Sau những bất ổn sâu sắc thể chế trong hơn hai nhiệm kỳ đại hội gần đây, Đảng cộng sản tiếp tục củng cố quyền lực, trong đó tăng cường sự lãnh đạo toàn diện bằng nghị quyết (Nghị quyết). Các Hội nghị của Đảng là nơi ban hành Nghị quyết thể hiện quan điểm và các định hướng về chính sách và chủ trương lớn. Hội nghị lần thứ 6 khóa 13 (Hội nghị Trung ương 6) của Đảng vừa khai mạc ngày 3/10, tại đó, ngoài chủ đề nhân sự, bốn "vấn đề lớn, cốt yếu", "không mới’, tuy nhiên quá trình thực hiện trong thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập, thách thức, trong đó : "Nhận thức lý luận về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng còn có những vấn đề chưa thật rõ…" như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý khi phát biểu khai mạc. Quan niệm rằng "thị trường không đồng nhất với chủ nghĩa tư bản" đang cản trở cải cách thể chế, khiến cho nhiều Nghị quyết có "tuổi thọ" ngắn, khó thể chế hóa để tổ chức thực hiện hiệu quả. Theo đó, từng vấn đề được phân tích dưới đây.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị trung ương 6 (khóa XIII) ngày 03/10/2022 - Ảnh : VGP/Nhật Bắc
Bất chấp thực tế
Trước hết, việc coi thị trường chỉ là một công cụ thể hiện rõ trong việc điều hành kinh tế, chức năng phân quyền của Chính phủ. Điều này được thể hiện trong "Phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023". Các điểm nhấn vẫn là chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Sự thay đổi đột phá chiến lược "Zero – Covid" cực đoan kiểu Trung Quốc đã để lại dấu ấn thị trường. Các chính sách hỗ trợ dựa trên sự cân đối nguồn lực và không làm khó các ngân hàng hay doanh nghiệp. Vận dụng quy luật cung - cầu để ổn định tiền tệ hay giá xăng dầu… Chấn chỉnh "thao túng thị trường tài chính" nhưng trấn an và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài… Dự kiến, tỷ lệ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao trên 7% trong bối cảnh kinh tế thế giới có thể suy thoái…
Thực tế cho thấy công cụ thị trường tạo ra động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng, nhưng quan điểm chính thống của Đảng cộng sản vẫn coi nó "đơn thuần" mang tính kỹ thuật như sách lược để "đi lên chủ nghĩa xã hội" khi khẳng định không "đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản và coi quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo"… "Một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường". Điều này ngụ ý rằng hiệu ứng, phạm vi ảnh hưởng và hậu quả của thị trường sẽ phụ thuộc vào những cách Đảng sử dụng nó để kiên định chủ nghĩa xã hội.
Ý tưởng này được quán triệt và thực hành rộng rãi trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế sang thị trường bất chấp thực tế cải cách thể chế đang gặp rào cản ý thức hệ với hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Trường hợp điển hình có liên quan đến vấn đề sở hữu tư và công với nhiều nghị quyết "định hướng" cho việc sửa đổi Luật Đất đai từ 1987 đến nay vẫn "giằng co" căng thẳng theo xu hướng ‘thị trường tiến, Đảng lùi’. Sự phát triển thị trường lành mạnh đang bị cản trở bởi những mối quan hệ không rõ ràng giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân và, hậu quả là ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng triệu người.
"Định hướng"và "tầm nhìn"
Các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 lần này sẽ mang tính "định hướng" và "tầm nhìn", thể hiện cách tiếp cận "quá độ" lên chủ nghĩa xã hội. Mặc dù đã từng có tham luận tại Đại hội 12 rằng, "đến cuối thế kỷ này liệu có xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ?". Nhưng Hội nghị 6 cho rằng cần tiếp tục chỉnh sửa. Ngoài ra, các Nghị quyết vẫn kiên trì nguyên tắc tính tổ chức và có kế hoạch. Chẳng hạn như "Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Mục tiêu của Đảng luôn là loại bỏ sự bất ngờ vì sự bất khả đoán định dễ gây nên rủi ro cho chế độ sẽ làm cho giới lãnh đạo khó chịu. Điều này trái ngược với tinh thần cốt lõi của thị trường, nó đòi hỏi thể chế đảm bảo quyền tự do cơ bản của công dân, kích thích kiến thức và sáng tạo, tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế.
Tầm nhìn "công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… đến năm 2045" cũng từng được ‘góp ý’ rằng, thiếu chủ thuyết phát triển khiến nguồn lực phân tán, không thể đột phá. Đảng nỗ lực tìm kiếm kinh nghiệm tăng trưởng nhanh từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng họ là chủ nghĩa tư bản. Trung Quốc, dù còn tranh chấp về lãnh hải, đã tạo ra "khuôn mẫu" mà Việt Nam không thể "buông bỏ", nhưng được cho là "thành công" nhờ chính sách "mèo đen, mèo trắng" thực dụng với" các đặc khu hành chính kinh tế đã đáp ứng "lòng tham" đầu tư vốn tư bản kiếm lời của chủ nghĩa tư bản. Sự lan toả đã tạo nên thành phần kinh tế tư nhân lớn mạnh đóng góp gần hai phần ba tổng GDP. Tuy nhiên, việc đàn áp dân chủ, nhân quyền và "tư bản bành trướng vô tổ chức"… để củng cố quyền lực Đảng cộng sản TQ khiến làn sóng chuyển dịch FDI sang các nước khác, trong đó có Việt Nam được hưởng lợi. Liệu hy vọng "tầm nhìn" trên có thể phản ánh sự thay đổi này ?
Sau cùng, vấn đề "phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị" liên quan đến quyền lực Đảng. Đảng không chấp nhận tam quyền phân lập và đang tập trung quyền lực, nhưng "chưa hiệu quả như mong muốn", để chống tha hóa quyền lực, suy thoái tư tưởng đạo đức và chống tham nhũng. Khi quyền lực công tha hóa nó là thứ "hàng hóa đặc biệt" trong thị trường chính trị ngầm. Liệu trong chế độ tập quyền do Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối có thể tự kiểm soát ra sao khi chính điều lệ Đảng đã bị vi phạm, nó bị phụ thuộc vào cá nhân lãnh tụ. Ngoài ra, việc thiết kế "chiếc lồng thể chế để nhốt quyền lực" vẫn đang là ‘món nợ’ cải cách trước nhân dân.
Thị trường và chủ nghĩa tư bản
Ngày nay, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều được thiết lập theo đường lối chủ nghĩa tư bản, nhưng đồng thời, ở nhiều nơi, chủ nghĩa tư bản được cho là có nhiều khiếm khuyết. Trong khi "sự thù địch" nó là cớ cho sự duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa với mô hình toàn trị thì chủ nghĩa tư bản tự cải thiện dựa trên sự phê phán để tiến hóa thành xã hội văn minh.
Quá trình phát triển chủ nghĩa tư bản gắn liền với thị trường như một công cụ và bản chất chế độ nhưng với sự khởi đầu khó khăn. Ý niệm về một cuộc sống tinh thần lành mạnh và mưu cầu chuyện làm ăn với tiền bạc là hai kẻ thù không đội trời chung được ghi lại trong bức tranh : Chúa Giê-su và những kẻ cho vay tiền của họa sĩ Giotto năm 1304 trên tường nhà thờ Padua, Italia. Sau đó, năm 1450 cuốn sách đầu tiên về kế toán : Summa de arithmetica cho thấy việc kiếm và sử dụng tiền hợp lý không còn phụ thuộc vào lòng tin nữa mà là một ngành khoa học có thể nghiên cứu được với lý luận và sự chăm chỉ. Thị trường giúp chủ nghĩa tư bản dần thắng thế trước chế độ phong kiến, quý tộc… Một doanh nhân chăm chỉ được coi trọng hơn "một chiến binh mang dòng dõi quý tộc". Năm 1776 công trình "Nguồn gốc của cải của các quốc gia" của Adam Smith - triết gia người Scotland đã làm sáng tỏ sự giàu có bằng cách giải thích cách mà nền kinh tế TBCN phát triển. Ông đã kết luận rằng, đối với công nhân thì đồng tiền là sự khích lệ hiệu quả hơn bạo lực, và rằng các nhà tư bản sẽ kiếm được nhiều tiền hơn qua việc đối xử với công nhân một cách hợp pháp và nhân đạo. Bằng cách tối đa hóa lợi nhuận của mình, các cá nhân vô tình củng cố lợi ích cho cộng đồng, cung cấp hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Mặc dù, chủ nghĩa tư bản vẫn còn bị chỉ trích dưới các hình thức với mức độ khác nhau, từ thái độ "phẫn nộ" vì bất bình đẳng đến "thù địch" bởi ý thức hệ CSCN đang suy tàn và sự cải thiện của chủ nghĩa tư bản phát triển đã xóa tan những nghi ngờ về đạo đức xoay quanh chủ nghĩa tư bản trước đây, tuy nhiên thách thức đối với cải cách là tạo ra các thể chế khuyến khích kiếm tiền một cách "tử tế" bằng cách đối xử tốt và đáp ứng mục đích chính đáng của con người mà không bị níu kéo bởi ý thức hệ giáo điều. Cho tới lúc đó, thị trường trên con đường tìm bản sắc của mình để "bàn tay vô hình" vận hành tối ưu vẫn có thể vẫn chịu "sự giận dữ", nhưng sẽ không thể thay đổi bản chất để hướng tới chủ nghĩa xã hội không tưởng.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 06/10/2022