Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/01/2017

Hiến kế cứu đồng bằng Cửu Long

Nam Nguyên

Vietnam

Chợ nổi Phong Điền vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam hôm 20/5/2015. AFP photo

Việt Nam đang tìm lối thoát cho tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long. Giải pháp tích cực nhất là phải bỏ lúa vụ ba, giảm dần diện tích đê bao khép kín sẽ khó thực hiện. Nếu không có những giải pháp đồng bộ, giải quyết được sinh kế của nông dân, nhà cửa ruộng đất bên trong hệ thống đê bao khép kín dày dặc ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cái khó bó cái khôn

Tìm giải pháp giữ nước cho đồng bằng sông Cửu Long là tên cuộc Hội thảo do Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức hai ngày 10-11/01/2017 tại Cần Thơ.

Nhà nước Việt Nam luôn đặt vấn đề an ninh lương thực lên hàng đầu, nên đã phát triển diện tích làm lúa vụ ba từ mức dưới 70.000 héc-ta lên 800.000 héc-ta trong gần hai thập niên vừa qua. Cùng với đó là hệ thống đê bao khép kín để có thể canh tác vụ lúa thứ ba trong mùa lũ. Cái được trước mắt là sản lượng lúa gạo tăng đến mức dư thừa, đủ xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo mỗi năm. Hơn nữa chính quyền quan niệm lũ là thiên tai và đê bao khép kín giúp giảm tổn thất tài sản, nhân mạng của nhân dân trong mùa lũ mênh mông nước.

Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là hậu quả lâu dài từng được cảnh báo nay đã hiển hiện. Đê bao khép kín ngày càng nhiều thêm đã làm mất đi các vùng trữ lũ tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo các số liệu được chuyên gia nước ngoài công bố, trong những năm qua chỉ riêng các đê bao khép kín để trồng lúa ba vụ một năm ở khu vực Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, đã làm giảm khả năng trữ khoảng trên 16 tỷ mét khối nước trong mùa lũ.

Mùa lũ người dân vẫn canh tác vụ thứ ba bên trong đê bao, còn nước lũ bị đẩy nhanh ra biển, ruộng đồng trong đê bao khép kín không được phù sa bồi đắp, đất càng ngày càng bạc màu, phải sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học nhiều hơn, gây ra những tác hại môi trường.

Nông dân khó tránh hậu quả

Trả lời chúng tôi tối ngày 10/1/2017 sau ngày đầu tham gia Hội thảo, Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ nhận định :

"Cái khó ở chỗ là nếu bỏ những đê bao như vậy nó sẽ làm đảo lộn những sắp đặt trước đây, ví dụ như nhà cửa, mồ mả, vườn tược người dân đã làm trong những vùng thấp rồi. Bây giờ phá đê bao như vậy sẽ ảnh hưởng cuộc sống rất nhiều. Thứ hai là một số nông dân trồng lúa trong mùa đó thì bây giờ không biết làm gì…dần dần chúng tôi sẽ tìm ra dạng mô hình canh tác phù hợp trong những vùng đó…

Nhưng điều quan trọng trước tiên là yêu cầu các địa phương không nên mở rộng các khu đê bao nữa để chừa lại không gian giữ nước. Sau đó nghĩ tới những giải pháp giúp cho họ chuyển đổi trong những điều kiện khác nhau tùy theo vùng sinh thái. Tiếp theo là biện pháp công trình giúp giữ nước lại như thế nào để ít bị thất thoát, đó là những bước về lâu về dài mới thực hiện".

VIETNAM-AGRICULTURE-CLIMATE

Một nông dân khoan giếng để lấy nước vào ruộng lúa bị hạn hán tại tỉnh Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hôm 2/3/2016. AFP photo

Báo Tài nguyên Môi trường dẫn lời bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan cho rằng, có mối liên hệ giữa những thay đổi về cảnh quan và tính dễ bị tổn thương của vùng đồng bằng sông Cửu Long vì không chỉ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, mà còn do những thay đổi của thời tiết, hay sự phát triển trên thượng nguồn.

Đặc biệt bà Đại sứ Hà Lan nhấn mạnh tới vấn đề quan trọng là sự thay đổi về khả năng giữ nước và biến động lũ lụt ở các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long. Đó chính là hậu quả của việc phát triển sản xuất 3 vụ lúa mỗi năm ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bà Đại sứ Nienke Trooster, có nhiều lý do để ủng hộ đề xuất trở về với hệ thống canh tác phù hợp với điều kiện thủy văn tự nhiên. Nhưng không dễ để thực hiện thay đổi như vậy, vì nó liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân, nhà cửa và đồng ruộng của họ.

Thức tỉnh giới lãnh đạo

Được biết ở Việt Nam mọi chủ trương lớn, đều phải được Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua rồi chính phủ là người thực hiện. Phát triển đê bao ở đồng bằng sông Cửu Long để làm lúa vụ ba đã được thực hiện qua nhiều nhiệm kỳ. 20 năm xây dựng đê bao khép kín và làm lúa ba vụ một năm, thì chắc hẳn 10 năm sắp tới cũng chưa đủ thời gian để thay đổi một cách triệt để. Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn nhận định :

"Năm vừa rồi và năm trước nữa chính phủ Việt Nam đã nhờ chính phủ Hà Lan giúp làm Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn 100 năm. Dù là thay đổi nhiệm kỳ của những người lãnh đạo ở các địa phương khác nhau, nếu mà cái "master plan" đó được thực hiện thì cũng theo đà đó, chỉ có những điều chỉnh nhỏ do biến động ở bên ngoài, bên trong chưa lường được hết, thì mình có thể điều chỉnh lại, nhưng mà đường đi thì vẫn phải đi theo như vậy. Thật ra cuộc hội thảo này do Đại sứ quán Hà Lan tài trợ thì cũng đã thấy được vấn đề đó rồi. Bây giờ phải là giải pháp trên toàn cục, chứ không phải những giải pháp từng nhiệm kỳ hay từng địa phương khác nhau nữa".

Câu chuyện biến đổi khí hậu, thủy điện bậc thang trên thượng nguồn sông Mê Kông làm giảm lưu lượng nước từ con sông mẹ này vào Việt Nam, rồi hạn hán xâm nhập mặn với hậu qủa nghiêm trọng năm 2016 đã làm thức tỉnh những nhà làm chính sách ở Việt Nam. Để giảm cây lúa vốn cần nhiều nước, Việt Nam có vẻ chưa chuẩn bị kịp để có những thay đổi triệt để.

Giáo sư Võ Tòng Xuân nhà nông học nổi tiếng, hiện là Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, Việt Nam cần thay đổi tư duy, nên bảo đảm đầu ra thị trường cho các loại cây trồng hay tôm cá, trước khi thay thế cây lúa ở những nơi buộc phải chuyển đổi.

"Không có đâm đầu vô cây lúa ‘hoảng’ như trước nữa, phải trồng theo đúng sự thích nghi của đất đai. Nhiệm vụ của các nhà doanh nghiệp bây giờ là phải đi tìm thị trường cho những cây trồng gì mà nó sẽ thay thế cây lúa, khi đó mới dám bỏ cây lúa thì người dân không bị ảnh hưởng gì cả…không trồng lúa nữa người ta lên liếp trồng xoài, lên liếp trồng măng cụt, hoặc là có mương tưới, mương tiêu, đem nước mặn vô, đưa nước thải ra, chứa nước mưa lại để nuôi tôm, v.v.".

Bỏ vụ lúa thứ ba trong năm, giảm dần hệ thống đê bao khép kín, phục hồi hai túi trữ nước lớn ở đồng bằng sông Cửu Long là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười là câu chuyện đường dài của Việt Nam. Hiện nay tái cấu cấu trúc nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long, là kế hoạch buộc phải tiến hành. Nhưng các nhà khoa học là người đề xuất giải pháp, còn việc chính phủ nhìn nhận vấn đề như thế nào vẫn là một câu hỏi lớn.

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Nguồn : RFA tiếng Việt, 11/01/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nam Nguyên
Read 748 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)