Một nạn nhân thiệt mạng làm người dân Iran giận dữ xuống đường ; nhiều cái chết nhưng người Việt vẫn im lặng.
Trong hai ngày liền, 22-23/9, hai cái chết trong tù trong 2 quốc gia bị cai trị dưới chế độ độc tài, Iran và Việt Nam, được đưa lên báo. Phản ứng của dân chúng hai quốc gia này đối với hai vụ bị cho là cảnh sát giết người hoàn toàn khác nhau.
Tại Việt Nam, Báo Tuổi Trẻ ngày 22/9 đưa tin nam thanh niên chết trong tư thế treo cổ khi đang bị tạm giam chờ xử sơ thẩm.
Báo này viết :
Cụ thể, khoảng 21g35 ngày 18/9, cơ quan chức năng phát hiện người bị tạm giam là anh Rcơm Jack (27 tuổi, trú xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) đã chết trong tư thế treo cổ tại phòng giam. Ngay sau đó, cơ quan công an gọi điện cho gia đình thông báo anh Jack đã chết, bàn giao thi thể về mai táng, đồng thời đưa cho gia đình anh Jack 15 triệu đồng.
Gia đình anh Rcơm Jack trao đổi với phóng viên - N.D
Theo chị Y Hyet, chồng chị bị giam chung phòng với một người khác. Tuy nhiên, khi chồng tự tử, người chung phòng không hay biết là rất vô lý. Chị cũng không được tiếp xúc với người này. Do đó, chị Hyet mong cơ quan công an làm rõ nguyên nhân cái chết của chồng chị (1).
Tại Iran, Bản tin trên BBC viết về cái chết của cô Masha Amini (2).
Biểu tình lan ra hàng chục thành phố ở Iran vì cái chết của một phụ nữ… Cô Mahsa Amini đã chết vài giờ sau khi cảnh sát bắt giam. Cô bị cáo buộc vi phạm các quy tắc về khăn trùm đầu. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố sẽ điều tra cái chết của cô này.
Các cuộc biểu tình sau cái chết của Mahsa Amini đã truyền ra khắp nơi tại Iran.
Tin về anh Rcơm Jack ở Việt Nam chỉ thấy đăng một lần trên báo rồi sau đó không nghe truyền thông Việt Nam hay dư luận dân chúng phản ứng về cái chết này nữa.
Ngược lại phản ứng về cái chết của Cô Mahsa Amini ở Iran, cho đến ngày 11/10, đang lan rộng không những trong nước mà còn qua nhiều nước khác và đang đẩy chính quyền Iran vào thế nguy hiểm.
Các cuộc biểu tình sau cái chết của Mahsa Amini đã truyền ra khắp nơi tại Iran. Cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra sau tang lễ của nạn nhân đã được tổ chức bởi các sinh viên tại một số trường đại học ở Tehran trước khi lan nhanh trên khắp đất nước. Những người phụ nữ lột bỏ khăn trùm đầu, hét lên "kẻ độc tài chết đi" -nhắm vào Lãnh tụ Tối cao, Ayatollah Ali Khamene- Phụ nữ phải đội khăn chùm đầu là điều bắt buộc trong xã hội Hồi giáo Iran. Cô Masha Amini bị bắt, và bị cho là đã bị cảnh sát đánh chết vì không đội khăn trùm đầu đúng cách.
Phản ứng của dân chúng trong hai quốc gia độc tài, Việt Nam và Iran, về hai cái chết đầy nghi ngờ của đồng bào họ từ đồn cảnh sát hoàn toàn khác nhau.
Tại Việt Nam ngoài bài báo chép lại giống nhau từng chi tiết trên một vài tờ báo, dư luận xã hội yên lặng như tờ, chỉ có phản ứng của người vợ nạn nhân tỏ ra nghi ngờ về cái chết oan khuất của chồng mình. Chị kêu oan chồng bị giam chung phòng với một người khác, nhưng khi chồng tự tử, người chung phòng không hay biết là rất vô lý và chị cũng không được tiếp xúc với người này. Chị Hyet mong cơ quan công an làm rõ nguyên nhân cái chết của chồng chị. Công an đưa cho gia đình 15 triệu về làm ma chay. Hết chuyện !
Đầy rẫy những cái chết nghi ngờ, oan khuất trong đồn công an ở Việt Nam đã xảy ra như thế và được giải quyết gần giống như thế.
Đài Á Châu Tự Do ngày 1/1/2019 cho biết trong năm 2018 có ít nhất 11 người chết trong đồn công an, quá nửa bị cho là tự tử. Chính phủ Hà Nội, dẫn đầu là Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có 2 buổi điều trần hôm 14 và 15/11/2018 trước Ủy Ban Chống Tra Tấn (CAT) của Liên Hợp Quốc phủ nhận các thông tin về việc công an dùng nhục hình tra tấn người dân Việt Nam. Nhưng báo Pháp luật có bài viết ngày 20/10/2018 về Những cái chết đầy ẩn khuất ở đồn công an (3).
Một số người hoạt động tôn giáo cũng đã chết trong đồn công an. Ông Hoàng Văn Ngài sinh năm 1974 chấp sự Hội thánh Bụi Tre Daknong bị công an tra tấn đến chết tại trụ sở công an Dak Nong (4). Trên mình nạn nhân có những thương tích chứng tỏ bị đánh đập dã man. Người liên quan bị đưa ra tòa chỉ chịu mức án nhẹ nhàng. Ngày 9/4, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã xét xử sơ thẩm vụ bắt giữ nghi can trái pháp luật, dẫn đến việc nghi can chết tại Công an Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Lê Mạnh Nam (35 tuổi, nguyên Phó trưởng Công an thị xã Gia Nghĩa) 2 năm 6 tháng tù ; Trần Đăng Tùng (nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế Công an thị xã Gia Nghĩa) 2 năm tù cùng về tội "Bắt giữ hoặc giam giữ người trái pháp luật".
Tuy nhiên, tòa tuyên cho cả hai bị cáo nguyên là các công an trên đều được hưởng án treo với lý do các bị cáo có nhân thân tốt, đạt được nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn nhận tội.
Nhiều tổ chức bênh vực cho nhân quyền ở hải ngoại đã lên tiếng, lập hồ sơ báo các các vụ nghi phạm bị chết trong trại tù hay trại tạm giam cho các tổ chức quốc tế, bộ ngoại giao các chính phủ có lưu tâm, hay gửi lên văn phòng phụ trách nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, như vụ ông Hoàng Văn Ngài. Tuy nhiên ở trong nước những cái chết oan ức chỉ có thể xuất hiện trên các trang mạng xã hội trước, rồi may mắn, hay không dấu được có thể đọc thấy một kỳ trên vài tờ báo. Người hay cơ quan trách nhiệm về cái chết chỉ hoặc bị khiển trách, phạt nhẹ hay đền bù là, còn hầu hết rồi cũng chìm xuống.
Ngược lại cái chết vì đội khăn trùm đầu không nghiêm chỉnh của cô Masha Amini mà người dân cho rằng gây ra bởi công an đã gây nguy hiểm cho chính quyền Iran và có lẽ có thể ảnh hưởng đến chế dộ độc tài này. Các cuộc biểu tình phản đối hành động của cảnh sát mặc dù bị đàn án mạnh mẽ dẫn đến cái chết của ít nhất 200 người, càng dữ dội hơn. Qua các tin tức tổng hợp, người ta thấy cường độ và mật độ các cuộc biểu tình càng mạnh hơn. Nhiều người phụ nữ Iran đã bỏ khăn trùm đầu, biểu tượng của người Hồi giáo do chính phủ thần quyền Iran bắt họ phải mang khi ra ngoài. Người biểu tình, thường được dẫn đầu bởi phụ nữ, hô khẩu hiệu đả đảo độc tài. Họ biết nguy hiểm cho chính họ, nhưng qua cuộc đấu tranh này, không chỉ dành lại quyền tự do không phải trùm đầu bằng khăn hijab mà nhiều người thố lộ họ mong chế độ độc tài phải tan vỡ.
Nếu cô Masha Amini là người Việt Nam, chết trong đồn công an Việt Nam, có lẽ gia đình cô sẽ nhận được một số tiền trám miệng "hỗ trợ đầy nhân đạo" của các cấp chính quyền quan tâm, còn lại, chuyện sẽ nhanh chóng chìm sâu dưới tiếng karaoke trật nhịp, ồn ào trong quán nhậu, hay khói thuốc cần xa, ma túy của đám trẻ.
Dân chúng nói chung, người trẻ Việt Nam nói riêng khác xa dân chúng và người trẻ thế giới ! Tại sao ?
Người Tân Định
Nguồn : VNTB, 14/10/2022
Chú thích :
(1) Nam thanh niên chết trong tư thế treo cổ khi đang bị tạm giam chờ xử sơ thẩm