'Quyền lực' đến từ đâu ?
Nhiều hàng quán, sản phẩm nhờ vào các review (bình luận) mà làm ăn phát đạt. Ngược lại, cũng có nhiều cửa hàng khốn đốn bởi các "thánh review", đến mức phải "cấm cửa" việc quay phim, chụp hình sản phẩm.
Trên mạng xã hội còn truyền nhau hình ảnh một vài quán xá còn dán thông báo không tiếp một vài TikToker chuyên review đồ ăn
Trả lời BBC News tiếng Việt, Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên về truyền thông tại Thành phố Hồ Chí Minh nói :
"Sự trỗi dậy của các TikToker hay YouTuber chuyên về review thức ăn, nhà hàng cho thấy sức mạnh truyền thông được phân tán hơn trước khá nhiều.
"Lúc trước, quyền lực truyền thông tập trung vào các cơ quan báo chí thì bây giờ, với việc mạng xã hội ngày càng phát triển, người bình thường có nhiều quyền hơn để đưa ra nhận định, quan điểm cá nhân của mình", ông Tú nhận xét.
Vì sao review đồ ăn thường gây tranh cãi ?
Trên mạng xã hội TikTok thời gian qua rộ lên tranh cãi về nghề review quán ăn, nhà hàng. Nhiều người cho rằng, các TikToker này đã giúp nhiều hàng quán ế ẩm vốn không biết làm truyền thông nay trở nên mua may bán đắt.
Đơn cử, một chuỗi video nhiều tập về các quán vắng khách của TikToker Phụng Lai, người có khoảng ba triệu người theo dõi, đã giúp cho nhiều hàng quán buôn bán tốt hơn. Theo Phụng Lai, nhờ sự ủng hộ của cộng đồng mạng và chất lượng thực sự của món ăn, nhiều hàng quán không phải đóng cửa nữa.
Tuy nhiên, chuyện review của các TikToker cũng như con dao hai lưỡi và gây chuyện thị phi. Nhiều chủ nhà hàng, quán xá bức xúc, gọi những người chuyên review đồ ăn thức uống là "đạp đổ chén cơm của người khác".
Ví dụ, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh có quán "bánh canh cua 300k" nổi tiếng mắc nhất Sài Gòn được nhiều người đến chụp hình, quay phim.
Theo chia sẻ của chủ quán trên TikTok, có vài TikToker đến quán ăn, bà cũng nói rõ giá cả nhưng sau đó lại chê mắc và đăng nhiều điều không đúng sự thật lên TikTok, Facebook khiến quán của bà trở thành tâm điểm thị phi.
Một TikToker chuyên review nhà hàng có lượt theo dõi hơn 300.000 người nói với BBC :
"Tôi bắt đầu công việc từ sở thích chụp hình, ghi lại những món mình thích trên Instagram nhưng chỉ dừng ở việc chụp hình. Tới khi có TikTok, tôi quay video, lồng tiếng và may mắn được nhiều người ủng hộ. Nhưng càng nổi tiếng thì càng dễ dính thị phi, nhất là nghề review đồ ăn thức uống.
"Vì mỗi người một khẩu vị nên có khi tôi khen ngon, người ta đến ăn thấy dở, chửi review không có tâm. Chỗ tôi thấy không ngon, có ý kiến thì bị cho là cố tình thọc gậy bánh xe. Nên bây giờ tôi chỉ nói về giá cả, quay hình không gian, phân tích món ăn có vị gì, bày trí ra sao chứ không dám nói ngon hay dở nữa".
TikToker 'lạm dụng quyền lực' ?
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ cũng như không gian đầy tự do của các nền tảng mạng xã hội, nhiều người đã xây dựng được tên tuổi của mình qua việc "sáng tác nội dung" (content creator). Nhiều người không chỉ kiếm được thu nhập "khủng" từ công việc này mà họ còn có được sự nổi tiếng, yêu quý của cộng đồng mạng.
Sự "phủ sóng" của các TikToker còn ở cách show truyền hình có lượt rating cao, ở các sự kiện thảm đỏ ra mắt phim, giới thiệu MV hay cả những cuộc thi sắc đẹp.
Giảng viên Lê Anh Tú đánh giá với BBC rằng, khi sức mạnh truyền thông được phân tán qua cho những người không chuyên, sở hữu quyền lực mới mà không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ dễ dẫn đến việc lạm dụng quyền lực đó.
"Biểu hiện của việc này là các TikToker hay YouTuber nhận tiền quảng cáo, lên video review nhà hàng, sản phẩm rồi bóc phốt lẫn nhau. Người này tố người kia nhận tiền, người kia tố người nọ review chê để kiếm sự nổi tiếng. Họ vi phạm vào các văn hóa ứng xử, đạo đức hay thậm chí là về pháp luật", ông Tú đánh giá.
Theo thạc sĩ Lê Anh Tú, câu chuyện của các "chiến thần review" đào sâu thêm mâu thuẫn giữa người được đào tạo bài bản và những người không.
Ông cho rằng, nếu trong các cuộc thi có quy chuẩn, hoặc các buổi tập huấn đúng bài bản tại trường lớp, có cấp chứng chỉ, bằng cấp, các reviewer "tự xưng là chuyên gia" sẽ khó lòng "lấn sân" giới chuyên gia ẩm thực được đào tạo bài bản, hàn lâm.
Cụ thể, trong môi trường mạng xã hội, ý kiến của của các reviewer nào phù hợp với thị hiếu của khán giả mục tiêu sẽ có khả năng nhận được sự tán đồng cao, từ đó phát triển mạnh cộng đồng ủng hộ mình.
"Nếu các reviewer này mang đến thông tin sâu sắc, thêm kiến thức và giá trị sống cho khán giả thì rất đáng hoanh nghênh. Song nếu các reviewer đưa ra những nhận định dựa trên thông tin sai lệch (fakenews), những giả định sai, thiếu kiến thức nền tảng, rất có thể họ sẽ khiến cho những định kiến cũ bị khắc sâu, hoặc tạo ra nhiều thiên kiến mới", ông Tú nhìn nhận.
Bên cạnh đó, thạc sĩ Anh Tú cũng cho rằng, những mâu thuẫn trên là vấn đề của nền kinh tế chia sẻ.
"Cũng giống như câu chuyện Grab, khi mới xuất hiện trên thị trường cũng bị Hiệp hội Taxi đâm đơn kiện, cho rằng những người chạy Grab không có bằng lái xe, không được đào tạo bài bản mà vẫn được lái xe chở khách.
"Vậy những người được học, được đào tạo qua trường lớp phải chứng minh mình, chứ không phải học xong bằng rồi quăng xó. Quyền lực hiện giờ được phân tán rộng ra, chứ không còn tập trung vào những người được coi là "đủ tiêu chuẩn" nữa", ông Tú kết luận.
Cuộc chiến giữa hàng quán và TikToker
Đáng chú ý, sau các sự kiện dậy sóng kể trên, một vài hàng quán đã từ chối, không cho thực khách đến quay hình hay chụp ảnh các món ăn. Trên mạng xã hội còn truyền nhau hình ảnh một vài quán xá còn dán thông báo không tiếp một vài TikToker chuyên review đồ ăn.
Thạc sĩ Lê Anh Tú cho rằng, nếu các nhà hàng, quán xá không tiếp luôn các reviewer thì sẽ rất phức tạp.
"Điều này sẽ dẫn đến việc người dân hay khách du lịch đến ăn bình thường, muốn chụp hình, quay phim lại món ăn để đăng giữ những khoảnh khắc đó thì làm sao cấm được việc này. Do đó, nếu muốn cấm thì pháp luật phải quy định cụ thể, nên tốt hơn hết, các nhà hàng nên có sự thoải mái cho các thực khách khi đến quán của mình.
"Nếu như những người có sức ảnh hưởng nói sai hay lạm dụng để xuyên tạc, thì các nhà hàng, chủ quán nên có kênh riêng để thông tin lại, hoặc nhờ tới báo chí can thiệp. Nếu chủ nhà hàng tự mình đưa ra lệnh cấm không tiếp những người nổi tiếng về review hay hạn chế việc khách hàng chụp hình, quay phim thì cũng phải xem xét đủ quyền hạn về mặt pháp lý hay không.
"Nhưng trên hết, về góc độ cảm xúc hay tâm lý, chúng ta thấy thực khách đến ăn ở một nơi mà vấp phải nhiều điều cấm cản thì sẽ không thích và họ có thể phản kháng lại bằng quyền của người tiêu dùng là không đến ăn quán đó nữa.
"Chưa kể, họ có thể sẽ đánh giá một sao, để lại bình luận tiêu cực trên nhiều nền tảng du lịch, ăn uống khác chứ không chỉ TikTok hay YouTube. Đây là quyền của người tiêu dùng trong thời buổi mạng xã hội lên ngôi và các thương hiệu không còn là nơi nắm quá nhiều quyền lực như trước nữa", ông Tú chia sẻ.
Elon Musk mua Twitter, nhưng vì sao TikTok, Facebook ‘bá chủ’ ở Việt Nam ?
Cô gái có đôi chân khuyết tật kiếm 100 triệu/ tháng từ các clip nấu ăn
'Có thể bị xử lý theo pháp luật'
Luật sư Lê Trung Phát, giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (Thành phố Hồ Chí Minh) nói với BBC hôm 31/8, các TikTok nói sai sự thực có thể bị xử phạt theo luật pháp Việt Nam.
"Theo đó, nếu một hành vi nào đó, của bất kì ai, vì bất kì lý do gì, mà họ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác, thì đều phải chịu trách nhiệm. Trường hợp này, vì câu view câu like mà phản ánh sai sự thật, gây thiệt hại cho nơi được review, thì những người chủ của nơi bị review có thể tiến hành khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
"Tất nhiên, để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, thì những người chủ của các quán ăn, nhà hàng phải chứng minh được các yếu tố sau : Có hành vi review sai sự thật, có thiệt hại xảy ra và có mối quan hệ giữa hành vi review sai sự thật dẫn đến thiệt hại xảy ra. Lúc đó, họ sẽ tổng hợp các thiệt hại để khởi kiện ra tòa án cho một vụ án dân sự", ông Phát phân tích.
Cũng theo luật sư, pháp luật không can thiệp vào việc quán ăn cấm quay phim, chụp ảnh.
"Điều này thuộc về quy chế vận hành và quy định của từng nơi cung cấp dịch vụ. Vì họ là đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách, nên họ được quyền quy định những điều kiện mà khách đến phải chấp thuận, nếu không họ có thể từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ (ví như quán cafe máy lạnh, không cho phép khách hút thuốc lá)", ông Phát lý giải.
Nguồn : BBC, 01/09/2022