Điện Kremlin đã quay trở lại với các phương pháp và mục tiêu dựa trên sự chinh phạt, sự sợ hãi và tàn bạo.
© James Ferguson - Tranh minh họa
Donald Trump từng hứa sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Khẩu hiệu yêu thích của Tập Cận Bình là hướng đến "sự phục hưng vĩ đại" của dân tộc Trung Hoa. Vladimir Putin cũng được thúc đẩy bởi một mong muốn tương tự : hồi sinh nước Nga vĩ đại.
Nhưng thế nào là một quốc gia vĩ đại ? Putin và Mikhail Gorbachev, người vừa qua đời vào tuần trước, lại có suy nghĩ khác nhau.
Đối với Putin, sự vĩ đại của một quốc gia được xác định bằng lãnh thổ, sức mạnh quân sự, và khả năng khiến các nước láng giềng khiếp sợ hoặc khuất phục. Nhà lãnh đạo Nga tin rằng đất nước ông có quyền trở thành một trong những cường quốc trên thế giới. Ông cho rằng nước Nga đã "bị cướp" khi Ukraine giành độc lập, và chìa khóa để xây dựng lại sức mạnh và tầm vóc quốc gia là giành lại lãnh thổ đã mất. Quyết định xâm lược Ukraine là đỉnh điểm của nỗi ám ảnh này.
Đối với Gorbachev, sự vĩ đại của một quốc gia lại tập trung nhiều hơn vào phẩm giá của những công dân bình thường. Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2001 với nhà sử học Daniel Yergin , ông nhắc đến việc Liên Xô không có khả năng cung cấp cho công dân của mình những nhu yếu phẩm hàng ngày : "Hãy tưởng tượng một quốc gia có thể bay vào vũ trụ, phóng Sputniks, tạo ra một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ … [Nhưng] không có kem đánh răng, không có bột giặt, không có những hàng hóa cơ bản cho cuộc sống. Thật không thể tin được và thật nhục nhã khi phải làm việc trong một chính phủ như vậy".
Việc thường dân Nga không còn phải chịu đựng cảnh thiếu thốn như xưa phần lớn chính là nhờ các cải cách kinh tế của Gorbachev, dù chúng đã được triển khai một cách khá do dự. Những người đổ lỗi cho ông vì đã phá hủy nền kinh tế Liên Xô nên nhớ lấy điều đó.
Ý tưởng về phẩm giá con người của cựu lãnh đạo Liên Xô cũng đã mở rộng sang quyền tự do ngôn luận. "Thật không thể tin được và thật nhục nhã", khi mà dưới chế độ Xô-viết, những người có học thức phải sống trong một thế giới của những lời nói dối, khẩu hiệu và sự kiểm duyệt chính thức. Gorbachev đã thay đổi điều đó bằng cách giải phóng báo giới và ngành công nghiệp sáng tạo, trả tự do cho những người bất đồng chính kiến, và cho phép tiếp tục những nghiên cứu lịch sử thực sự. Còn Putin đang đưa nước Nga trở lại với sự đàn áp theo kiểu Liên Xô – khi ông cho đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập còn sót lại, bỏ tù những thành viên đối lập, và biến việc thừa nhận rằng Nga đang có chiến tranh trở thành một hành vi phạm tội.
Quan trọng hơn, ý tưởng về phẩm giá con người của Gorbachev đã vượt ra ngoài biên giới nước Nga. Quyết định quan trọng nhất, chính trực nhất mà ông từng đưa ra là không gửi xe tăng Liên Xô đến Ba Lan, Hungary, hoặc Đông Đức vào năm 1989 khi các phong trào dân chủ nở rộ.
Trong một thời gian ngắn ngủi, một nhà lãnh đạo Nga đã trở thành một biểu tượng quốc tế của tự do chính trị. Khi Gorbachev đến thăm Đông Berlin vào tháng 10/1989, một tháng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, đám đông đã hô vang "Gorby hãy giúp chúng tôi". Khi ông đến thăm Bắc Kinh vào tháng 5, những sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn đã ca ngợi ông như một anh hùng – một nhà lãnh đạo đã chứng tỏ rằng các chế độ chuyên chế cũng có thể cải cách và không cần phải giết chết người biểu tình trên đường phố. Nhưng giấc mơ ấy đã kết thúc bằng vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn chỉ một tháng sau đó.
Đúng là những phản ứng của Gorbachev không phải lúc nào cũng cao thượng và bất bạo động. Ông được nhớ đến cùng sự ghét bỏ ở các nước Baltic, vì đã mang quân đội Liên Xô đến đây hồi năm 1991 trong một nỗ lực (thất bại) để ngăn chặn phong trào giành độc lập của họ.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Putin sẽ là những người đầu tiên chỉ ra, Gorbachev thiếu sự tàn nhẫn để tiếp tục chiến đấu và giết chóc cho đến khi quyền lực của Moscow được khôi phục. Putin quyết tâm không lặp lại "sai lầm" đó, và kết quả là Ukraine đã phải trả một cái giá khủng khiếp về nhân mạng. Khi câu chuyện về những gì thực sự đã xảy ra trong chiến dịch bao vây Mariupol của quân Nga bị vỡ lở, nó có thể vạch trần một tội ác chiến tranh có quy mô lịch sử – với hàng nghìn dân thường bị giết và chôn vùi trong những ngôi mộ tập thể.
Đối với Putin, những vụ thảm sát như Mariupol chỉ là một dấu chấm nhỏ khi so sánh với sứ mệnh lịch sử của ông là khôi phục nước Nga vĩ đại. Những kỳ vọng ban đầu của ông về chiến thắng trước Ukraine chỉ trong vài ngày đã bị tiêu tan. Nhưng ông đã sớm gạt bỏ thất vọng bằng cách so sánh mình với Peter Đại đế, người đã giành chiến thắng cuối cùng trong Đại chiến phương Bắc kéo dài hơn 20 năm.
Đó là một so sánh hàm chứa nhiều điều. Peter Đại đế là một bạo chúa, khét tiếng bởi sự thờ ơ tuyệt đối trước những thiệt hại về nhân mạng. Hàng nghìn người đã chết trong quá trình xây dựng thủ đô mới của ông, St. Petersburg. Peter cũng áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc để tiến hành các cuộc chiến của mình. Đây là một bước đi mà Putin cho đến nay vẫn không muốn thực hiện. Bất chấp những luận điệu kiểu Sa hoàng của mình, có lẽ ông ta vẫn hiểu được sự nguy hiểm của việc đối xử với những công dân thế kỷ 21 như nông nô thế kỷ 18.
Putin có thể tin rằng chiến thắng trên chiến trường và trong cuộc chinh phục lãnh thổ là những cách thức duy nhất để khôi phục sự vĩ đại của quốc gia. Nhưng điều mà Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ gọi là "sự nghiêm túc tôn trọng ý kiến của nhân loại" cũng cần được cân nhắc. Nước Nga hiếu chiến không được đánh giá cao ở điểm này. Một cuộc khảo sát quốc tế do Đại học Pennsylvania và nhiều tổ chức khác thực hiện vào năm ngoái cho thấy ba quốc gia được ngưỡng mộ nhất trên thế giới là Canada, Nhật Bản, và Đức.
Cả ba nước đều được đánh giá cao dựa trên các tiêu chí như chính phủ trong sạch, tôn trọng nhân quyền, và công bằng xã hội. Đây là những điều ít được coi trọng ở nước Nga của Putin, nhưng lại được những cá nhân và chính phủ quan tâm đến phẩm giá con người coi trọng.
Putin đã thể hiện sự khinh thường của mình đối với những giá trị này – những giá trị mà Gorbachev đề cao – bằng cách tuyên bố rằng mình quá bận rộn, không thể đến tham dự lễ tang của vị cựu tổng thống. Hàng nghìn người Nga thinh lặng đứng trước quan tài mở của Gorbachev đã thể hiện sự bất đồng của họ.
Gideon Rachman
Nguyên tác : "Putin, Gorbachev and two visions of Russian greatness", Financial Times, 05/09/2022
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 12/09/2022