Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế xử lý dứt điểm vấn đề gia hạn số đăng ký lưu hành thuốc, xử lý ngay các vấn đề cụ thể phát sinh trong thực tiễn.
Với "3 đời" thủ tướng, ông Vũ Đức Đam vẫn được giao chuyên trách về y tế – giáo dục
Ông Vũ Đức Đam đưa ra mệnh lệnh hành chánh như vậy trong buổi làm việc hôm 21/9/2022 với các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 376/QĐ-TTg, ngày 17/3/2021, của Thủ tướng chính phủ.
Hiện các doanh nghiệp dược phẩm chủ yếu tập trung sản xuất thuốc tương đương thuốc phát minh (thuốc generic), chưa chú trọng vào nghiên cứu sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc mới thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh…
Trong khi đó, tại thị trường dược Việt Nam, các thuốc phát minh chỉ chiếm 3%, nhưng chiếm tới 22% giá trị, chủ yếu nhập khẩu. Tương tự, thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị… sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh chiếm tỉ lệ lớn về giá trị tiền thuốc, mặc dù số lượng sử dụng chiếm tỉ lệ thấp.
Ngoài ra, việc đàm phán giá, đấu thầu tập trung thuốc phát minh còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng thiếu thông tin tham khảo, so sánh giá. Chính sách quản lý giá thuốc, định hướng sử dụng thuốc generic… cũng hạn chế việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc mới, thuốc phát minh.
Nêu những bất cập trong hoạt động đấu thầu, cấp số đăng ký lưu hành thuốc, một số đại biểu cho rằng việc tháo gỡ, cải cách triệt để các thủ tục hành chính, như cấp số đăng ký lưu hành thuốc ; tiền kiểm, hậu kiểm trong lĩnh vực dược phẩm ; cùng với những ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng sẽ thúc đẩy công nghiệp dược trong nước phát triển.
Tất cả thực trạng trên là không mới, mà nó diễn ra từ các nhiệm kỳ chính phủ trước đó, và cụ thể là với ông Vũ Đức Đam, người từng cùng lúc đảm nhận hai vai : phó thủ tướng – quyền bộ trưởng y tế, thì khó thể nói là ông "ngoài cuộc trách nhiệm" về thực trạng này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra một loạt yêu cầu mà lẽ ra ông cần làm tốt hồi lúc còn kiêm nhiệm quyền bộ trưởng y tế : xử lý dứt điểm vấn đề gia hạn số đăng ký lưu hành thuốc ; khẩn trương có báo cáo. về cơ chế tham chiếu thuốc phát minh (biệt dược gốc) trong đăng ký lưu hành thuốc ; sớm hoàn thành quy định về phí thẩm định hồ sơ cấp phép số đăng ký lưu hành thuốc ; khẩn trương sửa đổi Thông tư. 30/2018/TT-BYT về ban hành danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hoá dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo hướng cập nhật hàng năm, hoặc trong trường hợp cần thiết.
Với loạt ‘đề bài’ mà ông Vũ Đức Đam ‘ra’ cho ngành y tế lúc này, nếu truy ngược thời gian, thì đó chính là các đầu việc mà ông Vũ Đức Đam phải ‘tròn vai’ khi được đảng tin tưởng.
Từ 15/10/2019, bà Nguyễn Thị Kim Tiến thôi giữ chức vụ Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế. Chức vụ này sau đó được Bộ Chính trị phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, kiêm nhiệm.
Ngày 10/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "trực tiếp điều hành các công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về mọi mặt công tác của Bộ Y tế".
Đến ngày 7/7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi trực tiếp điều hành các công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế. Ông Nguyễn Thanh Long là người thay thế làm quyền Bộ trưởng Y tế.
Bước sang nhiệm kỳ Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Vũ Đức Đam tiếp tục làm phó Thủ tướng phụ trách mảng văn hóa xã hội – y tế – giáo dục như nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Với "3 đời" thủ tướng, ông Vũ Đức Đam vẫn được giao chuyên trách về y tế – giáo dục, do vậy công bằng mà nói, những vấn đề được cho là gút mắc suốt ngần ấy năm trong lãnh vực giáo dục – y tế, trách nhiệm thuộc về cá nhân viên chức chính phủ Vũ Đức Đam.
Ngoài ra đó còn là trách nhiệm không thể thoái thác trong "phân công" nhân sự của Bộ Chính trị, với người ‘đứng mũi chịu sào’ là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nguyễn Nam
VNTB, 22/09/2022