hàng tháng. Đã thế, trại viên lại phải sống thường xuyên trong một bầu không khí khủng bố tàn bạo, bị đem ra đánh, ra giết bất cứ lúc nào cũng được vì không có luật pháp nào bảo vệ cho họ, họ không biết kêu cứu với ai. Đối với nhà cầm quyền Việt Minh, những người bị giam hoặc bị khổ sai tại những trại sản xuất bị nhìn như những tên Việt gian phản động, có hại cho xã hội xã hội chủ nghĩa và gây phí tổn vô ích cho nhà nước cộng sản.
Vì thế cho nên trong một Trại Sản Xuất và Tiết Kiệm của cộng sản, sự sống và sự chết đều vô nghĩa như nhau. Con người chỉ là một công cụ sản xuất của nhà nước trong những điều kiện vật chất ít tốn kém nhất, không sản xuất được nữa thì liệng xuống hố, lấp đất là xong, bất kể còn sống hay đã chết".
Tội ác thư ba là vụ đàn áp các văn nghệ sĩ trong Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm. khởi xướng đầu năm 1955 và chính thức kết thúc vào tháng 6 năm 1958. Hàng trăm văn nghệ sĩ là nạn nhân bị cầm tù, tra tấn và hanh hạ tinh thần, trong số có các ông Phan Khôi, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, bà Thụy An, v.v.
Bách khoa Toàn thư mở cho biết : "Phong trào này tuyên bố mục tiêu là đòi tự do thể hiện quan điểm chính trị cho giới nghệ sĩ. Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho rằng phong trào đã lợi dụng việc sáng tác văn nghệ để tuyên truyền chống Nhà nước, khởi nguồn từ một nhóm trí thức bị tình báo nước ngoài được cài ở miền Bắc lôi kéo, nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, phủ nhận quyền lãnh đạo chính trị và nhà nước duy nhất của Đảng Lao động Việt Nam, gây phương hại đến sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước".
Xâm lăng miền Nam
Hai năm sau vụ Nhân văn - Giai phẩm, Đảng cộng sản Việt Nam họp Đại hội lần thứ 3, từ 5 đến 10/09/1960 tại Hà Nội để quyết định kế hoạch xâm lăng miền Nam Việt Nam dưới chiêu bài "chống Mỹ cứu nước". Trong lần gây ra tội ác thứ bốn này, tổ chức chính trị tay sai của Hà Nội là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, do Đảng cộng sản Việt Nam thành lập ngày 20/12/1960. Mặt trận này do hai người cộng sản nằm vùng là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Kỹ sư Huỳnh Tấn Phát điều hành, và bị đặt dưới sự giám sát của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam cho đến khi bị giải tán ngày 4/2/1977, tức gần hai năm sau khi quân cộng sản miền Bắc tiến chiếm miền Nam bằng võ lực ngày 30/04/1975.
Trong cuộc chiến tranh lần hai, gọi là "chống Mỹ cứu nước", từ 1954-1975, theo Bách khoa Toàn thư mở thì : "Đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra cái chết cho khoảng từ 2 đến 4 triệu người Việt (tính cả binh sĩ và thường dân tùy theo những nguồn thống kê khác nhau). Đối với các lực lượng quân sự nước ngoài, Hoa Kỳ có số thương vong cao nhất với khoảng 58.000 người chết và hơn 305.000 người bị thương (trong đó có 153.000 bị thương nặng hoặc tàn phế). Hàn Quốc có từ 4.400 đến 5.000 binh sĩ chết và khoảng từ 11.000 đến 17.000 người bị thương, Trung Quốc có 1.446 binh sĩ chết trong đó 18 người chết và 67 bị thương trong Hải chiến Hoàng Sa, Úc có khoảng 500 binh sĩ chết và hơn 3.000 người bị thương, New Zealand có 38 binh sĩ chết và 187 người bị thương, Thái Lan có 351 binh sĩ chết và bị thương, Liên Xô có 16 người chết, Bắc Triều Tiên có 14 phi công chết còn Philippines vẫn chưa công bố con số thống kê".
Riêng tội ác thứ năm trong vụ tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 vào Thành phố Huế, quân cộng sản miền Bắc và tay sai Mặt trận Giải phóng miền Nam đã thảm sát trên 5.000 thường dân vô tội, kể cả đàn bà và trẻ em. Nhiều mồ tập thể khi khai quật đã thấy nhiều xác người bị trói tay về đằng sau rồi bị bắn vào đầu, và nhiều người khác bị chôn sống.
Sau ngày 30/4/1975, Đảng cộng sản Việt Nam lại gây ra tội ác thứ sáu bằng cách "đánh lừa, ít nhất 200.000 quân-cán-chính Việt Nam Cộng hòa qua lệnh học tập "ngắn hạn", nhưng có người sau đó đã bị giam giữ và lao động khổ sai đến 17 năm, hoặc hơn thế nữa trong các trại lao động gọi là "cải tạo" từ Nam ra Bắc. Nhiều nhân sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chết trong tù, trong đó có Luật sư Trần Văn Tuyên, nguyên Phó Thủ tướng trong Chính phủ Phan Huy Quát năm 1965.
Cuối cùng là tội ác thứ bảy Đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra cho dân tộc là cuộc chạy trốn chế độ hà khắc cộng sản để vượt biên, vược biển tìm tự do của hàng trăm nghìn đồng bào.
Bách khoa Toàn thư mở mở viết : "Theo Cao ủy Tỵ nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) thì trong khoảng thời gian 20 năm từ 1975 đến 1995 có 796.310 người từ Việt Nam vượt biên bằng đường biển. Cũng theo số liệu của tổ chức này, trong khoảng thời gian 1975-1995 đã có 849.228 người từ Đông Dương vượt biên bằng đường biển hoặc đường bộ (tính cả người Campuchia). Theo số liệu của Indonesia, trong khoảng thời gian 1975-1996 đã có 250.000 người từ Việt Nam và Campuchia tới tá túc trên đảo Galang. Tuy tới từ Việt Nam, nhưng theo thống kê thì 2/3 số người vượt biên là người gốc Hoa".
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cũng :"Ước tính có từ 200.000 đến 400.000 thuyền nhân chết trên biển do mọi nguyên nhân (bệnh tật, tai nạn, bão tố, gặp hải tặc...). Những ước tính khác cho rằng có từ 10 đến 70 phần trăm thuyền nhân chết trên biển do mọi nguyên nhân".
Với 7 tội ác tầy trời vừa kể, Đảng cộng sản Việt Nam đã làm cho đất nước kiệt quệ, dân tộc điêu linh và lạc hậu hơn các nước láng giềng. Chỉ tính về số thu nhập đầu người hàng tháng cũng thấy sự cách biệt đến xấu hổ. Trung bình lương công nhân Việt Nam từ 200 đến 400 Mỹ kim/tháng, hay từ 2.400 4.800 mỹ kim/năm. Trong khi đó lương trung bình hàng năm của Thái Lan là 1.160.000 THB (Thai Baht) hay 34.782 USD.
Sự khác biệt cách xa này đã đương nhiên phủ nhận tính ba hoa chích chòe khua mỏ của Đảng cộng sản Việt Nam khoe rằng : "Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam ; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại ; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở Châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" (Đảng cộng sản Việt Nam, 19/8/2022).
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Qua những lỗi lầm lịch sử nghiêm trọng này mà lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ tại Trung Hoa đã nói vào ngày 25/9/2017 rằng : "Đảng cộng sản Việt Nam nay đã hoàn toàn biến chất, trở nên quá hư hỏng, khó có thể sửa chữa được ! Đảng đã đánh mất mình, không còn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nữa !
Cựu Đại sứ, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (1916 - 2019) được coi là một nhà yêu nước, người có tư tưởng cải cách và nhà phản biện chính trị, xã hội có uy tín
Trong các hư hỏng trên, cụ nói có 3 hư hỏng nguy hiểm nhất :
- Một là, Đảng cộng sản Việt Nam đã trở thành một ổ tham nhũng trầm trọng, khó có thể kiềm chế và kiểm soát được ! Bọn tham nhũng đều là những cán bộ, đảng viên trung cao cấp của Đảng, chúng đã trở thành bầy sâu, tập đoàn sâu và ăn của dân không từ một thứ gì !
- Hai là, Đảng cộng sản Việt Nam không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa. Nay đã chia rẽ, đang hình thành nhiều phe nhóm lợi ích tệ hại trong đảng, và các phe phái này đang ra sức đấu đá, tranh giành nhau quyền lợi và quyền lực, không thiết tha gì với lợi ích dân tộc, với quyền lợi đất nước như hồi Đảng lao động Việt Nam trước đây nữa !
- Ba là, Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào Đảng cộng sản Trung Quốc ! Sau khi bí mật ký kết thỏa ước Thành Đô (9/1990) với Đảng cộng sản Trung Quốc, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào Đảng cộng sản Trung Quốc ! Đảng cộng sản Việt Nam làm ngơ, không dám ra tuyên bố phản đối và thực hiện biện pháp đáp trả khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị bọn Trung Quốc xâm phạm, đặc biệt là sự kiện từ đầu tháng 5/2014 đến giữa tháng 7/2014, khi Trung Quốc ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, chúng hạ đặt trái phép dàn khoan HD.981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và mới đây Việt Nam phải nhẫn nhục đầu hàng, chấp nhận yêu sách ngang ngược của Trung Quốc đòi Việt Nam phải ngừng Dự án khoan thăm dò khí đốt tại Lô 136/03 thuộc bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam !" (Theo nguyên Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang ghi lại thư chuyển của Nhà văn kiêm dịch giả Nguyễn Nguyên Bình, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, trưởng nữ của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh).
Như vậy rõ ràng "ngày 19 tháng Tám năm 1945" đã không đem lại ấm no và hạnh phúc cho dân tộc. Chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội đặt trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh không do nhân dân tự chọn mà do đảng đã tròng vào cổ nhân dân để độc tài cai trị.
Và tất nhiên, ông Hồ Chí Minh cũng đã thất bại trong câu nói "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Ông Hồ nói câu này trong cuộc trả lời các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, sau cuộc tuyển cử đầu tiên. Nhưng sau đó, cũng chính ông đã đẩy đất nước vào cuộc nội chiến kéo dài 30 năm để gây đổ vỡ cho đất nước và đói nghèo, chậm tiến cho dân tộc.
Như vậy nếu không có ngày 19/8/1945 thì chắc chắn đất nước đã rẽ sang một khúc quanh mới sáng lạn hơn.
Phạm Trần
(30/08/2022)