Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/10/2022

Bóng đen chống thao túng chứng khoán phủ lên nền kinh tế

Tomoya Onishi

Trong lúc vụ án liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát gây xôn xao dư luận xã hội Việt Nam những ngày gần đây, một bài báo của Nhật đánh giá tác động của vụ bắt giữ với nền kinh tế Việt Nam.

nhat1

Khách hàng chen chúc tại chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) tại Hà Nội ngày 8/10 (Ảnh Tomoya Onishi)

Mở đầu, bài viết trên trang Nikkei Asia, ngày 20/10, đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang trên đà "phát triển nhanh nhất Đông Nam Á".

Tuy nhiên, vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan cùng các lãnh đạo tập đoàn Vạn Thịnh Phát mới đây nhất, và các vụ bắt giữ một số lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng trước đó đã "gây hỗn loạn giữa các ngành công nghiệp và đe dọa nền kinh tế" Việt Nam, theo bài báo.

"Có lo ngại rằng các doanh nghiệp lớn sẽ trì hoãn việc huy động vốn lớn trong tương lai gần để tránh bị trở thành mục tiêu. "

"Các cơ quan chính phủ cũng đang trì hoãn các quyết định liên quan đến những khoản đầu tư mới như một cách để giảm thiểu tác động của chiến dịch chống tham nhũng."

Bài báo cũng nêu thêm một lo ngại khác đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh "hỗn loạn" trước các vụ bắt giữ kinh tế.

"Đầu tư của các công ty nước ngoài, chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đã sụt giảm trong năm nay, và một cuộc bắt giữ tiếp tục có thể đè nặng lên toàn bộ nền kinh tế."

Về tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bài báo này trích dẫn nguồn tin từ một người trong ngành tài chính nói rằng "công ty là một bí ẩn".

Trước vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan và các lãnh đạo tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ một số lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng trong năm nay, bao gồm cả Tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vì tội lừa đảo và các tội danh khác.

Các vụ bắt giữ này nằm trong một cuộc đàn áp chống tham nhũng kéo dài nhiều tháng, được biết đến như chiến dịch "đốt lò" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuy vậy, điều gì được coi là gian lận hoặc tham nhũng ở Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan chức năng, Tomoya Onishi, tác giả bài báo trên Nikkei Asia nhận định.

"Các vụ kiện chống lại các nhân vật doanh nhân chủ chốt có liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực chính trị" trong Đảng Cộng sản vốn đang kiểm soát Việt Nam, bài báo trích dẫn một nguồn tin trong ngành bất động sản cho biết.

Hệ lụy đối với ngân hàng SCB

Ngày 7/10, chính quyền Việt Nam bắt giam bà Trương Mỹ Lan, người sáng lập kiêm chủ tịch công ty phát triển bất động sản Vạn Thịnh Phát Group Holdings (VTP), cùng với ba giám đốc điều hành khác.

VTP được cho là có quan hệ sâu sắc với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Vụ bắt giữ này đã làm dấy lên cuộc tháo chạy khỏi Ngân hàng SCB.

Ngày 8/10, khách hàng đã tràn ngập các chi nhánh của SCB để đòi rút tiền tiết kiệm, khi tin đồn lan truyền trên mạng xã hội rằng ngân hàng có thể gặp khó khăn.

SCB đã phải vật lộn để xóa tan những lo ngại về mối quan hệ với VTP.

SCB trưa ngày 8/10 phát thông cáo : "Về vụ việc này, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, việc này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB."

Ngày 14/10, Ngân hàng trung ương Việt Nam thực hiện một bước bất thường khi đặt SCB vào diện "kiểm soát đặc biệt" và chỉ thị bốn tập đoàn ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) cử giám đốc tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn

Theo Tomoya Onishi

Nguyên tác : Vietnam's anti-graft campaign casts shadow over economy, Nikkei Asia, 20/10/2022

Nguồn : BBC, 21/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tomoya Onishi, BBC
Read 313 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)