Ai sẽ là tân Tổng bí thư ?
Nguyễn Nam, VNTB, 06/09/2022
Ngay sau 4 ngày nghỉ lễ cho tết độc lập, chiều ngày 5/9/2022, báo chí tràn ngập tin tức về chuyện Việt Nam sắp có tân Tổng bí thư ở khóa XIII này.
Bộ Chính trị giới thiệu nhân sự để Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng Bí thư, lãnh đạo cấp cao. Ảnh minh họa Tứ trụ Đảng cộng sản Việt Nam
Theo đó, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký Quy định số 80 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (sau đây gọi tắt là Quy định 80).
Quy định 80 thay thế cho Quy định 105 năm 2017.
Quyền lực của Bộ Chính trị
Quy định 80 quy định cụ thể, Bộ Chính trị sẽ chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gồm Chủ nhiệm và các ủy viên ; đồng thời, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Bộ Chính trị cũng trình để xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh : Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các thành viên Chính phủ.
Ở khoản 3, giống quy định cũ, Quy định 80 cũng nêu rõ, Bộ Chính trị quyết định phân công công tác đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cả chính thức và dự khuyết.
Tuy nhiên, Quy định 80 mới bổ sung thêm việc "phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư". Việc này chưa có trong Quy định 105 cách đây 5 năm.
Bộ Chính trị sẽ quyết định việc "phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng" ; cho thôi giữ chức vụ ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức ; khen thưởng, kỷ luật ; thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.
Quy định 80 cũng bổ sung thêm nội dung : "Bộ Chính trị sẽ lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội trong việc giới thiệu nhân sự, phê chuẩn, miễn nhiệm hoặc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn".
Tứ mã tranh hùng ?
Thắc mắc rằng ai trong số 18 vị này sẽ được đề nghị "bầu Tổng bí thư" theo quy định 80 mà Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành : Nguyễn Phú Trọng (1944) ; Nguyễn Xuân Phúc (1954) ; Phạm Minh Chính (1958) ; Vương Đình Huệ (1957) ; Võ Văn Thưởng (1970) ; Trương Thị Mai (1958) ; Phạm Bình Minh (1959) ; Nguyễn Văn Nên (1957) ; Tô Lâm (1957) ; Phan Đình Trạc (1958) ; Trần Cẩm Tú (1961) ; Phan Văn Giang (1960) ; Nguyễn Hòa Bình (1958) ; Trần Thanh Mẫn (1962) ; Nguyễn Xuân Thắng (1957) ; Lương Cường (1957) ; Trần Tuấn Anh (1964), và Đinh Tiến Dũng (1961).
Trong số 18 chính khách trên, thì với những gì mà báo chí rút tít tựa cho chuyện đưa tin về một nội dung văn bản mới phát hành, cho thấy nhiều khả năng vào tháng 10 tới đây ông Nguyễn Phú Trọng sẽ rời ghế, và nhân sự sau đó sẽ được điều chỉnh phù hợp luôn ngay kỳ họp Quốc hội tiếp sau Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Các chính khách được đồn đoán sẽ ngồi vào ghế lãnh đạo tối cao của đảng, hiện tại là so kè giữa tứ hùng : Nguyễn Xuân Phúc – Phạm Minh Chính – Vương Đình Huệ – Tô Lâm.
Ông Nguyễn Xuân Phúc thì được dư luận ngờ vực là "trùm cuối" của vụ kit test Việt Á. Ông Phạm Minh Chính thì có thể dính líu trong vụ tham nhũng với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC (*).
Ông Vương Đình Huệ thì được nghi vấn về tham nhũng, khi hồi cuối tháng 5/2022, cô Vương Hà My, con gái của ông Vương Đình Huệ chụp hình chung với mẹ trong ngày lễ tốt nghiệp cử nhân ở Oberlin College, thuộc tiểu bang Ohio.
Theo phân tích của cộng đồng mạng xã hội, chi phí tiền học ở Oberlin College cho bậc cử nhân dao động từ 58 ngàn đến 60 ngàn Mỹ kim/1 năm. Rồi tiền mua sách vở, ăn uống di chuyển và nhà ở nữa… sẽ không dưới 40 ngàn Mỹ kim/1 năm. Lương của chủ tịch Quốc hội là 16 triệu 250 VNĐ/tháng, nghĩa là một năm chưa tới 10 ngàn Mỹ kim. Như vậy, nếu không ăn uống, chi phí sinh hoạt cá nhân khác, mà chỉ tập trung đóng tiền trường cho ái nữ thôi, thì ông Vương Đình Huệ cũng chỉ mới trả được có 1/10 chi phí ăn học kể trên.
Phu nhân của ông Huệ là bà Nguyễn Vân Chi, hiện là ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Việt Nam khóa XV, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.
Riêng cá nhân chính khách Tô Lâm, ngoài xì-căng-đan vụ "bò dát vàng", thì khá kín tiếng về các đồn đoán trên mạng xã hội. Ông Tô Lâm cũng là chính khách mà lúc còn được quyền tự do viết lách, nhà báo Phạm Chí Dũng thường khuyến cáo bè bạn trong nghề là hết sức cẩn trọng khi luận về Tô Lâm ở những vụ việc "hậu trường cung đình".
Thay lời kết
Giả dụ đúng như tháng 10 này sẽ có một người "về làm người tử tế", thì nếu có một lời nào đó dành cho ông Nguyễn Phú Trọng thời điểm này giữa bề bộn chính sự của "tứ mã tranh hùng" ấy, thì khách quan mà nói, 77 năm kể từ ngày 2/9/1945, từ khi ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư thì số ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Trung ương sau khi rời chức, bước vào tù là nhiều nhất.
Tuy chưa thỏa mãn hết mong muốn của mọi người, nhưng người viết cho rằng đây là những bước nhảy vọt về tư pháp đáng ghi nhận mà công đầu thuộc về đảng viên Nguyễn Phú Trọng.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 06/09/2022
Chú thích :
**********************
Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng đang ngầm chiến nhau ?
Lưu Ly, Thoibao.de, 06/09/2022
Ông Trọng đã tiệt cánh Miền Nam ở Đại hội 13, tuy nhiên trong tay ông Trọng lại không hề thiếu người Miền Nam, đấy là điều người ta thấy khó hiểu về ông Tổng bí thư. Hiện nay Miền Nam chỉ còn 3 Ủy viên Bộ Chính Trị thì ít nhất là 2 trong đó là trợ thủ đắc lực của ông Tổng bí thư. Đó là Nguyễn Văn Nên và Võ Văn Thưởng. Trong đó, Nguyễn Văn Nên được bổ về địa phương thì Võ Văn Thưởng được ông Tổng giữ lại để sát cánh cùng ông lo những việc lớn trong Ban Bí thư.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tặng hoa ông Vương Đình Huệ, vừa được bầu làm Chủ tịch Quốc hội - Ảnh Văn Điệp/TTXVN
Bắt đầu từ cuộc họp Quân Ủy Trung ương ngày 22 Tháng Tám, tại Hà Nội. Kỳ họp này mục đích triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo", tưc Nghị quyết số 08. Tại kỳ họp đấy, ông thủ tướng Phạm Minh Chính đã chiếm diễn đàn khi vắng bóng ông Tổng bí thư kiêm Bí thư Quân Ủy Trung ương.
Đáng chú ý là tại kỳ họp có sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng. Tuy ông Võ Văn Thưởng chỉ là quan sát nhưng nhiều người rất quan tâm đến sự có mặt này bởi có vẻ như ông Tổng bí thư đang cố nhường những nhiệm vụ quan trọng của ông cho người phó của ông trong ban bí thư là Võ Văn Thưởng.
Có người nhận xét, Võ Văn Thưởng đang đứng dưới cái bóng quá lớn của ông Tổng bí thư nên ông Thưởng bị che khuất. Điều đúng, bởi ngay cả thế lực mạnh thứ nhì hiện nay là thế lực ông Thủ tướng Phạm Minh Chính còn chưa thể bì với thế ông Tổng thì ông Võ Văn Thưởng không thể nào ngoi lên nếu ông Tổng không dìu dắt. Tuy ông Thưởng không đạt tiêu chuẩn là "người Miền Nam có lí luận" nhưng ông Thưởng được đánh giá là người dễ bảo nên được ông Tổng trọng dụng và đó là một lợi thế.
Vị trí Thường trực Ban Bí thư chưa bao giờ đứng ngoài cuộc ở cuộc đua vào chiếc ghế cao nhất đảng này, vì thế không thể loại ông Võ Văn Thưởng ra khỏi cuộc đua giành ghế Tổng bí thư. Hiện nay, ít nhất có 2 người của ông Tổng đang nhắm tới ghế của ông, đó chính là ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ. Hiện tại, ông Huệ có lợi thế hơn, tuy nhiên chặng đường còn dài chưa biết ai sẽ là người thắng thế.
Thực ra ông Vương Đình Huệ là người Nghệ An, ông là người Miền Trung chứ không phải Miền Bắc. Nếu xét về đièu kiện "người Bắc có lỹ luận" thì chưa chắc gì ông Vương Đình Huệ chiếm ưu thế. Về tiếng nói, ông Huệ nói tiếng gần giống người Miền Bắc nhưng đó chưa chắc gì là lợi thế được.
Ông Huệ là người có tham vọng mãnh liệt, tham vọng lớn đến mức ông đấu ra mặt với ông Thủ tướng. Trong khi đó thì Võ Văn Thưởng âm thầm hơn, gần gũi với ông Tổng hơn và tỏ ra là người dễ bảo hơn. Tuy bề ngoài là vậy, nhưng ông Thưởng đã tránh được những đòn đánh của ông Tổng nhắm vào giới Cộng sản Miền Nam và thậm chí còn trở thành người thân cận của ông Tổng thì không thể xem thường ông Võ Văn Thưởng. Thưởng có cách để né những đòn đấu đá hiểm ác, đấy là những gì mà người ta có thể quan sát được.
Hai ông Phạm Minh Chính và Võ Văn Thưởng (áo trắng, giữa) thay mặt ông Nguyễn Phú Trọng họp Quân Ủy Trung ương
Như vậy hiện nay ông Vương Đình Huệ đang có đối thủ ngay cả ở người cùng nhóm lợi ịch của ông Tổng chứ không phải chỉ có đối thủ ngoài nhóm. Nếu ông Tổng còn chiếm vị trí độc tôn cho đến hết nhiệm kỳ thì chưa biết ông sẽ "nhường ngôi" cho ai.
Võ Văn Thưởng không tì vết tham nhũng, không ồn ào, đấy là lợi thế. Bởi ông Thưởng còn trẻ mà vượt qua nhiều đối thủ chính trị vươn lên thành người thân cận của ông Tổng thì điều đó cho thấy ông Thưởng có cách của ông ấy.
Mới đây ông Vương Đình Huệ để lộ vết đen, con gái đi du học Mỹ rất tốn kém với nguồn tiền không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, với ông Thưởng thì cho tới nay vẫn chưa có tì vết gì điều đó cũng đem lại lợi ích không nhỏ. Ông Huệ và ông Thưởng, nhìn bề ngoài không ồn ào nhưng bên trong đang cạnh tranh nhau và ai thắng thì chỉ có thời gian mới trả lời.
Lưu Ly (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 06/09/2022