Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/10/2022

Chuyện "không" tử tế !

Phan Nhật Nam

Dẫn nhập : Trong những tháng qua của năm 2022 nầy, trên các diễn đàn chính trị, văn hóa, xã hội của những nhóm Người Việt Hải Ngoại, hệ thống Đài VOA (Tiếng nói chính thức của Bộ Ngoại Giao Mỹ) phổ biến những bài viết :

1. của Luật sư Cù Huy Hà Vũ phản biện công trình nghiên cứu của tác giả Phạm Cao Dương, giáo sư sử học Đại học Sư Phạm Sài Gòn trước 1975, và UC Berkeley, một số trường ở Mỹ sau 1975 qua cuốn "Bảo Đại – Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam", Nhà xuất bản Truyền Thống Việt, Nam CA, 2017. Và

2. Bài phỏng vấn có nhan đề : "Cái cảm giác đè nặng bên trong tôi là vô vọng về Dân Tộc", Báo Đại Đoàn Kết của nhóm Việt kiều (thân cộng sản Hà Nội) ở Pháp.

Nhận thấy đây không chỉ ý kiến riêng của những cá nhân tên gọi Cù Huy Hà Vũ, Trần Văn Thủy, nhưng là quan điểm được sự đồng thuận từ một số người Việt trong, ngoài nước, bao gồm giới cầm quyền ở Hà Nội, nơi WAS DC (Washington D.C., chú thích của Ban Biên Tập) với một mức độ, điều kiện nào đấy. Cụ thể với Trần Văn Thủy, được số đông người trong nước (kể cả hải ngoại, nơi Bolsa, Nam Cali) đánh giá là "người tử tế" qua những bộ phim đã làm trước đây : "Chuyện Tử Tế, Hà Nội trong mắt ai". Do hạn chế của trang báo, bài viết nầy chỉ đề cập trước Đạo Diễn Trần Văn Thủy, bài về Cù Huy Hà Vũ sẽ viết sau khi có điều kiện.

chuyentute2

Ông Trần Văn Thủy - Ảnh minh họa

I. Cảm giác gì ? Cảm giác "không thật" từ đâu ? Với ai ?

Không phải năm nay, 2022, lần đầu tiên, Trần Văn Thủy mới nói về thành phần Tỵ nạn cộng sản (ra đi từ Miền Nam sau 30/4/1975) bên trong lòng…".

Trần Văn Thủy đã phát biểu một lần, chính thức, công khai qua sự kiện sau đây. Trần Văn Thủy đã có mặt tại Mỹ từ hơn 20 năm nay trong một Kế hoạch lớn – Tiếp cận, lôi kéo thành phần gọi là "văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, trí thức, giới truyền thông hải ngoại…" về trong nước/nhà nước Hà Nội – Quá trình vận động nầy không cần (những đối tượng của Miền Nam/Việt Nam Cộng Hòa) phải công khai tích cực tham gia mà chỉ cốt "Vô hiệu hóa" năng lực/khả năng/ý thức chống cộng". Kết quả cụ thể đã cho thấy : Phạm Duy, Du Tử Lê, Vũ Thành An, Khánh Ly… lần lượt "trở về với quê hương, đồng bào" trong thời gian vừa qua, cũng như một số tác phẩm của những người viết gốc Miền Nam trước 1975 được in lại trong nước. Bài viết không có chủ đích phê phán đúng/sai tư cách, hành vi cá nhân những người đã là Công dân Việt Nam Cộng Hòa, nhưng cần tập trung nói về tác động sâu xa của "Nghị quyết 36". Chuyện của Trần Văn Thủy chỉ là một ví dụ cụ thể, điễn hình cần nhắc đến, chứ cũng không là "phê phán" riêng về nhân sự nầy. Không phải mục tiêu lá thư nầy.

Trần Văn Thủy được đánh giá là "đạo diễn phim tài liệu số một ở Việt Nam", sinh năm 1940 tại Nam Định. Năm 1972, Trần Văn Thủy sang Liên Xô, theo học lớp đạo diễn điện ảnh tại Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô (VGIK), Mạc Tư Khoa. Năm 1977, trở về nước, làm việc tại hãng phim Tài Liệu Trung Ương. Đạo diễn Thủy đã thực hiện trên 20 bộ phim. "Hà Nội Trong Mắt Ai, Chuyện Tử Tế" là những bộ phim được phổ biến rộng rãi trong nước, ngoài nước biết tới. Trần Văn Thủy được trao tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" vào năm 2001. Với quá trình, thành tích vừa kể ra, thực tế Trần Văn Thủy là một "cán bộ cao cấp" của ngành điện ảnh – Danh xưng "đạo diễn" chỉ cho biết thêm về nghiệp vụ của Trần Văn Thủy. "Đạo Diễn Trần Văn Thủy" không là/không hề là một "Nghệ sĩ" của ngành điện ảnh như những Federico Fellini của Ý ; Roger Vadim của Pháp, John Ford của Mỹ, Trương Nghệ Mưu của Trung Hoa, v.v. cho dù được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. "Nhân Dân" theo định nghĩa của Bộ Chính trị Đảng cộng sản tại Hà Nội trong cấu trúc : "Đảng lãnh đạo - Nhân dân làm chủ - Nhà nước quản lý". Thứ "Nhân dân" cùng khốn mà chính bản thân Thủy cũng chỉ mong được trở nên "Người Tử Tế" – một giới người hầu như đã dần triệt tiêu từ sau 2/9/1945, 20/7/1954 ở Miền Bắc và nay, 47 năm sau 30/4/1975 hầu như (cũng) đã dần biến dạng khắp cả nước. Phải chăng điều nầy đã khiến Trần Văn Thủy phải thú nhận về "Cái cảm giác vô vọng bên trong lòng…". Nói vậy chứ không phải vậy, từ sâu xa, kín đáo Trần Văn Thủy muốn nói về một loại "dân" khác – dân Ngụy quân - Ngụy quyền". Bài viết tiếp chứng minh từ, với chữ nghĩa, lời nói, việc làm của "cán bộ cộng sản Trần Văn Thủy".

II. Nếu đi hết biển thì đến đâu ?

"Nếu Đi Hết Biển" sách dày 196 trang, gồm một số bài phỏng vấn do "Nhà văn" Trần văn Thủy thực hiện, Nhà xuất bản "Thời Văn" ấn hành tại Mỹ, tháng 12/2003. "Nhà văn Trần Văn Thủy" đến Mỹ do lời mời của Trung tâm William Joiner, theo "Chương trình nghiên cứu của Đại học Massachusetts Boston". Về tên sách "Nếu Đi Hết Biển", Thủy khề khà giải thích : "Ngày xưa còn bé, nhỏ Thủy có bà vú nuôi rất thân thương. Bà vú không biết chữ, nhưng do nghe kể mà biết được nhiều chuyện. Một hôm, nhỏ Thủy hỏi bà vú : Từ làng nếu cứ đi, đi mãi, qua hết làng nầy, làng khác thì sẽ đi đến đâu ? Bà vú trả lời : Sẽ đi đến biển. Nhỏ Thủy lại hỏi : Đi hết biển thì đến đâu ? Bà vú trả lời : Đi hết biển thì đến đâu bà không biết !". Lớn lên, "Cán bộ cộng sản/Đạo diễn Thủy" tìm ra câu trả lời : "Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình". Nhưng Thủy không nói rõ thêm : toàn thể "Làng Việt Nam" đã bị phá hủy bởi "Cải Cách Ruộng Đất 1953-1956" tại Miền Bắc ; và sau năm 1975 thì phá tiếp tan hoang khắp cả nước. Lạ thật ! "Phá" chính bởi tay ta – "Cái cảm giác vô vọng (cũng) trong lòng ta" – Thế là thế nào ?

Sinh năm 1940, qua Thế kỷ 21, Trần Văn Thủy đã vào tuổi 80, số tuổi đã phải "tri thiên mệnh", hẳn không thể nói những lời quấy quá, lại nói ở Mỹ nhắm tới một thành phần người Việt không chịu nghe "Chuyện Tử Tế". Thành phần người Việt đã "đi hết biển" mà không chịu "trở về làng/Làng Việt Nam của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa có thủ đô ở Hà Nội". Nhưng cán bộ Thủy không nản lòng, ông nắm chắc lý luận : "Cứ đi mãi sẽ trở về chỗ bắt đầu" để nhắn nhủ một cách (giả vờ) kín đáo : Những người Việt bỏ nước ra đi, đi mãi rồi cũng sẽ trở về. Cán bộ ta tìm đồng minh trong đám người Việt tỵ nạn cộng sản, lẽ tất nhiên thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Những người được Trần Văn Thủy phỏng vấn, và đưa vào trong Nếu Đi Hết Biển gồm có : Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nhật Tiến, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Trương Vũ, Wayne Karlin, Tuyết và Chris. Đây là những người được Kewin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner Đại học Massachusetts Boston, đánh giá là : "Những nhà văn, những nhà tư tưởng người Việt sâu sắc đáng kính (The esteemed and profound of Vietnamese thinkers and writers…"), với những tiếng nói đa dạng và phong phú". Một số lớn những người kể ra trên, nay (2022) đã mất từ những năm trước ; cũng do hạn chế của trang báo, bài viết chỉ nhắc lại phần trả lời (điển hình) của Hoàng Khởi Phong, một người "đã đi hết biển" và nay đã thực trở về "làng Việt Nam" theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Trong "Nếu Đi Hết Biển", cán bộ Thủy đã hỏi Hoàng Khởi Phong : "…Người Việt xa xưa có một quá trình, một lịch sử lưu vong nào không ?". Và Hoàng Khởi Phong trả lời rất đúng bài bản : "Nước Việt của ông và tôi có ba đợt lưu vong chính. Đầu tiên là cánh tôn thất Nhà Lý (sau khi bị Nhà Trần cướp ngôi, thế kỷ 13 – Phan Nhật Nam). Trần Văn Thủy hỏi tiếp (như thi vấn đáp) : "Đợt lưu vong thứ hai là vào thời kỳ nào vậy ?" Hoàng Khởi Phong thưa : "Đợt lưu vong thứ hai là nhóm người Việt chạy trốn tổ quốc vì tín ngưỡng dưới thời Thiệu Trị khi nước Việt cấm đạo dữ dội (đầu thế kỷ 19 – Phan Nhật Nam). Và câu trả lời hay nhất (đang được mong đợi) đáng để đưa vào trong Nếu Đi Hết Biển : "Và sau cùng là đợt "chạy trốn tổ quốc" mới nhất từ năm 1975 tới bây giờ !". Câu trả lời "hay nhất", Úy viên tuyên huấn Bộ Chính trị nơi Hà Nội cũng không ngờ "cụm từ ngữ "chạy trốn tổ quốc theo giặc Mỹ" được dùng từ sau 30/4/1975 qua thế kỷ 21 vẫn còn hữu dụng. Chỉ tiếc Hoàng Khởi Phong không nói rõ hơn để được thêm điểm : Chính ông là người "chạy trốn trước hơn ai hết", trước cả khi Dương Văn Minh ra lệnh buông súng ! Hóa ra Hoàng Khởi Phong chuẩn bị cho lần "đi hết biển" từ trước mà người quen ở hải ngoại mấy ai hay ? Hoàng Khởi Phong không "về làng" một mình. Đợt "đi hết biển" của cán bộ Thủy quả tình đã được bội thu trong những năm qua : Phạm Duy, Du Tử Lê, Khánh Ly, Vũ Thành An... lần lượt "về làng" sau khi đi hết biển như cán bộ Thủy đã tiên đoán. Nhưng không chỉ có vậy. Cán bộ cộng sản/đạo diễn Trần Văn Thủy còn có công tác lâu dài quan trọng hơn.

III. "Đổi mới tức là trở lại một số những cái cũ !

Câu chuyện kể trên không phải riêng của Hoàng Khởi Phong và Trần Văn Thủy, Vì "hành động gọi là "chạy trốn tổ quốc" đã được thực hiện bởi triệu người Miền Nam, kể cả người Miền Bắc. Cuộc "chạy trốn" lớn nhất của nhân loại trên hành tinh quả đất. Nhưng "chạy trốn tổ quốc" là thế nào ?" khi con người đi ra khỏi đất nước bằng giá của mạng sống của chính mình. Những con trẻ sinh vào những năm 1960, vượt biên lúc lên 10 vì "không muốn sống/không thể sống với cộng sản" dẫu chẳng hề biết cộng sản là gì ? Tại sao vậy ? Thế nên, người Việt (Miền Nam chiếm phần lớn) không phải "chạy trốn tổ quốc" mà là PHẢI lìa bỏ tổ quốc. Chính là trường hợp của Hoàng Khởi Phong : ông là sĩ quan quân cảnh, coi trại tù phiến cộng ở Phú Quốc trước 1975 – ông có "nợ máu" với Việt Cộng. Chạy trốn Việt Cộng là bắt buộc ! Cuối cùng, vấn đề "chạy trốn" sau 1975 đến nay (qua thế kỷ 21) không còn đặt ra nữa, bởi thành phần gọi là "người cộng sản/cộng sản chính thống, cao cấp", những đảng viên trung ương, và hệ thống gia đình nội, ngoại, bao gồm sui gia hai họ tất cả đều có mặt đủ/rất đông nơi hải ngoại, ở Mỹ góp mặt với thành phần chạy trốn 47 năm trước ! Chúng ta bàn sự kiện này vì có liên quan đến "Cái cảm giác vô vọng trong lòng ta" của Thủy.

chuyentute1

Đạo diễn Trần Văn Thủy (bên phải) nhận giải thưởng lớn "Vì tình yêu Hà Nội"

Ngày 6/10/2022, Đạo diễn Trần Văn Thủy đoạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái (Họa sĩ hiện thực, 1920-1988-Pnn) với những bộ phim tài liệu "Hà Nội Trong Mắt Ai" và "Chuyện Tử Tế". Đây không phải là loại phim tài liệu tầm thường nhưng là "thông điệp sâu sắc" nhắn nhủ, dạy bảo : "Xã hội cần sự tử tế, tình người"… Không nói ra, ai cũng hiểu "cái xã hội (thiếu sự tử tế) là xã hội đã, đang theo cách "xã hội chủ nghĩa", thành hình từ 2/9/1945 được củng cố sau 20/7/1954, phát triển/phát triển tột độ ở Hà Nội, khắp cả nước sau 30/4/1975. Từ 1945, 1954, kéo dài qua những "đợt tiến công thần thánh", cuối cùng với "Đại thắng Mùa Xuân 1975", và tiếp đến hôm nay, 2022 có tới 47 năm "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vũng chắc lên chủ nghĩa xã hội" dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Nhưng tại sao vẫn không có "người tử tế" nơi Hà Nội ! Tại sao ?

Trong dịp liên hoan phim ở Đà Nẵng (5/2022), Trần Văn Thủy trả lời với một phóng viên người Úc : "Đổi mới tức là trở lại một số những cái cũ đã bị vùi dập hoặc bỏ quên". Và Thủy kể ra những "thành tích đổi mới mà Đảng, Nhà nước Hà Nội đã thực hiện : "Tư nhân thì được kinh doanh, bác sỹ thì được mở phòng mạch, thầy giáo đôi nơi thì được mở trường tư, in lại sách cũ, trình bày lại một số nhạc phẩm thời xưa, mở rộng một số chính sách về đối ngoại, cho một số được đi du học hoặc du lịch tự túc…" (chủ trương Đổi Mới được thực hiện từ sau Đại hội 6, 1986 -Phan Nhật Nam)là những việc bình thường trước 1975 tại Miền Nam hay ở Hà Nội trước 1954.

Từ 1986 đến nay gần 40 năm sau "đổi mới" thế nhưng tại sao bây giờ vẫn còn/có "Cái cảm giác vô vọng bên trong lòng…". Cuối cùng, trong cuộc phỏng vần gần nhất ở Đức (10/2022) mà báo Đại Đoàn Kết phổ biến, cán bộ cộng sản/đạo diễn Trần Văn Thủy giải thích "thật lòng" : Khi còn ở trong nước, tôi cứ nghĩ các khuyết tật mà xã hội Việt Nam có, thí dụ quan liêu, cửa quyền, bắt người khác giống mình, áp đặt ý kiến, là do cơ chế của một thứ "Chủ Nghĩa Xã Hội". Sau này ra ngoài, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nhất là những báo chí của phe chống cộng đủ thứ, tôi thấy không ít chuyện kinh hoàng. Ai mà không giống mình thì dằn mặt, đánh hoặc bắn. Nếu như đó là bệnh của một chế độ chính trị thì có thể sửa được. Nhưng nếu đó là những khuyết tật của dân tộc thì thật là điều đau đớn vô cùng.

Kết từ

Tổ quốc Việt Nam quả thật phải gánh chịu vô vàn đau đớn, nguy nan từ chính Dân tộc Việt : Từ "chạy trốn tổ quốc" sau 1975 đến hôm nay, sau gần 40 năm "đổi mới" vẫn còn mang nặng khuyết tật : "Ai mà không giống mình thì dằn mặt, đánh hoặc bắn"… Khuyết tật không thể sửa sai của những phe phái, báo chí "chống cộng nơi hải ngoại" dẫu "nhà nước ta đã "đổi mới" triệt để từ 1986, hiện thực qua Nghị quyết 36, được ban hành và thực hiện từ 2004. Trong buổi ra mắt bộ phim "Hà Nội Trong Mắt Ai" và "Chuyện Tử Tế" tại Hà Nội cuối năm 1987, một nhà báo người Pháp có nhận xét : "Công bằng mà nói : nhân dân nào, chính phủ nấy". Các ông (loại "không tử tế" ở Hà Nội – Phan Nhật Nam) rất xứng đáng với chính phủ của các ông !".

Tôi trả tất cả những gì của Hà Nội lại cho "Cán bộ cộng sản Thủy – Đạo diễn Trần Văn Thủy".

Cali, 26/10/2022,

Quốc khánh Đệ Nhất Cộng Hòa – 26/10/1955

Phan Nhật Nam

Người lính Việt Nam Cộng Hòa

Nguồn : VNTB, 27/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Nhật Nam
Read 365 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)