Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/09/2022

Việt Nam thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Eric Mottet, Thu Hằng

Việt Nam thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo để bảo đảm sản xuất và trung hòa khí thải

Việt Nam cần 8 đến 14 tỉ đô la hàng năm cho đến năm 2030 để phát triển ngành điện lực. Theo phát biểu ngày 10/08/2022 của thứ trưởng bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An, 75% khoản đầu tư này được dành để phát triển những nhà máy điện mới, trong đó có các trang trại điện gió, số còn lại để triển khai và phát triển lưới điện.

taitao1

Các công ty Sojitz Corporation, Osaka Gas Co., Ltd. và Looop Inc. sản xuất điện từ pin mặt trời được lắp trên mái nhà máy ở Việt Nam. Ảnh minh họa một phần khu công nghiệp Long Đức, do công ty Sojitz khai thác, ở tỉnh Đồng Nai, miền nam Việt Nam. © AP - Business Wire

Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trở thành vấn đề cấp bách đối với chính phủ trong bối cảnh Việt Nam hiện là một trung tâm công nghiệp trong vùng. Ngoài "phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân", chính phủ Việt Nam còn phải thực hiện cam kết trung hòa khí phát thải từ nay đến năm 2050. Do đó, "Việt Nam sẽ không thêm những nhà máy nhiệt điện vào kế hoạch chỉ đạo phát triển năng lượng và sẽ chỉ tiếp tục những dự án đang được xây cho đến năm 2030", theo thứ trưởng bộ Công Thương (1). Thay vào đó là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để dần chiếm tỉ trọng lớn hơn trong hỗn hợp năng lượng với tổng năng suất được thẩm định đạt 121 gigawatt (GW) đến năm 2030 và 284 GW đến năm 2045, so với 76,6 GW vào cuối năm 2021.

Một thị trường lớn đang thu hút đầu tư của các tập đoàn năng lượng tái tạo Việt Nam, được báo cáo tháng 09/2022 của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) đánh giá "là lực lượng dẫn dắt sự thay đổi ngoạn mục của ngành điện Việt Nam trong những năm gần đây". Tuy nhiên, họ sẽ phải sớm đối mặtvới cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài "và khi tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chuyển sang áp dụng các cơ chế mua điện khắt khe hơn thay cho chính sách ưu đãi trước đây" (2).

Liệu bất cập tồn đọng từ vài năm gần đây có được tháo gỡ trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), đang được hoàn thiện ? Theo trang Đầu tư ngày 07/09, "Quy hoạch cũng được yêu cầu xem xét tối ưu tổng thể cho 5 khâu cụ thể trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau gồm nguồn điện - truyền tải điện - phân phối điện - sử dụng điện hiệu quả - giá điện" (3).

Để hiểu thêm biến chuyển về thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam, RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Eric Mottet, giảng viên trường Đại học Công giáo Lille, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS).

taitao0

Chính phủ Việt Nam đã cổ vũ phát triển các loại năng lượng tái tạo từ khoảng 3, 4 năm gần đây

RFI : Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Tham vọng này được triển khai trong bối cảnh nào ?

Eric Mottet : Đúng vậy, chính phủ Việt Nam đã cổ vũ phát triển các loại năng lượng tái tạo từ khoảng 3, 4 năm gần đây và điều này được giải thích qua 3 lý do.

Thứ nhất, đây là việc mang tính cấp bách đối với phát triển Việt Nam. Chúng ta nhớ rằng Việt Nam đã gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2007. Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 6 lần, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam rất mở với thế giới bên ngoài. 60% khối lượng xuất khẩu của Việt Nam là hàng gia công. Thế nhưng, hàng gia công lại do các đại tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam sản xuất, như Samsung, Intel, Apple… trong đó có nhiều tập đoàn hoạt động ở Việt Nam từ khoảng 10-15 năm nay. Đó là những tập đoàn tư nhân lớn, những nhà sản xuất tư nhân khổng lồ phần nào là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.

Lý do thứ hai là bối cảnh thế giới, nếu muốn hiểu về những chương trình đầu tư của Việt Nam vào các loại năng lượng tái tạo. Chúng ta biết là bối cảnh quốc tế đang gây rất nhiều sức ép đối với các tập đoàn đa quốc gia để họ nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Phần lớn các tập đoàn hoạt động ở Việt Nam đều cam kết theo hướng này, ví dụ tập đoàn Intel cam kết 100% sản phẩm xuất từ các nhà máy của họ ở Việt Nam từ giờ đến năm 2030 sẽ được sản xuất từ năng lượng tái tạo, nhiều tập đoàn khác cũng cam kết tương tự. Gần đây, Lego, nhà sản xuất đồ chơi lớn của Đan Mạch đóng ở Việt Nam, đã quyết định xây một nhà máy 100% trung hòa khí phát thải và sẽ được cung cấp điện mặt trời. 

Tất cả những tập đoàn đa quốc gia tham gia vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam đã gây sức ép lớn đối với chính quyền Việt Nam, vừa để tự do hóa thị trường điện, vừa để buộc chính phủ đầu tư và tạo điều kiện cho đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Chính bối cảnh này giải thích cho việc Việt Nam đầu tư hoặc ít ra đang tạo điều kiện cho đầu tư năng lượng tái tạo.

Cũng phải nhắc lại rằng tiêu thụ điện ở Việt Nam tăng 10% hàng năm và hiện giờ sản lượng điện quốc gia chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch, có nghĩa là than đá, và thủy điện từ các đập thủy điện, không đủ để đáp ứng cho lượng điện tiêu thụ không ngừng tăng. Điểm này cũng giải thích cho việc Việt Nam đầu tư, hoặc chí ít là tạo điều kiện cho những dự án đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo trong những năm gần đây. Hiện tại, năng lượng tái tạo chiếm 15% tổng các nguồn năng lượng hỗn hợp. Có thể thấy rõ là Việt Nam muốn nhanh chóng chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo. Tất cả nằm trong kế hoạch chỉ đạo phát triển điện giai đoạn 2021-2030. 

Nói tóm lại, cần phải hiểu ở đây có 3 bối cảnh giải thích cho chính sách năng lượng tái tạo của Việt Nam : thứ nhất về bối cảnh kinh tế liên quan đến toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế của Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa ; thứ hai là sức ép của các đại tập đoàn đa quốc gia muốn gửi đi hình ảnh về chống biến đổi khí hậu ; thứ ba là những cam kết của Việt Nam trong bối cảnh lượng tiêu thụ điện không ngừng tăng. Vì thế, phải tìm ra được những nguồn sản xuất năng lượng mới cho Việt Nam.

RFI : Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy là vẫn còn rất nhiều trở ngại về mặt pháp luật và cơ sở hạ tầng giữa dự án và thực tế. Xin ông giải thích một vài bất cập !

Eric Mottet : Đúng là năng lượng sạch giờ trở thành một yếu tố chủ đạo để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Với những cam kết của các đại tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam được xếp trong nhóm 10 nước có năng lực nhất về điện mặt trời trong năm nay (2022). Hiện giờ, chính phủ đang khuyến khích lắp các tấm pin mặt trời trên mái các doanh nghiệp và hộ gia đình. Thế nhưng, như chị vừa nêu, vẫn còn nhiều vấn đề ở Việt Nam. Đầu tư của Việt Nam hiện không đủ vì cách đây 5 hay 6 năm, một đạo luật đã được thông qua để nợ công của Việt Nam không vượt quá 65% GDP. Vì thế, hiện nay khả năng và đầu tư của Việt Nam vào năng lượng tái tạo là chưa đủ.

Ngoài ra, các hợp đồng mua lại điện vẫn thiếu hấp dẫn, có nghĩa là điện không được mua lại với giá hời để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Thêm một vấn đề khác, đó là Việt Nam vừa mới chấp nhận nhiều dự án đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tài trợ. Điểm này gây thắc mắc về thực tâm của chính phủ Việt Nam chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. 

Dù sao thì trong vài năm gần đây, chúng ta thấy có sự nới lỏng các quy định từng là một trong những khó khăn để đầu tư vào năng lượng tái tạo. Gần đây, chính phủ Việt Nam vừa mới giảm thuế nhập khẩu thiết bị liên quan trực tiếp đến các loại năng lượng tái tạo, tôi muốn nói đến ở đây là pin mặt trời hay linh kiện điện gió. Chính phủ cũng đã triển khai một hệ thống mua lại, khá có lợi cho nhà sản xuất điện tái tạo tư nhân. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy là các khu công nghiệp, nơi các đại tập đoàn hoạt động, cũng trở thành nhà sản xuất điện sau đó bán lại để hòa vào lưới điện chung. 

Đúng là có nhiều vấn đề về pháp lý trong kinh tế và những rắc rối còn tồn đọng ở Việt Nam, nhưng chúng ta đã thấy từ 2, 3 năm gần đây, mọi việc có phần được tăng tốc nhanh chóng và chính phủ cố gắng nới lỏng rất nhiều các quy định hiện hành ở Việt Nam về vấn đề đầu tư vào năng lượng tái tạo.

RFI : Kế hoạch năng lượng tái tạo của Việt Nam phù hợp với chính sách hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có Pháp. Pháp có những dự án hỗ trợ trong lĩnh vực này ở Việt Nam không và được thực hiện đến đâu ?

Eric Mottet : Có nhiều dự án khác nhau. Dự án thứ nhất, có thể thấy rõ nhất, là của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Năm ngoái (2021), cơ quan này đã quyết định khoản cho vay hơn 80 triệu euro để tăng cường lưới điện Việt Nam, đặc biệt là ở miền nam, để phát triển các hệ thống điện và năng lượng tái tạo, để các nguồn năng lượng tái tạo có thể hòa vào lưới điện địa phương. 

Ngoài ra, Cơ quan Điện lực Pháp (EDF), thông qua thỏa thuận đối tác Việt Nam VinaCapital, cũng thành lập một công ty liên danh tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời trên mái của các doanh nghiệp hoặc tư nhân.

Tiếp theo phải kể đến nhiều dự án của công ty Veolia và dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt là ở miền nam Việt Nam. Trong số này có một dự án có số vốn đầu tư khổng lồ vì người ta nhắc đến số vốn đầu tư lên đến 13 tỉ đô la.

RFI : Có thể thấy đó là những dự án lớn, còn các công ty nhỏ của Pháp thì sao ?

Eric Mottet : Thành thật mà nói, tôi không thống kê được doanh nghiệp tư nhân nhỏ. Có thể có những doanh nghiệp tư nhân sẽ nắm bắt cơ hội để lắp các tấm pin mặt trời trên mái doanh nghiệp, nhưng hiện giờ, tôi không thấy dự án đầu tư tư nhân quy mô lớn nào.

Tuy nhiên, tôi thấy là gần như hàng năm, diễn ra một hoặc hai diễn đàn lớn hoặc hội thảo lớn về các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Nhiều tài liệu của các nhà phân tích chỉ ra rằng Việt Nam là một thị trường năng lượng tái tạo cần nắm bắt trong tương lai. Còn hiện giờ, tôi không thấy thông báo về những dự án tư nhân lớn, có thể được giải thích một phần qua việc năm 2020-2021 khá phức tạp do đại dịch Covid-19. Hiện giờ, thị trường năng lượng được tái khởi động nhưng tôi chưa thấy có dự án lớn của tư nhân.

RFI : RFI tiếng Việt xin trân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Eric Mottet, giảng viên Trường Đại học Công giáo Lille, Pháp.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 26/09/2022

(1) Reuters, Vietnam needs $8 billion-$14 billion power investment a year through 2030 - minister.

(2) IFEEFA, The quiet rise to prominence of Vietnam’s renewable energy corporates / Sự trỗi dậy âm thầm của các Tập đoàn năng lượng tái tạo Việt Nam .

(3) Đầu tư, Quy hoạch điện VIII : Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phê duyệt .

(4) Eric Mottet .

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Eric Mottet, Thu Hằng
Read 367 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)