Ông Claude Blanchemaison làm đại sứ Pháp tại Việt Nam từ 1989 đến đầu tháng 03/1993. Nhiệm kỳ của ông đánh dấu hai sự kiện lớn : Liên Xô sụp đổ ngày 25/12/1991 và chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của một tổng thống Pháp, ông François Mitterand, vào năm 1993 kể từ khi Việt Nam giành độc lập.
Ông Claude Blanchemaison, đại sứ Pháp tại Việt Nam từ 1989 đến đầu tháng 03/1993. Ảnh chụp ngày 07/09/2022. © RFI / Thu Hằng
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tiếp nhận thông tin Liên Xô sụp đổ như thế nào ? Đâu là thực trạng quan hệ giữa Pháp với Việt Nam và Nga sau đó ?
RFI tiếng Việt ghi lại hồi ức của cựu đại sứ Claude Blanchemaison trong buổi phỏng vấn ngày 07/08/2022.
RFI : Ông làm đại sứ Pháp tại Việt Nam vào thời điểm Liên Xô tan rã cuối tháng 12/1991. Cơ quan ngoại giao Pháp và ông có đoán trước được sự kiện này không và phản ứng như thế nào ? Ông ở đâu khi biết được thông tin mà sau này làm thay đổi cục diện thế giới ?
Đại sứ Claude Blanchemaison : Đoán trước ư ? Không hẳn vậy. Tôi tới nhận nhiệm vụ ở Hà Nội vào mùa xuân 1989. Tôi có hai tháng để chuẩn bị kỉ niệm Quốc Khánh Pháp ngày 14/07. Năm đó hơi đặc biệt vì là tròn 200 năm Cách Mạng Pháp. Tôi mời rất nhiều người. Dĩ nhiên vì đó là ngày lễ lớn nên có đại sứ Liên Xô lúc đó ở Hà Nội tham dự.
Chị hỏi là tôi biết tin Liên Xô sụp đổ vào tháng 12/1991 như thế nào ? Tối hôm thông báo giải thể Liên Xô, tôi đang ăn tối với đại sứ Nga, lúc đó mới thay đổi. Ngài đại sứ mới, nhìn chung dân chủ hơn, nói thành thạo tiếng Pháp và tôi đã thắt chặt quan hệ với ông ấy. Chúng tôi vẫn thường trao đổi với nhau về tình hình ở Việt Nam, vì ông ấy từng là nhà ngoại giao trẻ ở Việt Nam và về Nga vì dĩ nhiên ông ấy là người Nga.
Tối hôm đó, ông ấy hơi bối rối. Ông nói : Quốc kỳ vừa được đổi ở Moskva. Tôi nâng cốc để nói : Nhiều chuyện bất ngờ đang diễn ra ở Nga và trên thế giới và có lẽ phải ăn mừng điều này. Dù sao, ông ấy tiếp nhận sự kiện khá bình tĩnh. Trong suốt nhiệm kỳ của tôi, ông ấy đồng hành cùng sự kiện đang diễn ra thực sự ở Nga với sự thay đổi chế độ, dân chủ hóa, rồi ông Yeltsin lên cầm quyền. Chúng tôi thường xuyên thảo luận tình hình với nhau.
Đối với Pháp, tình hình không thực sự thay đổi. Những chỉ thị mà tôi nhận được đều không có gì khác, có nghĩa là tiếp tục làm việc để Việt Nam và Pháp cam kết hợp tác hữu ích cho Việt Nam, trước tiên là để xây dựng một cấu trúc Nhà nước hiện đại, về mặt thuế khóa, cán cân chi tiêu, thương mại. Chúng tôi cũng làm nhiều việc trong lĩnh vực tư pháp bằng cách tư vấn, thông qua đội ngũ chuyên gia lớn đến từ Paris và những đối tác Việt Nam lúc đó vẫn thành thạo tiếng Pháp, kể cả ở cấp bộ trưởng, để hình thành luật thương mại cho nền kinh tế thị trường mở cửa với bên ngoài. Toàn bộ quá trình hợp tác này vẫn tiếp tục và không hề bị ảnh hưởng từ việc thay đổi chế độ ở Moskva.
Người ta thấy những nhân viên hợp tác hữu nghị Liên Xô dần dần rời đi. Có một khu rất lớn dành riêng cho họ và rất nhiều người trong số này đã rời Việt Nam. Sự hợp tác Việt - Xô vẫn được duy trì nhưng đã thay đổi về bản chất.
RFI : Ông còn nhớ phản ứng của người dân, của các nhà lãnh đạo Việt Nam sau khi Liên Xô sụp đổ không ? Bối cảnh ở Việt Nam lúc đó như nào ?
Claude Blanchemaison : Người dân rất thận trọng vì họ sợ là mọi phát ngôn quá lộ liễu hay quá ồn ào có nguy cơ phản lại họ. Vì thế, người dân quan sát. Dĩ nhiên những người mà chúng tôi biết, kể cả các nhà trí thức, thì họ nói về sự kiện đó, bàn luận với nhau nhưng tất cả đều rất thận trọng.
Các nhà lãnh đạo, những người nắm quyền ở chính phủ và trong Đảng, đều lo lắng bởi vì nếu cả một chế độ như Liên Xô mà còn có thể sụp đổ thì liệu chế độ Việt Nam, rất giống trong cách vận hành, lại không hứng chỉ trích của người dân, của sinh viên ?
Chúng tôi thấy thái độ của họ thay đổi. Có nghĩa là tất cả các nhà lãnh đạo đều muốn thể hiện gần gũi với người dân, đi thăm các nhà máy, mặc áo vải, đi dép lê và không còn đi ô tô che kín rèm cửa kính để tránh dân nhòm ngó nữa. Đôi khi họ cũng từ bỏ những biệt thự, những nơi nghỉ dưỡng bên bờ biển. Đây là chế độ đãi ngộ mà những nhà lãnh đạo, như trường hợp của Liên Xô, có thể được hưởng. Nói tóm lại là có sự thay đổi về suy nghĩ.
Tiếp theo, một phái đoàn cấp cao Việt Nam đi sang Trung Quốc để thảo luận thực sự với lãnh đạo nước này và cũng để chắc chắn rằng Bắc Kinh ủng hộ họ trong tương lai, cũng như bảo đảm tinh thần tương ái giữa hai chế độ, bất chấp những khó khăn mà hai nước trải qua, cũng như cuộc chiến biên giới năm 1979.
RFI : Ông đã nói ở trên một phần về hợp tác Pháp-Việt trong giai đoạn đó. Ngành ngoại giao Pháp tính bước tiếp theo như nào ở Việt Nam, cũng như chính sách của Pháp đối với Việt Nam ?
Claude Blanchemaison : Không có lý do gì để thay đổi đường lối của chính sách này vì đó là việc giúp Việt Nam hòa nhập với trường quốc tế, vừa về mặt chính trị bằng cách giải quyết vấn đề về Cam Bốt và vấn đề đó đã được giải quyết, vừa về mặt kinh tế bằng cách cố vấn, gợi ý Việt Nam chuẩn bị nhanh nhất có thể để gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN, một vấn đề mà ban đầu không hề dễ dàng gì. Pháp cũng đảm nhiệm vai trò phát ngôn ở Bruxelles để tăng cường hợp tác giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam. Nói tóm lại, chúng tôi vẫn tiếp tục đường lối đó, không thay đổi trong nhiệm kỳ của tôi.
Nhiệm kỳ của tôi kết thúc với chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên ở Việt Nam của một tổng thống nước Cộng Hòa Pháp, ông François Mitterrand. Chuyến công du đánh dấu rằng chúng ta đã sang trang mới, quá trình hòa giải đã hoàn thành, không còn chút kí ức nào về quá khứ và phải kiên định nhìn về tương lai và xem có thể làm gì cho Việt Nam trong lòng Đông Nam Á và Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu.
RFI : Vào thời điểm đó, liệu ông có nghĩ rằng cuối cùng lại là cơ hội cho ngành ngoại giao Pháp và cho ảnh hưởng của Pháp ở Việt Nam ?
Claude Blanchemaison : Có. Dĩ nhiên là có. Có một lý do mà chúng tôi lấy làm tiếc là lúc đó người Mỹ vẫn chưa quay lại, Hoa Kỳ vẫn tẩy chay, cấm vận Việt Nam. Chúng tôi thấy việc đó hoàn toàn lỗi thời và tổng thống Pháp cũng nêu lên khi ông đến thăm Việt Nam. Trong các phát biểu, tổng thống François Mitterand đã yêu cầu công khai Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận lỗi thời, sang trang chiến tranh và chuyển sang giai đoạn mới.
Dĩ nhiên là ngành ngoại giao Pháp có một cơ hội, vừa đơn thuần về mặt chính trị, như tôi nêu ở trên, vừa về mặt kinh tế. Tôi nhớ là đồng nghiệp Úc lúc đó nói : Người ta thấy doanh nhân đổ về từ khắp nơi, họ lấy thị trường của chúng ta, v.v. Đúng là doanh nhân đã đến Việt Nam. Bản thân tướng Giáp, khi đến dự lễ Quốc Khánh Pháp ngày 14/07/1989, cũng nói bằng tiếng Pháp : Các doanh nghiệp Pháp phải khẩn trương sang Việt Nam vì khi người Mỹ quay lại, sẽ không còn chỗ nữa. Chúng tôi đã mở cửa một chút và mong muốn mở cửa, kể cả với Hoa Kỳ, với thị phần của người Mỹ.
RFI : Sau sự kiện Liên Xô sụp đổ, ông còn ở lại Việt Nam thêm hai năm trong nhiệm kỳ. Ông thấy Việt Nam thay đổi như nào ? Liên Xô tan rã đã tác động như thế nào đến chính sách của Việt Nam ?
Claude Blanchemaison : Tôi nghĩ là Việt Nam rất thực tế. Và điều này đúng đối với cả đội ngũ lãnh đạo, cũng như người dân. Đúng là việc Liên Xô tan rã, có thể là điều bất ngờ khó chịu vào thời điểm xảy ra nhưng cần phải sang trang mới. Và may mắn là Việt Nam đã tiến hành "Đổi mới" trước đó, có nghĩa là cải cách nền kinh tế, du nhập kinh tế thị trường, mở cửa nền kinh tế với thị trường thế giới. Và cần phải thúc đẩy phong trào này vì Liên Xô tan rã. Mô hình đó không còn, mà thực ra là đã thất bại.
Việt Nam cũng nhận thấy Trung Quốc đã chuyển đổi sang kinh tế thị trường và mở cửa với thị trường thế giới từ vài năm trước. Do đó, phản ứng của Việt Nam là thúc đẩy quá trình với những bên muốn giúp họ, trong đó có Pháp, có Liên Hiệp Châu Âu, Úc và một số nước khác, nhưng chưa có Hoa Kỳ vì lúc đó người Mỹ chưa trở lại.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn cựu đại sứ Pháp Claude Blanchemaison đã chia sẻ một số kỉ niệm về Việt Nam vào thời điểm Liên Xô sụp đổ.
Thu Hằng tóm lược
Nguồn : RFI, 12/09/2022
Sau Việt Nam, ông Claude Blanchemaison tiếp tục làm đại sứ tại Ấn Độ, Nga và Tây Ban Nha. Hiện tại, ông dành thời gian viết sách, trong đó phải kể đến một số tác phẩm gần đây :
- La Marseillaise du général Giáp (Bản quốc ca Pháp của tướng Giáp, Nhà xuất bản Michel de Maule, 2013),
- Vivre avec Poutine (Sống với Putin, Nhà xuất bản Temporis, 2018)
- L'Inde, contre vents et marées (Ấn Độ, bất chấp bao trở ngại, Nhà xuất bản Temporis, 2021).