Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/10/2022

Thua trận, Nga tung tin Ukraine chế tạo bom bẩn

Minh Anh, Trọng Nghĩa, Thanh Phương

Nga cáo buộc Ukraine dùng "bom bẩn" : Chuẩn bị leo thang hay chỉ đánh lạc hướng ?

Thanh Phương, RFI, 26/10/2022

Hôm 25/10/2022, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga một lần nữa cáo buộc Kiev chuẩn bị cho nổ một quả "bom bẩn" ngay trên lãnh thổ Ukraine, để rồi vu cáo cho Moskva sử dụng loại vũ khí này. 

bomban1

Moskva cáo buộc Kiev có thể dùng bom bẩn trong lúc quân Nga gặp khó khăn trên nhiều mặt trận tại Ukraine. Trong ảnh minh hoạt là vùng Donetsk bị pháo kích. AP - LIBKOS

Đó là những cáo buộc mà bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đưa ra hôm Chủ nhật vừa qua trong các cuộc điện đàm với các đồng nhiệm Mỹ, Pháp, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay từ thứ hai, các nước phương Tây và Ukraine đều đã bác bỏ cáo buộc "vô lý" này của Nga.

Câu hỏi được đặt ra bây giờ là khi đưa ra những cáo buộc như trên, Moskva chỉ muốn đánh lạc hướng, hay thật sự đang chuẩn bị leo thang trong chiến tranh Ukraine, tức là chuẩn bị sử dụng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật ? 

Hãng tin AFP nhắc lại là lần đầu tiên, vào giữa tháng 5 vừa qua, tổng tham mưu trưởng quân đội Nga và quân đội Mỹ, Valery Gerasimov et Mark Milley, đã thảo luận về về kịch bản nổ "bom bẩn" ở Ukraine.  "Bom bẩn" là loại bom sử dụng chất nổ thông thường để rải chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn. Theo định nghĩa của Ủy ban An toàn Nguyên tử Mỹ, "bom bẩn" không phải là một "vũ khí hủy diệt hàng loạt", mà đúng hơn đây là một "vũ khí gây xáo trộn hàng loạt", chủ yếu gây nhiễm xạ và gây sợ hãi.

Trả lời nhật báo Pháp Le Monde hôm 24/10, tướng Dominique Trinquand, một chuyên gia quân sự về địa chiến lược, đã nhắc lại rằng "bom bẩn" chưa bao giờ được sử dụng trên thế giới, mà cho tới nay đấy chỉ là một vũ khí mang tính đe dọa.

Hôm qua, trả lời phỏng vấn hãng tin AFP trên chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ USS George H.W. Bush, hiện đang thao dượt ở vùng Địa Trung Hải, tổng thư ký khối NATO John Stoltenberg cho rằng cáo buộc của Nga về khả năng Ukraine sử dụng "bom bẩn" là một "chiến thuật cố hữu" của Moskva : Cáo buộc người khác làm những gì mà chính họ có ý định làm. Ông Stoltenberg tuyên bố mạnh mẽ : "Nga phải hiểu là chúng ta không chấp nhận bất cứ những cái cớ ngụy tạo nào để leo thang trong chiến tranh Ukraine".

Nói chung, Kiev và các nước phương Tây nghi ngờ chính Nga đang chuẩn bị cho nổ một quả "bom bẩn" nhằm biện minh cho việc trả đũa bằng một vũ khí hạt nhân chiến thuật. 

Vào giữa tháng 3, sau khi thất bại trong cuộc tấn công chớp nhoáng để giành chính quyền ở Kiev, Moskva đã từng cáo buộc chính phủ của tổng thống Zelensky đang có những phòng thí nghiệm nhằm chế tạo các vũ khí hóa học và sinh học.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, kịch bản Nga cho nổ một quả "bom bẩn" để biện minh cho một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật có vẻ khó xảy ra. Thứ nhất, các cơ quan tình báo phương Tây không quan sát thấy bất cứ thay đổi nào trong chiến lược hạt nhân của Nga. 

Thứ hai, trả lời AFP, ông William Alberque, chuyên gia về kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS ở Luân Đôn, cho rằng "nếu Nga dùng đến "bom bẩn", chúng ta sẽ biết ngay. Khác với việc chế tạo vũ khí hóa học, dùng đến vật liệu hạt nhân để chế tạo vũ khí sẽ để lại các dấu vết rất dễ xác định". Vị chuyên gia này cho rằng "đây chỉ là làm ồn ào để gây sợ hãi và sau này Moskva có thể tự nhận là chính họ đã khiến Kiev từ bỏ việc sử dụng bom bẩn".

Theo một nguồn tin quân sự phương Tây được AFP trích dẫn, phía Nga đưa ra những cáo buộc này do họ đang gặp những khó khăn thật sự trên chiến trường trước những đợt phản công của lực lượng Ukraine, 8 tháng sau khi tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước láng giềng. 

Trên báo Le Monde, chuyên gia quân sự Dominique Trinquand cũng cho rằng các cáo buộc của Nga về việc Kiev chuẩn bị sử dụng "bom bẩn" chính là nhằm khỏa lấp việc lực lượng của họ đang lặng lẽ rút khỏi miền nam Ukraine, nhất là khỏi vùng Kherson hiện đang bị quân Ukraine tấn công. Nói cách khác, Moskva muốn đánh lạc hướng thế giới, để không ai để ý đến thất bại của quân đội Nga trong cuộc chiến này. 

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 26/10/2022

***************************

Tại Hội đồng Bảo an, Nga vẫn cáo buộc Ukraine sắp sử dụng "bom bẩn"

Thanh Phương, RFI, 26/10/2022

Hôm 25/10/2022, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga đã một lần nữa cáo buộc Ukraine chuẩn bị sử dụng một quả "bom bẩn" và tuyên bố không tin là chuyến thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế có thể phát hiện ra các hoạt động nhằm chế tạo bom bẩn.

bomban2

Một phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về xung đột Nga- Ukraine, ngày 30/09/2022, New York, Hoa Kỳ. AP - Bebeto Matthews

Theo yêu cầu của Moskva, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã triệu tập một cuộc họp kín để thảo luận về những cáo buộc của Nga, mà Ukraine và phương Tây đã bác bỏ. Theo hãng tin AFP, phát biểu tại cuộc họp, phó đại sứ Nga Dmitry Polyanskiy khẳng định : "Ukraine có khả năng và có lý do để làm việc ấy, bởi vì chế độ Zelensky muốn tránh bị thua trận và muốn kéo NATO vào một cuộc xung đột trực diện với Nga". Đại diện của Nga cho biết ở Ukraine có hai cơ sở có thể sản xuất "bom bẩn", tức là loại bom sử dụng chất nổ thông thường để rải chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn.

Moskva đã đưa ra những cáo buộc về "bom bẩn" lần đầu tiên hôm Chủ nhật vừa qua trong các cuộc điện đàm giữa bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu với các đồng nhiệm Mỹ, Pháp, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm thứ Hai, Paris, Luân Đôn và Washington đã ra thông cáo chung bác bỏ những cáo buộc đó. 

Hôm qua, sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, phó đại sứ Anh James Kariuki cho biết trong cuộc họp ông không nhìn thấy và cũng không nghe thấy những bằng chứng mới nào cho các cáo buộc của Nga. 

Theo yêu cầu của Kiev, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế hôm thứ Hai 24/10 xác nhận sẽ gởi một phái đoàn chuyên gia đến Ukraine "trong những ngày tới" để thanh tra hai cơ sở mà Moskva cho là có thể sản xuất "bom bẩn". Nhưng hôm qua, phó đại sứ Nga Polyanskiy cho rằng sau chuyến thăm của phái đoàn thanh tra này, không thể chắc chắn 100% là không có những hoạt động như vậy, vì theo ông, "rất khó mà phát hiện những hoạt động nhằm chế tạo bom bẩn".

Trận chiến dữ dội nhất ở Kherson ?

Về tình hình tại chỗ, theo hãng tin Reuters, trong một video, một cố vấn của tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovich, hôm nay khẳng định quân Nga và quân Ukraine sẽ có một trận chiến dữ dội nhất tại thành phố Kherson ở miền nam. Quân Nga hiện đang chiếm một phần của vùng chiến lược Kherson, trong khi lực lượng Ukraine đang tiến về thành phố Kherson. 

Trong khi đó, sau 8 tháng chiến tranh, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại nhiều nơi, đặc biệt ở Bakhmut, thành phố của vùng Donetsk miền đông Ukraine, mà từ nhiều tháng qua, quân Nga vẫn cố đánh chiếm. Trên mạng Telegram, thống đốc vùng Pavlo Kurylenko hôm qua cho biết có ít nhất 7 thường dân đã thiệt mạng tại thành phố này. 

Thanh Phương

***********************

"Bom bẩn trong tay Ukraine" : Vũ khí tuyên truyền mới của Nga trong cuộc chiến

Trọng Nghĩa, RFI, 25/10/2022

Liên tiếp trong hai ngày 23-24/10/2022, Moskva rầm rộ tố cáo Ukraine là đang chế tạo một quả "bom bẩn", cho nổ ngay trên lãnh thổ của mình rồi đổ tội cho Nga. Kiev dĩ nhiên đã bác bỏ cáo buộc, mời quốc tế đến kiểm tra, trong lúc các nước phương Tây đồng loạt lên án Nga tung tin giả để viện cớ leo thang quân sự tại Ukraine.

bomban1

Tổng thống Vladimir Putin và bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu, tại diễn đàn Công nghệ quân sự quốc tế tại Moskva, ngày 15/08/2022. AP

Bom bẩn là gì, nguy hại ra sao mà đã trở thành tâm điểm tranh cãi mới giữa Nga và Ukraine cùng với các đồng minh ?

Theo các chuyên gia phân tích, "bom bẩn" không phải là loại vũ khí có sức hủy diệt ghê gớm trên chiến trường, nhưng lại có khả năng uy hiếp tinh thần cực lớn.

Trong bài phân tích công bố ngày 24/10, hãng tin Pháp AFP giải thích: "Bom bẩn" - còn được gọi là "thiết bị phân tán phóng xạ" - không phải là bom hạt nhân mà chỉ là một loại bom thông thường, bên trong có chứa một hoặc nhiều sản phẩm độc hại về mặt hóa học hay sinh học, sẽ bị phát tán ra không khí dưới dạng bụi khi bom nổ.

"Vũ khí gây rối loạn hàng loạt"

Cách thức chế tạo một quả bom bẩn không mấy phức tạp vì các nguyên liệu cần thiết vẫn thường được sử dụng trong các bệnh viện, cơ sở nghiên cứu, các cơ sở công nghiệp dân sự hoặc quân sự.

Mục đích chính của việc sử dụng loại bom này là gây ô nhiễm trong một khu vực địa lý, khiến cho những người có mặt tại chỗ bị nhiễm phóng xạ trực tiếp hay sau đó do hít phải bụi hoặc ăn phải các chất nhiễm xạ. Và chính điều này khiến cho bom bẩn trở nên đáng sợ.

Theo AFP, Ủy Ban An toàn Hạt Nhân Hoa Kỳ đã tóm tắt đặc điểm của loại vũ khí này như sau : "Một quả bom bẩn không phải là 'vũ khí hủy diệt hàng loạt' mà là 'vũ khí gây rối loạn hàng loạt' nhằm mục đích chủ yếu là gây ô nhiễm và gây sợ hãi".

Trả lời nhật báo Anh The Financial Times ngày 24/10, ông Pavel Podvig, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị của Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Genève (Thụy Sĩ), cũng cho rằng bom bẩn không mấy ích lợi trên chiến trường.

Theo ông Podvig : "Loại bom đó có lẽ là cách kém hiệu quả nhất để phân tán những vật liệu này ra xung quanh" vì phạm vi ô nhiễm chỉ giới hạn trong một đường kính vài chục mét mà thôi.

Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này: "Ngay cả khi bom nổ, dù nhiễm phóng xạ không phải là điều tốt, nhưng không phải ai cũng bị ngay một liều lượng có thể dẫn đến nguy hiểm ngay lập tức, chưa kể đến khả năng tử vong".

Cả một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ

Dẫu sao thì Nga đã bất ngờ khởi động cả một chiến dịch tuyên truyền, rầm rộ tung ra những lời cáo buộc Ukraine là có âm mưu chế tạo và cho nổ một quả bom bẩn để rồi sau đó vu oan cho Moskva.

Một hôm sau khi chính bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu nêu lên với các đồng nhiệm Mỹ, Anh, Pháp, và Thổ Nhĩ Kỳ các "mối quan ngại" về "các hành động khiêu khích có thể xảy ra từ phía Ukraine với việc sử dụng 'bom bẩn'", ngày 24/10, đến lượt tướng Igor Kirillov, phụ trách các chất phóng xạ, hóa chất và sản phẩm sinh học của quân đội Nga vạch trần âm mưu được gán cho Ukraine.

Bản thông báo được AFP trích dẫn nêu rõ: "Theo thông tin chúng tôi có được, hai tổ chức của Ukraine đã có chỉ thị cụ thể để chế tạo cái gọi là "bom bẩn". Công việc của họ đã bước vào giai đoạn cuối cùng". Theo nhân vật này, chính quyền Ukraine có thể là đã sử dụng đến "các chất phóng xạ từ các cơ sở lưu trữ nhiên liệu hạt nhân trong nhà máy điện nguyên tử Chernobyl".

Theo ông, "mục đích của hành động khiêu khích này là cáo buộc Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Ukraine và qua đó phát động một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ trên thế giới".

Cùng ngày, tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nga tướng Valery Gerasimov cũng nhắc lại cáo buộc trong các cuộc thảo luận với các đồng nhiệm Anh và Mỹ, trong lúc ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết sẽ đưa các cáo buộc về bom bẩn Ukraine lên Liên Hiệp Quốc

Ukraine và phương Tây phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ

Các cáo buộc của Nga đã lập tức bị Ukraine và các đồng minh phương Tây nhanh chóng bác bỏ, xem đấy là những điều bịa đặt vô lý, chỉ nhằm mục tiêu gây thêm căng thẳng.

Đối với ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba, "những lời bịa đặt của Nga về việc Ukraine chuẩn bị sử dụng 'bom bẩn' vừa vô lý, vừa nguy hiểm". Ông đồng thời cho biết là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã chấp nhận lời mời cử chuyên gia khẩn cấp đến thanh tra các cơ sở của Ukraine bị Nga cho là đang phát triển bom bẩn.

Về phần mình, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không ngần ngại tố cáo ngược lại "Nếu Nga nói rằng Ukraine đang chuẩn bị một cái gì đó, điều đó chỉ có nghĩa là Nga đã chuẩn bị tất cả những điều đó".

Tương tự như Ukraine, một số quốc gia phương Tây coi những cáo buộc này là một mưu toan tạo cớ để quân đội Nga leo thang chiến sự, thậm chí dùng đến bom bẩn tại Ukraine.

Trong một tuyên bố chung công bố vào sáng sớm hôm qua, 24/10, ngoại trưởng ba nước Pháp, Anh và Mỹ đã bác bỏ "những cáo buộc rõ ràng là sai lạc của Nga theo đó Ukraine đang chuẩn bị sử dụng một quả bom bẩn trên lãnh thổ của mình". Theo bản tuyên bố: "Không ai bị lừa trước nỗ lực sử dụng cáo buộc đó như một cái cớ để leo thang".

Lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg cũng bày tỏ thái đô quan ngại của mình trên mạng Twitter sau khi nói chuyện với các bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ và Ben Wallace của Anh.

Liệu Nga có dám dùng bom bẩn ?

Theo nhật báo Anh The Financial Times, dù phản ứng của phương Tây là điều thường thấy từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến xâm lược Ukraine, nhưng những tuyên bố hôm thứ Hai (24/10) có sức nặng lớn hơn do sự phối hợp diễn ra nhanh chóng, ngay vào ban đêm giữa ba cường quốc có vũ khí hạt nhân trong khối NATO.

Đối với nhật báo Anh, phản ứng nhanh chóng này bắt nguồn từ mối lo ngại ngày càng tăng trước những lời đe dọa hạt nhân gần đây do tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra sau những thất bại quân sự của Moskva trên chiến trường Ukraine.

Tuy nhiên, AFP nhắc lại rằng một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ xin giấu tên vào hôm qua vẫn xác định rằng Washington "vẫn không thấy dấu hiệu nào" về việc Nga đã quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học. Khi được hỏi liệu điều này có bao gồm quyết định sử dụng "bom bẩn" hay không, quan chức này trả lời "có".

Trọng Nghĩa

************************

AIEA chấp thuận thanh sát hai địa điểm ở Ukraine sau những cáo buộc có "bom bẩn"

Minh Anh, RFI, 25/10/2022

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), hôm 24/10/2022, cho biết trong những ngày tới sẽ gởi chuyên gia đến thanh tra hai nơi tại Ukraine, theo như đề nghị của chính quyền Kiev. Trong khi Nga tuyên bố sẽ đưa vụ bom bẩn ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. 

bomban2

Phái đoàn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA sau khi thanh tra, rời nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, ở Enerhodar, đông nam Ukraine, ngày 01/09/2022. AP

Trong thông cáo ngắn được Reuters dẫn lại, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế khẳng định "đã biết các tuyên bố do Liên Bang Nga đưa ra, liên quan đến các hoạt động được cho là đáng ngờ tại hai địa điểm hạt nhân của Ukraine." AIEA nhắc lại, hai điểm này đã từng được thanh tra, "thậm chí, một trong hai điểm đã được thanh tra cách nay một tháng". Cơ quan này khẳng định sẽ gởi các chuyên gia đến trong những ngày sắp tới. 

Hãng tin Anh nhắc lại, trong hai ngày Chủ Nhật 23/10 và thứ Hai 24/10/2022, bộ trưởng quốc phòng Nga liên tiếp có các cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ và châu Âu, bày tỏ mối nghi ngờ Ukraine chuẩn bị một cuộc tấn công bằng "bom bẩn". Kiev đã bác bỏ cáo buộc này và tố ngược lại rằng chính Moskva mới đang tìm cách sử dụng vũ khí có chứa các phế liệu phóng xạ, để rồi sau đó tố cáo Ukraine. 

Trong một thư ngỏ gởi đến tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và Hội Đồng Bảo An, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassili Nebenzia xem việc "chế độ Kiev sử dụng bom bẩn như là một hành vi khủng bố hạt nhân". Đại diện ngoại giao Nga "hối thúc" các nước phương Tây "sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Ukraine buộc nước này từ bỏ những kế hoạch nguy hiểm đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế." Đại sứ Nga còn kêu gọi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc "làm tất cả những gì có thể trong quyền hạn của ông nhằm ngăn chặn tội ác bỉ ổi này xảy ra". 

Theo những nguồn tin ngoại giao mà Reuters có được, Nga đã thông báo cho nhiều thành viên khác trong Hội Đồng Bảo An rằng Moskva sẽ đề cập đến vấn đề này trong một phiên họp kín vào ngày 25/10.

Minh Anh

*************************

Ukraine : Đập thủy điện Kakhovka, vũ khí hủy diệt hàng loạt "thật sự" của Nga ?

Minh Anh, RFI, 25/10/2022

Thứ Năm ngày 20/10/2022, trong buổi phát biểu truyền hình thường nhật, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tố cáo Nga đã cho gài mìn đập thủy điện Kakhovka trong vùng Kherson, miền nam Ukraine, hiện do Nga kiểm soát. Moskva bác bỏ và cáo buộc trở lại là Kiev có âm mưu phá hoại cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược cao. Liệu "thảm họa nhân đạo quy mô lớn" có khả năng xảy ra, hay chỉ là một "cuộc chiến thông tin" giữa hai phe ?

bomban3

Lính Nga tuần tra tại nhà máy thủy điện Kakhovka ở Kherson. Ảnh chụp ngày 20/05/2022. © AFP/Olga Maltseva

Là một mục tiêu chiến lược đối với Nga, đập thủy điện Kakhovka, được xây dựng vào những năm 1950, dài hơn 3.000 mét, đã rơi vào tay Nga ngay ngày đầu cuộc chiến 24/02/2022. Con đập to lớn này là nguồn cung cấp nước ngọt duy nhất cho Crimea, bán đảo bị sáp nhập vào Nga năm 2014. Đây cũng là nguồn thủy lợi tưới tiêu cho những vùng hạ lưu ở Biển Đen, điều chỉnh dòng chảy sông Dniepr, và nhất là cho phép duy trì nhiệt độ các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia.

Khi tố cáo Nga gài mìn đập thủy điện, tổng thống Ukraine gióng chuông báo động, xem đấy có thể là một "thảm họa quy mô lớn". Trên thực tế, Kiev có lý do phải lo sợ. Việc đập thủy điện bị nổ sẽ phá hủy hồ chứa nước nhân tạo dài 240 km, rộng đến 23 km và như vậy sẽ gây ra một kiểu sóng thần nhỏ, nhấn chìm một phần lớn làng mạc, thành phố ở miền nam Ukraine, và làm cho hàng ngàn người chết. Việc phá hủy đập thủy điện cũng sẽ tác động nặng nề đến khả năng làm nguội các lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia.

Kiev tố cáo mưu đồ này của Nga là một phần trong "kế hoạch Surovikin", tên của tướng Serguei Surovikin vừa được bổ nhiệm chỉ huy các hoạt động quân sự trên chiến trường Ukraine, bao gồm, xin trích, "cài mìn đập thủy điện và các trạm biến thế, tiến hành di dân cưỡng bức và nhấn chìm lãnh thổ Ukraine nhằm chặn đà tiến của quân đội Ukraine". Vào lúc Nga đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường, việc cho nổ đập thủy điện sẽ là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, một phương cách để tổng thống Nga Vladimir Putin đảo ngược tình thế, chặn đà phản công của quân đội Ukraine.

Đương nhiên, phía Nga đã bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời tố ngược lại rằng đã nhận được nhiều thông tin về việc các lực lượng Ukraine đang chuẩn bị tấn công ồ ạt, rất có thể là bằng tên lửa Himars do Mỹ cung cấp nhắm vào đập thủy điện Kakhovka.

Cuộc chiến thông tin ?

Tuy nhiên, theo đài truyền hình Pháp France 24, dường như cả hai phe đang lao vào một cuộc chiến thông tin. Lãnh đạo cơ quan tình báo Ukraine, hôm qua, đã giảm nhẹ các phát biểu của tổng thống Ukraine khi thừa nhận rằng nếu con đập này bị nổ, đà tiến quân của Ukraine cũng chỉ "bị chậm lại có hai tuần". Nếu như ông nghi ngờ đập Kakhovka bị cài mìn "một phần", thì việc cho nổ tung cả con đập cũng không phải là điều dễ vì phải "cần đến hàng tấn chất nổ". Một chiến dịch như vậy, đương nhiên sẽ gây ra thảm họa môi trường mà Nga cũng phải trả giá, theo đó, "cả vùng tả ngạn Kherson do Nga chiếm đóng sẽ bị nhấn chìm".

Theo phân tích của France 24, những cáo buộc này giữa hai phe dường như là "khó tin". Một mặt, Ukraine không đủ khả năng và phương tiện để cho phá nổ đập thủy điện, do việc các lực lượng Ukraine về mặt hình thức, "không thể tiếp cận để cài mìn", và "tên lửa Himars cũng không thể phá sập được cả một khối bê-tông đồ sộ".

Mặt khác, nếu Nga phá đập sẽ là một hành động tự sát. Một phần lớn các lực lượng của Nga vẫn còn bên phía hữu ngạn, nếu đập bị phá, quân đội Nga cũng không thể băng sông, gây nguy hiểm cho việc tiếp tế nước ở Crimea, cũng như làm phức tạp thêm quy trình làm nguội các lò phản ứng ở Zaporijjia.

Tóm lại, theo kết luận của France 24, dường như "cả hai bên đang lao vào một cuộc chiến truyền thông, cáo buộc lẫn nhau những điều viển vông". 

Minh Anh

*************************

Phương Tây bác bỏ cáo buộc của Nga về việc Kiev sử dụng "bom bẩn" ở Ukraine

Thanh Phương, RFI, 24/10/2022

Hôm 24/10/2022, ba nước Pháp, Anh và Hoa Kỳ đã bác bỏ cáo buộc của Nga rằng chính quyền Kiev đang chuẩn bị sử dụng một "bom bẩn" ngay trên lãnh thổ Ukraine. "Bom bẩn" là loại bom sử dụng chất nổ thông thường để rải chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn.

bomban4

Lính Ukraine bắn lựu pháo M777 về hướng quân đội Nga ở khu vực Donetsk, Ukraine ngày 23/10/2022. © AP - LIBKO

Trong một thông cáo chung, ngoại trưởng của ba nước phương Tây khẳng định : " Sẽ không ai bị lừa gạt về một mưu toan sử dụng cáo buộc này để lấy cớ làm xung đột leo thang". 

Tối qua, trên mạng xã hội, ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba cho rằng cáo buộc của Nga về việc Kiev sẽ sử dụng "bom bẩn" là những cáo buộc "vừa vô lý vừa nguy hiểm". Về phần tổng thống Volodymyr Zelensky, ông tuyên bố : "Nếu Nga nói Ukraine đang chuẩn bị làm việc gì, thì điều này chỉ có nghĩa là Nga đã chuẩn bị làm việc đó".

Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đưa ra cáo buộc nói trên trong các cuộc điện đàm với những đồng nhiệm phương Tây hôm qua. Từ Moskva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình : 

"Ông Sergei Shoigu tuyên bố rất quan ngại. Trong các cuộc điện đàm với các đồng nhiệm phương Tây, bộ trưởng quốc phòng Nga chỉ trích phương Tây chỉ lên án Moskva mà không để ý gì đến những hành động khiêu khích của Kiev.

Để làm nổi rõ tính chất trầm trọng của tình hình, bộ trưởng Nga còn cảnh báo về nguy cơ chính quyền Ukraine sử dụng đến bom bẩn, bên cạnh việc liên tục kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí.

Các nguồn tin mà các hãng thông tấn Nga cho là đáng tin cậy cho biết là Kiev có thể cho nổ một quả bom bẩn trên lãnh thổ Ukraine để cáo buộc Moskva dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong chiến dịch quân sự của họ. 

Đó là những thông tin không thể kiểm chứng được, nhưng cho thấy là các cỗ máy tuyên truyền của điện Kremlin đang chạy hết công suất vào lúc lực lượng Nga phải di tản thường dân khỏi Kherson, một thành phố mà chắc chắn sẽ là nơi diễn ra các trận giao tranh ác liệt".

Nga lập lực lượng dân quân ở Kherson

Theo hãng tin Reuters, chính quyền do Moskva lập nên ở vùng Kherson của Ukraine hôm nay vừa thông báo thành lập một lực lượng dân quân địa phương. Trong một thông cáo đăng trên mạng Telegram, họ cho biết những người đàn ông chọn ở lại Kherson đều có thể tham gia các đơn vị của lực lượng dân quân này. Nhưng những thường dân tại những vùng Ukraine bị chiếm đóng khác đều đã bị buộc phải nhập ngũ và chiến đấu bên cạnh quân đội Nga. 

Vào tuần trước, tổng thống Vladimir Putin đã ban hành thiết quân luật tại những vùng Ukraine bị chiếm đóng, để các chính quyền do Moskva lập nên có thể đẩy nhanh việc động viên. 

Hãng tin Reuters nhắc lại việc bắt buộc thường dân phục vụ trong quân đội của nước chiếm đóng bị xem là một hành động vi phạm Công ước Genève về cách hành xử trong chiến tranh. 

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Trọng Nghĩa, Thanh Phương
Read 409 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)